TTCT - Cuối tháng 4-2007, hai tờ báo Việt ngữ ở Quận Cam, Hoa Kỳ và một tờ tiếng Anh, The Orange County Register đồng loạt ca tụng Đặng Thái Sơn như là người “đã nâng trình độ diễn tả nhạc Chopin nói riêng và âm nhạc nói chung lên một tầm mức cao hơn mà ít ai có thể đạt tới”, từ sau đêm trình diễn của anh tại phòng hòa nhạc Meng, Trường ĐH Cal State Fullerton, Nam Cali. Phóng to Đặng Thái Sơn ký tên tặng CD độc tấu mới phát hànhTTCT - Cuối tháng 4-2007, hai tờ báo Việt ngữ ở Quận Cam, Hoa Kỳ và một tờ tiếng Anh, The Orange County Register đồng loạt ca tụng Đặng Thái Sơn như là người “đã nâng trình độ diễn tả nhạc Chopin nói riêng và âm nhạc nói chung lên một tầm mức cao hơn mà ít ai có thể đạt tới”, từ sau đêm trình diễn của anh tại phòng hòa nhạc Meng, Trường ĐH Cal State Fullerton, Nam Cali. Tôi ngồi chen lẫn giữa hàng trăm khán giả ngồi chật kín phòng hòa nhạc Meng để cùng họ nín thở, im phăng phắc mà lắng nghe tiếng đàn của Đặng Thái Sơn. Và thật may mắn, tôi đã được chuyện trò cùng anh, một ngày sau buổi trình diễn. Hai người, một từ Canada, và một từ Việt Nam sang, gặp nhau trên đất Mỹ là một duyên hội ngộ bất ngờ. Sơn có nụ cười thật hiền lành và một giọng nói thật nhỏ nhẹ. Dí dỏm, cởi mở và trẻ trung, anh nói: “Cái gì cũng trong sự chuyển động. Cuộc sống không đứng yên một chỗ. Thử thách đối với tôi của những năm 20-30 tuổi là tập trung nhiều cho hoạt động biểu diễn. Bắt đầu năm 40 tuổi thì thêm việc giảng dạy, nhưng sắp sửa lên 50 tuổi thì lại khác: giảng dạy nhiều hơn (dưới nhiều hình thức: dạy toàn phần ở một trường, hoặc dạy các lớp ngắn hạn theo lời mời của một số nơi, hoặc dạy ở các trại hè...). Một loại hoạt động mới nhất nữa cũng chiếm rất nhiều thời gian của tôi gần đây là làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Trước đây chỉ lác đác một vài lần, nhưng về sau ngày càng nhiều”. Trong hai năm 2007-2008, Sơn được mời làm giám khảo ở nhiều nước: tháng chín ở Texas (Hoa Kỳ), tháng mười ở Trung Quốc, tháng 3-2008 ở Israel, tháng 5-2008 ở Montreal... * Sơn hài lòng với công việc hiện nay? - Vâng, hồi xưa ai mời cũng cắp cặp chạy. Nay thì Sơn biểu diễn chọn lọc hơn, và bắt đầu biết đắn đo, cái gì thích thì làm. Sơn không còn bị áp lực đàn để kiếm sống như trước, và đó là hạnh phúc nhất rồi, phải không chị? * Sơn đang ở Quebec, Montreal (Canada) với gia đình? - Ở với mẹ. Bà là người gốc Sài Gòn, 90 tuổi rồi vẫn còn đánh đàn đấy. * Sống với mẹ à, sướng nhỉ, còn gia đình riêng? - Riêng... à, thì rất là riêng. Khó có thể định nghĩa như thế nào là gia đình riêng, phải không chị? Chẳng lẽ có đeo nhẫn mới là có gia đình riêng? * Sơn có thường xuyên về thăm quê nhà không? - Hồi tháng 6-2006 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội, Sơn có về biểu diễn ở trường. Đầu năm nay Sơn về nước trình diễn hai buổi ở Nhà hát lớn Hà Nội cùng với Dàn nhạc giao hưởng VN và trình diễn gây quĩ cho nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội. Tính ra mỗi năm Sơn về VN ít nhất 1-2 lần. * Việc giảng dạy của Sơn hiện nay có chiếm nhiều thời gian không và Sơn nghĩ thế nào về lớp nhạc sĩ piano kế thừa? - Hiện nay học trò VN mình ở trong nước cũng như ngoài nước tương đối ít, có giới hạn thôi, nhưng Sơn