Cùng giải trí bằng hồ sơ pháp lý

XUÂN TÙNG 13/05/2025 15:40 GMT+7

TTCT - Dân tình thích hóng chuyện giờ yên tâm, vì đã có các kênh YouTube, TikTok chuyên "đọc giùm" hồ sơ tranh chấp của người nổi tiếng, biến giấy tờ pháp lý thành show giải trí cho hàng triệu người xem.

giải trí - Ảnh 1.

TikToker @imnotalawyerbut phân tích tài liệu pháp lý vụ kiện Drake và UMG

Các tranh chấp giữa người nổi tiếng vốn đã là cái kho được các báo lá cải, các blog tin đồn và chương trình TV khai thác triệt để từ nhiều năm nay. 

Gần đây, xuất hiện ngách mới: đi sâu vào các tài liệu pháp lý, cũng như các bằng chứng (thường là ảnh chụp màn hình) để làm nội dung đăng mạng xã hội.

Đi cùng các vụ tranh chấp pháp lý giữa người nổi tiếng không chỉ là các tình tiết tốn giấy mực báo chí như thường lệ, mà còn là hàng nghìn trang hồ sơ có sức nặng pháp lý được hai bên công bố. 

Dù công khai trên mạng và chứa nhiều tình tiết giật gân, nhưng không phải ai cũng có đủ chuyên môn và sự kiên nhẫn để dợt qua ngần ấy chữ nghĩa. Dân tình thích hóng chuyện giờ yên tâm, vì đã có các kênh YouTube, TikTok chuyên "đọc giùm" hồ sơ tranh chấp của người nổi tiếng, biến giấy tờ pháp lý thành show giải trí cho hàng triệu người xem.

Nổi bật trong số này là kênh TikTok I'm Not a Lawyer But. Đúng như tên gọi, chủ kênh "không phải luật sư, nhưng" đã đọc hết hàng trăm trang bằng chứng của các vụ án. 

Cô tóm gọn vụ kiện của rapper người Canada Drake với Hãng đĩa UMG bằng một video dài 7 phút, hay cần mẫn đọc hết 179 trang bằng chứng trong vụ kiện đình đám nhất năm giữa diễn viên Justin Baldoni và bạn diễn Blake Lively của bộ phim It Ends With Us rồi thuật lại cho bà con tỏ tường.

Tham gia trào lưu còn có các luật sư thực thụ; chẳng hạn podcast Ask 2 Lawyers của luật sư Keith Davidson và Stewart Albertson. Vốn khởi đầu với các nội dung chuyên môn như luật bất động sản, podcast này mới chuyển sang đọc hồ sơ vụ án của người nổi tiếng từ năm ngoái và đạt được thành công không ngờ tới, với lượt xem nhảy vọt lên hàng trăm nghìn. 

Cùng giải trí bằng hồ sơ pháp lý - Ảnh 2.

Kênh Ask 2 Lawyers

Hai vị luật sư từng nghĩ đến chuyện cắt bớt tình tiết pháp lý nhỏ nhặt của vụ việc và tăng nhịp độ podcast, nhưng khán giả của họ lại tỏ ra thích các nội dung chi li, đều đều hơn hẳn để... dễ ngủ. Bộ đôi luật sư biết rằng khán giả không hề có ý khích bác. "Có lẽ chúng tôi mang đến chút bình yên trong cơn hỗn độn, và điều ấy chạm tới được khán giả" - Albertson nói với cây viết Kathlyn Tiffanny của The Atlantic.

Nhận định trên cũng có phần đúng, nhưng theo Tiffanny, vẻ bí ẩn và quyền lực của một xấp tài liệu dày cũng là một nguyên do lớn khiến khán giả bị cuốn vào loại nội dung này. 

Markos Bitsakakis, một TikToker 25 tuổi từ Toronto (Canada), thu về trung bình 1 triệu lượt xem với mỗi video trong series tường thuật vụ việc Justin-Blake của mình. Anh thường mở đầu video bằng một xấp tài liệu dày cộp, và khẳng định rằng mình đã đọc hết ngần ấy để làm video. Với các chủ kênh thuộc hệ "kể chuyện pháp lý", xấp tài liệu dày vừa là công cụ lao động vừa là bằng chứng chuyên môn và phương tiện làm hình ảnh mang tính sống còn.

Nếu so với các dạng nội dung tương tự, các vụ kiện của người nổi tiếng nằm ở dạng trung tính: có phần bí hiểm hơn chuyện lời qua tiếng lại thông thường, nhưng cũng không căng thẳng, máu me như chuyện hình sự (true crime). 

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là căng thẳng không diễn ra. Hai phe của mỗi vụ kiện vẫn sẵn sàng lao vào khẩu chiến để bảo vệ lý tưởng của mình, và ngược lại, giữa hai bề chiến tuyến, người ủng hộ mỗi bên bắt đầu tìm thấy những "đồng minh" có phần khác thường. 

Chẳng hạn, trong vụ Justin-Blake, nhiều người theo phe cánh tả ủng hộ Justin đã bất ngờ khi họ "phải" đồng tình với Candace Owens, một nhân vật truyền thông theo phe cực hữu từng đưa ra phát ngôn thù địch với người Do Thái và người chuyển giới, khi cô này tỉ mỉ đọc hết tài liệu vụ việc và đưa ra các quan sát theo chiều hướng có lợi cho chàng diễn viên. 

Người ta lắng nghe Candace Owens nói hàng giờ liền, "vì dù có bất đồng với ý kiến của cô ta, thì vẫn phải công nhận rằng cô nàng khảo cứu hết sức tỉ mỉ" - một người dùng Instagram giải thích.

Thế nhưng, cách tiếp cận của Owens không gói gọn trong việc nghiên cứu. Cô không ngại sử dụng các nguồn tin đồn, tin giấu tên để kể câu chuyện mình muốn. Nguồn tin này chắc chắn sẽ bị báo chí chính thống gạt đi vì không liên quan đến vụ việc, nhưng gần như toàn bộ sự nghiệp và danh tiếng của Owens đều được xây dựng trên việc chống lại bộ máy tin tức truyền thống.

Theo quan sát của Kathlyn Tiffany, người xem Owens thường bày tỏ sự bất tín nhất định với báo chí chính thống - họ nghĩ rằng các nhà báo đang giấu ít nhiều thông tin vụ việc để mưu cầu quyền lực cho bản thân. 

Góc nhìn này giúp giải thích sự lên ngôi của các kênh đưa tin độc lập - họ có khả năng đưa tin nhanh, tác động mạnh và gần gũi với khán giả hơn bất cứ ai.

 "Chúng tôi không giảng giải theo lối kênh kiệu với người xem, kiểu "tôi nắm rõ còn bạn thì không". Chúng tôi muốn đưa thông tin đến cho người xem, và để họ tự định đoạt ý kiến của riêng mình" - Stewart Albertson của Ask 2 Lawyer chia sẻ. Và tất nhiên, điều này sẽ còn đúng với nhiều dạng nội dung khác, chứ không cứ gì tin tức pháp lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận