TTCT - Tháng 4-2019, Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, đã than phiền về cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan năm đó: "Mua phiếu bầu, lạm quyền và gian lận". Tháng 5-2023, khi một kỳ bầu cử nữa đang đến gần, lại xuất hiện khiếu nại mua phiếu bầu. Kỳ bầu cử nào cũng rắc rối, vậy người Thái đi bầu để làm gì?Ngày 14-5 tới mới bầu cử, song hôm 28-4 vừa rồi, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã nhận được đơn khiếu nại từ Văn phòng Thanh tra yêu cầu tòa điều tra việc Đảng Pheu Thai, trong chiến dịch tranh cử năm nay, đã hứa phát cho toàn thể 55 triệu dân Thái từ 16 tuổi trở lên mỗi người 10.000 baht (khoảng 7 triệu đồng), theo Thai PBS World 28-4.Bà Paetongtarn Shinawatra, ứng viên thủ tướng Thái Lan của Đảng Pheu Thai. Ảnh: APNguy cơ tranh chấp kết quả bầu cửNgười đứng đơn tố cáo là Sonthiya Sawasdee, nhà hoạt động chính trị của Đảng Palang Pracharath. Theo ông này, số tiền chi ra để thực hiện lời hứa trên khoảng 560 tỉ baht (14 tỉ USD), tương đương khoảng 20% ngân sách quốc gia. Vì lẽ đó, ông Sonthiya khiếu nại lời hứa phát tiền khơi khơi như vậy có thể vi phạm đoạn 258 khoản (2) và (3) của Hiến pháp, đồng nghĩa là có căn cứ để giải thể Đảng Pheu Thai.Hiến pháp Thái 2019, đoạn 258 khoản (2) quy định: "bảo đảm hoạt động của các đảng chính trị được tổ chức công khai, minh bạch", nghe khá mông lung; còn khoản (3) cũng chỉ buộc các đảng chính trị "có cơ chế xác định trách nhiệm giải trình khi thúc đẩy các chính sách chưa được đánh giá kỹ lưỡng về tác động, hiệu quả chi phí và rủi ro", chớ chưa có gì uy hiếp đến mức đòi giải thể đảng, như lời ông Sonthiya.Biết nội dung khiếu nại còn mơ hồ, ông Sonthiya bèn dẫn thêm "án lệ": Ông lưu ý rằng, dưới thời chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra (2011 - 2014), Đảng Pheu Thai từng đưa ra chương trình cam kết bao tiêu lúa gạo của nông dân, để rồi cuối cùng gây thất thoát khoảng 884 tỉ baht (25,8 tỉ USD) cho Nhà nước, trở thành gánh nặng cho các chính phủ kế nhiệm với khoản nợ phải trả lên tới 35 tỉ baht (1 tỉ USD) hằng năm. Ông Sonthiya nói ông e rằng lời hứa phát tiền của Đảng Pheu Thai hiện cũng sẽ kết thúc giống như kế hoạch bao tiêu gạo.Nội dung khiếu nại của ông Sonthiya, như đã thấy, chưa hẳn đủ đe dọa. Thế nhưng cách ông khiếu nại mới cho thấy vụ này sẽ còn rắc rối. Ông giải thích quyết định đưa vụ việc ra Tòa án Hiến pháp thông qua Văn phòng Thanh tra, thay vì qua Ủy ban Bầu cử (EC), là do không tin tưởng EC, đồng thời lưu ý rằng EC đã không cho biết chi tiết nguồn tài trợ đến từ đâu. Có thể thấy động tác chê bai EC "không đáng tin" này là cảnh báo trước rằng kết quả bầu cử, vốn do EC kiểm tra và công bố, sẽ có khả năng cao bị phản bác, thậm chí dẫn tới khủng hoảng chính trị, như nhiều lần đã thấy ở Thái Lan.Đến đây, cần giải thích một chút về đảng của ông Sonthiya, Phalang Pracharat, tức Quyền lực Nhà nước nhân dân. Đây vốn là một đảng chính trị dân sự - quân sự có quan hệ với Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia, tức chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ứng viên của Palang Pracharath cho ghế thủ tướng chính là ông Prayut Chan-o-cha, thủ tướng đương nhiệm và lãnh đạo chính quyền quân sự. Nói cách khác, chuyện ông Sonthiya đệ đơn khiếu nại đồng nghĩa Đảng Pheu Thai đang bị giới quân nhân "canh me". Nếu đảng này dẫn đầu cuộc bầu cử năm nay thì đừng lấy làm lạ khi Palang Pracharath sẽ phản bác kết quả.Ông Prayut vận động tranh cử. Ảnh: DWCuộc tỉ thí đáng gờmỞ đất nước suýt soát 70 triệu dân này, bầu cử Hạ viện tại mỗi địa phương được tổ chức theo thể thức hỗn hợp: đơn danh (cá nhân tranh cử, ai nhiều phiếu nhất thắng cử) và liên danh (các đảng đưa ra danh sách tranh cử). Trong 500 ghế Hạ viện, 400 được bầu theo thể thức đơn danh, 100 ghế còn lại được chọn từ các liên danh. Năm nay, tổng cộng có 6.679 ứng cử viên đã nộp đơn để tranh 500 ghế dân biểu Hạ viện, gồm 4.781 ứng cử viên cho 400 ghế đơn danh và 1.898 ứng cử viên cho 100 ghế liên danh, đại diện cho 67 đảng phải khác nhau. Đáng lưu ý là có tới 43 đảng có người đăng ký tranh chức thủ tướng và 63 ứng cử viên thủ tướng.Những con số đó vẫn chưa bằng năm kỷ lục 2019, khi có tới 10.608 ứng cử viên hợp lệ thuộc 80 đảng ra tranh cử. Số ứng cử viên năm nay như vậy đã giảm gần một nửa, Thai