TTCT - 15 bệnh nhân thận chết vì không được lọc máu do cúp điện kéo dài - có lẽ đó không chỉ là hậu quả duy nhất của đợt mất điện dài nhất trong lịch sử Venezuela, trong tình cảnh rối ren hiện nay ở nước này. Các trường học đang đóng cửa, công nhân phải nghỉ làm vì mất điện suốt một tuần lễ (từ ngày 7 đến 14-3). Ảnh: The Gauntlet Thảm họa bắt đầu từ ngày 7-3, khi nhà máy thủy điện lớn nhất đất nước bị sự cố, gây mất điện ở phần lớn trong 23 bang khắp đất nước, kể cả thủ đô Caracas. Đến ngày 14-3, điện mới có lại trên quy mô gần như cả nước. Tập đoàn Điện lực quốc gia Venezuela mô tả vụ việc là “phá hoại và là một phần trong cuộc chiến tranh năng lượng chống Venezuela”. Sự cố hay tấn công mạng? Tổng thống Venezuela Maduro khẳng định đây là đòn tấn công mạng (cyber attack) của Washington, bởi “Hoa Kỳ có những công nghệ cho phép tắt điện trên toàn lãnh thổ Venezuela”. Ông cho biết thêm ngày 9-3, khi công tác sửa chữa đã phục hồi được 70% việc cung ứng điện thì đợt tấn công thứ hai ập đến, vô hiệu hóa những nỗ lực của Caracas đến khi đó. Venezuela tiếp tục lâm vào cảnh tối tăm, mà người dân ở đây thừa nhận đây là đợt cúp điện dài nhất trong lịch sử họ từng biết. Đồng tình với đánh giá của Tổng thống Maduro, Tổng thống Bolivia Eva Morales lên án “vụ khủng bố điên rồ vào hệ thống cung ứng điện... Chúng tôi đồng thời cũng lên án các biện pháp trừng phạt và sự can thiệp của Mỹ vào Venezuela”, theo tài khoản Twitter của ông. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin từ kênh truyền hình nhà nước Venezuela cho biết Venezuela dự định đệ đơn khiếu nại lên Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về nhân quyền về cuộc tấn công mạng này. RIA dẫn lời Bộ trưởng thông tin Venezuela Jorge Rodriguez nói trên truyền hình Venezuela rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và thượng nghị sĩ Marco Rubio biết trước vụ tấn công bởi họ đã “phản ứng rất nhanh trên mạng xã hội”. Ông Rodriguez cho biết một phái đoàn do Cao ủy LHQ phụ trách nhân quyền Michelle Bachelet (cựu tổng thống Chile) sẽ đến Venezuela trong thời gian tới, và Caracas sẽ “trình bằng chứng về những tên tội phạm (tấn công mạng) để yêu cầu thế giới tôn trọng nhân quyền Venezuela”. Trong một bài báo trên Forbes, chuyên gia dữ liệu và xã hội Kalev Leetaru cho rằng mặc dù sự cố mất điện của Venezuela có thể do sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và năng lực bảo trì, nhưng “ý tưởng về việc một nước ngoài thao túng mạng lưới điện của đối phương để buộc thay đổi chính phủ là rất thực tế”. Mạng Internet lỗi thời lẫn hạ tầng điện yếu kém của Venezuela khiến việc tấn công mạng chẳng bị thách thức mấy. Theo Leetaru, tất cả diễn biến hiện nay ở Venezuela: cắt điện lúc cao điểm, bảo đảm tác động tối đa lên xã hội dân sự và vô số hình ảnh truyền thông về hậu tận thế, diễn ra trong thời điểm biến động xã hội gây mất uy tín chính phủ hiện hành ăn khớp hoàn toàn với các kịch bản tấn công mạng được dự liệu. Cú chơi khăm Cùng lúc với vụ “tấn công mạng”, các báo Nga cuối tuần qua đưa tin về vụ chơi khăm mới nhất của các “pranker” (những kẻ chơi khăm) Nga - hai kẻ giả danh qua điện thoại