TTCT - Đài truyền hình ZDF của Đức, một trong những hãng truyền thông lớn nhất châu Âu, trong tháng 7 đã trình chiếu bộ phim tài liệu nhan đề Die Affenfänger von Cat Ba, tạm dịch là Những người bắt voọc tại Cát Bà. Nhân vật chính trong phim là những chú voọc đầu vàng và tiến sĩ người Đức Jörg Adler. Tiến sĩ Jörg Adler cùng cán bộ kiểm lâm Cát Bà năm 2012 - Ảnh nhân vật cung cấpCùng trẻ em tại Vườn quốc gia Cúc Phương những năm 1980 - Ảnh nhân vật cung cấpBộ phim kể về nỗ lực không mệt mỏi của tiến sĩ Adler và đồng nghiệp trong việc bảo tồn loài vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại đảo Cát Bà, Việt Nam. Có lẽ ít ai biết giám đốc vườn thú Allwetterzoo Münster của Đức, tiến sĩ Jörg Adler đã gắn bó với Việt Nam từ khi ông còn là một thanh niên. Đến nay, đầu đã điểm hai thứ tóc, ông vẫn miệt mài cống hiến cho những dự án bảo tồn tại Việt Nam.Bốn năm trời cho một gói quà tặngNăm 1986, tiến sĩ Jörg Adler cùng với những người bạn đặc biệt - những chú ngựa vằn, hươu và đười ươi của vườn thú Leipzig, Đức - đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên. Trước đó Việt Nam có tặng vườn thú Leipzig một vài chú voi. Đáp lại tình hữu hảo, vườn thú Leipzig tặng lại TP.HCM một vài con thú quý hiếm. Tiến sĩ Jörg Adler ngày đó đang công tác tại vườn thú Leipzig, được trao nhiệm vụ đi cùng những con thú đến Việt Nam. Ông kể mỗi chuyến đi biển đều kéo dài đến một tháng rưỡi. Cả ông và các con vật đều bị say sóng dữ dội, các con thú phải được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Ông nhớ có một chú hổ say sóng đến độ bỏ ăn gần như suốt cuộc hành trình. Ông đã phải để một xô nước ở bên cạnh để nó uống khi khát và cho ăn ngay khi thấy nó có vẻ tỉnh táo. Ròng rã suốt bốn năm trời, ông mới vận chuyển hết số quà tặng đặc biệt đến Việt Nam. Cho đến hôm nay ông vẫn không quên được một lần hút chết trong chuyến đi. Lần đó do sơ ý của một đồng nghiệp khiến con sư tử trưởng thành thoát khỏi chuồng sắt sổng ra boong tàu. Tất cả người trên tàu đều khiếp sợ trước tiếng gầm của nó và chỉ biết đóng chặt cửa lại. Ông lập tức điện đàm về vườn thú tại Leipzig để yêu cầu giúp đỡ. Và ông đã được hướng dẫn đánh thuốc mê con vật. Thuốc đã có sẵn và điều cần thiết là một miếng thịt làm mồi nhử. Nhưng những người đầu bếp đều quá sợ hãi, dứt khoát không chịu mở cửa. Ông đã phải đập cửa ầm ầm và gào lên: “Đưa cho tôi một miếng thịt, không thì tất cả chúng ta đều sẽ thành con mồi hết”. Cuối cùng một miếng thịt bò cũng được ném qua khe cửa và một mình ông đã đối mặt con sư tử với khoảng cách khá gần để nhử nó ăn.Thuốc ngấm nhanh chóng sau khi nó chén hết miếng thịt. Khi kể lại câu chuyện này ông cười hóm hỉnh nói: “Tôi thấy tình huống của mình hơi giống với cậu bé Pi trong phim Cuộc đời của Pi. Nhưng Pi thì đứng trước một con hổ còn tôi đứng trước một con sư tử. Và tôi may mắn hơn Pi rất nhiều vì tôi, các con thú và tất cả đồng nghiệp đều sống sót sau những chuyến đi biển dài ngày”. Những chuyến tàu của ông mỗi khi đến Việt Nam ngày đó còn được chất đầy bột cacao, mì chính, xà