Kinh tế Mỹ: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng

HẢI MINH 14/07/2025 08:30 GMT+7

TTCT - Trong khi chỉ số tâm lý tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 16% trong tháng 6 vừa rồi, mức tăng đó là sau giai đoạn suy giảm liên tục, có lúc xuống thấp đến gần kỷ lục vào mùa xuân năm nay.

v - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Chỉ số này, tiếng Anh là Index of Consumer Sentiment (ICS), do Đại học Michigan khảo sát suốt từ năm 1946 tới nay, là 60,5, theo dữ liệu mới nhất công bố cho tháng 6 (ở địa chỉ https://www.sca.isr.umich.edu/). 

Đây là lần đầu tiên chỉ số này của Mỹ tăng kể từ tháng 12-2024, chủ yếu nhờ vào tâm trạng lạc quan hơn khi có những dấu hiệu thương chiến đã hạ nhiệt và các khoản thuế quan ông Trump đã áp đặt lên hầu khắp thế giới không cao như đe dọa ban đầu.

Hỏi người tiêu dùng

Tuy nhiên, chuyện cũng đáng nói về chỉ số này không kém là cách thức nó được xây dựng và kinh tế gia đang đứng đằng sau quá trình đó. Joanne Hsu, giám đốc phụ trách cuộc thăm dò, được hãng tin kinh tế tài chính Bloomberg gọi là "kinh tế gia hàng đầu nước Mỹ về tâm lý tiêu dùng".

Mỗi tháng, hàng nghìn người Mỹ được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ nhận thư bưu chính hoặc email từ Đại học Michigan đặt câu hỏi về cảm giác của họ.

Dù cuộc thăm dò đã được triển khai từ năm 1946, hướng kinh tế học nghiên cứu "cảm giác" hay cảm xúc của người tiêu dùng là tương đối mới, so với kinh tế chủ lưu vốn ưu tiên cho các yếu tố định lượng được dễ dàng hơn.

Năm nay, câu trả lời của dân Mỹ, theo Bloomberg, là khá nhất quán: tệ hại. Họ thấy tệ về giá cả lẫn điều kiện kinh doanh, về thu nhập và tâm trạng với công ăn việc làm, về nhà ở và thị trường chứng khoán. 

Tâm trạng họ xấu tới mức chỉ số ICS đã hai tháng liền ở gần mức tệ nhất trong lịch sử mùa xuân vừa qua và giảm tới 29% trong 4 tháng đầu năm 2025. Trong 79 năm cuộc thăm dò này được tiến hành, các thống kê như vậy gần như luôn báo trước một cuộc suy thoái.

"Khi tất cả các tín hiệu đều chỉ cùng một hướng, tôi nghĩ chúng ta phải lắng nghe nghiêm túc người tiêu dùng - Hsu nói - Thật nguy hiểm nếu bỏ qua họ". Nhưng nền kinh tế Mỹ rất có thể đang không nghe kịp những tiếng nói đó. 

Bất chấp tâm trạng ảm đạm của người tiêu dùng cá nhân, thị trường chứng khoán đã bùng nổ trở lại, và nhiều nhà bình luận chính trị và tài chính bác bỏ tâm trạng bi quan là mù quáng vì ý thức hệ.

Kinh tế Mỹ: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng - Ảnh 2.

Ảnh: Carson Grou[

Một truyền thống kinh tế

Rõ ràng là bà Hsu, 43 tuổi và từ năm 2022 trở thành tân giám đốc của cuộc điều tra này sau 46 năm chương trình ở dưới quyền kinh tế gia kỳ cựu Richard T. Curtin (không hề ngẫu nhiên, là người tiên phong trong mảng kinh tế học hành vi, tập trung vào tâm lý tiêu dùng - ngày nay đang là thời thượng).

v - Ảnh 3.

Trích bảng khảo sát ICS. Các câu hỏi dành cho người tiêu dùng trong phần này xoay quanh tình hình tài chính cá nhân và gia đình trong quá khứ, hiện tại và tương lai (1 năm và 5 năm tới), cùng với dự đoán về điều kiện kinh doanh chung của cả nước trong 12 tháng tới.

Lý lẽ của bà rất rõ ràng: người tiêu dùng là bộ phận của nền kinh tế khác hẳn với tin tức kinh tế vĩ mô hay dữ liệu chính thức. 

Họ hấp thu "cảm giác chân thật" của nền kinh tế trong sinh hoạt hằng ngày: mua sắm nhu yếu phẩm, ta thán về lương bổng ở nơi làm việc, chi trả hóa đơn điện nước... Những yếu tố ngoại cảnh như tuổi tác, sức khỏe và nhãn quan chính trị tất nhiên sẽ khiến họ nhiều cảm xúc và thiếu tính "duy lý" mà giới kinh tế gia thường đòi hỏi. 

Nhưng đó không phải là điểm thiếu sót, mà chính là khía cạnh nghiên cứu giá trị mà các kinh tế gia cần hiểu được. Xét đến cùng, có thể nói chính các yếu tố đó tác động lên quyết định tiêu dùng của họ, và qua đó, lên cả nền kinh tế.

Một bằng chứng quan trọng là cuộc thăm dò ICS hiếm khi dự báo sai. Lấy ví dụ, năm 1974, ICS đã nhận ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II trong khi doanh số vẫn tăng đều đặn với các mặt hàng như tivi, xe hơi và hàng tiêu dùng khác, khiến giới kinh tế gia lầm tưởng rằng mọi chuyện vẫn ổn thỏa. 

"Ngay cả nếu cảm nhận kinh tế của một người bình thường bị coi là không chính xác - Hsu nói - Họ vẫn đang cho chúng ta biết một điều gì đó thật sự quan trọng". Ở Mỹ, điều này càng đúng khi chi tiêu tiêu dùng chiếm gần 70% nền kinh tế.

Hsu, sinh ở Houston trong một gia đình Đài Loan di cư, không hề có ý định trở thành kinh tế gia. Bà chỉ nghĩ tới chuyện đó khi học ở Đại học Brown và dự lớp lý thuyết kinh tế, một môn phụ với bà để dùng làm công cụ phân tích các đề tài xã hội học như tỉ lệ sinh và tội phạm. 

"Khóa kinh tế đó đã mở mắt cho tôi", bà nói với Bloomberg. Từ đó, Hsu học dần lên và lấy bằng tiến sĩ ở chính Đại học Michigan, đề tài là quyết định tài chính của người cao tuổi, tập trung vào các góa phụ. 

Cũng ở đó, bà học được những khía cạnh tinh tế của phương pháp luận thăm dò đại chúng, lĩnh vực mà Đại học Michigan đặc biệt xuất sắc. Bà tiếp tục công việc với vị trí sau tiến sĩ ở Ngân hàng Dự trữ Washington, nơi bà làm việc cho chương trình Thăm dò tài chính tiêu dùng, một cuộc thống kê quy mô rất lớn với tài sản của người Mỹ tiến hành ba năm một lần.

ICS, do kinh tế gia kiêm tâm lý gia George Katona thành lập năm 1946, ngay từ đầu đã có tầm nhìn trở thành thước đo đánh giá người tiêu dùng vượt ra ngoài dữ liệu cứng (như thu nhập của họ hay tăng trưởng GDP). 

Lúc bấy giờ, giới kinh tế học chủ lưu tỏ ra nghi ngờ cuộc khảo sát của Katona, nhưng ICS dần gầy dựng danh tiếng là dấu hiệu cảnh báo sớm đáng tin cậy cho các cuộc suy thoái, và từ chỉ số hằng quý trở thành hằng tháng vào năm 1978, rồi từ thăm dò tận nhà sang trực tuyến vào năm 2024. 

Ngày nay, thư bưu chính được gửi tới các địa chỉ ngẫu nhiên, người nhận được yêu cầu vào đường dẫn hay quét mã QR để trả lời bảng câu hỏi trên mạng. Khảo sát qua mạng cũng giúp Hsu tăng gần gấp đôi mẫu thăm dò, lên gần 1.200 phản hồi cho tháng 6 vừa qua.

Cuộc khảo sát được thiết kế để bao gồm rất nhiều câu hỏi mở, và nhiều không gian để người trả lời thoải mái bộc lộ ý kiến. Tháng trước, 2/3 những người trả lời có nhắc tới thuế quan, với nỗi sợ chính là lạm phát. 

"Ai cũng ghét giá cả cao - Hsu nói - Họ cảm thấy tài chính cá nhân của mình đang bị xói mòn". Những chỉ dấu truyền thống về giai cấp trung lưu ở Mỹ như sở hữu nhà, con cái học đại học và nghỉ hưu ở tuổi 65 có vẻ đang ngày càng ngoài tầm với người Mỹ bình thường. 

"Tại sao họ lại nổi giận? - Hsu nói - Là vì những điều lớn lao họ cố gắng tiết kiệm để có được ngày càng khó với tới".■

Hồi tháng 5, 64% người Mỹ cũng nói họ nghĩ thất nghiệp sẽ tăng trong năm nay, cao hơn nhiều so với 45% vào cuối năm 2022. Cũng đáng lo không kém, năm nay, tâm lý tiêu dùng xuống nhanh nhất trong những người khá giả nhất, cũng là nhóm tiêu dùng đã chi tiêu mạnh tay sau đại dịch để giúp kinh tế Mỹ vượt qua suy thoái. "Sẽ rất nguy hiểm nếu giả định rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu như trong quá khứ - Hsu nói - Chúng ta đang ở trong tình thế hoàn toàn khác".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận