TTCT - Khẩu trang cứu mạng người, là bài học từ ví dụ Hàn Quốc, nhưng người Đức không tin. Tới ngày 31-3 vừa rồi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn nói dân tình không cần đeo khẩu trang, hoàn toàn trái ngược với Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc, khăng khăng khuyên dân châu Âu và Mỹ nên sớm đeo khẩu trang. Một chuyên gia dịch tễ người Hàn Quốc cũng khuyên Nghị viện Thụy Sĩ nên thay đổi chiến thuật trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở nước này kể từ Thế chiến II, cụ thể là toàn bộ người dân nên đeo khẩu trang. Chuyên gia dịch tễ học này tin rằng nhờ biện pháp ấy mà thậm chí có thể tránh được phải nhấn nút “shutdown” cả xã hội.Triết gia Byung-Chul Han gốc Hàn Quốc sống ở Berlin thì cho rằng vấn đề là tâm lý học, chứ không phải dịch tễ học.Niềm tin là văn hóaTrong cuộc khủng hoảng mang tên corona, người Hàn Quốc nhất loạt đeo loại khẩu trang có màng lọc virus. Công ty LG thiết lập một dạng kiểm tra tự động ở cửa vào: camera nhận dạng khuôn mặt sẽ không truyền lệnh mở cửa nếu người định vào không đeo khẩu trang. Dân Hàn Quốc không chỉ đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng, ngoài đường, mà suốt cả thời gian làm việc.Tổng thống mỗi lần lên sóng đều đeo khẩu trang, các cuộc họp của nghị viện cũng không có ngoại lệ. Thời gian đã đủ dài để chứng tỏ cái khẩu trang thần thánh nọ góp phần quan trọng ngăn dịch bệnh lan tỏa, trong khi các nhà hàng và cửa hiệu ở đất này vẫn mở bình thường và chưa địa phương nào phải hạn chế đi lại.Thực tế là người Thụy Sĩ khó làm quen với cái vật dụng khó chịu ấy. Không những không đem đề nghị của giới chuyên môn đó ra bàn thảo, bà chủ tịch nghị viện nước này còn ra công văn cấm các nghị sĩ dùng khẩu trang.Tình cảnh ở Đức cũng tương tự, khi dân chúng thấy công dụng của khẩu trang là rất khó thuyết phục. Dường như lý do có bối cảnh sâu xa hơn là cái tính duy lý ương ngạnh. Lục địa Âu châu già cỗi vốn có truyền thống tôn trọng chủ nghĩa cá nhân. Tư duy thiên về cái tôi ấy không phải tiêu cực mọi đường, song cản trở không cho cái miếng che ấy xuất hiện trên mặt. Trái lại, châu Á quen sống trong tinh thần tập thể, nói cách khác, một gương mặt “độc đáo không thể lẫn vào đâu” ít được trọng vọng ở đây, thậm chí còn có thể bị cho là kênh kiệu, chơi trội.Song ngay trong nội bộ châu Âu cũng không phải tuyệt đối đồng nhất. Các nước Nam Âu như Tây Ban Nha hay Ý không ác cảm lắm với người đeo khẩu trang. Lý do ư? Có lẽ sự dị biệt giữa Công giáo La Mã và Tin Lành đóng một vai trò nhất định. Công giáo, nói một cách đơn giản hóa, là tín ngưỡng của các nghi lễ.Nghi lễ hay nghi thức là các hành vi hiển hiện, thường diễn ra với nỗ lực đạt tới sự hoàn hảo về hình thức, trong khi trạng huống nội tại lùi xuống vị trí thứ hai. Blaise Pascal, triết gia Công giáo Pháp (1623 - 1662), viết trong một tiểu luận: “Thay vì dằn vặt nội tâm vì không tìm được đường tới đức tin, ta nên đi lễ nhà thờ, dùng nước thánh và tham dự nghi lễ”. Vậy nghi thức không chỉ là cái vỏ suông, nó kiên định lòng tin, tức là cái vỏ cũng quan trọng như trong ruột.Tin Lành thì khác. Tín đồ Tin Lành xiển dương giá trị nội tâm, và họ rũ bỏ mọi nghi thức và tranh ảnh. Nếu ta thấy ở châu Âu có ngày hội hóa trang thì cũng nên biết lễ hội này chủ yếu diễn ra ở các khu vực mà Công giáo