Sứ mệnh của Merkel

VƯƠNG THÚY QUỲNH 20/04/2016 20:04 GMT+7

TTCT - Trong Angela Merkel và thế giới của vị nữ thủ tướng(*), tác giả Stefan Kornelius giới thiệu những góc nhìn ít được biết đến trong cuộc sống riêng tư và hành trình vươn tới đỉnh cao quyền lực của cô gái đến từ Đông Đức, Angela Kasner - tên thời con gái của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

M.N.
M.N.


Bạn có thể nói gì về một phụ nữ 61 tuổi còn sống khỏe?

Rằng bà là thủ tướng Đức?

Rằng bà từng là nhà vật lý và yêu Ronald Reagan, Jürgen Klinsmann và tự do?

Vào thời điểm nước Đức tuyên bố mở cửa đón nhận dòng người tị nạn từ Trung Đông, nhiều người độc miệng nhận xét quyết định này tới từ một cơn xúc động cảm tính của Angela Merkel, khi bản năng phụ nữ trong bà dường như không thể chịu nổi cảnh tượng một đứa trẻ chết trong tư thế úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trước đó không lâu.

Phải chăng quyết định đón nhận người nhập cư, cũng như nhiều chính sách chính trị quan trọng khác của Merkel, chỉ là những cơn bốc đồng của cảm tính?

Bỏ qua những quan điểm kỳ thị giới tính dễ gây tranh cãi, cuốn sách của Stefan Kornelius (phóng viên tờ báo thiên tả Süddeutsche Zeitung, người có cơ hội tiếp cận và quan sát bà Merkel trong thời gian dài) giúp người đọc phần nào lấp đầy những khoảng trống trong hiểu biết của họ về một trong những nhân vật chính trị hùng mạnh nhất châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng kể từ thời Helmut Kohl (lãnh đạo nước Đức lâu đời nhất kể từ thời lãnh tụ Otto von Bismarck kiêm “kiến trúc sư trưởng” công cuộc thống nhất hai miền Tây Đức và Đông Đức sau khi khối Xô viết sụp đổ), với tư cách thủ tướng nữ đầu tiên của nước Đức thống nhất.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu vẫn chưa cho thấy hồi kết, bản thân nước Đức - “đầu tàu của EU” - đứng trước ngã ba đường trong cuộc khủng hoảng người tị nạn, người ta càng không thỏa mãn với “nhúm” thông tin ít ỏi xưa cũ vẫn được truyền thông khai thác khi nhắc đến bà Merkel (con của một mục sư Tin Lành đến từ Đông Đức, rành rẽ tiếng Nga và từng là nhà vật lý học trước khi rẽ sang địa hạt chính trị).

Họ muốn biết hơn thế: cái gì làm nên một Merkel của ngày hôm nay? Thế giới quan của bà thật sự là gì? Quá khứ cộng sản hằn dấu ra sao trong não trạng của bà? Điều gì làm nên cầu nối giữa một nhà vật lý và chính trị gia?

Stefan Kornelius hiểu rõ những câu hỏi này, có lẽ ngay cả trước khi bà Merkel đạt đến đỉnh cao quyền lực như hiện tại. Vì vậy người đọc sẽ phải rất nhẫn nại khi Stefan chậm rãi, thậm chí đủng đỉnh (do ông đơn giản nắm trong tay quá nhiều cứ liệu về bà) giới thiệu về tuổi thơ của Angela Kasner.

Hoặc ta cũng được biết ông nội của bà Angela sinh tại Posen, Ba Lan - một vùng đất “hỗn mang, nơi đường biên giới giữa Đức và Ba Lan liên tục thay đổi” (năm 2000, Merkel từng tuyên bố bà có “một phần tư (dòng máu) Ba Lan”.

Thế rồi với tư cách là “nhân vật cuối cùng thuộc thế hệ lãnh đạo xưa cũ, khi ngoài thủ tướng Luxembourg thì chưa một ai nắm quyền lâu hơn bà” trong khối Liên minh châu Âu (EU), bà Angela Merkel còn là người rất giỏi tiếng Nga (“học sinh giỏi tiếng Nga toàn Đông Đức và được chọn đi thăm Matxcơva”), sở hữu năng khiếu sinh tồn trước tai mắt của thể chế (“nếu có một điều Merkel nhuần nhuyễn, đến tận ngày hôm nay, thì đó là khả năng giữ im lặng” hoặc như bà từng phát biểu sau này: “Học cách giữ im lặng là lợi thế lớn lao dưới chế độ Đông Đức. Nó là một trong những chiến lược sinh tồn của chúng tôi”), lòng yêu nước mãnh liệt gắn liền với khung giá trị đồng minh phương Tây cùng tâm huyết lớn lao dành cho tự do và giá trị của tự do.

Ở Merkel, lòng yêu nước là giá trị mà vì nó, bà - với tư cách thủ lĩnh đảng đối lập - sẵn sàng viết một bài xã luận công kích chính sách của cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder trên tờ Washington Post của Mỹ (“Schröder không nói thay cho toàn thể người dân Đức”) do trước đó ông này đã phản đối chính sách can thiệp của Mỹ vào Iraq, một điều cấm kỵ trong chính sách ngoại giao của Merkel:

Chính sách Đức không bao giờ được mâu thuẫn với Liên minh châu Âu, Israel hay Mỹ” - dẫu, như quan sát của người viết, là điều chưa từng có tiền lệ vì không ai lại đi công kích chính phủ của chính nước mình ở nước ngoài.

Nhưng tất cả điều trên sẽ không còn nghĩa lý gì, nếu không nhắc đến vai trò của tự do như một yếu tố cốt lõi trong toàn bộ khung giá trị của bà Angela Merkel, người đã sống 35 năm dưới chế độ Đông Đức.

Chính bà Merkel, trong một khoảnh khắc hưng phấn, đã thốt lên: “Tự do là trải nghiệm hạnh phúc nhất đời tôi. Không gì làm tôi tràn đầy nhiệt huyết, thúc tôi chạy nhanh hơn là sức mạnh của tự do”.

Và tự do, giữa một châu Âu được nhà văn Cộng hòa Czech Karel Čapek tán dương bằng “không phải kích cỡ mà là sự đa dạng”, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không song hành cùng lòng khoan dung. Với bà Merkel, “trái tim và tâm hồn của châu Âu nằm ở lòng khoan dung. Và châu Âu là châu lục của lòng khoan dung”.

Không chỉ với bà Merkel, chính tình yêu cùng lòng tôn trọng dành cho tự do và lòng khoan dung mới luôn là vũ khí sắc bén nhất để các thế hệ lãnh đạo châu Âu xây đắp giá trị cho khu vực này.

Giờ đây, những phẩm chất này càng được thử thách hơn bao giờ hết trước những biến động to lớn của khu vực mà qua giọng văn tỉ mỉ và chu đáo của một phóng viên giàu kinh nghiệm, Stefan Kornelius đã phần nào giúp bạn đọc rút ra những kết luận và suy đoán của mình về Angela Merkel cùng những bước đi tiếp theo của “người đàn bà thép” nước Đức, dẫu bà không bao giờ thích bị so sánh với bất cứ ai...■

(*): Đỗ Trí Vương dịch; NXB Trẻ 2016.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận