TTCT - Những ngày đầu tháng 7, cả thế giới đều chờ đợi xem điều gì sẽ diễn ra khi hạn chót để Mỹ áp mức thuế đối ứng được công bố hồi đầu tháng 4 đang đến gần. Có nhiều diễn biến mới, nhưng tương lai vẫn bỏ ngỏ. Ảnh: Reuters Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu với truyền thông là ông sẽ không gia hạn thêm dù rất ít thỏa thuận thương mại được tuyên bố. Vào thời điểm đó chỉ có một thỏa thuận được ký với Anh, và một kết quả đàm phán giới hạn hơn với Trung Quốc được tuyên bố. Điều đó có nghĩa những mức thuế rất cao, trên 40% sẽ áp dụng với một số nước, nếu ngày 9-7 trôi qua mà không có thỏa thuận thương mại. Và một loạt sự kiện về thuế quan đã diễn ra trước hạn chót đó.14 bức thư thuế quanSáng 2-7 giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau khi trao đổi với Tổng Bí thư Tô Lâm. Sau tuyên bố này, không có thêm thỏa thuận thương mại nào được công bố. Thế rồi ngày 7-7, tức là chỉ hơn 1 ngày trước khi hạn chót 9-7 kết thúc, Mỹ đã gửi thư thuế quan cho 14 nước, bắt đầu là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo nội dung của các bức thư, có ba loại thuế quan sẽ được áp dụng.Thứ nhất là hàng hóa được xếp vào loại sản xuất tại các quốc gia đó. Theo đó, hàng hóa vào Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ bị áp thuế quan 25%. Mức thuế đối với Bangladesh, một đối thủ lớn quan trọng với hàng dệt may ở Việt Nam, là 35%.Còn đối với hàng trung chuyển, các bức thư của Mỹ khẳng định sẽ chịu thuế quan cao hơn, nhưng không nói rõ là bao nhiêu.Ngoài các nhóm hàng này ra thì sẽ có thuế suất riêng cho một số lĩnh vực, gọi là thuế đặc thù cho từng lĩnh vực (sectoral), chẳng hạn nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ với thuế suất 50%. Đây là nhóm thuế được áp theo Điều khoản 232 và được miễn trừ trong khuôn khổ thuế đối ứng. Hiện nay có khoảng 10 nhóm hàng đang được điều tra hoặc đã đưa ra mức thuế từ 25-50% trong nhóm thuế đặc thù cho từng lĩnh vực này.Những bức thư có chữ ký của ông Trump cũng nói rằng Mỹ "có lẽ" sẽ cân nhắc điều chỉnh mức thuế quan mới này, "tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng tôi với đất nước của các bạn".Không lâu sau khi gửi những bức thư này, Mỹ gia hạn hạn chót áp dụng thuế suất này từ 9-7 về 1-8, trái với tuyên bố cuối tháng 6 của ông Trump. Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán thuế suất với các nước, cũng như tiếp tục đàm phán chi tiết với Việt Nam. Vì vậy những mức thuế suất được đưa ra chắc chắn chưa phải là cuối cùng.Và những câu hỏi còn bỏ ngỏVì đàm phán vẫn đang tiếp tục với nhiều nước, và hạn chót được đẩy tiếp về 1-8, nên chúng ta vẫn chưa biết được tương lai sẽ như thế nào. Tuy nhiên, theo đánh giá của các kinh tế gia Moody's, mức độ bất định về thuế quan đã giảm đi đôi chút.Thị trường vàng, nơi dòng tiền phòng ngừa rủi ro đang trú ẩn, phản ánh điều này. Sau thông tin hạn chót thuế quan được gia hạn về 1-8, vàng quay về khu vực 3.300 đô la Mỹ/ounce, giảm 1% trong phiên trước. Động thái hoãn áp dụng tất cả các loại thuế đang được thị trường xem là một phần nỗ lực để đạt được nhiều thỏa thuận hơn từ các quốc gia khác, làm giảm lo ngại về tác động của thuế quan đến toàn cầu. Mặc dù vậy, không lâu sau đó, Mỹ cũng đã tuyên bố áp thuế đặc thù lên nhập khẩu đồng 50% và dược phẩm 200%. Nếu thuế suất này sẽ được áp dụng mà không có ngoại lệ (nước Anh đang tích cực đàm phán để tìm kiếm ngoại lệ với xuất khẩu sắt, thép và dược phẩm), nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng có thể gia tăng trở lại.Vậy, liệu ông Trump sẽ nghiêm túc áp dụng thuế đặc thù ngành rất cao hay không vẫn là câu hỏi. Và mối quan tâm lớn hơn của nhiều nước là hàng "trung chuyển" sẽ được xác định như thế nào, bởi vì đây là phần chịu thuế suất cao hơn các mức thuế đã được công bố cho hàng sản xuất nội địa rồi xuất sang Mỹ.