TTCT - Số người chết và ca nhiễm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra đã vượt qua dịch SARS. Trung Quốc đã rút ra được kinh nghiệm gì khi sau gần 20 năm, một lần nữa phải đương đầu với thách thức lớn là kiểm soát dịch bệnh? Người dân xếp hàng mua khẩu trang ở Hong Kong. Ảnh: Reuters Tháng 12-2019, Vũ Hán, Trung Quốc tiếp nhận những bệnh nhân có các triệu chứng sốt, ho nhưng không đáp ứng với các phác đồ điều trị sẵn có. Căn bệnh bí ẩn đó đến ngày 9-1-2020 được gọi tên là viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra và trở thành một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu vào sáng thứ năm, 30-1-2020. Tính đến ngày 4-2, sau 2 tháng bệnh này được ghi nhận, tại Trung Quốc đã có 20.438 người nhiễm và 425 ca tử vong, so với 348 người thiệt mạng vì SARS ở Trung Quốc trong giai đoạn 2002-2003. Khác gì so với thời chống SARS? Trong dịch SARS, cộng đồng thế giới đã chỉ trích Trung Quốc nặng nề vì không chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch, thiếu dữ liệu giám sát để cảnh báo cộng đồng thế giới về nguy cơ dịch bệnh toàn cầu. Song, với đại dịch hiện tại, điều đó đã không xảy ra. Đầu tiên phải kể đến việc công bố toàn bộ chuỗi gen của virus corona từ các bệnh nhân đầu tiên của các nhà khoa học Trung Quốc vào ngày 11 và 12-1. Giải mã trình tự bộ gen của virus là bước rất quan trọng để phát triển các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cụ thể và quyết định các phương án điều trị tiềm năng. Dựa trên chuỗi gen được công bố này, các bác sĩ trên khắp thế giới có thể đối chiếu chuỗi gen của virus trên bệnh nhân của họ với chuỗi gen gốc ở Trung Quốc. Sự giống nhau của các chuỗi gen cho thấy virus corona chủng mới đã không đột biến để thích nghi và lây lan. Các phòng thí nghiệm trên thế giới như Viện Pasteur Paris (Pháp), Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty (Úc) là những nơi đã nuôi cấy, cô lập, tái tạo thành công virus corona trong phòng thí nghiệm, hướng tới việc chế tạo văcxin. Không lo các yếu tố cạnh tranh, bản quyền, họ công bố, chia sẻ các dữ liệu của mình với đồng nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh mẽ. Ở khía cạnh lâm sàng, theo Tân Hoa xã, Công ty công nghệ sinh học Sansure Biotech đã phát triển bộ dụng cụ test virus corona nhanh (chỉ 30 phút) - rút ngắn thời gian phát hiện và nhận dạng các trường hợp nghi nhiễm (so với hiện nay là 2 giờ). Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế quốc gia đã phê duyệt bộ test này. Đại học Macau (Trung Quốc) cũng phát triển một bộ test nhanh với cùng thời gian 30 phút, giúp các bác sĩ phát hiện bệnh nhanh chóng hơn. Nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Rajavithi ở Bangkok (Thái Lan) ngày 2-2 công bố kết hợp sử dụng oseltamivir - một loại thuốc điều trị bệnh cúm được sử dụng để điều trị hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) với lopinavir và ritonavir - hai loại thuốc điều trị AIDS - là biện pháp hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Sau 48 giờ điều trị, bệnh nhân có chuyển biến tích cực. Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng cho những công dân Indonesia được di tản khỏi Vũ Hán trở về nước. Họ sẽ được cách ly ở căn cứ quân đội trên đảo Natuna. Ảnh: REUTERS Quyết liệt hơn Từ dịch SARS năm 2002-2003 đến dịch bệnh do virus corona hiện nay, Trung Quốc đã khác xưa về nhiều mặt. Hạ tầng du lịch hiện tại phức tạp hơn 18 năm trước, với những chuyến bay toàn cầu ra và vào trong ngày... Dù việc di chuyển đi lại đã bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng dịch bệnh có thể đã lây lan rộng trước khi các lệnh cấm có hiệu lực. Đối với tình hình dịch viêm phổi do virus 2019-nCov lần này, giải pháp cốt lõi được lựa chọn vẫn là phòng bệnh trên nguyên tắc phát hiện, cách ly sớm. Ngoài đóng cửa thành phố Vũ Hán - vùng tâm dịch, ít nhất 10 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc áp dụng lệnh hạn chế đi lại, ngừng giao thông liên vận. Đến ngày 2-2, theo báo South China Morning Post, chính quyền Vũ Hán siết chặt lệnh phong tỏa, tất cả những người có triệu chứng nhiễm bệnh đều buộc phải cách ly nghiêm ngặt dù muốn hay không. Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp mạnh, đối đầu với cả văn hóa và tâm linh lâu đời ở châu Á như buộc hỏa táng ngay những nạn nhân của virus corona thay vì tổ chức tang lễ theo truyền thống. Người Trung Quốc đang ý thức rất cao trong cách ly nguồn bệnh. Một số khu dân cư đã tự dựng rào chắn để buộc khách đến thăm hoặc những ai trở về nhà sau lễ phải khai báo lịch sử du lịch của họ. Người dân bảo vệ sức khỏe bằng khẩu trang, nước rửa tay, hạn chế đi lại. Tín hiệu vui là đến ngày 4-2 đã có 632 người nhiễm virus corona hồi phục và được xuất viện ở Trung Quốc, Tân Hoa xã dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia thông tin. Bác sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết: không ai có thể dự báo cao điểm của dịch bệnh do virus corona sẽ xảy ra khi nào. Trong khi đó, ngày 2-2, trên Tân Hoa xã, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng chống virus của Trung Quốc, cho biết đỉnh dịch do virus corona sẽ đến trong khoảng 10-14 ngày nữa. Căn cứ vào các mô hình khác nhau, các nhà khoa học đã dự báo số người nhiễm virus corona chủng mới có thể dao động từ hơn 75.851 (dự báo của chuyên gia Đại học Hong Kong) đến 190.000 (chuyên gia của Đại học Lancaster, Anh). Đặt trong bối cảnh dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ, Trung Quốc chí ít đã cho thấy sự quyết liệt và sẵn sàng hơn trong công tác đối phó với dịch bệnh khẩn cấp. Có thể nói sau 18 năm, Trung Quốc đã rút được bài học lớn nhất về cư xử với dịch bệnh là thông tin và minh bạch. ■ Những dịch bệnh toàn cầu Từ năm 2002 đến nay, nhân loại đã trải qua những dịch bệnh toàn cầu lớn như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng - SARS (2002-2003), dịch H1N1 (2009) do virus cúm A xuất phát từ heo/lợn, dịch MERS (2012) có thể xuất phát từ dơi, dịch cúm gia cầm H7N9 (2013) cũng xuất phát từ dơi. Trong số đó, dịch SARS cũng do một chủng virus corona chưa từng phát hiện trước đó ở người gây ra, cũng khởi nguồn từ Trung Quốc (tỉnh Quảng Đông). Sau 6 tháng lây lan, SARS làm 8.098 người nhiễm và 774 người trên toàn thế giới thiệt mạng. Dịch H1N1 (2009) do virus cúm A xuất phát từ heo/lợn, làm 1.632.258 người nhiễm và 284.500 người chết. Các triệu chứng của virus cúm H1N1 ở người cũng tương tự như các triệu chứng cúm theo mùa và bao gồm sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Một số lượng đáng kể người bị nhiễm virus này đã báo cáo có triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa. Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) do virus coronaviridae (một chủng virus corona) gây ra. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 4-2012 tại Saudi Arabia, người bệnh bị viêm phổi, tổn thương thận cấp tính và sau đó tử vong. Trong thời gian ngắn sau đó, nhiều người bệnh khác có triệu chứng tương tự và cũng từng đến hoặc ở Saudi Arabia, dịch sau đó bùng phát ở Hàn Quốc năm 2015. Tính đến hết tháng 6-2019, trên toàn thế giới, WHO ghi nhận 2.449 trường hợp nhiễm MERS, 845 trường hợp tử vong. MERS đã được ghi nhận tại 27 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có các quốc gia châu Á như Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Dịch cúm gia cầm H7N9: tháng 3-2013, lần đầu tiên các trường hợp nhiễm virus H7N9 trên người được báo cáo ở Trung Quốc. Từ tháng 2-2013 đến tháng 1-2018, có tổng cộng 1.624 trường hợp xác định mắc cúm H7N9 ở người, trong đó có ít nhất 621 trường hợp tử vong tại Trung Quốc. Số ca mắc ở người tăng đáng kể trong mùa đông 2016-2017 so với những năm trước đó. Các dịch bệnh nói trên có điểm chung là khởi phát từ một động vật, lây từ người sang người với tốc độ nhanh. Hiện chưa có văcxin phòng virus corona. Các thử nghiệm văcxin phòng chủng virus gây bệnh MERS vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể các bệnh do virus corona gây ra, việc chữa bệnh hiện vẫn chỉ là điều trị triệu chứng. Các bác sĩ cố gắng giảm nhẹ các triệu chứng bệnh bằng cách kê thuốc giảm đau hay giảm sốt. Phần lớn các trường hợp có triệu chứng sẽ tự khỏi. Theo giới chuyên gia, bệnh tật sẽ tiếp tục truyền từ động vật sang người khi dân số thế giới tăng lên và nhiều người tới sống ở các vùng hoang dã và tiếp xúc với những sinh vật mang virus. Những lần gần nhất WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp gồm: Tháng 4-2009: Dịch cúm A/H1N1 Tháng 5-2014: Sự trở lại của bệnh bại liệt Tháng 8-2014: Dịch Ebola ở Tây Phi Tháng 1-2016: Dịch Zika Tháng 1-2020: Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới Quy trình tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của WHO áp dụng từ năm 2005, rút kinh nghiệm từ đại dịch SARS và dịch cúm gia cầm H5N1 vào đầu những năm 2000. Tags: Trung QuốcVirus coronaTrung Quốc chống dịch
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.