Việc quân đội Mỹ giải giáp và loại bỏ hoàn toàn hơn 400.000 lính và tướng lĩnh cũ của Saddam Hussein đã có hậu quả khôn lường: lực lượng này trở thành nòng cốt của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đe dọa an ninh cả khu vực Trung Đông. Các tay súng Hồi giáo diễu hành trên đường phố tỉnh Raqqa của Iraq tháng 6-2014 - Ảnh: Reuters Khi Abu Hamza thuộc lực lượng nổi dậy của Syria đồng ý gia nhập IS, Hamza nghĩ rằng mình sẽ đóng góp cho sự xây dựng một nhà nước Hồi giáo lý tưởng - tổ chức đã thu hút được rất nhiều chiến sĩ thánh chiến từ nước ngoài. Những người thoắt ẩn thoắt hiện vô cùng quan trọng Nhưng mọi sự không diễn ra như vậy, tay súng này phát hiện mình bị kiểm soát hoàn toàn bởi một tư lệnh người Iraq và nhận lệnh từ nhiều nhân vật Iraq bí hiểm khác, những người thoắt ẩn thoắt hiện vào chiến trường ở Syria. Khi Hamza bất đồng với các tư lệnh IS trong một cuộc gặp năm ngoái, ngay lập tức Hamza bị bắt theo lệnh một người Iraq bịt mặt - người đã ngồi im lặng suốt cuộc họp để lắng nghe và ghi chép. Abu Hamza là trưởng nhóm của IS tại một khu vực ở Syria, nhưng tay súng này cũng không bao giờ biết danh tính thật của những người Iraq bí ẩn kia, những người được gọi bằng mật danh hoặc chẳng bao giờ được gọi tên. Theo Washington Post, tất cả họ đều là những cựu quan chức Iraq từng phục vụ dưới thời Saddam Hussein, kể cả nhân vật bịt mặt ra lệnh bắt Hamza. Nhân vật này từng phục vụ cơ quan tình báo Iraq và giờ làm việc cho lực lượng an ninh nội bộ của IS. Các phỏng vấn của Washington Post với Abu Hamza và một loạt người từng sống hay chiến đấu trong lực lượng IS trong hai năm cho thấy vai trò cực quan trọng của binh lính thuộc Đảng Baath của tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein. Dù có hàng ngàn tay súng từ nước ngoài đến gia nhập, theo giới phân tích, hầu hết lãnh đạo của IS đều là cựu quan chức của Saddam Hussein, bao gồm cả những thành viên trong quân đội và an ninh, các thủ lĩnh và hoàng thân. Ở Syria, các thủ lĩnh địa phương thường được “kèm” bởi một người phó là người Iraq và đó mới là người ra quyết định thật sự. Từ hè 2014, Abu Hamza đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vỡ mộng với nhóm IS. Abu Hamza là tên giả để bảo đảm an ninh cho chính tay súng này. “Tất cả những người ra quyết định đều là người Iraq và hầu hết là cựu quan chức (dưới thời Saddam Hussein). Các quan chức Iraq là tư lệnh và họ đưa ra chiến thuật cũng như kế hoạch tác chiến - Hamza nói - Nhưng chính người Iraq không tham gia chiến đấu. Họ đưa binh lính nước ngoài ra trận tiền”. Hình ảnh của các chiến binh nước ngoài trong lực lượng IS thường làm mọi người ít chú ý đến gốc rễ của IS xuất phát từ chính lịch sử đẫm máu gần đây của Iraq. Theo tác giả Hassan Hassan - người viết sách về nội tình của IS, việc giải giáp quân đội Iraq sau khi quân đội Mỹ lật đổ chính quyền Hussein, rồi sau đó là các đợt bùng phát bạo lực, tiếp đến loại người Iraq Sunni ra khỏi chính quyền Shiite ở Baghdad... tất cả tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của IS. “Rất nhiều người nghĩ IS là tổ chức khủng bố, nhưng vậy là chưa thấu đáo - Hassan nói. Đó là tổ chức khủng bố nhưng hơn thế. Đó là phong trào nổi dậy của Iraq và hoàn toàn gắn với Iraq”. Cựu tổng thống Saddam Hussein chủ trì một cuộc họp của Đảng Baath năm 1998 - Ảnh: Reuters Sai lầm của Mỹ Việc giải tán Đảng Baath của “thái thú” Paul Bremer, đại diện Mỹ tại Iraq hồi năm 2003, từ lâu đã được coi là một sai lầm và là một trong những nguyên nhân dẫn tới các phong trào nổi dậy. Ngay sau khi Saddam bị lật đổ, toàn bộ 400.000 binh lính Iraq bại trận bị cấm không được làm việc cho chính quyền, không được hưởng lương hưu - nhưng vẫn được cho phép giữ lại súng. Tất cả các điều kiện thuận lợi cho việc nổi dậy. Trong những năm đầu, quân đội Mỹ không nhận ra việc các cựu binh sĩ Iraq dần dà sẽ có vai trò trong các tổ chức cực đoan. Đại tá Joel Rayburn ở Học viện Quốc phòng quốc gia Mỹ, người từng là cố vấn cho các tướng lĩnh hàng đầu ở Iraq, miêu tả mối liên hệ giữa các cựu thành viên Đảng Baath này với lực lượng IS trong cuốn sách Iraq after America (Iraq sau nước Mỹ). Quân đội Mỹ biết về chuyện các cựu tướng lĩnh Đảng Baath tham gia các nhóm nổi dậy và hỗ trợ chiến thuật cho lực lượng al-Qaeda ở Iraq - lực lượng tiền thân của IS sau này. Nhưng theo đại tá Rayburn, quan chức Mỹ không ngờ tới chuyện các cựu tướng lĩnh này trở thành nòng cốt của một nhóm thánh chiến cực đoan kiểu IS. “Chúng ta có thể có cách để chặn trước sự kết hợp này” - Rayburn nói. Theo ông, không thể đưa các cựu binh cũ vào chính quyền, “nhưng loại bỏ họ khỏi xã hội là một sai lầm”. Dưới sự lãnh đạo của Abu Bakr al-Baghdadi, vua Hồi giáo tự xưng của lực lượng IS, các cựu binh Iraq đóng vai trò quan trọng trong sự hồi sinh của IS sau rất nhiều thất bại trên chiến trường với quân Mỹ. Thoạt nhìn, có vẻ như Đảng Baath có quan điểm rất khác biệt với quan điểm Hồi giáo cực đoan của IS. Nhưng hai nhóm này nhanh chóng kết hợp với nhau, đặc biệt là cùng dùng khủng bố để buộc người dân phải phục tùng sự cai trị của IS. Một số thành viên Đảng Baath ban đầu tham gia một nhánh của al-Qaeda do Abu Musab al-Zarqawi, một người Jordan gốc Palestine, dẫn đầu. Nhưng Zarqawi không tin lực lượng Baath này do đây là lực lượng thế tục chứ không phải sùng đạo. Chỉ đến khi Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo hiện tại của IS, lên nắm quyền, các cựu binh sĩ của Đảng Baath mới trở nên ngày càng quan trọng. Để xây dựng lại lực lượng nổi dậy suy yếu sau năm 2010, Baghdadi rất quyết liệt trong việc chiêu mộ các cựu binh Đảng Baath cũ - những người phần lớn sống trong nghèo nàn và thất nghiệp. Một số thành viên được chiêu mộ này thực tế từng thay đổi và chiến đấu giúp quân đội Mỹ chống al-Qaeda hồi năm 2007. Nhưng ngay khi quân đội Mỹ rút đi, chính quyền Baghdad đã một lần nữa ruồng bỏ họ. IS trở thành điểm đến dễ hiểu của các chiến binh này, những người có cảm giác bị chính quyền Baghdad mới phản bội. Ngược đãi của Maliki Một cựu tướng lĩnh Iraq từng chỉ huy quân đội chiếm Kuwait hồi năm 1990 và chống quân Mỹ hồi năm 2003 cho rằng chính những người Đảng Baath tuyệt vọng đang bị lực lượng cực đoan lợi dụng. “Người Mỹ chịu trách nhiệm lớn nhất ở đây. Họ giải giáp toàn bộ quân đội (Đảng Baath) thì họ hi vọng những người đó sẽ làm gì? - ông hỏi - Họ ra ngoài, chẳng có gì làm và cuối cùng chỉ có cách đó để họ có thể kiếm ăn”. Sau khi quân Mỹ rời đi vào năm 2011, cựu thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki một lần nữa tiến hành thanh trừng và loại bỏ các cựu thành viên Đảng Baath, kể cả những người từng được lính Mỹ chiêu hồi. Trong số này có thiếu tướng Hassan Dulaimi, cựu quan chức tình báo trong chính quyền Iraq của Saddam Hussein. Dulaimi được quân Mỹ chiêu hồi sử dụng năm 2006 để làm tư lệnh cảnh sát ở Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar - một trong những điểm nóng ở Iraq. Nhưng chỉ vài tháng sau khi quân Mỹ rút đi, Dulaimi ngay lập tức bị cách chức và bị cắt luôn cả lương hưu. 124 quan chức khác dưới thời Hussein cũng chung số phận như ông này. “Cuộc khủng hoảng IS không ngẫu nhiên xảy ra - Dulaimi nói với Washington Post - Đó là tích lũy của một loạt vấn đề do quân Mỹ và chính quyền Iraq tạo ra”. Ông kể trường hợp một người bạn thân, một cựu quan chức tình báo ở Baghdad bị loại khỏi chính quyền hồi năm 2003 và gặp rất nhiều khó khăn mưu sinh sau đó. Nhân vật này giờ trở thành một thủ lĩnh quan trọng của IS ở thị trấn Hit, tỉnh Anbar. “Lần cuối cùng tôi gặp anh ta là năm 2009. Anh ta phàn nàn giờ quá nghèo và tôi có cho anh ta ít tiền - Dulaimi nhớ lại - Thực tế là có thể giúp anh ta. Nếu ai đó cho anh ta công việc và trả tiền, anh ta đã không tham gia IS”. Theo Dulaimi, có hàng trăm, hàng ngàn người như người bạn cũ của ông: “Những người chỉ huy chiến dịch của IS là những sĩ quan tốt nhất trong quân đội Iraq cũ, và đó là lý do vì sao IS thắng chúng ta về tình báo và trên chiến trường”. Việc IS tiến nhanh cũng được hỗ trợ từ chính sách ngược đãi người Sunni của chính quyền Maliki. Chính sách này được đẩy mạnh hơn sau khi quân Mỹ rút năm 2011. Rất nhiều dân thường Sunni đã chào đón IS và coi đây là giải pháp tốt hơn lực lượng của chính quyền Maliki. Theo Washington Post, chính số lượng lớn cựu sĩ quan Đảng Baath trong IS đã giúp lực lượng này giành các chiến thắng quân sự quan trọng. Các lực lượng Đảng Baath được tận dụng cả kỹ năng cũng như khả năng giữ bí mật của họ. “Họ là tai và mắt của lực lượng an ninh IS và vô cùng quyền lực” - Abu Hamza nói. Theo Hamza, lực lượng Đảng Baath thực tế đang lợi dụng IS: “Họ chẳng quan tâm tới Đảng Baath hay thậm chí là Saddam. Họ chỉ muốn quyền lực. Họ quen có quyền lực và giờ họ lại muốn có nó”. Tags: ISAi đứng đằng sau IS
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.