Đứng về khía cạnh chiến lược của Mỹ, đây được xem là cách mà Mỹ muốn ngăn chặn các chuỗi cung ứng gián tiếp từ Trung Quốc. Và chính phía Trung Quốc cũng đang nhìn nhận như vậy. Hsien-Ming Lien, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, một nhóm nghiên cứu tại Đài Loan chia sẻ: "Điều ông Trump thực sự muốn làm là xây dựng một chuỗi cung ứng sản xuất ít chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhất có thể".Điều mà các nước có thể làm giảm nhẹ tác động của thuế quan là tìm cách đàm phán để ít hàng hóa bị xác định là trung chuyển nhất có thể. Điều này là không dễ dàng. Tất nhiên có thể tranh cãi với người Mỹ là họ sai, nhưng điều đó sẽ không giúp ích nhiều. Thay vào đó, cần khéo léo đàm phán để giảm tỉ lệ này xuống.Những nghiên cứu về lĩnh vực hàng trung chuyển đánh giá rằng thực thi là một vấn đề lớn trong việc xác định hàng trung chuyển. Một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Global Trade and Customs Journal năm 2024 lưu ý rằng: "Trong hầu hết các trường hợp, việc điều tra hành vi trung chuyển hàng này bị cản trở do sự cứng nhắc của quốc gia bị nghi ngờ xuất xứ trong việc hỗ trợ điều tra những sai phạm". Bài báo nghiên cứu cũng nêu lý do của những khó khăn trong điều tra là do tính phức tạp của hồ sơ mang tính kỹ thuật cao, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và việc khó khăn tiếp cận các nhà máy bị nghi ngờ.Thực tế câu chuyện xác định hàng trung chuyển sẽ còn được quyết định bởi quyết tâm của ông Trump đối với việc thực thi nghiêm túc chuyện thuế quan này. CNBC đánh giá rằng phản ứng khá hời hợt của các thị trường chứng khoán đối với các bức thư thuế quan cho thấy họ nghĩ rằng ông Trump sẽ có thể "quay xe" với các quyết định thuế quan. Nói cách khác họ nghĩ rằng ông Trump chỉ dọa như thế để các nước đẩy nhanh đàm phán, và con số thuế suất cuối cùng sẽ thấp hơn, đồng thời việc áp dụng các điều kiện xác định trung chuyển cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Quan điểm này có thể đúng mà cũng có thể sai. Vì người ta chỉ đang đoán mò về ông Trump muốn gì.Còn ông Trump thì đã nói rồi, không ai biết ông ấy muốn gì đâu. Tháng trước, khi được hỏi liệu ông có định tham gia cùng Israel để tấn công Iran không, ông Trump đã trả lời: "Tôi có thể làm vậy. Tôi có thể không làm vậy. Không ai biết tôi sẽ làm gì". Vấn đề là, liệu các đối tác thương mại có thể tin tưởng khi đàm phán với một người như vậy? Các nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia và Thái Lan chịu thuế 36% trong khi Lào và Myanmar chịu mức thuế 40%. Nhưng đây là dành cho hàng được xác định là sản xuất nội địa và xuất sang Mỹ. Tới khi bài viết này được hoàn thành (9-7), trong khu vực ASEAN còn Singapore và Philippines, hai nước có thuế suất đối ứng công bố ngày 2-4 khá thấp, chưa nhận được các bức thư thuế quan. Tags: Bức thư thuế quanMức thuế đối ứngTổng thống Mỹ Donald TrumpMỹ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào khu vực vành đai 1 từ tháng 7-2026 PHẠM TUẤN 12/07/2025 Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1-7-2026 không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1.
Tối nay, một khách hàng Vietlott đã trúng số tiền kỷ lục: hơn 344,9 tỉ đồng LÊ THANH 12/07/2025 Thông tin về kết quả kỳ quay số mở thưởng tối nay 12-7, Vietlott cho biết có một khách hàng đã trúng giải Jackpot hơn 344,9 tỉ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.
Bắt khẩn cấp hai anh em ruột vụ sát hại ba anh em sau cuộc nhậu ở Đồng Tháp ĐẶNG TUYẾT 12/07/2025 Tối 12-7, thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã bắt khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ hình sự hai anh em ruột để điều tra, làm rõ, xử lý hành vi giết người.
Ông Trump tuyên bố áp thuế 30% với EU và Mexico từ 1-8 THANH BÌNH 12/07/2025 Ngày 12-7, Tổng thống Trump công bố sẽ áp mức thuế 30% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1-8, sau nhiều tuần đàm phán mà không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện.