TTCT - Có thể nói sông Rhein là một biểu tượng quốc gia của Đức. Con sông và lưu vực của nó có lịch sử lâu dài, một nền văn hóa rượu vang phong phú, hàng chục lâu đài của những huyền thoại và cổ tích… Con sông chính là đối tượng yêu thích của phong trào lãng mạn xưa. Cho đến ngày nay, nó vẫn là một địa điểm hấp dẫn cho những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa trung cổ Đức, cũng như để thưởng ngoạn phong cảnh độc đáo hai bên bờ sông.Một pháo đài cổ nhìn ra sông Rhein.Đoạn sông được gọi là vùng thượng thung lũng trung lưu sông Rhein (tiếng Đức: “Oberes Mittelrheintal”) dài khoảng 60km từ thành phố Koblenz đến hai thị xã Bingen và Rüdesheim am Rhein từ năm 2002 được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhà văn Heinrich Böll từng viết: “Cảnh quan sông Rhein là một bức tranh toàn cảnh không gì có thể thay thế được, đến mức mà những ai có thể tác thi đều cất lời ngợi khen”.Tôi du ngoạn từ Koblenz đến Rüdesheim trên sông Rhein, tìm đến dấu tích những nơi các danh nhân từng đặt chân đến và cốt lõi lãng mạn của con sông này.Lâu đài cổ tích Burg EltzThành phố Koblenz ở bang Rheinland-Pfalz là nơi xuất phát của hành trình. Một lâu đài cổ nhìn từ sông Rhein.Một số thành phố bên bờ Rhein là những đô thị cổ nhất của Đức. Koblenz xuất thân là thành phòng thủ từ thời hoàng đế Ceasar khi người La Mã lấy sông Rhein làm biên giới tự nhiên giữa Đế quốc và vùng các bộ lạc Đức bên hữu ngạn sông. Thành phố cũng chính là nơi hai con sông Rhein và Mosel giao nhau.Nơi tôi chủ đích đến đầu tiên là một lâu đài giữa lòng rừng núi cách Koblenz không xa. Đi tàu về phía thành phố Trier hơn 2.000 năm tuổi là thành phố cổ nhất của Đức và là sinh quán Karl Marx. Sau gần một giờ leo núi, qua những tán lá rực rỡ mùa thu, từ xa dần hiện lên hình ảnh tòa lâu đài trung cổ sừng sững trên núi đá cao chót vót. Lâu đài đứng giữa một thung lũng, bao quanh là núi rừng xanh ngắt. Toàn cảnh y như tưởng tượng của chúng ta về lâu đài trong truyện cổ tích. Tôi đã đặt chân đến lâu đài Eltz (Burg Eltz).Đây là một trong số ít các lâu đài không hề bị tàn phá bởi các biến thiên lịch sử và còn gần như nguyên vẹn. Trong hơn 850 năm, tòa lâu đài bí hiểm giữa rừng núi này sống sót sau mọi cuộc chiến tranh. Xây từ thế kỷ thứ 9, sau khi được trùng tu năm 1157, tòa lâu đài có hình dáng như vậy tới tận ngày nay. Burg Eltz lưu giữ một trong những bảo tàng vũ khí thời Trung cổ châu Âu xuất sắc và một kho tàng cổ trưng bày hơn 500 hiện vật vô giá được chế tác trong suốt 800 năm.Nhà văn Pháp Victor Hugo miêu tả lâu đài trong nhật ký của mình: “cao, sừng sững, bất ngờ và ảm đạm”. Họa sĩ người Anh Wiliam Turner cũng bị thu hút bởi dòng sông này, thường xuyên ghé thăm và vẽ rất nhiều tranh để ngợi ca phong cảnh hữu tình của dòng sông Rhein, đặc biệt là lâu đài Eltz, nơi gây ấn tượng mạnh mẽ với ông.Đứng trên chiếc cầu dẫn đến cổng chính của lâu đài trong phong cảnh sương mù dần bao trùm rừng núi lúc xế chiều, tôi mới thấy thấm thía lời nhà văn du ký người Anh Katharine Macquoid: “một truyện cổ tích chạm khắc vào đá”.Một thoáng không khí thời trung cổQuay về Koblenz buổi sáng hôm sau, tôi lên thuyền xuống phía nam, hướng đến Rüdesheim am Rhein. Nếu bạn muốn trải nghiệm ngủ trong một lâu đài cổ thì các lâu đài dọc khúc sông này là địa điểm lý tưởng để ghé thăm. Sông Rhein mùa thu.Nhìn từ sông vào tả ngạn, ta có thể thấy thị xã Oberlahnstein. Nổi bật giữa những ngôi nhà dân là “Tháp phù thủy” (Hexenturm), được xây từ năm 1324 và thuộc thành lũy bao quanh Lahnstein. Từ thế kỷ 16, tòa tháp này là ngục tù và nơi thẩm vấn, tra tấn những người bị buộc tội là phù thủy, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ trong năm 1537, thị xã Lahnstein đã kết án 5 phụ nữ: 2 người bị buộc tội là phù thủy phải chịu hình phạt “bỏ rọ trôi sông”, 3 người nữa bị thiêu sống. Ngày nay, xã Oberlahnstein tổ chức “hội chợ phù thủy” hằng năm nhằm tưởng niệm lịch sử đau đớn này.Trên ngọn đồi cao 160m nơi sông Lahn đổ vào Rhein, cách Oberlahnstein chỉ vài trăm mét là lâu đài cổ Lahneck - nơi gắn bó với một sự kiện lịch sử huyền thoại. Từ năm 1307, Giáo hoàng Clement V và vua Pháp Phillip IV khởi xướng chiến dịch giải tán dòng Hiệp sĩ Đền Thánh hùng mạnh ở châu Âu. Lâu đài Lahneck là nơi 12 vị hiệp sĩ cuối cùng của dòng Đền Thánh tử chiến đến cùng. Các vị hiệp sĩ từ chối đầu hàng và đều bị binh lính của linh mục thành phố Mainz giết. Ngày nay còn lưu lại trên sân trong lâu đài là 12 nấm mộ tương truyền là nơi chôn cất các hiệp sĩ. Dân gian còn truyền tụng Burg Lahneck là nơi dòng Hiệp sĩ Đền Thánh cất giữ Chén Thánh, báu vật bí hiểm và quý giá nhất của Công giáo. Hơn 400 năm sau, năm 1774, bài thơ Geistesgruß theo phong cách lãng mạn của thi hào Goethe ra đời nhằm tưởng niệm tinh thần chiến đấu của các vị hiệp sĩ. Từ xưa, dòng sông Rhein là một tuyến đường thủy thương mại quan trọng, đây cũng là lý do vì sao ven sông có đến hàng chục lâu đài. Các công tước, bá tước, linh mục và cả giới giang hồ từng kiểm soát vùng địa phương đòi thương thuyền đi lại phải trả tiền thuế cho họ. Tiền thuế là một nguồn thu nhập tiện lợi. Điều này có thể thấy rõ ràng nhất ở Burg Pfalzgrafenstein, vì lâu đài này độc đáo ở chỗ nó được xây trên một hòn đảo nhỏ (đảo Falkenau) nằm giữa dòng sông Rhein. Nói đúng hơn, xưa kia lâu đài này vừa là một trạm thu thuế vừa là đồn quân sự. Lâu đài Pfalzgrafenstein thu thuế lưu thông bằng cách căng dây từ bờ này xuyên qua lâu đài đến tận bờ kia sông. Được xây từ thế kỷ thứ 14, lâu đài này đã may mắn sống sót qua nhiều tai họa, ngày nay ta có thể chiêm ngưỡng nó từ du thuyền hay thậm chí qua khung cửa sổ của tàu hỏa chạy dọc hai bên sông. Thuyền tôi xuôi theo dòng chảy quanh co của sông Rhein. Dưới chân những dãy núi sừng sững là những vườn nho bạt ngàn sắp đến mùa thu hoạch. Thành quách xây từ thế kỷ thứ 4 của đồn quân La Mã còn sót lại đến tận hôm nay và cũng là thành cổ nhất còn lại phía bắc dãy núi Alps. Thị xã còn là một trong số ít đô thị ở Đức bảo tồn được gần như nguyên vẹn thành lũy từ thời trung đại. Cũng chính người La Mã đã mang rượu vang đến vùng đất này, khoảng 2.000 năm trước. Ngày nay rượu vang đã trở thành đặc sản địa phương. Lâu đài Burg Eltz Phong trào Rheinromantik: Sông Rhein lãng mạnNhững ý niệm hoài cổ, khung cảnh dòng sông và dòng chảy thời đại đã tạo bối cảnh cho phong trào lãng mạn ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Vào