'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian

PHAN BẢO 22/02/2025 04:27 GMT+7

TTCT - "Đồ bán dầu rắn" (snake-oil salesman) là cụm từ dùng để chỉ những tay lừa đảo, những phường lừa lọc. Nếu có gì oan ức ở đây thì nỗi oan đó thuộc về dầu rắn.

'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian - Ảnh 1.

"Tay bán dầu rắn", sơn dầu của Morgan Weistling. Ảnh: Picture This

Dầu làm từ rắn nước Trung Quốc từ lâu đã được sử dụng điều trị bệnh viêm khớp và các tình trạng khác do viêm nhiễm. Khi các công nhân đường sắt Trung Quốc mang thuốc sang Mỹ vào thế kỷ 19, dưới bàn tay của một tên lang băm, "dầu rắn" trở thành biểu tượng của những lời hứa hươu vượn, không có kết quả.

Ông tổ lừa đảo

Kẻ bán dầu rắn lừa đảo đầu tiên được cho là Clark Stanley, một tay lang băm bí ẩn xuất hiện lần đầu trước công chúng tại Triển lãm hàng hóa Columbian ở Chicago (Mỹ) năm 1893.

"Ăn mặc bảnh bao theo kiểu dân khai phá miền viễn tây, Stanley đứng trên sân khấu trước đám đông tụ họp và thò tay vào chiếc bao đặt dưới chân. Y lôi ra một con rắn đuôi chuông, giơ cao cho khán giả thấy thân rắn uốn éo đầy nọc độc, rồi thoăn thoắt rạch bụng nó bằng con dao sắc bén và thả vào một thùng nước sôi đặt sau lưng. Khi lớp mỡ rắn nổi lên mặt nước, Stanley khéo léo vớt lấy, trộn vào những lọ dầu xoa đã chuẩn bị sẵn và rao bán cho đám đông dưới cái tên dầu rắn Clark Stanley". (Trích từ quyển Quackery: A Brief History of the Worst Ways to Cure Everything - Lang băm: Lược sử những cách chữa bệnh tệ nhất, xuất bản năm 2017 của bộ đôi tác giả Lydia Kang và Nate Pedersen)

Màn trình diễn này đã thuyết phục người xem. Họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên của món dầu rắn gian dối này, nhưng vẫn còn may hơn hàng ngàn người bị lừa sau đó, vì dù sao dầu xoa đó còn có rắn thật

 "Bởi như các nhà điều tra liên bang phát hiện 24 năm sau đó, dầu xoa của Stanley hầu như chẳng có tí rắn nào. Thực ra là chẳng có chút nào cả" - quyển sách viết.

Cuộc điều tra chính thức cuối cùng đã hé lộ thành phần thực sự của cái gọi là "dầu rắn Clark Stanley": dầu khoáng, mỡ bò, ớt đỏ và nhựa thông. 

"Dù đây là tin vui cho loài rắn đuôi chuông, nhưng lại là tin buồn cho vô số khách hàng của Stanley - những người đã bị lừa bởi tay bán dầu rắn gian dối đầu tiên trên thế giới".

'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian - Ảnh 2.

Thuốc hay mang tiếng vì lang băm

Theo bài viết "Dầu rắn đã thành biểu tượng của lọc lừa thế nào" trên tạp chí Smithsonian tháng 10-2024, đây là khởi nguồn cho việc dầu rắn xịn bị hàm oan, trở thành cái tên đại diện cho sản phẩm hay những lời dối gian.

Dầu rắn hàng thiệt được điều chế từ rắn nước Trung Quốc. Vào những năm 1800, hàng nghìn công nhân Trung Quốc đến Mỹ để làm công cho dự án đường sắt xuyên lục địa. Trong những vật dụng họ mang theo phòng thân có nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm cả dầu rắn. 

Sau một ngày dài làm việc vất vả, những người công nhân xoa dầu lên các khớp để làm dịu cơn đau nhức và chia sẻ nó cho các đồng nghiệp Mỹ, khiến bọn họ vô cùng kinh ngạc trước tác dụng của lọ thuốc nhỏ.

