TTCT - Bộ sưu tập sách của người thân đã khuất - dù chỉ là kệ nhỏ hay kho đồ sộ - có thể là một di sản tuyệt vời, một thế lưỡng nan giữ-hay-bỏ, hoặc cả hai, với những người thừa hưởng chúng. Kệ sách, tranh sơn dầu khoảng năm 1725 của Giuseppe Maria Crespi (1665–1747). Ảnh: WikimediaAi hay lục tìm quá khứ ở các tiệm sách cũ, chắc sẽ đôi lần bắt gặp lời đề từ, ký tặng hay tâm tư ở bìa phụ của cuốn sách đã ố vàng. Đó có thể là một trong những kho tàng của ai đó, đã được người thân bán/cho đi vì không biết làm gì với chúng. Bỏ thì thương mà vương thì… không đủ sức.Kệ sách là chân dung người đọcKhi đứng trước những kệ sách áp tường đầy ắp của người cha vừa qua đời, luật sư kiêm tiểu thuyết gia Michael O'Donnell mới nghiệm ra một điều: các kệ sách, dẫu được sắp xếp ngăn nắp hay bừa bộn, bụi bặm hay sạch sẽ, mới hay cũ, đều phác họa chân dung cuộc sống của người đọc chúng. "Ở đây tập hợp những sở thích, sự trốn chạy, tham vọng và ước mơ của một người" - ông viết trên The Wall Street Journal cuối năm 2023.Có những cuốn chủ nhân chỉ nhìn thoáng qua gáy sách, nhiều cuốn mất hàng chục năm mới đọc xong, một số được đọc đi đọc lại vài lần. Nếu xem sách như những con người ta gặp trong đời thì thoáng nét tương đồng. Có người chỉ gặp qua - bạn xã hội ấy mà, có người ta phải mất cả đời để hiểu họ - chưa chắc đã hiểu tận tường, có người ta quý mến đến độ buồn vui gì cũng muốn sẻ san.Nhà báo Jonathan Sale, cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo Anh, nhớ lại những ký ức sâu sắc, sống động và có chút "bực bội" về người cha đã mất gần 20 năm của mình khi ông phải chuyển nhà và tha lôi theo "di sản" chữ nghĩa của ông: 1.000 cuốn sách, mỗi cuốn khoảng 100.000 từ.Sách của ông Arthur Sale quá cố có nhiều cuốn là hàng cổ in từ 1871, hoặc bản sao của một vở kịch cũ từ nửa thiên niên kỷ trước. Cũng như thư viện của ông O'Donnell đã khuất, kệ sách của ông Arthur có nhiều quyển được yêu thích, đọc kỹ và sửa lỗi in bằng bút chì rất gọn gàng, nhưng cũng có những quyển còn nguyên trang lỗi giấy chưa được cắt ra, nghĩa là chưa từng được đụng đến.O'Donnell kể, khoảng hai tuần sau ngày cha mất, ông đã cố để cân bằng lại cuộc sống của mình, nhưng kệ sách của cha lại trở thành một gánh nặng đè lên tim ông. Sách của người đã khuất cũng như quần áo, mắt kính, đồng hồ, đều kéo dài sự hiện diện của người đó trong tâm thức người ở lại. Khi lướt qua những cuốn sách trên kệ, O'Donnell đã thấy lại những đam mê xưa xửa xừa xưa của mình, nhờ vào thói quen của cha ông là biến sở thích của các thành viên trong gia đình thành sở thích của chính ông. Cuốn sách cha đã đọc khi O'Donnell có bài báo dài đầu tiên được đăng trên tạp chí, cuốn sách về thế giới bí ẩn của thư ký thẩm phán tòa án tối cao đã thúc đẩy O'Donnell săn tìm vị trí thư ký sau khi học xong trường luật, được đặt cạnh nhau. Bản thân luật sư O'Donnell chẳng nhớ nổi mình giới thiệu những quyển sách này cho cha hay ngược lại. Chỉ biết rằng chúng đã đưa cha con họ lại gần với nhau.Bức The Old Bookcase (Kệ sách cũ) của họa sĩ Áo Friedrich Frotzel (1898-1971)Nhà văn kiêm chuyên gia quan hệ công chúng Malka Margolies còn có tài sản thừa kế "kếch xù" hơn với 7.000 cuốn sách bằng 8 ngôn ngữ của cha mình, với đủ mọi thể loại từ văn học cổ và hiện đại, tôn giáo, lịch sử và nhiều thể loại khác, có cuốn đã hơn 170 năm tuổi. Bà luôn tự hỏi sao Abba (cách bà gọi cha) có đủ thời gian để đọc nhiều như vậy khi vừa làm việc bảy ngày một tuần, vừa phục vụ giáo đoàn gồm 1.600 gia đình.Viết trên tạp chí Tablet, bà Margolies cho hay mình đã kết nối lại với Abba - người đã truyền kiến thức, tình yêu và sự khôn ngoan cho bà trong suốt cuộc đời - thông qua sách của ông. Ngày ông 90 tuổi và không thể đụng đến bộ sưu tập cả đời của mình, bà Margolies đã điên cuồng đọc càng nhiều sách của ông càng tốt khi bà có thời gian. Với đôi găng tay nhựa, bà lục tung từng thùng sách, lật từng cuốn để được quay ngược thời gian trở về với thư viện của Abba, tưởng tượng ông đang ngồi trên chiếc ghế bành ở bàn làm việc hoặc nằm dài trên ghế sofa. Thời gian có trôi không ở những khoảnh khắc ấy, nơi hiện tại và quá khứ gặp nhau trên những trang sách?Thế lưỡng nan với những viên ngọc ẩnVới những người có niềm đam mê và yêu thích khác ngoài sách, những thùng sách do người thân đã khuất để lại chỉ có thể tính bằng ký lô. Nhưng với những người khác, chúng là kỷ vật biết kể chuyện.Jonathan Sale từng rất đau lòng vì sinh thời, cha đã dành rất nhiều thời gian để viết và gửi thư cho mọi người, từ bạn bè đến đứa cháu nội 7 tuổi (tức con gái ông) mà không viết cho ông dòng nào. Nhưng kệ sách đã lưu giữ giùm ông - một hôm tình cờ Jonathan đã tìm thấy tập thư cha gửi cho khi ông còn nhỏ. "Lá thư này đại diện cho món đồ thú vị nhất, quý giá nhất, là một tờ giấy gọn gàng dễ lưu trữ nhất trong tất cả những gì tôi được thừa kế từ cha" - Jonathan viết trên tờ The Guardian.Tương tự, Kathryn Schulz, biên tập viên của The New Yorker, kể nằm nghiêng giữa những cuốn sách mà bà được hưởng sau khi cha mất là vô vàn thứ quý giá: "Tâm trí cởi mở, tràn đầy năng lượng của cha tôi; những thỏa hiệp hài hước, cần thiết, hào phóng trong cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi; nguồn gốc nghề nghiệp của riêng tôi".Nói đi thì phải nói lại, sách không phải quyển nào cũng mang nhiều ý nghĩa với người được thừa hưởng. O'Donnell thừa nhận cha ông là một giáo sư và hầu như chỉ đem sách về chứ rất ít khi vứt đi. Sẽ thật phi thực tế nếu giữ tất cả sách của ông bên mình mãi mãi. Nhiều tựa sách của cha chính O'Donnell cũng đã có ở nhà, vì vậy ông chọn cho mình cách để buông "kho tàng đồ sộ của cha" là lọc ra những cuốn không trùng lặp với tủ sách hiện có. Cuối cùng, O'Donnell chỉ mang theo vài cuốn, còn lại sẽ được mẹ ông tặng ai đó khi bà thấy phù hợp. Tiểu thuyết gia nghiệm ra rằng những cuốn sách không thật sự là tài sản mà cha của ông để lại; người khác sẽ đọc chúng. Phần ông sẽ mang theo di sản đọc sách của cha dành cho mình cùng sự tôn kính với sách in, vẻ đẹp và kiến thức mà nó lưu giữ cho đời.La bibliothèque (Thư viện). Tranh sơn dầu năm 1915 của Félix Vallotton (1865–1925). Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật CantonalĐộc giả Cynthia Evarts Ziegler chia sẻ trên The Wall Street Journal rằng bà đã sợ cảm giác sẽ muốn giữ lại toàn bộ 150 thùng sách của cha bà - một nhà sưu tập sách, vì nghĩ rằng chúng sẽ cho bà biết thêm về người đã khuất. Nhưng rồi bà quyết định bán gây quỹ cho một tổ chức thiện nguyện. Người giúp việc của bà Ziegler đã hy vọng sẽ tìm được mấy tờ 100 USD kẹp trong mớ sách, như một động lực để phân loại toàn bộ số sách này. Họ chẳng thấy tờ tiền nào (hẳn rồi) nhưng bù lại là những lá thư cha của bà đã viết cho ai đó, có lẽ còn quý giá hơn nhiều. Đối với Sale, bộ sưu tập sách của cha thật hấp dẫn và gợi cảm. Ông đã lưu trữ nó và cố gắng tặng lại cho các nhà nghiên cứu, những người có thể tiếp tục công việc giảng dạy của cha ông theo một cách nào đó. Tuy vậy không dễ để tìm được người nhận thích hợp.Từng là giám đốc