không từ chối bất kỳ lời yêu cầu nào của họ, luôn tìm cách thu xếp thời gian để dạy. Trong tương lai nếu trong nước có yêu cầu, Sơn cũng sẵn lòng về giảng dạy. Hiện nay Sơn có một lớp dạy thường xuyên ở Đại học Montreal. Có nhiều học sinh VN giỏi sang đấy học chương trình cử nhân, tiến sĩ âm nhạc. Nếu nói triển vọng của ngành piano VN đang ở đây thì Sơn có thể chọn được bốn em, gọi là tinh túy nhất. * Sơn thật sự hài lòng với tài năng và hướng phát triển của các em? - Nói hài lòng hay không thì khó. Trong nghề nhạc, mình chỉ có thể đem lại cho các em kỹ thuật trình diễn và nền tảng thẩm mỹ trong âm nhạc. Ngành hoạt động âm nhạc - nghệ thuật đòi hỏi cá tính rất mạnh, khó có thể tìm được ai giống mình hoàn toàn. Ông thầy chỉ có thể là người hướng dẫn, cung cấp kỹ thuật trình diễn, hoạch định một đường hướng để người ta theo đó tạo một hướng đi cho riêng mình. Mình khó mà áp đặt học sinh giống mình được. Theo Sơn thì đó cũng là thử thách đối với ông thầy. Ông thầy thường có khuynh hướng áp đặt, muốn học trò giống mình. Nhưng Sơn thấy mình phải tỉnh táo, chỉ nên cung cấp kinh nghiệm và phải để cho học trò có hướng đi riêng. * Nhiều người cho rằng kỹ thuật đánh đàn của Sơn bây giờ điêu luyện, nhuần nhuyễn hơn xưa nhiều, Sơn có thấy như thế không? - Hồi xưa, lúc trình diễn ở TP.HCM mà chị có đi xem đó, có nhiều yếu tố khách quan, không thể so với đêm Sơn trình diễn ở Cal State Fullerton, Nam Cali này. Điều kiện phòng diễn và đàn ở đây tốt. Họ đưa ra mấy cây đàn và Sơn đã chọn một cây hay nhất. Phòng diễn đạt tiêu chuẩn quốc tế, âm thanh rất tốt. Khán thính giả hôm ấy có thể nói họ đã tới xem Sơn diễn với cả tấm lòng. * Vâng, rõ ràng là cả khán phòng im phăng phắc, nín thở nghe Sơn đàn... Tuy vậy cũng có người thắc mắc vì sao chương trình biểu diễn của Sơn không có MC giới thiệu như những show biểu diễn khác, chỉ có Sơn xuất hiện, chào, đánh đàn xong rồi... vô... - Vâng, đó là những động tác “show up” để làm không khí buổi trình diễn nhộn nhịp, hấp dẫn hẳn lên. Nếu ai muốn “xem nhạc, xem hát” mà đến với Sơn thì sẽ thất vọng vì chả có gì để mà xem. Chỉ có muốn nghe thì đến... * Vì sao Sơn chọn Canada làm nơi định cư, mà không phải là một nơi nào khác? - Thật ra Sơn nghĩ Canada chỉ là một trong những cái bến mà Sơn tạm dừng, cũng như nhiều bến trước đây: Matxcơva, Tokyo, dần dần sau đó là Paris, rồi tới Montreal... Đó là những bến dừng trong chặng đường hành hương, cuộc hành hương mà không có bến đầu, cũng không có bến cuối... Sơn đã từ VN sang châu Âu, rồi có một thời gian sống ở Nhật, tìm hiểu những luồng văn hóa khác nhau. Giờ cũng muốn thử một chút ở châu Mỹ... Sơn nghĩ rằng sự chọn lựa nào cũng tương đối thôi. Chẳng qua là Sơn có một chút tò mò, muốn tới một vùng đất mới, tiếp xúc với một nền văn hóa mới, và như thế không có nghĩa là lập sự nghiệp ở đó, mà từ đó lại tung đi khắp mọi nơi. Tuy nhiên cho tới bây giờ Sơn thấy rằng Montreal có ảnh hưởng văn hóa Pháp nhiều, ở đấy mẹ Sơn thấy thoải mái hơn, cho nên ở Canada là tốt nhất. Thời gian sau này nhiều vùng châu Á mạnh lên về kinh tế, đặc biệt là âm nhạc nghệ thuật; có thể nói đi đầu là Nhật, lớp mới phát triển là Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, và gần đây là