TTCT - Rừng Sơn Trà - được xem là “lá phổi xanh” vô giá của TP Đà Nẵng đang ngày càng bị thu hẹp bởi các dự án du lịch. Các vụ phá rừng mới đây ở Sơn Trà càng khiến người dân thêm lo lắng khi diện tích lớn đất rừng bị chặt phá không nương tay. Hàng chục dự án du lịch đang triển khai ở khu vực rừng Sơn Trà-Hữu Khá Con đường dẫn lên rừng đặc dụng Sơn Trà hiện mỗi ngày có hàng ngàn người lên xuống tham quan, nghỉ dưỡng ở các khu du lịch. Đất rừng Sơn Trà giờ rất có giá vì chỉ cách trung tâm Đà Nẵng vài phút chạy xe. Với các gia đình khá giả thì có được miếng đất rừng Sơn Trà coi như sở hữu được không gian nghỉ ngơi lý tưởng: trên rừng, dưới biển. Đất rừng làm quán cà phê, quán nhậu Để bảo vệ rừng Sơn Trà, trước đây Nhà nước giao đất cho các tổ chức, người dân bảo vệ, trồng rừng. Nhưng khi đô thị Đà Nẵng mở rộng, rừng Sơn Trà gần trung tâm TP, lại dễ làm du lịch nên giá tăng lên rất nhanh. Nhằm phân cấp quản lý, từ tháng 10-2014, TP giao diện tích đất rừng (đã giao khoán cho dân) ngoài rừng đặc dụng cho P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà). Nhưng việc chuyển giao cho chính quyền địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý rừng với diện tích lên đến 1.072ha khiến tình hình phức tạp. Vụ xâm hại rừng hơn 4,5ha tại tiểu khu 62 đầu năm 2016 như gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng quản lý rừng ở đây. Sự việc nghiêm trọng buộc chính quyền Đà Nẵng phải cách chức cả hạt trưởng, hạt phó Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và kỷ luật ba kiểm lâm viên. Khảo sát một vòng ở Sơn Trà, nhiều khu đất rừng chỉ chú trọng làm dịch vụ, diện tích trồng rừng còn rất ít. Không ít chủ rừng sau khi được Nhà nước giao đất đã không trồng rừng mà tự ý chuyển sang làm trang trại, điểm du lịch sinh thái. Theo khảo sát của TTCT, vệt đất rừng trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa đã được chủ rừng cải tạo, xây dựng hàng chục nhà hàng, điểm du lịch sinh thái. Riêng khu đất rừng sát dưới chân cảng Tiên Sa chạy dọc lên đài phát sóng, các chủ rừng đã xây nhiều trang trại, nhà hàng, quán nhậu bán đặc sản rừng. Tại khu vực triền núi trên đường Lê Đức Thọ, các khu đất được giao cho dân quản lý nhưng lại làm quán cà phê với diện tích rộng, sử dụng địa hình đồi cao để thu hút khách. Hầu hết các quán xây nhà dạng kiên cố để thuận tiện kinh doanh. Còn dọc theo đường Yết Kiêu và nhánh rẽ lên hạt kiểm lâm, nhiều hộ dân được giao đất rừng nhưng không mặn mà với việc trồng rừng mà biến thành... quán nhậu. Các quán ở đây cũng xây nhà kiên cố và các chòi phục vụ khách. Cách hạt kiểm lâm chừng 1km về phía khu biệt thự Hố Xanh, người dân chặt bạch đàn thuộc khu đất rừng, thậm chí còn mở con đường dài hơn 200m, rộng hơn 3m để xe ben ra vào lấy củi. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân P.Thọ Quang nhiều năm làm thuê cho chủ rừng, cho biết: “Ngày xưa bà con tôi hay đi bứt lá nón ở đây, gọi khu vực này là đền Bà vì không ai dám vào đốn cây. Chục năm nay khu vực rộng chừng 10ha này giao qua, giao lại các đời chủ nên giờ không biết ai quản lý”. Được biết, giá bình quân 1ha rừng Sơn Trà được rao bán khoảng 300 triệu đồng, các khu vực ở vị trí thuận lợi có thể mở điểm du lịch sinh thái thì giá cao hơn nhiều. Nham nhở rừng vì dự án Ghi nhận tại rừng đặc dụng Sơn Trà, một số dự án du lịch “bất động” nhiều năm qua đã cắt nhỏ, băm nát những cánh rừng. Dải bờ biển phía đông Sơn Trà trước đây là những hàng cây phi lao, dừa, cây rừng xanh mướt phủ khắp nay được khoanh lại từng khu dự án, những rừng cây xanh đã bị đốn hạ, lộ thiên đất đá như mảng đầu bị cạo trọc. Ở chân núi Sơn Trà là “siêu” dự án Bai But Bay Resort chiếm đến 30ha đất rừng. Dự án khu du lịch phức hợp này khởi công năm 2005 kỳ vọng sẽ là “thiên đường” cho du khách nghỉ dưỡng, nhưng hơn chục năm qua vẫn không xây dựng. Cạnh đó là dự án Sontra Travel rộng vài hecta thuộc Bãi Con cũng trơ trọi, hàng rào bằng tôn sát mép đường đến nhói mắt, rừng không còn nguyên khi dự án du lịch đụng đến. Dự án Sơn Trà Resort rộng thênh thang cũng nằm im với những căn nhà xây dở dang, cả khu đất rừng rộng lớn trước đây nhường chỗ cho những bãi đất dưới cái nắng chói chang... Nhìn những cánh rừng ở Sơn Trà từ phía nam lên phía bắc bị cày ủi để nhường đất cho các dự án du lịch không khỏi xót lòng. Những cánh rừng bị bạt, những dự án ì ạch không triển khai, để người dân chiếm dụng làm những nhà hàng, nhà nghỉ, nơi picnic... khiến khu rừng nham nhở hơn. Cây cối bị chặt phá nhường chỗ cho những sạp gỗ, những dãy bàn ximăng làm nơi ăn uống cho du khách, những dãy nhà vệ sinh tạm. Trước đây du khách tham quan bán đảo Sơn Trà thường gặp những đàn khỉ băng qua đường hoặc voọc chà vá chân nâu tung tăng trên các cây như trêu chọc du khách. Giờ thì những hình ảnh này càng trở nên hiếm thấy, dù có đi sâu vào trong rừng. Nhiều hộ dân được giao khoán đất rừng đã không trồng rừng mà mở quán nhậu hoặc điểm du lịch sinh thái-Hữu Khá Khó quản lý? Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, rừng Sơn Trà có diện tích 3.600ha, trong đó rừng đặc dụng là 2.500ha được bảo vệ nghiêm ngặt, còn hơn 1.072ha rừng lâm nghiệp có độ cao dưới 200m giao khoán cho khoảng 200 hộ dân. Ông Lê Văn Nhì, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết quy định khi giao khoán là chủ rừng phải sản xuất, trồng rừng chứ không được sử dụng đất rừng vào mục đích khác. Nếu có tình trạng chuyển nhượng đất rừng thì họ tự viết giấy tay bán cho nhau chứ cơ quan chức năng không xác nhận vì việc này là trái phép. Ông Nhì khuyến cáo: “Người dân không nên mua bán đất rừng trái phép. Thực tế khi Nhà nước thu hồi thì 1ha rừng chỉ được đền bù, hỗ trợ số cây trồng và khoảng 20 triệu đồng”. Trong khi đó, ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND P.Thọ Quang, cho biết từ tháng 10-2014 TP Đà Nẵng đã giao phường quản lý diện tích 1.072ha đất rừng Sơn Trà nhưng mới nhận bàn giao trên giấy tờ, còn thực địa rừng chưa được giao. Hiện trạng khu vực được giao quản lý phường cũng không biết trên đất có những gì nên khó nói. Trong 115 bộ hồ sơ đất rừng thì chỉ có 63 bộ hồ sơ gốc, có 51 người có tên nhưng khi phường thông báo tới làm việc thì không xuất hiện. Ông Công cho biết nếu hộ dân được giao khoán đất rừng tự chuyển nhượng cho nhau thì phường không nắm được nhưng nếu có rục rịch việc bán đất rừng cho người bên ngoài thì phường sẽ nắm tình hình để ngăn chặn(?!). Theo ông Nhì, hiện đất rừng Sơn Trà có đến 17 dự án du lịch và hầu hết diện tích đất rừng người dân đều nằm trong quy hoạch các dự án. Trong tương lai khi các dự án này triển khai sẽ thu hồi hết diện tích đất rừng đã giao cho người dân. Theo ông Nhì, với diện tích đất rừng mở các quán nhậu, điểm du lịch sinh thái, năm 2010 TP Đà Nẵng đã có cuộc khảo sát và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng, cơi nới thêm, sau năm 2010 trường hợp nào xây dựng mới sẽ bị xử lý tháo dỡ. Nhưng trên thực tế theo ghi nhận, người dân vẫn lén lút tiếp tục xây dựng, mở rộng quán xá để kinh doanh.■ Từ 6.000ha còn 2.500ha Sau hai vụ phá rừng liên tiếp xảy ra ở rừng Sơn Trà vào tháng 5-2016, ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã làm việc với bí thư Quận ủy, chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, giám đốc Sở NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan để xử lý vụ phá rừng. Ông Xuân Anh chỉ đạo sẽ thu hồi việc giao khoán 1.072ha đất rừng đã giao cho các hộ dân sau khi có kết luận của thanh tra TP về vụ việc. Hiện Thanh tra TP Đà Nẵng tiến hành công tác thanh tra sử dụng đất rừng Sơn Trà. Còn sắp tới giao 1.072ha đất rừng thu hồi đó cho đơn vị nào quản lý thì Sở NN&PTNT tham mưu, có cơ chế giao đất rừng cụ thể để ràng buộc trách nhiệm, không để tình trạng quản lý lỏng lẻo như vừa qua. Trong khi đó, ông Lê Văn Nhì cho rằng nếu trường hợp thu hồi để giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án du lịch thì cần phải quy định tỉ lệ xây dựng thật thấp, phải giữ nguyên trạng phần lớn diện tích đất rừng, cây cối trong dự án để giảm thiểu sự tác động đối với các loài động vật đang sinh sống ở đây, nhất là loài voọc chà vá chân nâu. Ông Nguyễn Phú Ban, giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết sau giải phóng rừng Sơn Trà còn đến 6.000ha thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt bởi nó là lá phổi đô thị Đà Nẵng, là lá chắn trước gió bão, du lịch sinh thái, quốc phòng an ninh. Quá trình phát triển, Sơn Trà giờ chỉ còn 2.500ha rừng bảo vệ nghiêm ngặt. Để giữ rừng, cần phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành, địa phương, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, hạn chế cấp phép kinh doanh dịch vụ trong rừng. Tags: Rừng Sơn TràKhu du lịch bao vâyLá phổi Sơn Trà
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.