TTCT - Những bài viết dạng bản tin gửi thẳng tới hòm thư điện tử của bạn đọc (newsletter) tưởng chừng chỉ còn là một trào lưu của quá khứ nay lại đang là phương tiện nuôi sống đam mê của nhiều cây viết độc lập. Ảnh: Digiday“Những tượng đài báo chí vĩ đại của thế kỷ trước đang chết dần. Các cơ quan tin tức - và những thực thể khác tự cho mình là cơ quan tin tức - đang bấu víu vào những biện pháp ngày càng tuyệt vọng để tồn tại. Đó là lý do chúng ta có các trại nội dung, chiêu trò câu view, bài viết dạng liệt kê, những tranh cãi không cần thiết nhưng có sức lan tỏa về những tấm hình đánh lừa thị giác, và một "đại dịch" tin giả” - Substack viết trong một thông điệp mô tả sứ mệnh của mình năm 2017, khi công ty startup này vừa mới ra đời.Substack và những nền tảng tương tự cung cấp giải pháp cho phép bạn đọc đăng ký nhận bản tin email từ tác giả mà họ muốn theo dõi - miễn phí hoặc phải trả tiền - đang giúp nhiều cây viết tự do tìm được tiếng nói độc lập. Đã có những dự báo về tương lai của báo chí nằm ở hòm thư cá nhân mỗi người, tương tự cách báo điện tử rồi sau đó là mạng xã hội từng lật đổ sự thống trị của báo giấy truyền thống. Nhưng đó sẽ là một tương lai tốt hơn hay xấu hơn hiện tại thì còn quá sớm để trả lời.Đế chế truyền thông cá nhânSubstack ra đời với mong muốn trao quyền cho các cây viết và tác giả độc lập để họ “tự điều hành đế chế truyền thông của riêng mình”, báo The Guardian dẫn lời nhà sáng lập và CEO Chris Best. Người viết chỉ cần lo nội dung, Substack sẽ chịu trách nhiệm mọi khía cạnh khác bao gồm tính pháp lý, phương thức thanh toán và đảm bảo người đăng ký nhận được bản tin qua email. Tác giả có thể lựa chọn cung cấp nội dung của mình miễn phí hoặc tính phí với mức tối thiểu 5 USD/tháng hoặc 50 USD/năm. Substack giữ lại 10% số tiền thu được và thêm 3% trả cho bên thứ 3 cung cấp giải pháp thanh toán, còn lại về túi của người làm nội dung và tất cả bài viết vẫn thuộc sở hữu của tác giả gốc.Nhiều từ có cánh đã được sử dụng để miêu tả sứ mệnh của startup 4 tuổi: “tái định nghĩa ngành xuất bản”, “tiên phong một mô hình kinh doanh văn hóa mới” và “xây dựng một nền kinh tế truyền thông thay thế trao quyền tự chủ cho các nhà báo”, theo tạp chí The New Yorker. Còn với Best, ý định của anh đối với Substack đơn giản là một nơi “cho phép bạn nhập nội dung, và nếu nội dung đó hay ho bạn sẽ trở nên giàu có”.Có vẻ đó không chỉ là lời hứa hẹn suông. Với mức phí tối thiểu mà Substack đưa ra cho các nội dung trả tiền, một tác giả chỉ cần đâu đó trên 1.000 người đăng ký là đã có thu nhập đủ sống ở Mỹ. Top 10 cây viết có thu nhập cao nhất trên nền tảng này đang kiếm tổng cộng 7 triệu USD mỗi năm - tức trung bình khoảng 700.000 USD/người, Substack cho biết trong một công bố gần đây.Tháng 11-2021, Substack tuyên bố vượt mốc 1 triệu lượt đăng ký trả tiền, tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng 10 tháng và gấp 4 lần so với số liệu tháng 12-2020. 1 triệu lượt đăng ký này tương ứng khoảng 500.000 độc giả có trả tiền cho ít nhất 1 newsletter, chiếm 5-10% trong số hàng triệu bạn đọc miễn phí thường xuyên của nền tảng này, giám đốc truyền thông Substack Helen Tobin nói với trang Nieman Lab. “Lượng đăng ký mới này đại diện cho một dòng tiền mới đổ vào hệ sinh thái truyền thông, mà phần lớn số tiền đó sẽ trực tiếp đến tay người viết” - nhà đồng sáng lập Hamish McKenzie tự hào khoe trong một bài blog thông báo cột mốc đặc biệt.Substacker, họ là ai?Một số lượng lớn tác giả trên Substack là các nhà báo độc lập, một phần là do mảng kinh doanh báo chí ở các nước đang trên đà suy giảm dẫn đến hàng loạt nhà báo bỗng nhiên mất việc. Theo một nghiên cứu của Đại học North Carolina, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 30.000 nhà báo ở Mỹ bị sa thải, giãn việc hoặc cắt giảm lương.Nhưng đừng thấy vậy mà nghĩ những người viết lách trên Substack đều là “hàng dạt”. Có rất nhiều nhà báo và cây bút bình luận “đinh” của các tờ báo hay cơ quan truyền thông lớn chấp nhận bỏ việc chuyển sang viết Substack toàn thời gian để tìm kiếm tự do sáng tạo và cơ hội thu nhập tốt hơn. Một trong số đó là nhà báo Glenn Greenwald - người từng góp phần phanh phui chương trình giám sát công dân bất hợp pháp của Chính phủ Mỹ dựa trên tài liệu do “người thổi còi” Edward Snowden rò rỉ và giúp tờ The Guardian nơi ông làm việc giành giải Pulitzer danh giá năm 2014.Bản tin trả phí phổ biến nhất trên Substack là The Dispatch, do cựu tổng biên tập tạp chí The Weekly Standard Steve Hayes cùng 2 đồng nghiệp khác lập ra từ năm 2019. Chỉ với hơn chục nhân sự, The Dispatch thu hút gần 100.000 lượt đăng ký - trong đó gần 18.000 là trả phí - và thu về ngót nghét 2 triệu USD doanh thu chỉ trong năm đầu tiên ra mắt, phần lớn đến từ khoản phí do người dùng chi trả, Hayes tiết lộ với báo The New York Times. Nhưng Substack không chỉ là sân chơi của báo chí và tin tức. Lướt sơ trang chủ của nền tảng này ta dễ thấy nhiều bản tin có chủ đề đa dạng như văn hóa, công nghệ, ẩm thực, tôn giáo, nghệ thuật, tài chính... không khác một xã hội blog thu nhỏ. Năm 2020, cây bút đời sống Emily Nunn (60 tuổi) nhận tin dữ khi tờ báo Chicago Tribune không muốn thuê bà trở lại làm việc sau nhiều tháng bà “ở ẩn” để viết sách. Mất việc, Nunn dành quỹ thời gian rảnh mày mò sáng tạo những công thức làm món salad từ rau và hoa quả tươi ngon có sẵn trong vườn nhà rồi khoe thành quả trên Twitter. Từ gợi ý của 2 người bạn, Nunn tham gia Substack tháng 10-2020 với bản tin The Department of Salad (Bộ Xa-lát). Dự án thành công vang dội và tháng 2-2021, Nunn cung cấp thêm lựa chọn trả phí với nội dung phong phú hơn.Tương lai có tốt đẹp?Các nhà sáng lập Substack dự báo một ngày nào đó ngành công nghiệp tin tức dưới dạng đăng ký để nhận bản tin gửi thẳng vào hòm thư điện tử có thể “lớn mạnh hơn nhiều so với ngành kinh doanh báo chí trước đây, giống như cách mà dịch vụ gọi xe công nghệ ở San Francisco đã vượt mặt taxi truyền thống”.Cuộc chơi còn có các dịch vụ đăng ký nhận bản tin khác như Revue, Lede hoặc TinyLetter. Song cũng như mạng xã hội, vấn đề lớn của sân chơi newsletter là kiểm duyệt nội dung. Substack, giống như