TTCT - Giải pháp thật sự để chuyển đổi nền kinh tế nhựa phải là tạo ra ít nhựa hơn ngay từ đầu thay vì chăm chăm vào tái chế. Tác phẩm sắp đặt "Ngắt dòng chảy nhựa" của nghệ sĩ Benjamin Von Wong, sử dụng rác thải nhựa thu gom từ một khu ổ chuột ở Nairobi. Ảnh: ReutersNgày 2-3-2022, từ Nairobi, Hội đồng môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA) tuyên bố thế giới đã chứng kiến "ngày lịch sử trong công cuộc đánh bại ô nhiễm nhựa". Đó là ngày hội nghị UNEA-5, với đại biểu từ 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt được hai việc quan trọng: thông qua nghị quyết lịch sử để chấm dứt ô nhiễm nhựa và thiết lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC), với tham vọng soạn thảo một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024.Chín tháng sau, tại Punta del Este, thành phố duyên hải đông nam Uruguay, phiên đàm phán đầu tiên của INC đã diễn ra với trên 2.500 đại biểu tham dự cả trực tiếp lẫn trực tuyến đến từ 147 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Tại INC-1, chúng ta sẽ có thể đặt nền móng cần thiết để áp dụng một cách tiếp cận dòng đời sản phẩm (life cycle) với ô nhiễm nhựa, điều sẽ đóng góp đáng kể cho việc kết thúc ‘tam khủng hoảng’ - biến đổi khí hậu, mất mát thiên nhiên và đa dạng sinh học, và ô nhiễm và rác thải" - Jyoti Mathur-Filipp, lãnh đạo ban phụ trách rác thải nhựa của INC, phát biểu.Những viên đá đầu tiên nào đã được đặt và trong năm chuẩn bị 2023, điều gì cần được lưu ý để hạn chót 2024 của việc đạt được và hoàn tất hiệp ước chấm dứt rác thải nhựa toàn cầu không bị bỏ lỡ?Thất bại và nhìn lạiINC diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhựa ngày càng trầm trọng, đe dọa môi trường, sức khỏe con người và các nền kinh tế. Các nghiên cứu cho rằng con người sản xuất ra khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm, và nếu không hành động khẩn trương, con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2060. Theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. "Mọi thứ quá rõ ràng: chúng ta cần một hành động toàn cầu nhanh, tham vọng và có ý nghĩa để ngăn chặn ô nhiễm nhựa" - Mathur-Filipp nhấn mạnh.Theo thông cáo chính thức sau INC-1, các đại biểu cho rằng hiệp ước sắp tới cần phải kết hợp cả các ràng buộc pháp lý với biện pháp kiểm soát và các yếu tố tự nguyện để có thể giải quyết vấn đề nhựa từ khâu sản xuất, phân phối, sử dụng đến lúc thải loại và tái chế.Theo đánh giá của tổ chức vận động môi trường Greenpeace, với tư cách đại diện tham dự trực tiếp, hội nghị này diễn ra mang tính thủ tục là chủ yếu, cũng dễ hiểu và khó trách vì nó chỉ mới là bước đầu trong chuỗi 5 lần đàm phán INC như đã thống nhất (phiên kế tiếp dự kiến diễn ra ở Pháp vào tháng 5-2023). Trình chiếu thông điệp môi trường trên bãi biển Uruguay nhân INC-1 ngày 29-11-2022. Ảnh: Fenceline Watch & Break Free From PlasticTuy vậy, cũng có những dấu hiệu tích cực, chẳng hạn như tiếng nói mạnh mẽ về tính cần thiết của một hiệp ước chấm dứt rác thải nhựa toàn cầu, và nhiều liên minh đã được thành lập để đóng góp góc nhìn chuyên môn cho các nhà đàm phán.Từ khóa đáng chú ý của INC-1 là "dòng đời sản phẩm", và một số ý kiến rằng cách làm tập trung vào tái chế như vừa qua rõ ràng không phải là giải pháp có thể mang đến thắng lợi cuối cùng, hay chí ít là đạt được kinh tế nhựa tuần hoàn, nghĩa là sản phẩm vứt đi lại được tái chế để bắt đầu một vòng đời mới. Có thể lấy ví dụ từ thực trạng thu gom và tái chế nhựa ở Mỹ.Tháng 10-2022, Greenpeace Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 51 triệu tấn rác thải nhựa hộ gia đình ở Mỹ năm 2021, chỉ có 2,4 triệu tấn được tái chế, tức chưa đầy 5%. Tỉ lệ này từng đạt đỉnh 10% vào năm 2014, nhưng sau đó đã giảm dần đến nay, nhất là từ khi Trung Quốc ngừng nhận rác thải nhựa từ phương Tây năm 2018.Theo báo cáo này, chỉ có 2 loại nhựa được chấp nhận rộng rãi tại 375 cơ sở thu hồi trên khắp nước Mỹ: PET (chai nước giải khát), với tỉ lệ tái chế 20,9%, và HDPE (hộp sữa, chai dầu gội, đựng chất tẩy rửa), 10,3%. Hai loại nhựa này được đánh số lần lượt là 1 và 2 trong nhóm 7 loại nhựa; các số còn lại, tức nhựa dùng làm đồ chơi trẻ em, túi nilon, giấy gói, hũ sữa chua và bơ, cốc cà phê và hộp đựng thức ăn mang đi, chỉ được tái chế với tỉ lệ dưới 5%.Theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm. Ảnh: FreepikTheo UNEP, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ riêng tái chế không thể chấm dứt ô nhiễm nhựa và nhân loại cần phải tiêu thụ và sản xuất vật liệu này ít đi, và điều này cần phải được tính đến ngay từ khâu thiết kế và sản xuất (chẳng hạn sản phẩm càng bền càng tốt). Đây chính là tiếp cận vòng đời sản phẩm.Theo một báo cáo khác của UNEP, phương pháp tiếp cận vòng đời có thể giảm lượng nhựa thải ra đại dương đến 80% và giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỉ USD đến năm 2040, cũng như giảm phát thải khí nhà kính và tạo 700.000 việc làm."Chúng ta không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng đồ nhựa chỉ bằng tái chế hay cấm sử dụng. Thu gom rác thải nhựa và tái chế chúng là quan trọng, nhưng chúng phải là một phần của một cách tiếp cận tích hợp hơn" - Sheila Aggarwal-Khan, giám đốc ban kinh tế của UNEP, nhấn mạnh.Một gợi ý cụ thểTrong một loạt bài có thể xem là đóng góp vào tiến trình đàm phán của INC, tạp chí Nature đã mời nhiều tác giả uy tín lý giải tại sao tái chế không phải là câu trả lời cho vấn đề ô nhiễm nhựa và hiệp ước quốc tế đầy tham vọng mà thế giới đang đàm phán cần phải lưu ý những gì.Cụ thể, theo Kristian Syberg - nhà nghiên cứu nguy cơ môi trường tại Đại học Roskilde (Đan Mạch), cần truy lại nguồn gốc của "khẩu quyết" 3R (reduce, reuse, recycle - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) vốn gắn liền với các nỗ lực chuyển dịch sang kinh tế nhựa tuần hoàn nhiều năm qua.Lấy ví dụ, trong tài liệu về phương hướng chuyển đổi sang kinh tế nhựa do Liên minh châu Âu ban hành năm 2018, từ recycle và các từ phái sinh của nó xuất hiện 144 lần; reuse và các từ liên quan chỉ 12 lần, và reduce 18 lần (nhưng đa số là giảm thiểu xả rác chứ không phải giảm sử dụng nhựa). Trong số 9 mục tiêu cụ thể liệt kê trong tầm nhìn của EU về nền kinh tế nhựa mới có tới 7 cái là riêng về tái chế.Quy tắc 3R thật ra được xây dựng trên niềm tin đúng đắn rằng giảm sử dụng thì tốt hơn là tái sử dụng, và tái sử dụng tốt hơn tái chế; vấn đề là thực tế diễn ra ngược lại vì giả định (sai lầm) rằng tỉ lệ tái chế càng cao thì sẽ có ý nghĩa quan trọng với sự chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn nhựa. Điều ngược lại đã xảy ra trên thực tế: nhiều quốc gia chỉ lo áp dụng các biện pháp tăng tỉ lệ tái chế, từ đó không tích cực hành động để đạt các mục tiêu về giảm sử dụng, nghĩa là ưu tiên giải pháp không phải tối ưu trong ba chữ R.Thậm chí các quốc gia có thể sẽ không đặt mục tiêu giảm thiểu nữa vì không còn động lực - sản phẩm này có thể tái chế, thì cứ để người ta dùng đi, đâu cần khuyến khích họ giảm sử dụng. Lối nghĩ này đúng là có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tạm ổn cho đồ nhựa, nhưng chỉ là trong điều kiện lý tưởng. Thực tế diễn ra hoàn toàn khác xa kỳ vọng, như đã thấy ở Mỹ. Trên toàn cầu, tỉ lệ tái chế nhựa thực sự chỉ là 9%, theo báo cáo hồi tháng 2-2022 của OECD. Cụ thể: chỉ 15% rác thải nhựa toàn cầu được thu gom để tái chế, và trong số đó, 40% bị loại bỏ trong quá trình tái chế vì chất lượng thấp. Thế thì không thể ung dung "cứ xài đi vì đằng nào cũng sẽ tái chế" được.Quy tắc 3R đúng ra phải hiểu theo hình phễu, với miệng phễu là reduce - mức độ ưu tiên cao nhất.Mặt khác, việc đầu tư mạnh vào hạ tầng tái chế sẽ khiến các quốc gia mắc kẹt vì phụ thuộc sâu vào tái chế. Lấy ví dụ: Đan Mạch từng đổ nhiều tiền của vào các nhà máy đốt rác phát điện và giờ phải đi nhập rác về để các nhà máy đó có đủ nguyên liệu mà đạt mục tiêu công suất."Vì vậy, hiệp ước về nhựa của Liên Hiệp Quốc cần nhắm đến không chỉ là việc tăng tỉ lệ tái chế mà còn phải giảm tiêu thụ cả nhựa và [sản phẩm từ nhựa]" - Syberg đưa ra gợi ý. Ông cũng nêu một câu chuyện thành công: Ireland là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đánh thuế sử dụng túi ni lông (từ tròn 20 năm trước); kết quả là lượng sử dụng túi ni lông giảm 90% và gây được 9 triệu USD cho một quỹ phát triển xanh. Trong khi đó, chỉ thị về thiết kế sinh thái (Ecodesign Directive) của EU có thể vừa là tài liệu tham khảo vừa là nguồn cảm hứng để các nhà hoạch định chính sách đưa ra mục tiêu về thiết kế sản phẩm bền và bền vững.Tóm lại, theo chuyên gia này, hiệp ước về rác thải nhựa sắp tới phải làm sao để các nhà hoạch định chính sách "có thể đặt ra các giải pháp dài hạn, đủ sức khiến nhà sản xuất thấy việc làm ra sản phẩm bền chắc là việc đáng làm. Đó cũng là then chốt của cái gọi là "tương lai nhựa bền vững", tức một món đồ nhựa được làm ra không nhất thiết sẽ thành rác thải vào cuối dòng đời của nó.Một nhà máy đốt rác phát điện ở Copenhagen (Đan Mạch). Ảnh: iStockSẽ còn bốn cuộc họp INC nữa, trước khi UNEP báo cáo tiến trình đàm phán của ủy ban này tại kỳ họp thứ 6 của UNEA vào tháng 2-2024. Khi mọi đàm phán kết thúc, UNEP sẽ tổ chức họp để thông qua văn bản cuối cùng và mở để các nước ký tham gia.Trong năm 2023, UNEP kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước tiếp tục ngưng sử dụng đồ nhựa dùng một lần và tích hợp các giải pháp vòng đời sản phẩm vào chuỗi giá trị đồ nhựa. "Với sự hợp tác và hành động khẩn trương, INC-1 có thể là sự khởi đầu chính thức của một phong trào thực sự ý nghĩa và có sức ảnh hưởng, ngay từ bây giờ đến cả tương lai" - Mathur-Filipp nói.■Tháng 8-2022, Ấn Độ ban hành lệnh cấm 21 món đồ nhựa dùng một lần, song kết quả sau ba tháng như tường thuật của DW là các sản phẩm này "vẫn được sử dụng như chưa có gì xảy ra". Nguyên nhân là do cấm từ trung ương nhưng thi hành và giám sát lại thuộc về chính quyền từng bang mà những nơi này lại không hành động quyết liệt để thực thi đúng nghĩa quy định mới.Gần đây nhất, Xứ Wales đã thông qua luật cấm gần một tá sản phẩm, bao gồm đồ nhựa dụng một lần, từ mùa thu 2023. Canada chính thức áp cấm sản xuất và nhập khẩu đồ nhựa dụng một lần từ tháng 12-2022, và sẽ cấm bán các sản phẩm này (túi siêu thị, hộp đựng, dụng cụ ăn uống, ống hút nhựa) đúng một năm sau đó. Thời gian sẽ trả lời về tính hiệu quả của các biện pháp này. Tags: Hệ sinh tháiLiên Hiệp QuốcBiến đổi khí hậuĐa dạng sinh họcThu gom rác thảiTái sử dụngNước giải khátHộp đựng thức ănRác thải nhựaTái chế
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.