TTCT - Nghe Quốc hội thảo luận về các điểm sửa đổi trong Bộ luật lao động, có người thắc mắc chuyện số giờ làm việc bình thường trong khu vực tư nhân lên đến bao nhiêu là thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, vì sao phải quy định trong luật? Đúng là người sử dụng lao động và người lao động toàn quyền thương lượng số giờ làm việc bình thường, nhưng thương lượng phải dựa vào một số khuôn khổ pháp lý do Bộ luật lao động quy định. Ví dụ nếu không cấm, người ta sẽ bắt trẻ em dưới 12 tuổi lao động trong các lò gạch mà chẳng thể ngăn cản.Với Bộ luật lao động hiện hành, thời giờ làm việc bình thường được quy định là không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần, thường là làm suốt từ thứ hai đến hết thứ bảy. Nếu ông chủ doanh nghiệp muốn công nhân làm thêm ngày chủ nhật cho kịp đơn hàng, luật không cấm, nhưng chủ doanh nghiệp phải trả tiền công ở mức làm ngoài giờ, cao hơn mức lương bình thường, thậm chí có thể gấp đôi.Điều đáng ghi nhận là mặc dù dự thảo sửa đổi Bộ luật lao động đang được đưa ra Quốc hội để thảo luận không hề thay đổi thời giờ làm việc bình thường, tức dự thảo vẫn giữ nguyên như luật hiện hành, tại diễn đàn Quốc hội vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên giảm số giờ làm việc bình thường xuống, trước mắt là 44 giờ/tuần, kèm theo là lộ trình giảm còn 40 giờ/tuần.Bởi dự thảo không nêu, tức Chính phủ không trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến nên giữ như luật hiện hành, vấn đề giảm giờ làm bình thường sẽ khó lòng xảy ra.Tuy nhiên, trong xu hướng giảm giờ làm việc đang diễn ra khắp thế giới, trước sau gì Việt Nam cũng phải tính đến chuyện này, nhất là trước sự quan tâm rộng rãi của xã hội khi vấn đề này được đưa ra. Trước hết, cần nói ngay rằng các tính toán kiểu “giảm giờ chính thức xuống 44 giờ/tuần sẽ làm tổng chi phí lao động tăng thêm 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi 20 tỉ USD/năm và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đi 0,5% mỗi năm” là loại tính toán võ đoán, bởi nền kinh tế vận hành không theo các phép tính số học đơn giản như thế.Đối với một doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất 6 ngày/tuần, nay nếu phải cho công nhân nghỉ chiều thứ bảy, họ sẽ có một số chọn lựa: tiếp tục như cũ, trả 4 giờ làm thêm chiều thứ bảy theo mức lương làm ngoài giờ; thuê công nhân mới để khỏi trả lương làm ngoài giờ; giảm quy mô sản xuất; tổ chức lại bộ máy sản xuất...Nếu nhìn vào từng trường hợp, rất dễ kết luận ắt chủ lao động sẽ trả thêm 4 giờ tiền lương vì thuê thêm người kéo theo các chi phí khác. Nhưng thực tế đã cho thấy chỉ trong một nền kinh tế toàn dụng lao động, giảm giờ làm mới làm tăng chi phí lao động, chứ với một thị trường lao động bình thường, quy luật cung cầu sẽ dẫn tới chỗ tiền công sẽ trở về như cũ, chi phí lao động sẽ không tăng. Công việc làm trước đây tập trung vào, ví dụ, 10 người thì nay sẽ sang ra cho 12 người.Với công nhân, được chính thức nghỉ làm chiều thứ bảy sẽ dẫn tới nhiều khả năng: được nghỉ ngơi tái tạo sức lực, có thời gian với gia đình; vẫn tiếp tục làm như cũ và hưởng 4 giờ làm thêm, tiền công có thể gấp đôi cho 4 giờ này. Ở đây cũng vẫn kết quả thế, nếu nhìn rộng ra cả thị trường lao động, do quy luật cung cầu nên tiền lương công nhân cũng sẽ chẳng tăng được bao nhiêu.Vậy vì sao lại nên đặt vấn đề tìm cách giảm giờ làm bình thường xuống, trước mắt còn 44 giờ/tuần? Lý do quan trọng nhất là bởi nền kinh tế toàn cầu đang ở trong xu hướng máy móc dần thay cho con người, tức thị trường lao động sẽ nghiêng về phía thừa cung thiếu cầu. Ở các nước phát triển, tình trạng thất nghiệp cao đã cho thấy điều đó.Ở các nước đang phát triển, xu hướng này cũng sẽ nhanh chóng diễn ra. Hãy hình dung ngành dệt may sẽ thừa bao công nhân khi doanh nghiệp đầu tư mua máy móc để tự động hóa ngày càng nhiều khâu, từ cắt đến may. Giảm dần giờ làm sẽ tạo thêm công việc cho lực lượng lao động.Lâu nay, một trong những ưu thế thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là lao động giá rẻ. Điều đó kéo theo những cái giá đắt phải trả như chấp nhận công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm, chấp nhận các ngành thâm dụng lao động nhưng giá trị gia tăng không cao. Nay giảm giờ làm bình thường sẽ phát đi thông điệp Việt Nam dần thoát giai đoạn chỉ biết gia công để tiến lên một nấc mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ có đặt doanh nghiệp vào thế phải dựa vào các yếu tố khác, phi lao động để cạnh tranh thì họ mới đầu tư vào công nghệ, quản trị và tham gia xu hướng tự động hóa như các nước.Về mặt quản trị, người ta đã chứng minh tuần làm việc 5 ngày, thậm chí 4 ngày sẽ giúp công nhân đạt năng suất cao nhất so với tình trạng mỏi mệt, căng thẳng khi họ phải làm 6 ngày suốt tuần. Trong khi các nước đang nghiên cứu và dần áp dụng tuần làm việc 4 ngày, chúng ta vẫn còn loay hoay, ngay cả giảm từ 6 ngày xuống còn 5 ngày rưỡi cũng chưa dám.Nhưng ở nhiều nơi, bộ máy hành chính, nhân sự văn phòng từng trải qua giai đoạn chuyển từ tuần làm việc 6 ngày còn 5 ngày, công việc vẫn chạy, chi phí không tăng... Đấy không phải là một minh chứng thuyết phục nhất hay sao?■ Tags: Giảm giờ làmChi phí lao động
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.