điều hành xuất bản, Margolies chọn cách xử trí khác. Ban đầu, bà liên hệ với các thủ thư trường đại học, các học giả, những người sưu tầm sách quý để họ đến xem. Thủ thư Đại học Yeshiva nơi cha của bà từng theo học đã dành nhiều giờ lục tìm trong đống sách để chọn ra hai thùng sách có giá trị đem về trường. Tuy vậy, sau đó bà Margolies ngừng tìm kiếm nhà mới cho sách của cha bà, thay vào đó là bỏ bớt sách không cần thiết của mình đi, mua thang gỗ để chất thêm sách lên các kệ cao còn trống trong nhà, đóng thêm nhiều kệ sách mới, mở thùng và chất sách của cha lên."Tôi nhận ra rằng nơi tốt nhất cho những cuốn sách của cha chính là nhà của tôi. Ở đó chúng sẽ được sử dụng, trân trọng và nâng niu. Thư viện của cha có cuốn sách của ông nội tôi, giờ thư viện của tôi có sách của Abba, rồi một ngày nào đó thư viện này sẽ là của con trai tôi" - Tablet trích lời nhà văn.Dù chọn cách nào ứng xử với những cuốn sách mà người thân để lại thì quan trọng là tình yêu học tập, văn hóa đọc, cùng sự dẫn đường của những quyển sách quý giá ấy sẽ được truyền thừa đến thế hệ sau. Bên dưới những bài viết về gia tài sách của người thân để lại, nhiều bạn đọc đã ở tuổi thất thập cổ lai hy cảm thán "ngày càng nhiều bậc phụ huynh để lại sách trên Kindle cho con cháu họ, làm sao kế thừa". Sách là sản phẩm vô hình hóa theo thời đại công nghệ, nhưng có lẽ sự kết nối và những kỷ niệm mà nó tạo ra cho người đọc sẽ hiện hữu dù trong thời đại nào.Một chiếc Kindle chứa đầy sách cha mẹ một thời thu thập, với thế hệ sau, cũng đáng quý chứ (ấy là chưa kể không còn phải vật lộn với "vấn đề cân nặng" của sách). Nhiều người sẽ cho rằng tích lũy sách đầy nhà là một chứng cuồng loạn, mua chi cho lắm khi biết chắc chắn chẳng bao giờ đọc hết tất cả. Nhưng đó là mục đích của một thư viện, để có nhiều thứ hơn có thể khám phá, để có nơi lui về khi nghỉ hưu và trở thành triệu phú thời gian đọc sách. Kiến trúc sư, nhà phê bình kiến trúc Edwin Heathcote chia sẻ ông đã lục tung kệ sách đầy bụi và giấy vụn để tìm những tựa sách lạ rồi đắm chìm trong mùi sách cũ, tờ Financial Times ghi. Dù ngón tay đen nhám vì bụi và mốc trên giấy cũ, Heathcote vẫn nhìn thấy sự tương ứng giữa sự sống và cái chết, giữa đống tro tàn và những giá trị lấp lánh mà sách mang lại. Niềm vui đó biết đâu sẽ thuộc về những người thừa kế thư viện cá nhân của cha mẹ? Tags: Sưu tập sáchSáchTủ sách gia đìnhThư viện
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp quỹ đầu tư Mỹ muốn có tổ hợp giải trí đẳng cấp thế giới tại Việt Nam DUY LINH 23/04/2025 Chiều 23-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ông Daniel Rosen, giám đốc điều hành Tập đoàn Rosen Partners, đang có kế hoạch xây tổ hợp giải trí tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.
Giá vàng giảm từng phút ÁNH HỒNG 23/04/2025 Tối nay, 23-4, giá vàng giảm từng phút. Chỉ trong hơn 24 tiếng, giá vàng thế giới đã bốc hơi 226 USD/ounce, tương đương giảm 7,12 triệu đồng/lượng.
Thu hồi toàn quốc 12 loại sữa giả DƯƠNG LIỄU 23/04/2025 Ngày 23-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị sở y tế, chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trên cả nước thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả.
WSJ: Nhà Trắng cân nhắc giảm 50% thuế quan với hàng Trung Quốc KHÁNH QUỲNH 23/04/2025 Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế đối ứng đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể lên đến 50% trong một số trường hợp, nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.