thời kỳ khai sáng, khi lý trí và công nghiệp hóa làm đảo lộn thế giới quan truyền thống về địa vị con người trong vũ trụ, sông Rhein vừa trở thành địa điểm huyền bí của phong trào phục cổ, vừa là biểu tượng cho tâm hồn quốc gia Đức. Người Đức có riêng một tên gọi cho phong trào này: Rheinromantik.Từ thời cổ, người Đức đã gọi sông Rhein bằng tiếng Latin là “Pater Rhenus” (tức Dòng Sông - Người Cha). Dưới góc nhìn của chủ nghĩa quốc gia Đức thế kỷ 19, Pater Rhenus từ tiếng Latin trở thành tiếng Đức: Vater Rhein. Dòng sông được nhân hóa trong nghệ thuật qua hình ảnh một ông già râu dài, đội chiếc vòng lá nho trên đầu, hai tay cầm bình nước và chùm nho, biểu tượng cho nước sông và văn hóa rượu vang của vùng Rhein.Một trong những kết quả của Rheinromantik thời kỳ 1840-1871 là tinh thần chủ nghĩa quốc gia mạnh mẽ chưa từng thấy ở Đức trong bối cảnh xung đột biên giới với Pháp. Thời kỳ này, sông Rhein được xem là biên giới tự nhiên giữa hai nước và là biểu tượng quốc gia số 1 của Đức. Một mặt nó tượng trưng cho một nước Đức độc lập và thống nhất, mặt khác là tham vọng về một đế quốc hùng mạnh mà Thủ tướng Bismarck đang cố khôi phục thời đó.Một biểu tượng nổi tiếng còn lại của tinh thần này là đài tưởng niệm Niederwaldenkmal ở khúc sông bên Rüdesheim am Rhein, tưởng niệm chiến thắng trước Pháp năm 1871 của Đức, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước. Đài tưởng niệm nhìn ra thung lũng Rhein và hướng về biên giới Đức - Pháp. Bài ca Die Wacht am Rhein (“Đứng gác bên sông Rhein”) ngày nay đã trở thành di sản dân gian nổi tiếng.Rüdesheim là địa diểm dừng chân cuối cùng của tôi trong chuyến du ngoạn sông Rhein. Đó thực sự là một hành trình để đời. Truyền thuyết LoreleyTảng đá Loreley nằm bên một khúc ngoặt hiểm trở của sông Rhein, được ca ngợi qua nhiều bài thơ và dân ca, gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng của Đức. Truyền thuyết kể rằng xưa kia có một thiếu nữ xinh đẹp tên Loreley ngồi trên tảng đá cao bên khúc sông hẹp vừa hát vừa chải mái tóc vàng óng ánh. Vẻ đẹp của thiếu nữ này thu hút ánh nhìn của các thủy thủ và khiến họ mất tập trung khiến nhiều tàu thuyền gặp nạn khi đi ngang qua. Nguồn gốc của cổ tích có lẽ là một truyện cổ do nhà văn Clemens Brentano viết. Nhưng truyền thuyết như ta biết hôm nay bắt nguồn từ một bài thơ của nhà văn Heinrich Heine, viết vào năm 1824 - tác phẩm đi vào dân gian và trở thành dân ca Đức. Tags: Châu ÂuĐứcLâu đàiTrung cổSông RheinWilliam Turner
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Công trường vành đai 3 qua TP Thủ Đức hối hả những ngày cận Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Mọi nẻo đường TP.HCM đã rộn ràng không khí Tết, công trường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức vẫn duy trì nhịp độ làm việc.
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ THÀNH CHUNG 27/01/2025 Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trọng tài bị dọa giết sau khi rút thẻ đỏ cầu thủ Arsenal ĐỨC KHUÊ 27/01/2025 Trọng tài Michael Oliver trở thành mục tiêu tấn công trên mạng sau quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Arsenal và Wolverhampton cuối tuần rồi.