TTCT - Khi tiền Quốc hội Mỹ đã phê duyệt, bên hành pháp Mỹ khó lòng can thiệp, trừ phi dùng tỉ lệ đa số ở Quốc hội để lấy lại tiền. Và kể cả khi chuyện này xảy ra, các đài công cộng của Mỹ vẫn còn nguồn tài trợ từ xã hội nên khó lòng bị đóng cửa. Ảnh: PBS/FortuneCách tiền từ ngân sách rót vào các đài phát thanh, truyền hình công cộng ở Mỹ khác với nhiều nước khác. Sự khác biệt này lại nổi lên khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành chính, đòi cắt tài trợ liên bang cho hai đài lớn NPR và PBS, cáo buộc hai đài này "đưa tin thiên lệch" hôm 1/5 vừa qua.Trước tiên, tiền từ ngân sách liên bang Mỹ không rót trực tiếp vào các đài mà qua một tổ chức trung gian, mang tên Corporation for Public Broadcasting - CPB (Tổng công ty Phát thanh công cộng). Đây chính là nơi ông Trump ra lệnh vì ông không thể ra lệnh trực tiếp với các đài.Các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây đã lường trước chuyện bên hành pháp muốn can thiệp vào báo chí nên đã thành lập CPB vào năm 1967 như một công ty tư nhân, phi lợi nhuận, nhận ngân sách trực tiếp từ Quốc hội chứ không phải từ Chính phủ Mỹ. Vì thế, ngay sau khi Nhà Trắng công bố sắc lệnh của ông Trump, Tổng giám đốc CPB Patricia Harrison ra tuyên bố, nói rõ: "CPB không phải là một cơ quan hành pháp liên bang dưới thẩm quyền của Tổng thống. Quốc hội trực tiếp ủy quyền và tài trợ cho CPB như một tổng công ty tư nhân phi lợi nhuận hoàn toàn độc lập với chính phủ liên bang".Hằng năm CPB phân phối 535 triệu đô la từ tiền thuế của người dân Mỹ đến mọi đài phát thanh và truyền hình công khắp nước Mỹ để sản xuất các chương trình mang tính giáo dục và phát huy văn hóa. Ngược lại các đài này cung cấp quyền truy cập miễn phí cho người nghe và người xem. Để tránh sự can thiệp của bên hành pháp, ngân sách cấp cho CPB được phân bổ hai năm một chứ không phải từng năm một, và hiện nay CPB đã nhận ngân sách đến năm 2027. Và ngay cả CPB cũng không có quyền can thiệp vào nội dung của các đài này để đảm bảo tính độc lập.Trong sắc lệnh hành pháp do ông Trump ký, ông yêu cầu CPB chấm dứt nguồn tài trợ trực tiếp cho hai đài National Public Radio - NPR và Public Broadcasting Service - PBS đồng thời tìm cách "hạn chế đến mức tối thiểu hay loại bỏ" các tài trợ gián tiếp cho hai đài này.Tuy nhiên ở đây có sự khác biệt giữa cách các đài phát thanh, truyền hình công cộng ở Mỹ hoạt động. Chẳng hạn, đài NPR chỉ nhận 1% ngân sách từ Quốc hội Mỹ, phần còn lại là do các nhà tài trợ tư nhân và quảng cáo. PBS nhận nhiều hơn, chừng 15% chi tiêu của họ là từ Quốc hội Mỹ.PBS không phát quảng cáo thương mại truyền thống. Cách thức tìm nguồn tài chính của PBS chủ yếu từ việc kêu gọi người xem đóng góp tự nguyện, bao gồm đóng góp trực tiếp của người dân Mỹ (thường thông qua các đợt gây quỹ công khai trên sóng truyền hình), qua việc vận động và tiếp nhận di sản và quỹ ủy thác cá nhân.Chính cách thức này đã thể hiện mô hình "người dân nuôi truyền thông công cộng". Và vì thế, PBS không chỉ là một kênh truyền hình, nó là một định chế dân chủ về truyền thông, duy trì sự công bằng trong tiếp cận tri thức và thông tin, đóng vai trò thiết yếu trong nền dân chủ Mỹ. PBS cung cấp các chương trình học thuật và giáo dục chất lượng cao như Sesame Street, Nova, Frontline và PBS NewsHour, giúp nâng cao dân trí, hỗ trợ học sinh, sinh viên và cả người lớn tiếp cận kiến thức khoa học, lịch sử, nghệ thuật và đời sống. Đài này cũng hỗ trợ sản xuất và phát sóng các nội dung phản ánh đa dạng văn hóa, sắc tộc, vùng miền và các nhóm thiểu số tại Mỹ - điều mà các kênh thương mại thường bỏ qua vì không sinh lợi. Quan trọng hơn, PBS miễn phí và phát sóng công khai trên toàn quốc, giúp mọi tầng lớp, kể cả người nghèo hoặc sống ở vùng nông thôn xa xôi, được tiếp cận thông tin và giáo dục chất lượng.Cả hai đài này đã phản ứng mạnh mẽ trước sắc lệnh của ông Trump. CEO của PBS Paula Kerger ra tuyên bố: "Sắc lệnh hành pháp rõ ràng là trái luật của Tổng thống, ban hành vào giữa đêm khuya, đã đe dọa khả năng phục vụ công chúng Mỹ của chúng tôi với các chương trình giáo dục như chúng tôi từng làm trong hơn 50 năm qua. Hiện nay chúng tôi đang tìm hiểu mọi chọn lựa để cho phép PBS tiếp tục phục vụ các đài thành viên và mọi người dân Mỹ".Các đài nhỏ ở địa phương thường không có nhiều tiền để tự sản xuất toàn bộ chương trình. Họ thường mua lại nội dung từ các đài lớn như PBS để phát lại. Nay sắc lệnh của ông Trump yêu cầu CPB cắt các nguồn tài trợ gián tiếp, tức yêu cầu CPB bảo các đài nhỏ nhận ngân sách từ CPB phân bổ hằng năm không được lấy tiền đó mua chương trình của PBS. Vì thế trực tiếp thì NPR chỉ nhận 1% ngân sách từ Quốc hội Mỹ nhưng gián tiếp, tỉ lệ này có thể cao hơn vì cả ngàn đài nhỏ lấy tiền ngân sách cấp để mua chương trình của NPR.Đài NPR theo chân PBS cũng ra tuyên bố họ sẽ cân nhắc chuyện kiện Chính phủ Mỹ: "Chúng tôi sẽ cương quyết bảo vệ quyền cung cấp tin tức thiết yếu, thông tin và dịch vụ mang tính cứu nạn cho công chúng Mỹ".Các đài phát thanh, truyền hình như NPR và PBS là cái gai trong mắt phe bảo thủ. Phe này cho rằng các đài có khuynh hướng cấp tiến, cổ xúy cho những quan điểm "phải đạo" được gán nhãn "tin tức". Khi thúc hối Quốc hội lấy lại 1 tỉ đô la đã cấp trong hai năm tới cho CPB, Nhà Trắng trích dẫn bài viết trên NPR về "động vật đồng tính" và một phim tài liệu trên PBS về một thiếu niên chuyển giới, coi đây là những điển hình về phát tán quan điểm cấp tiến quá mức. Nhà Trắng cũng cáo buộc các đài "không hề khoan nhượng cho các góc nhìn không ủng hộ cánh tả". Trong một tài liệu công bố kèm sắc lệnh của ông Trump, Nhà Trắng phê phán cách hai đài đưa tin trong nhiều trường hợp, như với đại dịch Covid-19 hay với vụ chiếc laptop của Hunter Biden, con trai của cựu tổng thống Biden.Khi tiền Quốc hội Mỹ đã phê duyệt, bên hành pháp Mỹ khó lòng can thiệp, trừ phi dùng tỉ lệ đa số ở Quốc hội để lấy lại tiền. Và kể cả khi chuyện này xảy ra, các đài công cộng của Mỹ vẫn còn nguồn tài trợ từ xã hội nên khó lòng bị đóng cửa. Khái niệm công vì thế không chỉ là "của chính phủ" mà còn là "của dân". Mối quan hệ giữa ông Trump và báo chí Mỹ không thuận buồm xuôi gió. Nhà Trắng từng cấm cửa hãng tin AP vào đưa tin các sự kiện tại Nhà Trắng vì hãng tin này không chịu dùng tên "vịnh Mỹ" ông Trump đặt cho "vịnh Mexico". Bản thân ông Trump đang kiện nhiều cơ quan báo chí như kiện hãng truyền hình CBS News đòi bồi thường 20 tỉ đô la vì đã biên tập buổi phỏng vấn đối thủ của ông là bà Kamala Harris để, theo ông, là nhằm đánh bóng cho bà này trong cuộc tranh cử năm 2024. Tags: Kinh tế MỹĐài phát thanhDOGECắt ngân sách
Tạm đình chỉ công tác cán bộ công an phường bị tố đánh người HỒNG QUANG 13/05/2025 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Công an Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng sẽ làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Xá lợi Phật về tới chùa Quán Sứ, biển người cờ hoa nghênh đón NGUYỄN KHÁNH 13/05/2025 Đúng 17h, xá lợi Đức Phật đã về đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) trong sự nghênh đón long trọng của hàng ngàn người dân, phật tử xếp hàng phía trước chùa và các tuyến đường xung quanh.
Bắt tạm giam nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cùng 4 đồng phạm DANH TRỌNG 13/05/2025 Nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cùng 4 người khác bị khởi tố với cáo buộc có hành vi sai phạm, liên quan đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả.
Phương Tây dọa siết trừng phạt, ông Putin nói Nga có thể tự cung tự cấp UYÊN PHƯƠNG 13/05/2025 Hôm 13-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng những ai áp dụng các lệnh trừng phạt chống lại Nga là kẻ ngốc, vì những biện pháp này sẽ gây tổn hại cho chính họ hơn là cho Matxcơva.