Dầu rắn thực sự là một chất chống viêm hiệu quả nếu chiết xuất từ rắn nước, chứ không phải rắn đuôi chuông. Đài NPR diễn giải cụ thể hơn: các loài động vật máu lạnh, chủ yếu sống ở môi trường mát như hồ nước, rất giàu omega-3 vì loại axit béo này không đông trong nước lạnh. Trong khi đó, rắn đuôi chuông chứa lượng axit béo chỉ bằng 1/3 so với rắn nước Trung Quốc.

Stanley có thể không phải người duy nhất bán dầu rắn nhưng chắc chắn là người nổi tiếng nhất trong nghề từ trước đến nay nhờ khả năng tiếp thị tài ba. Việc thịt rắn ngay tại hội chợ đông người không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người tham gia sự kiện, mà còn tạo nên sức lan truyền rộng rãi.

Stanley còn tuyên bố đã học được cách điều chế dầu rắn từ bộ tộc Hopi, một thông tin chưa được xác minh, nhưng cộng hưởng với việc đầu tư mạnh mẽ vào quảng cáo in trên báo và tạp chí, càng khiến sản phẩm của y gây được tiếng vang trên khắp nước Mỹ, cũng như củng cố tên tuổi cho kẻ tự xưng "vua rắn đuôi chuông".

'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian - Ảnh 3.

Quảng cáo dầu rắn Clark Stanley. Ảnh: Wikimedia Commons

Hạ màn buôn gian bán dối

Theo tìm hiểu của Smithsonian, trong các mẩu quảng cáo, 'ông hoàng tiếp thị đời đầu' Stanley mô tả dầu rắn do mình điều chế là "loại thuốc xoa bóp giảm đau, chữa bệnh thấp khớp mạnh nhất và tốt nhất từng được biết đến", mang lại "hiệu quả tức thì", "đầy đủ những công dụng mà một loại thuốc xoa bóp cần có". Thuốc có thể điều trị hầu hết mọi bệnh như đau thần kinh tọa, bong gân, vết động vật cắn, đau họng, đau răng…

Ngành y tế Mỹ khi ấy chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động điều chế, mua bán và quảng cáo thuốc. Ngay cả nhiều bác sĩ y khoa cũng không có chứng chỉ hành nghề hay bằng cấp. Hơn nữa, dù vào cuối thế kỷ 19, y học đạt được nhiều bước tiến nổi bật nhưng vẫn chưa tìm ra kháng sinh cho các bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh viêm khớp, thấp khớp.

Vì lý do trên, thuốc sáng chế, loại không cần có chỉ định của bác sĩ, thường được tiếp thị là thuốc chữa "bách bệnh", được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Họ có thể mua thuốc một cách nhanh chóng, tiện lợi, với niềm tin được giảm đau. 

Trên thực tế, nhiều loại thuốc sáng chế thời ấy chứa các chất gây tê và gây nghiện như cocain, morphin, rượu làm dịu tức thời khiến người dùng lầm tưởng về hiệu quả giảm đau của chúng.

Đây là điều kiện lý tưởng để Stanley ăn nên làm ra và mở hai cơ sở sản xuất dầu rắn - một ở Beverly, bang Massachusetts, một tại Providence, bang Rhode Island. Tất nhiên, với bản tính gian thương, quy trình sản xuất của hắn không hề có công đoạn lấy mỡ rắn đuôi chuông cồng kềnh như đã trình diễn.

'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian - Ảnh 4.

Quyển Quackery mô tả "vua rắn đuôi chuông" là ông trùm tự quảng bá (khi có phóng viên đến tham quan cơ sở sản xuất ở Massachusetts, Stanley đã trưng bày đầy rắn trong văn phòng) và kẻ gặp may: hoạt động gian dối, tích lũy tài sản suốt 2 thập kỷ liền mà không bị sờ gáy. 

Ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật thực phẩm và dược phẩm tinh khiết vào năm 1906, Stanley vẫn sống khỏe thêm 11 năm nữa mới chính thức "kết thúc sự nghiệp".

Đạo luật này yêu cầu các dược sĩ phải kiểm tra rõ trên nhãn thuốc có chứa bất kỳ thành phần nào trong số 11 chất nguy hiểm hoặc gây nghiện hay không. Các nhà sản xuất thuốc cũng không được quảng bá sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng trên bao bì. Về mặt lý thuyết, người bán có thể lập luận rằng họ tin thuốc của mình là có hiệu quả, trong khi cơ quan chức năng vẫn khó kiểm chứng công dụng thật sự.

"Di sản" của Stanley

Năm 1917, các nhà điều tra liên bang đã tịch thu một lô dầu bôi của gã và phân tích thành phần bên trong. Kết quả là các sản phẩm không chứa dầu rắn, thay vào đó là những thành phần không hề có công dụng điều trị bệnh.

Clark bị phạt 20 USD (tương đương 550 USD ngày nay) vì vi phạm đạo luật và gian dối nhãn mác. "Hắn ung dung nộp phạt, hờ hững nhún vai rồi lặng lẽ bước ra khỏi những trang sử, trở thành một kẻ giàu có" - Quackery kết thúc câu chuyện về Stanley.

Kể từ thời điểm đó, hai chữ "dầu rắn" trở thành biểu tượng của sự bịp bợm. Lần đầu tiên thuật ngữ này được ghi chép lại với hàm ý trên là trong bài sử thi John Brown's Body của tác giả Stephen Vincent Benent vào năm 1927. Khoảng 30 năm sau, nhà soạn kịch Eugene O'Neil nhắc đến "dầu rắn" trong vở kịch The Iceman Cometh năm 1956.

"Tôi thích câu chuyện về Clark vì ông ấy thực sự là một người bán dầu rắn điển hình - tất nhiên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi nghĩ đó là điều khiến ông ấy là một nhân vật lịch sử thú vị" - Pedersen chia sẻ với Smithsonian.

'Tay bán dầu rắn' hay những lời dối gian - Ảnh 5.

Mô hình tái hiện 'tay bán dầu rắn' ở Mỹ. Ảnh: Wikimedia

Ngày nay, dầu rắn vẫn là phương thuốc chữa đau khớp được người dân châu Á tin dùng, nhưng ở các nước nói tiếng Anh, snake oil không còn chỗ đứng. Ngược lại, nó trở thành biểu tượng của sự gian dối, hứa hẹn những điều viển vông không thể đạt được.

Từ điển Oxford định nghĩa snake oil là "một thứ, chẳng hạn như thuốc, mà ai đó cố gắng bán cho bạn nhưng thực ra không hiệu quả hay hữu ích". Tóm lại cái gì hay ai có mùi xạo xạo thì kêu là dầu rắn hết. Trong thời đỉnh điểm của dịch Covid-19, các chuyên gia gọi những phương pháp chữa trị Covid truyền miệng là "dầu rắn của thế kỉ 21", giờ trong thời AI phát triển rầm rộ cũng dễ xuất hiện "dầu rắn" - tức những kỳ vọng quá lố hay chiêu trò lừa phỉnh.

Và tất nhiên, "tay bán dầu rắn" có thể là bất kỳ ai, từ chính trị gia tới các "chuyên gia" chuyên bán khóa học, tư vấn đa lĩnh vực, như tít báo ngày 9-2 của tờ The Star (Malaysia): "Chuyên gia tài chính hay kẻ bán dầu rắn?".

Theo nghiên cứu của bác sĩ người Mỹ Richard Kunin, dầu rắn Trung Quốc chiết xuất từ rắn nước chứa 20% axit eicosapentaenoic (EPA), một trong hai loại axit béo omega-3 mà con người hay sử dụng. EPA không chỉ làm giảm tình trạng viêm như đau viêm khớp, mà còn cải thiện chức năng nhận thức, giảm huyết áp, cholesterol và thậm chí ức chế bệnh trầm cảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận