TTCT - Năm 2013 rõ ràng đã khởi đầu không tươi sáng với một số đại biểu Đuma (hạ viện) Nga, những người phải tạm rời chức vì các cáo buộc không khai báo bất động sản ở nước ngoài hay bê bối tài chính. Số “nạn nhân” ngày càng tăng, khiến một số tờ báo Nga đùa rằng đang có một cuộc “săn lùng đại biểu” ở Nga. Phóng to Ông Oleg Mikheyev - Ảnh: Lenta Từ cáo buộc không khai báo bất động sản ở nước ngoài... Mới nhất là vụ tự nguyện rời chức và từ bỏ ghế nghị sĩ của đại biểu khối Nước Nga thống nhất (chiếm đa số trong Đuma Nga với 238 đại biểu trên 450 ghế) Vladimir Pekhtin. Hôm 13-2, ông Pekhtin đã đệ đơn xin tạm thôi chức chủ tịch Ủy ban đạo đức của Đuma Nga trong thời gian Ủy ban kiểm tra thu nhập điều tra về những bất động sản được cho là của ông ở Mỹ. Trong thư gửi chủ tịch Đuma Nga Sergey Naryshkin, Pekhtin trình bày ông “tạm ngưng chức chủ tịch Ủy ban đạo đức để tạo điều kiện cho việc kiểm tra những cáo buộc liên quan” tới ông, mặc dù theo ông, bất động sản mà truyền thông Nga nêu là của ông ở Mỹ thật ra là của con trai ông - Aleksei, “người đi học ở Mỹ từ trước khi cha mình lên làm đại biểu” và sau đó “có điều kiện làm việc và mua bất động sản”. Thế nhưng chỉ một tuần sau đó, theo tờ Kommersant, Pekhtin nói với báo giới sẽ từ bỏ cả ghế đại biểu Đuma. Ông Pekhtin nói để làm sáng tỏ các cáo buộc nhắm vào mình, ông phải có mặt ở Mỹ nên không thể kết hợp với công việc khá căng thẳng ở quốc hội. Các đại biểu Nước Nga thống nhất đã gọi quyết định tự tạm ngưng chức và thôi làm đại biểu của ông Pekhtin là “dũng cảm và đáng kính trọng”. Tuy đến ngày 25-2, Kommersant nói lại rằng Ủy ban điều lệ Đuma Nga vẫn chưa chính thức nhận đơn từ bỏ quyền đại biểu của Vladimir Pekhtin, nhưng đến nay báo chí Nga vẫn coi Vladimir Pekhtin là người “mở màn” làn sóng từ nhiệm tại Quốc hội Nga. Trước đó, hôm 22-2, Đuma Nga đã bỏ phiếu thông qua đề nghị ngưng toàn quyền đại biểu trước thời hạn của đại biểu đảng cầm quyền Anatoli Lomakin. Đại biểu này từ nhiệm không nêu lý do, nhưng báo chí Nga cho biết Lomakin là một tỉ phú, được Forbes xếp giàu thứ 79 ở Nga với tài sản trị giá 1,2 tỉ USD. Một sự trùng hợp chăng, khi theo báo chí Nga, quyết định bãi nhiệm Lomakin diễn ra cùng ngày với việc Đuma Nga thông qua dự luật cấm các đại biểu có tài khoản ở nước ngoài? Phóng to Ông Vladimir Pekhtin - Ảnh: Gazeta.ru Phóng to Ông Mikhail Margelov - Ảnh: russianw.com Phóng to Ông Konstantin Shirshov - Ảnh: tvc.ru Theo Itar Tass, đây là một trong hai dự luật tổng thống cấm các quan chức nhà nước và đại biểu sở hữu tài khoản và cổ phiếu ở nước ngoài. Những dự luật này, theo đại diện toàn quyền tổng thống Nga ở Đuma Nga Garry Minkh, là “nhằm giải quyết một vấn đề rất quan trọng: đấu tranh chống tham nhũng”. Theo đó, những ai đã “lỡ” có tài khoản hay tiền mặt ở các ngân hàng nước ngoài thì dự luật đề nghị khai báo “trong vòng ba tháng kể từ ngày nhậm chức”, nếu không muốn mất chức hay mất ghế. Phó chủ tịch Đuma Nga Sergei Neverov không loại trừ sẽ có một cuộc “ra đi hàng loạt” của các đại biểu Đuma liên quan tới việc thông qua các dự luật này. Được biết thông tin về việc Vladimir Pekhtin cùng con trai đồng sở hữu các căn hộ và bất động sản ở Florida (Mỹ) trị giá 1 triệu USD đã được thành viên của Ủy ban điều phối phe đối lập Aleksei Navalnyi đưa lên blog. Ngoài ra, Navalnyi cho biết thêm Pekhtin còn sở hữu một nửa căn hộ ở Miami trị giá 1,2 triệu USD, nhưng trước năm mới 2013 đã tặng cả phần sở hữu này cho con trai. Để “nói có sách, mách có chứng”, Navalnyi dẫn link tới hai website Mỹ thông tin công khai về các hợp đồng bất động sản của Pekhtin, theo tờ Kommersant (1). Trong khi đó, blogger doct_z, người đã tìm ra các căn hộ nước ngoài của Pekhtin và báo cho đại biểu đối lập Navalnyi (2), cũng đăng bài nói rằng chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng liên bang (thượng viện Nga), ông Mikhail Margelov, cũng là đồng sở hữu hai căn hộ ở Miami. Cũng như ông Pekhtin, trong thông báo về thu nhập, ông Margelov chỉ khai báo về bất động sản ở Nga. Tuy nhiên, ông Margelov đã phủ nhận tin mình sở hữu bất động sản ở Mỹ trên RIA Novosti. Đến mua quan bán chức? Hôm 19-2, Đuma Nga theo yêu cầu của công tố viên trưởng Nga đã tuyên tước quyền miễn trừ của đại biểu Đảng Cộng sản Nga Kontanstin Shirshov trong một cuộc bỏ phiếu có tới 371 đại biểu ủng hộ, chỉ ba phiếu chống và hai phiếu trắng. Các đại biểu nói có bằng chứng về việc ông Shirshov buôn bán ghế đại biểu quốc hội khóa VI (tức khóa hiện nay) với giá 7,5 triệu euro (3). Ngày 11-2, đại biểu này đã viết cho chủ tịch Đuma Nga tuyên bố tự từ bỏ quyền miễn trừ, tuy nhiên ông cũng đã bác bỏ những cáo buộc nhằm vào mình, cho rằng việc từ bỏ quyền miễn trừ tạo điều kiện cho điều tra nhưng đồng thời cũng cho ông “quyền trình bày những bằng chứng của mình”. Một “nạn nhân” khác vừa bị Đuma Nga tước quyền bất khả xâm phạm theo yêu cầu của Viện Công tố là Oleg Mikheyev, đại biểu Đuma của Đảng Nước Nga công bằng. Ông này bị tố cáo lừa đảo tín dụng, sở hữu phi pháp một số bất động sản ở Nga. Bình luận về những diễn biến mới nhất này, phó chủ tịch Trung tâm các công nghệ chính trị Aleksei Makarkin nói trên tờ Tin Tức: “Có vẻ như việc Điện Kremlin phát đi tín hiệu sẽ trừng trị những ai hành xử sai trái đã tạo điều kiện cho phe đối lập chỉ trích chính quyền che giấu những hoạt động tham nhũng”. Ngày 21-2, các báo mạng Nga như newsru.com hay izvestia.ru cho biết tham gia tìm kiếm những nguồn sở hữu không khai báo của các đại biểu Nga hiện có khoảng 100 blogger Nga! (4). Tờ Izvestia cho biết thêm 100 blogger này sẽ “đào xới” dần dần các đại biểu, khởi từ đảng chiếm đa số trong Đuma tới những đảng đối lập nhỏ hơn! Và có vẻ làn sóng từ nhiệm sắp lan sang thượng viện. Dẫn lời thành viên Ủy ban kiểm tra thu nhập của Hội đồng liên bang Nga Yevgeni Tarlo, Izvestia nói sắp có một số thượng nghị sĩ sẽ tự nguyện rời ghế trong vài tuần tới! Từ 2013, quan chức nga phải khai báo chi tiêu lớn Bắt đầu từ đầu năm 2013, gói dự luật về kiểm tra chi tiêu của các công chức Nga sẽ có hiệu lực. Gói này gồm ba dự luật, đã được Đuma quốc gia Nga thông qua lần cuối vào ngày 23-11-2012. Theo đó, các viên chức Nga phải báo cáo về chi tiêu của mình cũng như của vợ (chồng) và các con chưa trưởng thành ở mỗi hợp đồng mua bán đất đai, ôtô, bất động sản lẫn trái phiếu, cổ phiếu. Đặc biệt phải báo cáo là những trường hợp mà tổng trị giá của gói hợp đồng cao hơn tổng thu nhập của viên chức đó với vợ (hoặc chồng) ở những vị trí công việc chính của họ ba năm trước khi ký hợp đồng. Ngoài ra luật cũng yêu cầu phải cung cấp thông tin về các nguồn tiền thực hiện hợp đồng. Nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, viên chức có thể bị sa thải. Công tố viện có quyền ra lệnh trưng thu tài sản. Luật mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2013 và sẽ chi phối tất cả hợp đồng mua bán thực hiện trong năm 2012. Luật này áp dụng cho tất cả công chức chính phủ lẫn đại biểu quốc hội hai viện, cả một số viên chức ở Ngân hàng trung ương và quỹ lương hưu. (http://lenta.ru/news/2012/11/23/oblige/) ___________ (1): http://kommersant.ru/doc/2126548(2): http://realty.newsru.com/article/14Feb2013/blogger_doctz(3): http://izvestia.ru/news/542290(4): http://izvestia.ru/news/545431 Tags: NgaQuan chứcBê bối tài chínhĐumaChi tiêu lớn
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Trung ương Đảng cho ý kiến giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 THÀNH CHUNG 24/01/2025 Trung ương Đảng cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).