phòng và những nhu yếu phẩm khác làm quà tặng cho đồng nghiệp, bạn bè và người dân Việt Nam. Đặc biệt trong tất cả các chuyến đi đều có những thùng táo tươi ngon được bảo quản lạnh: vì hầu hết những con thú ở Đức đều chỉ quen ăn táo nên ông phải mang theo phòng khi chúng bị lạ trước thức ăn mới ở Việt Nam những ngày đầu. Lần đầu tiên cập cảng tại TP.HCM, các con thú được chở bằng một xe riêng và tất nhiên ông đi cùng trên chuyến xe đó. Những thùng táo thì được chở bằng chuyến xe khác. Nhưng khi về đến sở thú thì những quả táo tươi ngon thơm phức đều bị “đánh rơi” hết ở dọc đường. Sau lần đó ông biết được thời đó táo là món ăn xa xỉ, lạ lẫm và quý hiếm ở Việt Nam. Người Việt Nam tò mò muốn ăn loại quả này y như người dân Đông Đức thời đó thèm ăn chuối vậy. Rút kinh nghiệm những lần sau, ông trực tiếp ngồi xe áp tải táo, về đến sở thú lại tự tay xếp táo vào kho và giữ chìa khóa. Ông làm vậy không phải để giữ thức ăn cho các con vật mà để đến những ngày hôm sau chia đều táo cho các nhân viên trong sở thú, cho bạn bè, cho khách đến tham quan và đặc biệt là cho những em bé trong nhà trẻ. Trong quãng thời gian này ông cũng trực tiếp tham gia giảng dạy bồi dưỡng cho cán bộ ở vườn thú TP.HCM và Hà Nội. Cùng trẻ em tại Vườn quốc gia Cúc Phương những năm 1980 - Ảnh nhân vật cung cấpTiến sĩ Jörg Adler sinh ngày 12-10-1946 tại Leipzig, CHLB Đức. Ông theo học môn khoa học nông nghiệp tại Trường ĐH Leipzig và chuyên ngành thú y tại Trường ĐH Rostock. Từ năm 1996 ông giữ cương vị giám đốc vườn thú Allwetterzoo Münster. Ông là thành viên của Hội giám đốc vườn thú thế giới và là thành viên của nhóm chuyên gia đặc biệt của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ông tham gia tích cực vào việc bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm tại Đức và đặc biệt là tại Việt Nam. Hiểm nguy bên hang VoọcTháng 11-1990 ông nhận nhiệm vụ đến Vườn quốc gia Cúc Phương. Với sự giúp đỡ của Hiệp hội vườn thú Frankfurt, ông đã đặt nền móng xây dựng dự án bảo tồn voọc và trung tâm cứu hộ tại đây. Ông kể: “Tôi được cử đến Cúc Phương vì nhận được tin báo đã phát hiện một cá thể voọc chà vá tại đây. Vào những năm đó loài voọc này đang bị xem là tuyệt chủng. Tiếc là khi tôi đến nơi con voọc đã chết. Những người bạn Việt Nam đã cho nó ăn chuối và gạo. Họ có ý tốt nhưng thật tiếc không có kiến thức về loài này vì voọc chỉ ăn lá cây. Sau đó ngày 14-11-1990 tôi và các đồng nghiệp tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã tìm thấy thêm ba cá thể voọc chà vá sống trong rừng. Đây được coi là nền tảng cho những dự án bảo tồn tiếp theo mà tôi tham gia tại Việt Nam”. Nhưng để tìm ra con voọc chà vá, ông và các đồng nghiệp Việt Nam tại Cúc Phương lúc bấy giờ đã mất rất nhiều ngày băng rừng leo núi. Cuối cùng, vào một buổi chiều đông năm 1990 họ cũng tìm thấy ba con voọc chà vá tại một cái hang trong rừng. Ông bồi hồi nhớ lại: “Sau cuộc hội ngộ đó chúng tôi đã liên hoan ngay trong rừng với trứng luộc, cơm nắm và vài lon bia”. Tuy nhiên cũng ngay tại địa điểm gần hang voọc một năm sau đó, vợ ông - bà Gudrun Adler - đã bị trúng đạn của những kẻ săn trộm. Ông kể: “Viên đạn đi sượt qua thái dương và tai, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng phải mất nhiều ngày sau đó vợ tôi mới phục hồi được thính giác. Những kẻ săn trộm làm vậy vì muốn xua đuổi không cho chúng tôi bảo vệ voọc. Ngay sau đó phía Việt Nam cũng phát lệnh truy nã, nhưng tiếc là không tìm được hung thủ”. Tai nạn xảy ra không làm ông nản lòng. Thậm chí ông còn thuyết phục bạn đồng hương của mình là Tilo Nadler đến đây làm việc. Hiện Tilo Nadler đang là giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Vườn quốc gia Cúc Phương tại Ninh Bình. PGS.TS Hà Đình Đức, người gắn bó nhiều năm với việc nghiên cứu rùa Hoàn Kiếm, cũng là một trong những đồng nghiệp với ông Adler những ngày đầu làm việc tại Cúc Phương. Cho đến nay hai người vẫn là bạn thân thiết. Ông Đức còn nhớ có lần đi công cán tại nước ngoài giữa những năm 1990 đã đến thăm gia đình ông Adler. Trong một ngày mưa tầm tã, người bạn Đức đã tiễn ông ra sân bay. Trên đường đi, ông Adler tâm sự: “Khi tôi làm việc với người Việt Nam, tôi đã học được ở họ nhiều điều và đặc biệt nhất là đức tính hiếu thảo. Do đó tôi thường đến thăm bố mẹ tại Leipzig. Khi bố tôi lâm bệnh nặng, tôi đã đón ông đến ở gần nhà tôi tại Münster cho tiện chăm sóc. Tình cảm hai bố con tôi rất gắn bó”.Để ghi nhận những đóng góp của ông cho việc bảo tồn voọc tại Việt Nam, tháng 12-2009 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng “Huy chương vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” cho ông Jörg Adler. Cho đến ngày hôm nay tiến sĩ Adler vẫn gắn bó với Việt Nam thông qua những dự án bảo tồn động vật quý hiếm, cụ thể là dự án bảo tồn voọc đầu vàng ở Cát Bà. Tháng 11 năm nay tiến sĩ Adler sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra dự án bảo tồn voọc tại Cát Bà. Tâm sự qua email, ông băn khoăn: “Năm nay tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ Đức cũng như các tổ chức vẫn sẵn sàng tài trợ cho dự án tại Việt Nam. Do đó nếu dự án không được triển khai hiệu quả và phía Việt Nam không hợp tác tích cực sẽ rất khó xin kinh phí cho những năm tới”. Từ một nơi rất xa Việt Nam, ông vẫn sát sao với mọi diễn tiến, vẫn đau đáu với những dự án bảo tồn voọc Cát Bà như thế...Đến nay, tại ngôi nhà của mình ở thành phố Münster, tiến sĩ Jörg Adler vẫn còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh, kỷ vật về những tháng ngày làm việc và gắn bó với đất nước Việt Nam. Đặc biệt trong đó có một cuốn băng cassette ghi âm tiếng rao bán phở dạo đêm khuya tại Hà Nội những năm 1990. Ông tâm sự: “Đó là âm thanh du dương nhất mà tôi từng được nghe trong đời”. Tags: Tuyệt chủngBảo tồnNgười đương thờiVoọc đầu vàngJörg AdlerĐảo Cát Bà
Ông Vũ Hồng Văn làm bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Công nhân về quê từ tờ mờ sáng trên những chuyến xe miễn phí HÀ QUÂN 25/01/2025 Tờ mờ sáng 25-1, hơn 1.000 công nhân và gia đình về quê trong chương trình chuyến xe hạnh phúc hoàn toàn miễn phí do công đoàn tổ chức.