Trung Quốc cũng rất mạnh. Vì vậy thời gian sau này Sơn sang châu Á nhiều hơn. * Sơn nghĩ sao về thế hệ trẻ piano VN hiện nay? - Thời Sơn việc học hành bấp bênh. Nếu không nhờ thời bao cấp hồi đó tạo điều kiện cho Sơn có một suất học bổng sang Nga du học thì Sơn không được như ngày nay vì hồi đó mình thiếu trường, thiếu thầy, đi du học thì tốn tiền ghê gớm nên không sao tự lo nổi... Nay lớp trẻ muốn học piano thì có thể tự mình chọn lựa con đường cho mình. Thời bao cấp không phải muốn học là học được; còn bây giờ cởi mở hơn thì lại trở thành “sống chết mặc bay”, những gia đình không có điều kiện về tài chính thì coi như thua... Sơn nghĩ VN mình có nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra nhưng vẫn chưa có ý thức giúp đỡ, góp phần đào tạo nhân tài âm nhạc. Và Nhà nước cũng cần có qui định giảm miễn thuế sao đó để khuyến khích doanh nghiệp bỏ tiền ra tài trợ cho học sinh giỏi của các bộ môn nghệ thuật đi du học. Thời Sơn, người đàn dù đánh hay đánh dở gì thì vào trường cũng có thể tìm được việc. Nay chọn nghề nhạc phải tính xem liệu sau này có sống nổi hay không. Có nhiều gia đình cho con em đi học để biết, nhưng rồi sau đó cũng bỏ dở, chuyển sang nghề khác vì họ biết ngành nhạc nghèo quá không nuôi sống mình nổi. * Sơn có thể cho thế hệ sau mình một lời khuyên không? - Những ai say mê nghề nghiệp, muốn tích lũy kinh nghiệm, dám hi sinh thì hãy lao vào ngành âm nhạc. Trong nghệ thuật, năng khiếu là một trong những yếu tố quyết định. Tất nhiên còn có những yếu tố khác như gia đình, nền giáo dục và cả may rủi nữa. Cũng như Sơn được sang Nga học là một cơ may. Còn tuổi trẻ hiện nay sợ nghề đánh đàn này như đánh bạc, không ai dám lao vào. Có thể nói VN mình đã hỏng cả một thế hệ, quá lâu mà không có được một nhân tài âm nhạc. Hi vọng thời gian tới sẽ có một thế hệ trẻ thành công. * Sơn làm gì để có thể góp phần thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ trẻ thành công đó? - Sơn sẽ làm những việc nhỏ nhỏ trước, chẳng hạn như mở lớp dạy master cho các em có năng khiếu, và dành thời giờ cùng các bạn nước ngoài đóng góp học bổng giúp các em ở VN theo học các khóa mùa hè ngắn hạn, và sau này sẽ thêm các khóa học lâu dài. * Sơn thường có cảm giác ra sao khi ngồi vào đàn, trong các buổi trình diễn thu hút hàng trăm, hàng ngàn đôi mắt? - Mọi người thấy mình trên sân khấu, chỉ bề ngoài thôi, còn bên trong thì đôi khi trái ngược mà khán giả không thể nào nhìn thấu suốt được. Đôi khi Sơn lên sân khấu không phải bằng trái tim mà bằng... lý trí. Khán thính giả chỉ trông chờ mình đánh đàn thật hay mà không biết tới tâm trạng của mình. Có một ngày, khi đang chuẩn bị diễn thì Sơn hay tin một người bạn thân đi Mexico du lịch bị bắt cóc và bị giết dã man. Sơn bị sốc, đau khổ vô cùng trong khi buổi tối hôm đó phải chơi toàn những bài vui vẻ. Sơn lên sân khấu nghiến răng mà đánh. Không hào hứng chút nào hết mà vẫn phải diễn. Vâng, đó là mặt trái của cuộc đời nghệ sĩ... * Nhưng công việc sẽ làm Sơn nhẹ gánh ưu phiền? - Vâng, lúc nào cũng bận, lúc nào cũng có lớp. Sơn tới Nam Cali lần này cũng có lớp dạy master ở Đại học Fullerton. Mùa hè thì có lớp hè ở Pháp, Nhật, Canada...
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.