chiếm thế thượng phong.Bill de Blasio, Thị trưởng TP New York đã lên truyền hình hôm 30-3 khuyên người dân dùng khăn để che mặt nếu cảm thấy có vấn đề với việc đeo khẩu trang.Che mặt hay che virusVề chuyện đeo khẩu trang, dễ nhận thấy ở Đức và phần lớn châu Âu có luồng thông tin chủ đạo là biện pháp đó không có ích gì lắm, nhất là ở giai đoạn virus corona còn được coi là một dạng cúm cuối xuân như mọi năm.Quan điểm này được nhiều nhà nghiên cứu virus đồng tình, thậm chí bảo vệ đến cùng, vì soi xét một cách khoa học thì đúng là virus dễ dàng xuyên qua lớp giấy mỏng chống bụi, tức là khẩu trang không bảo vệ người đeo, mà chỉ bảo vệ người xung quanh khi chính người đeo có bệnh. Nâng thành quan điểm thì việc đeo khẩu trang không có tính vị kỷ, mà vị tha.Cuộc sống cho thấy lòng vị tha cần thiết để hạn chế hành vi con người vốn sinh ra là ích kỷ, như xem ảnh chụp họp lớp thì ai cũng tìm mình đứng đâu trước tiên. Giả sử cái khẩu trang được quảng bá là có tác dụng bảo vệ chính mạng sống của người sử dụng, thì tình hình sẽ khác.Tiếc rằng trong hoạn nạn, như cuộc khủng hoảng hôm nay, trong con người trỗi dậy bản năng sinh tồn, không chỉ từng người mà cả từng dân tộc cũng tư duy như vậy. Đến tận hôm nay người ta mới ngừng chun mũi dè bỉu một Donald Trump chỉ nhờ hô khẩu hiệu “America first!” mà leo được lên ghế quyền lực số 1 thế giới - giờ thì tư tưởng “My nation first!” không cần che đậy nữa.Bản chất ích kỷ không chỉ thể hiện ở chỗ nhiều gia đình vơ vét tích trữ hàng trăm cuộn giấy vệ sinh, mà lần lượt từng quốc gia đóng cửa biên giới - trong khi ai cũng biết tình đoàn kết mới giúp ta vượt qua hoạn nạn.Tình đoàn kết lúc này hơi trái khoáy: đừng xích lại gần nhau hay thậm chí nắm tay nhau, mà tránh xa ít nhất hai mét, tức ngầm hiểu người mà ta tránh xa là một ổ dịch tiềm năng. Đại dịch đang nhe răng trên khuôn mặt vô nhân của nó.Song ngay cả khi các bác sĩ hô hào theo gương Hàn Quốc thì tình hình cũng chẳng thay đổi, vì không kiếm đâu ra trên đất Đức khẩu trang mà mua. Như mọi vật dụng thường nhật, chúng được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đường dây cung cấp này đứt đoạn thì không chỉ khẩu trang, mà con xe Mercedes huyền thoại cũng không rời dây chuyền được.Đo thân nhiệt ở biên giới Đức - Ba Lan. Ảnh: AFPNhà chức trách được kỳ vọng là phải có tầm nhìn xa hơn người dân. Sau các đại dịch SARS, MERS và Ebola... lẽ ra người ta phải biết là một vài chủng virus mới chắc chắn sớm muộn sẽ xuất hiện, như mặt trời mỗi ngày mọc ở đằng đông.Nhưng từ nền kinh tế hùng mạnh nhất địa cầu đến quê hương của đông đảo các triết gia thâm hậu nhất lịch sử đều cho thấy là họ không lường trước được những kịch bản “te tua”. Các đại dịch lẽ ra phải khẳng định rằng việc bảo vệ người dân là trọng trách tối cao không được thả khỏi tay nhà nước, không được đẩy cho một lực lượng thứ ba vốn coi lợi nhuận là lẽ sống, nói gọn là đừng bắt nó tuân thủ quy luật thị trường tàn nhẫn. Như nước với lửa, y tế nhân bản và kinh tế tư bản khó nắm tay đi vào một cuộc hôn nhân êm thấm. Ở đây chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa phải được kiềm chế bằng bàn tay nhà nước. ■ Tags: Nhà băngKhẩu trangTư bảnTuân thủBệnh dịchQuy luật thị trườngKhác biệt văn hóaKhăn che mặtBảo vệ người dân
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.