nổi tiếng Vovan và Lexus. Cụ thể, ngày 19-2, họ đã giả làm Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer gọi điện cho quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Venezuela Eliott Abrams. Trong cuộc trò chuyện, “tổng thống Thụy Sĩ” đã hé lộ cho ông Abrams về các “tài khoản bí mật” của Tổng thống Maduro và người thân ông ta ở “ngân hàng Limpopo” tại Thụy Sĩ và “xin ý kiến” hành động. Nghe tin này, ông Abrams lập tức yêu cầu Thụy Sĩ khóa các tài khoản, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính Hoa Kỳ chuẩn bị các biện pháp cấm vận mới (chẳng buồn kiểm chứng để biết ngân hàng Limpopo chẳng hề tồn tại và hơn thế nữa, cái tên Limpopo kỳ lạ này từng được hai pranker này sử dụng nhiều lần trong những cú chơi khăm quốc tế trước đây của mình). Sau đó, qua sự giới thiệu của Abrams, Carlos Vecchio - đại biện lâm thời của tổng thống tự xưng Juan Guaidó ở Hoa Kỳ - đã đích thân liên lạc với “tổng thống Thụy Sĩ” giả hiệu. Những kẻ chơi khăm sau đó cung cấp cho Vecchio thông tin bổ sung về “quỹ Maduro” ở Thụy Sĩ, hé lộ tên các “nhà tài trợ” cho quỹ và đề nghị Vecchio công khai thông tin này. Vecchio đã làm theo trên trang Twitter của ông, nơi có 900.000 người theo dõi. Tiếp đến, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin giả về các “tài khoản kếch sù của Maduro và người thân ở ngân hàng Thụy Sĩ”, dẫn nguồn từ ông Abrams và “đại biện lâm thời Venezuela ở Hoa Kỳ” Vecchio. Sau đó, những kẻ giả mạo gọi cho ông Abrams lần thứ hai và chẳng khó khăn gì để nhận được thông tin về kế hoạch của Mỹ ở Venezuela. Theo đại diện đặc biệt Abrams, Hoa Kỳ không có kế hoạch xâm lược Venezuela, mà chỉ “gây áp lực tài chính, kinh tế, ngoại giao lên Venezuela và giới quân sự nước này”. Abrams nói xâm lược chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các “hành động tự sát” của chính quyền Maduro, kiểu như “tấn công vào đại sứ quán Mỹ”. “Người được gọi là tổng thống Juan Guaidó chỉ là một nài ngựa - anh ta đang cưỡi con ngựa thành Troy của Mỹ - nhưng giải pháp thì còn dễ hơn băng cá nhân, dễ hơn cả thuốc men và thực phẩm - giải pháp đã nằm trong báo cáo của tôi gởi Hội đồng Nhân quyền - đó là việc phong tỏa tài chính đã có những tác động nhân quyền cực kỳ bất lợi” - Alfred De Zayas. LHQ bị phớt lờ? Báo cáo chính thức của đặc phái viên LHQ điều tra tình hình nhân quyền Venezuela, Alfred De Zayas - người Mỹ gốc Cuba - đã bị phớt lờ trên truyền thông chủ lưu thời gian qua, nêu ra nhiều câu hỏi về một mặt trận khác trong cuộc chiến Venezuela: truyền thông. Ông De Zayas được Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm làm chuyên gia độc lập từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2018, là điều tra viên đầu tiên của LHQ tới Venezuela sau 21 năm. Từ ngày 27-11 đến 8-12-2017, ông đã đến Venezuela, gặp đủ các thành phần trong xã hội, từ các đại biểu Quốc hội đến nhóm đối lập, từ giới ngoại giao tới quân sự, các tổ chức phi chính phủ đến lãnh đạo nhà thờ, giáo sư, sinh viên đại học... Sau chuyến đi, ông đã viết tổng cộng 13 báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trả lời phỏng vấn cuối tháng 2-2019, ông nhận định: “Nếu các bạn đã biết các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở những nơi như Gaza, Yemen, Syria, Sudan và tương tự thì các bạn sẽ không cho rằng ở Venezuela có khủng hoảng nhân đạo”. Theo ông De Zayas, quả thật ở Venezuela có khan hiếm thực phẩm, thuốc men và tình hình trở nên tệ hơn kể từ tháng 12-2017 vì cấm vận cùng cuộc phong tỏa tài chính và kinh tế. Nhưng “khi đi trên đường phố Venezuela, tôi không cảm thấy bị bạo lực đe dọa hay đất nước trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng tôi lại thấy chiêu bài nhân quyền được sử dụng ngày càng nhiều để tiêu diệt nhân quyền thật sự, với sự đồng lõa của báo chí chính thống. Người ta đã vũ khí hóa nhân quyền”. Ông De Zayas bày tỏ ngạc nhiên khi các phương tiện truyền thông - sau khi ông báo cáo với Hội đồng Nhân quyền LHQ - không hề tiếp cận ông để tìm hiểu về những gì đang thực sự diễn ra. Theo ông, chính cuộc phong tỏa và trừng phạt kinh tế là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay: “Một số ngân hàng lớn không buồn thông báo, đóng các tài khoản của Ngân hàng Venezuela. Họ chặn lô hàng 300.000 liều insulin để cứu mạng người; 1,65 tỉ USD chi tiêu của chính phủ để mua thực phẩm, thuốc men cũng bị chặn. Công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela không thể chuyển tiền để mua tất cả thứ này - thực phẩm và thuốc men”. Ông cáo buộc: “Hoa Kỳ đã cố tạo ra tình huống để người dân chống lại chính phủ, để họ có thể can thiệp lần nữa và kiểm soát sự giàu có của Venezuela. Còn việc Venezuela đã thành công khi đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực thì chẳng ai quan tâm”. Giải pháp cho Venezuela, theo ông, là “Đại hội đồng LHQ nên yêu cầu Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận, và công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế phải điều tra những cái chết liên quan đến cuộc cấm vận như tội ác chống lại loài người. Khi họ tiến hành chiến tranh kinh tế một cách chủ ý và gây khó khăn cho Venezuela trong việc bảo vệ nhân dân mình, thì bạn đang có một trường hợp tội phạm chống lại loài người. Nhưng báo chí phương Tây đã hoàn toàn phớt lờ câu chuyện này, gán hết sai lầm cho chính phủ và tuyên bố... cần thay đổi chế độ”. Thế giằng co trên mặt trận ngoại giao cũng cho thấy phe đối lập không được lòng “cộng đồng quốc tế” như một số hãng tin vẫn đưa - điều cũng là dễ hiểu trong thời đại tự do thông tin thái quá. Chẳng hạn 51 chính phủ ở châu Phi hiện vẫn chỉ công nhận Tổng thống Maduro tại chức, chỉ trừ Morocco công nhận nhà lãnh đạo tự phong Guiadó. Ở châu Á, chỉ có Úc công nhận Guaidó, trong khi 33 nước công nhận Maduro. Ở Trung Đông chỉ có Israel. Tương tự thế là ở châu Mỹ và Caribê: 17 nước công nhận Guaidó và 19 nước ủng hộ Maduro. Ở châu Âu, trong khi Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và một số nước khác chính thức công nhận nhà lãnh đạo đối lập là tổng thống lâm thời, nhiều nước khác vẫn kiên quyết chống lại sự thay đổi chế độ, bao gồm Ý, Na Uy, Ireland, Vatican và Thụy Sĩ. ■ Tags: VenezuelaKhủng hoảng VenezuelaGiữa muôn trùng vâyCúp điện Venezuela
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.