TTCT - Giá trị các đồng tiền trên thế giới liên tục lên xuống là chuyện bình thường, nhưng sự sụt giá mạnh của đồng đô la Mỹ trong tương quan với các ngoại tệ mạnh từ đầu năm đến nay đang gây mối quan ngại lớn. Ảnh: China Academy Tính từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 4, đô la Mỹ mất giá chừng 9% so với một rổ ngoại tệ mạnh, về mức thấp nhất trong 3 năm qua và 2/3 sự sụt giảm này xảy ra từ đầu tháng 4. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, đô la Mỹ sụt mất 5% so với đồng euro và bảng Anh, 6% so với yen Nhật. Thông thường khi thuế nhập khẩu tăng cao, nhu cầu mua hàng nước ngoài tại Mỹ sẽ giảm, làm giá đô la tăng. Nhưng trong thực tế điều ngược lại đang diễn ra, làm nhiều người nghĩ đến viễn cảnh sâu xa hơn: nhà đầu tư đang đánh mất niềm tin vào giá trị đô la Mỹ.Mất lòng tinNhư vậy chưa cần đến thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã tăng giá vì đồng đô la yếu, phải bỏ ra nhiều đô la hơn mới mua được cùng lượng hàng như rượu vang Pháp hay đồ điện tử Hàn Quốc. Đô la Mỹ mất giá buộc nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất cao hơn khi mua trái phiếu chính phủ Mỹ, từ đó lãi suất dùng để tính mua nhà, mua xe trả góp sẽ tăng lên. Lãi suất tăng càng gây sức ép lên ngân sách Mỹ, do phải dùng một tỉ lệ ngân sách lớn hơn để trả lãi cho các khoản nợ khổng lồ.Với bất kỳ nước nào khác, một khi đã rơi vào tình huống như vậy, tức nợ nước ngoài cao, đồng tiền lại yếu, thì sẽ nhanh chóng rơi vào khủng hoảng vì không làm ra ngoại tệ đủ để trả nợ. Nhưng nước Mỹ có cái may mắn là đi vay bằng chính đồng tiền của nước mình nên về lý mà nói, luôn đủ "ngoại tệ" để trả lãi nợ cũ, vay tiếp nợ mới. Mỹ "in tiền" bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, tức phát hành tờ giấy nợ tính bằng đô la cho nước khác mua. Vì nền ngoại thương toàn cầu vẫn đang chủ yếu sử dụng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán nên ai cũng cần đồng bạc xanh. Trong hơn 2.000 tỉ đô la tiền mặt, chừng một nửa đang nằm ở ngoài nước Mỹ.Tuy nhiên, đi kèm với sự sụt giá của đồng đô la là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư, quỹ dự trữ của các nước bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Mỹ họ đang nắm giữ vì sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ và xáo trộn trong giao thương toàn cầu do chính sách thuế của chính quyền Trump.Nhưng vẫn khó thay thếCho đến nay các nỗ lực tìm một đồng tiền khác để thay thế đô la Mỹ trong thương mại quốc tế vẫn tiếp diễn nhưng chưa có tiến triển rõ nét. Dùng nhân dân tệ, Trung Quốc đã thương lượng với Brazil để mua nông sản; với Nga để mua dầu; với Hàn Quốc để mua hàng hóa khác. Trung Quốc cũng dùng nhân dân tệ để cho vay với một số nước như Argentina hay Pakistan. Một phương án thay thế khác có tiềm năng vượt lên là tiền mã hóa như Bitcoin và tiền điện tử của các nước phát hành chính thức.Bộ trưởng tài chính Mỹ thời tổng thống Nixon là John Connally, từng phát biểu tại một hội nghị G10 tại Rome: "Đô la là đồng tiền của chúng tôi nhưng nó là vấn đề của các ngài". Đó là lúc Mỹ chấm dứt việc bảo đảm giá trị đồng đô la bằng vàng. Quan điểm của Chính phủ Mỹ hiện nay lại ngược lại: đô la là đồng tiền các nước dùng nhưng là vấn đề của nước Mỹ. Họ than phiền về gánh nặng đặt lên vai đồng đô la khi phải đóng vai trò đồng tiền dùng trong giao thương quốc tế.Họ cho rằng vì vai trò này nên đô la Mỹ luôn duy trì giá cao hơn giá trị thật, làm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ thua sút nước khác. Tuy nhiên, than là than như vậy, nhưng thay vì từ bỏ vai trò cầm trịch, họ muốn các nước bù đắp để Mỹ vẫn tiếp tục vừa hưởng đặc quyền phát hành tiền vừa duy trì vị thế của đồng đô la. Vị thế này đang giúp Mỹ vay tiền với lãi suất thấp và thiếu bao nhiêu vay bấy nhiêu.Ngày xưa đồng bảng Anh từng có vị thế như đô la Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 đã làm vị thế này suy sụp mãi không gượng nổi. Nay chính sách thuế đối ứng của Mỹ mà thực chất là ép buộc các nước chấp nhận một đồng đô la Mỹ giảm giá hơn trước có thể là khởi đầu cho một giai đoạn đồng bạc xanh mất dần giá trị và vị thế. Thật ra không đợi đến tuyên bố chính sách thuế đối ứng, vai trò đô la Mỹ trên thế giới đã giảm dần trong 10 năm qua. Chẳng hạn 10 năm trước, tỉ lệ đô la Mỹ trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ của các nước lên đến 65% thì đến năm 2024 chỉ còn 57%. Tỉ lệ trái phiếu chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ giảm mạnh hơn, từ 50% vào năm 2014 nay còn chừng 30%.Theo tờ Economist, một cuộc khủng hoảng đồng đô la có thể bắt đầu khi các quỹ quản lý tài sản bắt đầu bán đô la ra để mua thứ khác, như vàng chẳng hạn. Lý do quan trọng nhất là trước đây họ nắm giữ đô la Mỹ là vì tính ổn định của nó, nhưng với chính sách ngoại thương thay đổi xoành xoạch, sự ổn định này không còn nữa, đặc biệt nếu vai trò của Fed bị Nhà Trắng vô hiệu hóa. Các chỉ dấu gồm nợ của nước Mỹ đã vượt 100% GDP, thâm hụt ngân sách lên đến 7% GDP, quá cao cho một nền kinh tế lớn, là đáng lo ngại. Năm tới nước Mỹ phải đảo nợ lên đến 9.000 tỉ đô la; nếu nhu cầu nắm giữ trái phiếu Mỹ giảm như từng xảy ra vào đầu tháng 4, Mỹ phải chào lãi suất cao hơn mới đảo được nợ và vay tiếp.Số phận đồng đô la sẽ như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào những chính sách ngoại thương sắp tới của chính quyền Trump. Có thể chính sách này được điều chỉnh để bớt đột ngột nhằm giúp đô la Mỹ ổn định trở lại, bằng không sự sụt giá của đồng bạc xanh vẫn sẽ tiếp tục. ■ Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tỉ giá Tiếp theo Tags: Đồng đô la MỹĐồng tiềnNhân dân tệ Trung Quốc Hàn Quốc
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% TÂM DƯƠNG 12/05/2025 Mỹ tạm giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ hạ mức thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%.
Việt Nam lên tiếng về đề xuất của ông Putin đàm phán trực tiếp với Ukraine TRẦN PHƯƠNG 12/05/2025 Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp thôi làm hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TRẦN HUỲNH 12/05/2025 Ông Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, đồng thời đến nhận nhiệm vụ và công tác tại Sở Y tế TP.HCM.
Giá vàng giảm mạnh sau thông tin Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau ÁNH HỒNG 12/05/2025 Giá vàng thế giới giảm 110 USD/ounce sau tin Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau. Lúc 17h hôm nay, 12-5, giá vàng thế giới chỉ còn 3.215 USD/ounce.