PBS World 14-4 nhấn mạnh. Chỉ hai đảng đưa ra danh sách liên danh đầy đủ với 100 ứng cử viên cho 100 ghế Hạ viện: Pheu Thai và Quốc gia Thái thống nhất (UTNP). Có 10 đảng đưa ra danh sách hơn 50 ứng cử viên, nhưng cũng có 12 đảng chỉ đưa ra danh sách thậm chí không tới 10 ứng cử viên.Sự phân chia ghế trong Hạ viện là một "đặc sắc bầu cử Thái Lan" khó thấy ở nơi khác. Năm nay chỉ hai đảng Pheu Thai và UTNP nộp danh sách đủ 100 ứng cử viên, cho thấy đây sẽ là hai tay chơi lớn nhất. Trong khi Pheu Thai đã quen mặt trên chính trường, thì Đảng UTNP là gì, gồm những ai, và đại diện cho quyền lợi của nhóm xã hội nào?UTNP được ông Seksakon Atthawong, một cựu thứ trưởng trong chính quyền của ông Prayut, đứng tên đăng ký sáng lập vào tháng 3-2021. Đến 23-12-2022, Thủ tướng Prayut thông báo đã đăng ký làm thành viên UTNP và sẵn sàng chấp nhận đề cử của các đảng viên để ra tranh cử một nhiệm kỳ thủ tướng nữa.Việc một cựu thứ trưởng của ông đứng ra lập đảng mới là để ông Prayut tách ra khỏi Đảng Palang Pracharath mà ông từng "đứng tên" để ra tranh cử và chiến thắng vào năm 2019. Tại sao ông Prayut không tiếp tục ở lại đảng này? Vấn đề ở chỗ, dù muốn hay không, Palang Prachat vẫn mang tiếng là đảng thân giới quân sự đã tổ chức đảo chánh năm 2014. Ông Prayut thừa hiểu dân chúng muốn "thấy mặt" quân đội càng ít càng tốt, nên mới tìm cách "tẩy bớt" màu nhà binh: để ra tranh cử, ông thậm chí đã tự xuất ngũ để thành thường dân.Như vậy, chuyện ông Prayut gia nhập UTNP mới tinh chỉ là kế "kim thiền thoát xác", đồng thời phần nào làm nhẹ bớt cái tiếng "tham quyền cố vị", do Hiến pháp Thái chỉ cho phép giữ chức thủ tướng hai nhiệm kỳ, tức 8 năm.Với một số người, thời gian làm thủ tướng của ông Prayut bắt đầu từ năm 2014, với tư cách người đứng đầu Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự - cơ quan nắm quyền lực tối cao thực tế ở Thái Lan sau đảo chánh 2014. Như vậy thì ông phải kết thúc chức vụ thủ tướng vào ngày 24-8-2022. Nhưng một số ý kiến khác, bao gồm của Tòa án Hiến pháp, tính nhiệm kỳ thủ tướng của ông từ khi hiến pháp mới có hiệu lực năm 2017. Do đó, hai nhiệm kỳ của ông có thể kéo dài đến năm 2025, và ông hoàn toàn có quyền ra tranh cử năm nay (2023).Các đối thủ chính của ông Prayut là ai? Có 3-4 khuôn mặt được nêu tên, trong đó nổi bật nhất là bà Paetongtarn Shinawatra - 36 tuổi, con gái út của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, Đảng Pheu Thai đối lập. Hôm 5-4 mới đây, Đảng Pheu Thai đã công bố một lượt 3 ứng viên thủ tướng bao gồm bà Paetongtarn. Hai người kia là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin và cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri.Kết quả một cuộc thăm dò dư luận thực hiện từ 3 đến 7-4 vừa qua cho thấy có đến 35,7% số ý kiến ủng hộ bà Paetongtarn giữ chức thủ tướng, trong khi chỉ 13,6% chọn ông Prayut, còn thua nhân vật của Đảng Tiến về phía trước (20,25%). Ngoài ra, có đến 47% chọn liên danh Pheu Thai, trong khi chỉ 11% chọn UTNP. Các kết quả thăm dò này phần nào giải thích tại sao Đảng Pheu Thai bị kiện.■ Dù đã có nhiều cải cách song tham nhũng vẫn còn phổ biến ở Thái Lan, qua hệ thống mờ ám của chủ nghĩa thân hữu. Chính trong bối cảnh xã hội và tập quán như vậy, chuyện mua phiếu bầu trở nên phổ biến. Chi phí mua phiếu thường do các "đại gia đỡ đầu" bỏ ra, ứng viên đắc cử sau đó sẽ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách giao cho "ân nhân" các hợp đồng béo bở của chính phủ và cơ hội kinh doanh, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động sai trái của họ.Còn với thực tế, cử tri Thái vẫn được nghe một số lời hứa sát sườn với cuộc sống, chớ không trên trời dưới biển. Ngay cả ông Prayut cũng biết hứa: giảm giá dầu, điện; tặng 1 triệu con bò tạo việc làm; hoãn trả nợ; thêm trợ cấp phúc lợi và tiền mặt cho người già, các bậc cha mẹ và người có thu nhập thấp; học bổng giáo dục cho tất cả các cấp huyện; thiết lập trung tâm chỉ huy duy nhất giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí... Trong khi chờ đợi kết quả cách mạng, người dân Thái vẫn cần những "chiều chuộng" cụ thể. Đâu cũng thế thôi! Tags: Thủ tướng Thái LanChiến dịch tranh cửKết quả bầu cửĐảng Pheu ThaiBầu cử Quốc hộiBầu cử Thái LanNgười dân TháiMua phiếu bầuThái Lan
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.