Facebook, nhất quyết không chịu nhận họ là một công ty truyền thông, mà chỉ là “một nền tảng trao cơ hội cho người viết và người đọc”. Nền tảng này hiện có 20 nhân viên và một chính sách kiểm duyệt nội dung khá lỏng lẻo: chỉ nghiêm cấm nội dung quấy rối, đe dọa, spam, khiêu dâm và kêu gọi bạo lực, trong khi thừa nhận không có cơ chế xử lý tin giả vì cho rằng họ không thể sắm vai quan tòa để quyết định cái gì mới là sự thật.Theo CEO Chris Best, Substack đã tích hợp sẵn một “cơ chế kiểm duyệt” dưới dạng nút Hủy đăng ký và chính người đọc sẽ quyết định sức sống của một bản tin. Lời giải thích này nghe giống cú phủi trách nhiệm hơn là hướng khắc phục thỏa đáng cho một khiếm khuyết lớn.Nhiều nhà quan sát lo ngại Substack còn có nguy cơ trở thành chiếc loa phóng thanh cho những lý tưởng cực đoan. “Khi bạn không làm công tác biên tập nhưng lại trao quyền cho cá nhân - và cá nhân ấy lại có công cụ tạo sự lan tỏa đắc lực như Twitter - bạn có thể dính vào những tình huống thú vị và kỳ lạ” - The New Yorker dẫn lời Reggie James, nhà sáng lập mạng xã hội Eternal.Tháng 11-2021, một tài khoản Substack ẩn danh lập ra bản tin có tiêu đề “vote_pattern_analysis” (phân tích mô hình bỏ phiếu) với bài đăng đầu tiên và duy nhất tuyên bố đã xảy ra gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, dù kết quả nhiều cuộc điều tra sau đó đã khẳng định điều này không đúng. Đến tháng 12 cùng năm, bản tin đã trở thành một trong những ấn phẩm miễn phí phổ biến hàng đầu trên Substack.“Mọi nền tảng dù lớn hay nhỏ, lâu đời hay non trẻ, công khai như Twitter hay riêng tư hơn như bản tin email, đều sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về kiểm duyệt nội dung. Chúng ta mới đang ở chương đầu trong cuộc thảo luận về cách thức kiểm duyệt trong các không gian bán riêng tư như bản tin email và podcast” - trang Wired dẫn lời Rasmus Kleis Nielsen, giám đốc Viện nghiên cứu báo chí của Reuters tại Đại học Oxford. Câu hỏi đặt ra là cuộc thảo luận đó sẽ đi đến đâu - và liệu cơ chế “kiểm duyệt bởi người dùng” của Substack có phát huy tác dụng trên đường dài hay không. Thoát ly thuật toánĐối với nhiều độc giả và người viết, sự hấp dẫn của các bản tin gửi qua email nằm ở cảm giác cá nhân, gần gũi. “Bạn mặc định (độc giả của mình) có mức độ quen thuộc nhất định (với những gì bạn viết)” - người đồng sáng lập trang Vox Matthew Yglesias thổ lộ với The New Yorker sau khi rời công việc cũ để làm bản tin riêng trên Substack. Theo anh, tranh giành sự chú ý của người đọc trên “một mạng Internet được vận hành bởi thuật toán” luôn làm đau đầu những người làm nghề xuất bản và bản thân anh chưa từng biết rõ mình đang viết bài cho ai khi còn làm ở tòa soạn cũ. Yglesias đang thực hiện một tuyến bài về thiết kế ga xe lửa, và mặc dù anh không mong đợi đề tài này sẽ tạo hiệu ứng lan truyền rộng rãi, anh biết chắc một điều rằng độc giả của anh sẽ thích nó. “Họ biết lý do tại sao tôi viết về chủ đề lạ lùng này” - Yglesias chia sẻ. Tags: Báo chíTruyền thôngNewsletterSubstack
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.