TTCT - Nỗi khao khát sinh được con trai, một trong những quan niệm bất bình đẳng giới cổ xưa nhất thế giới, dường như không còn đậm đà như trước. Hồi tháng 3, Ducci Lou Carter (Mỹ) bỗng dưng nổi tiếng trên TikTok với video quay cảnh cô khóc nức nở trong buổi tiệc tiết lộ giới tính (gender reveal party) vì nhận ra đứa trẻ sắp sinh chẳng phải con gái như cô hằng ao ước. Đoạn video ngắn giờ đã được hơn 12,5 triệu lượt xem. "Lúc đó tôi tiếc cho những mộng mơ tan vỡ về việc có con gái. Tôi đã khóc vì sẽ không được làm những điều nhỏ xinh, đáng yêu dành cho con gái như tôi từng tưởng tượng" - Carter chia sẻ với tạp chí People. Cô nói thêm mình mong có con gái còn vì tin chồng mình sẽ là một người cha tuyệt vời với một bé gái.Các con số thống kê cho thấy ngày càng nhiều người sắp làm cha mẹ thích có con gái hơn con trai. Sự đảo ngược diễn ra ở cả hai chiều: tâm lý phải có con trai cho bằng được giảm ở các nước đang phát triển, trong khi các nước giàu có ngày càng mong mỏi đẻ được con gái. "Tâm lý chuộng sinh con trai tồn tại suốt nhiều thế kỷ có thể đang dần kết thúc" - báo The Times (Anh) ngày 10-6 giật tít.Khát khao có con gáiTrung bình theo tự nhiên, cứ khoảng 100 bé gái được sinh ra sẽ tương ứng với 105 bé trai. Điều này có thể là kết quả của phản ứng tiến hóa do đàn ông "mong manh" hơn trước cửa tử.Trước năm 1980, khi siêu âm chưa quá phổ biến, cha mẹ khó lòng biết được giới tính của con. Do đó, dù ưu tiên con trai, họ cũng chỉ có thể giải quyết bằng cách sinh thật nhiều con gồm cả nam và nữ (với hy vọng bé trai xuất hiện) và cưng chiều con trai hơn con gái.Khi giới tính trở nên dễ lựa chọn với chi phí siêu âm ngày một rẻ, đồng thời quy mô các gia đình ngày một thu nhỏ đi, cha mẹ phải đưa ra quyết định để đảm bảo việc nối dõi tông đường. Từ năm 1980, theo tính toán của báo The Economist, số bé gái "mất tích" đã đạt tới gần 50 triệu so với tỉ lệ tự nhiên. Nghĩa là có gần 50 triệu bé gái đúng ra phải được chào đón ánh mặt trời nếu giới tính không được tiết lộ sớm qua siêu âm.Còn theo tuyên bố của nhà kinh tế học giành giải Nobel Amartya Sen vào năm 1990, có hơn 100 triệu phụ nữ đã "mất tích", dựa theo tỉ lệ giới tính khi sinh, tuổi thọ và tỉ lệ sinh tại châu Á, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Mười năm sau đó, con số tính toán được chỉ riêng cho năm 2000 là 1,7 triệu bé trai "thừa ra", đồng nghĩa với có chừng ấy số bé gái "biến mất" trong một năm vì chọn lọc giới tính.Tuy nhiên, The Economist dự báo năm nay con số này sẽ chỉ còn khoảng 200.000, còn báo The Times nêu số liệu vào khoảng 107.000. Dù con số nào chính xác, chúng cũng đều tiết lộ xu hướng "trọng nam khinh nữ" khi có con đã giảm dần trên toàn thế giới.Sự thay đổi rõ rệt về thiên vị giới tính khi sinh con có thể quan sát được ngay cả ở các nước mang tư tưởng Nho giáo vốn đề cao vai trò của con trai, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc.Năm 1990, ở Hàn Quốc, 116 bé trai được sinh ra tương ứng với 100 bé gái. Ở những gia đình đông con, sự mất cân bằng giới tính càng được thể hiện rõ nét hơn. Với đứa con thứ ba trong gia đình, số bé trai sinh ra gấp đôi số bé gái; còn với đứa con thứ tư, tỉ lệ sinh theo giới tính nam so với nữ lên tới 250:100. Vậy mà hiện nay, Hàn Quốc đã đạt được tỉ lệ gần như đồng đều ở cả hai giới. Còn với Trung Quốc, trong 23 năm từ năm 2000 đến 2023, tỉ lệ giới tính của các em bé chào đời đã giảm rõ rệt từ 1,17 xuống 1,11. Tiếp tục tốc độ này, thế giới sẽ chứng kiến các nước vốn có chênh lệch về giới quay dần trở về tỉ lệ phân bổ giới tính bình thường.Ở một số quốc gia tại khu vực Caribê và châu Phi cận sa mạc Sahara, tỉ lệ sinh thậm chí đạt tới thấp ở mức 101 hay 100 bé trai trên 100 bé gái. Nhìn lại nước ta, có vẻ Việt Nam vẫn đang chậm nhịp trong xu hướng "ưa chuộng" nữ giới. Theo báo Chính Phủ, trong giai đoạn 2021-2024, tỉ số giới tính khi sinh ở nước ta là 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Một số địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ... đạt tỉ số giới tính cao, có nơi ghi nhận lên đến 120 bé trai/100 bé gái. Điều này phản ánh bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Giữa thích và chọnSố liệu của cơ quan thống kê của Hàn Quốc thể hiện tỉ lệ phụ nữ cảm thấy "cần thiết" phải có con trai giảm 8 lần sau gần 20 năm (1985-2003). Tình trạng chung diễn ra cả ở Nhật Bản. Khảo sát khả năng sinh sản toàn quốc của Nhật cho thấy số cặp vợ chồng chỉ muốn sinh một và đó phải là con gái tăng gấp rưỡi sau 40 năm, từ 48,5% (1982) lên 75% (2002).Tuy nhiên, sự ưu ái con gái thể hiện trong các cuộc khảo sát vẫn chưa đủ mạnh để ảnh hưởng đến tỉ lệ giới tính khi sinh. Nói cách khác, phần lớn các bậc cha mẹ tương lai vẫn do dự khi phải đối mặt với lựa chọn phá thai theo giới tính. Thiên hướng thích con gái chỉ thể hiện qua một số hành động có thể thực hiện như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhận con nuôi hay quyết định sinh đứa thứ hai.Ở Mỹ, trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, phân loại tinh trùng để chọn giới tính cho con được xem là hợp pháp. Có tới 90% bậc cha mẹ thực hiện kỹ thuật này nói họ muốn cả trai lẫn gái, nhưng thực tế 80% số này đã chọn sinh con gái. Tại phòng khám New York City IVF, các bậc cha mẹ phải trả 20.000 USD (hơn 500 triệu đồng) để lựa chọn giới tính của những đứa trẻ được sinh ra nhờ quá trình IVF. Dù nghe đắt là vậy, nơi đây vẫn thu hút một lượng lớn các cặp đôi "tài chính vững mạnh" từ các nước nơi việc lựa chọn giới tính bị cấm như Anh."Trong quá khứ, họ chỉ toàn lựa con trai" - chủ phòng khám Alyaa Elassar nói với The Economist. Nhưng giờ đây, quá khứ đã bị phủ lên một lớp bụi mờ.Khi phân tích dữ liệu trong giai đoạn 2008-2013, nhà kinh tế học Francine Blau (Đại học Cornell) cho rằng bé gái đang được ưa chuộng hơn, bởi việc sinh con gái đầu lòng có liên quan đến tỉ suất sinh thấp tại Mỹ. Nghĩa là, nếu các gia đình có một bé gái, họ không còn muốn sinh thêm đứa thứ hai nữa, tương tự như một số nước giàu khác như Phần Lan, Cộng hòa Czech, Litva, Hà Lan, Bồ Đào Nha...Nguồn cơn thay đổiKhó có thể khẳng định cụ thể bất kỳ nguyên nhân nào là lý do chính của việc con gái ngày một được yêu thích, nhưng có thể nói đây là kết quả của chính sách của một số quốc gia cũng như việc mọi người dần nhận ra đàn ông không hoàn toàn "vượt trội" so với phụ nữ.Đầu tiên, ở những quốc gia vốn từng lệch mạnh cán cân giới tính, chính phủ nghiêm cấm nạo phá thai chọn lựa giới tính trẻ. Phong trào "Save the Daughter, Educate the Daughter" ở Ấn Độ do Nhà nước phát động vào 2015 cũng mang lại "trái ngọt". Chương trình đã giảm tỉ lệ chênh lệch nam nữ ở một số bang như Haryana và Punjab, theo số liệu từ Tổng kiểm toán và kiểm soát Ấn Độ.Thứ hai, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nam giới đang dần bị bỏ lại về mặt giáo dục. Ở các bậc giáo dục cao như đại học, trong giai đoạn 2000-2020, UNESCO thông báo tỉ lệ nam nữ sinh viên là 113/100. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tiết lộ thêm trong một báo cáo vào năm 2023, ở các nước giàu, nữ giới có bằng đại học đạt 54% so với 41% ở nam.Thứ ba, nam giới có vẻ đang đối diện với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống và có xu hướng thu mình lại với xã hội. Khoảng 1/5 nam giới Mỹ trong độ tuổi 25-34 tiếp tục ở với cha mẹ, trong khi tỉ lệ này ở nữ là 1/10. Văn phòng Nội các Nhật ghi nhận nam giới chiếm hơn 60% nhóm hikikomori - những người không ra ngoài và sống xa cách xã hội ít nhất sáu tháng. Thậm chí, ở rất nhiều nước giàu, nam thiếu niên có cả khả năng trở thành thủ phạm và nạn nhân trong các vụ bạo lực. Thông tin từ Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm tính toán được khoảng 94% phạm nhân toàn cầu là nam giới.Thứ năm, với những nước như Trung Quốc, khi con gái ngày một ít và trở nên đắt giá, chi phí cha mẹ dành cho con trai ngày một nhiều thêm. Đàn ông được kỳ vọng phải có nhà và tài sản trước hôn nhân. Tiền thách cưới của Trung Quốc thuộc dạng cao ngất ngưởng, khoảng gấp 3-10 lần thu nhập hằng năm của người đưa sính lễ (từ nghiên cứu đăng trên tạp chí của Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc vào năm 2022).Vì lẽ đó, có vẻ như cha mẹ ngày càng có xu hướng sinh con gái để trông cậy. Quan niệm rằng con gái sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già tốt hơn con trai đã ăn sâu vào suy nghĩ của các bậc cha mẹ ở mọi nơi trên thế giới.Tất nhiên, cũng còn quá sớm để khẳng định rồi nữ giới sẽ "chiếm lĩnh" thế giới hay đàn ông sẽ trở thành "phái yếu" cần được bảo vệ. Nhưng ít nhất, khi tỉ lệ sinh gần về lại mốc tự nhiên và khoảng cách thu nhập giữa hai giới ngày một thu hẹp, ta biết rằng cuối cùng các phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho nữ giới đã ít nhiều thành công. Tags: Chênh lệch giới tínhTỉ lệ sinhSinh sảnDân số
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
VinSpeed tuyển nhân lực cho đường sắt tốc độ cao trung tâm TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh CHÂU TUẤN 13/07/2025 VinSpeed đang tuyển nhiều vị trí kỹ sư và quản lý cho hai dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh.
Có thực Thủ tướng Israel dọa sẽ tấn công Pakistan ngay sau Iran? LIÊN AN 13/07/2025 Sau cuộc xung đột với Iran từ giữa tháng 6, trên mạng xuất hiện một đoạn video phỏng vấn trong đó thủ tướng Israel đe dọa sẽ tước bỏ vũ khí hạt nhân của Pakistan.
Biên phòng tìm thấy người con rể dùng kéo đâm chết mẹ vợ ở Tây Ninh lẩn trốn sang Campuchia SƠN LÂM 13/07/2025 Sau khi tìm thấy Tài đang trốn ở một nhà nghỉ tại tỉnh biên giới Campuchia, các trinh sát phối hợp lực lượng vũ trang nước bạn vận động Tài về Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây đầu thú.
Ông Duterte chỉ còn 'da bọc xương' trong bệnh viện? ANH THƯ 13/07/2025 Mạng xã hội lan truyền ảnh cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nằm trên giường bệnh, trông ốm yếu và đang truyền dịch.