TTCT - "... Thầy cũng dựa vào đó để điều chỉnh bản thân, giảm bớt sự thân mật, đụng chạm cơ thể với trò. Phụ huynh cũng có thể dựa vào đó để dạy con: chỉ ra cho con biết làm như thế này, thế kia là không được..." Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM đặt câu hỏi với diễn giả trong chuyên đề giáo dục về giới tính do nhà trường tổ chức (hiện nay ở TP.HCM đa số các trường tiểu học đều tách riêng học sinh nam và học sinh nữ khi tổ chức chuyên đề này để tạo sự thoải mái, tự nhiên cho các em) -H.HG. “Năm nay bé nhà mình có thầy giáo chủ nhiệm chứ không phải cô giáo như những năm trước. Thầy còn trẻ, mới ra trường được hai năm, rất thân thiện và vui tính nên được học trò thương yêu. Giờ ra về, nhiều bé cứ đu theo thầy, ôm thầy, bé nhà mình cũng vậy. Nhìn thấy cảnh đó, không hiểu sao mình cứ lo lo. Con gái mình tuy mới lớp 3 nhưng phổng phao, cao lớn, đang có một số dấu hiệu dậy thì” - cô H., giáo viên dạy hóa ở TP.HCM, tâm sự. Cô H. lo lắng: “Mình khuyên con gái đừng quá thân mật với thầy nữa, làm như vậy thầy không thích đâu. Bé không đồng ý, cãi lại rằng: “Các bạn trong lớp con cũng làm như vậy, đâu có sao. Thầy cũng cười và ôm tụi con mà”. Về phía con, giải thích hành vi thân mật đến mức nào thì được, đến mức nào thì “quá”, là không dễ chút nào. Bản thân mình không nghi ngờ gì về đạo đức của thầy. Làm việc trong ngành sư phạm, mình hiểu rõ khi đã đứng trên bục giảng phải ý thức rất rõ về tư cách người thầy. Tuy nhiên, với vai trò một phụ huynh đang có con gái ở độ tuổi... nhạy cảm, mình không yên tâm. Mình muốn góp ý với thầy nhưng không biết phải mở lời như thế nào cho phải phép”. Vẹn cả đôi đường Cô H. cho rằng nếu Bộ GD-ĐT có một quy tắc cụ thể về việc giao tiếp giữa thầy và trò thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong ứng xử của cả hai bên. Thầy cũng dựa vào đó để điều chỉnh bản thân, giảm bớt sự thân mật, đụng chạm cơ thể với trò. Phụ huynh cũng có thể dựa vào đó để dạy con: chỉ ra cho con biết làm như thế này, thế kia là không được. Cô Điền Thị Hoàng Lý - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận 5, TP.HCM - cũng nhận định: “Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều vụ việc không hay về nhà giáo. Thầy giáo lợi dụng tình thế để xâm hại tình dục học trò là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, một bộ quy tắc ứng xử giữa giáo viên và học sinh là rất cần thiết. Bộ quy tắc như một hàng rào chắc chắn bảo vệ học trò, nhất là những học trò độ tuổi tiểu học - các em rất ngây thơ và hồn nhiên, dễ bị xâm hại nếu gặp phải người lớn xấu xí”. Cô Lý phân tích: “Người Việt chúng ta có truyền thống từ xưa tới nay là yêu thương, cưng nựng trẻ em. Do vậy, giữa thầy và trò thường có sự gần gũi hơn so với các nước phương Tây. Học sinh cũng thường được người lớn nựng nịu nên cũng ít cảnh giác với những hành động được coi là xâm hại tình dục”. Có lẽ vì vậy mà thời gian qua đã xảy ra những vụ việc đau lòng mà người hứng chịu hậu quả nặng nề chính là trẻ em. Cô Lý cũng xác nhận: “Trong bối cảnh như hiện nay, không chỉ học sinh nữ bị xâm hại mà học sinh nam cũng rất có thể bị lợi dụng. Việc ban hành một bộ quy tắc từ cấp bộ hoặc cấp sở được xem như pháp lệnh đã đến thời điểm cấp thiết cần phải có, miễn là phù hợp với phong tục tập quán của người Việt và vẫn nêu cao được hình ảnh tốt đẹp của người thầy”. Không để chậm hơn nữa Trao đổi với TTCT, ThS Nguyễn Minh, trưởng Phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vừa giao cho Phòng công tác học sinh - sinh viên tham mưu để biên soạn bộ quy chuẩn ứng xử văn hóa trong trường học. Chúng tôi sẽ lưu ý những vấn đề TTCT đã nêu để thảo luận và đưa vào bộ quy chuẩn cách ứng xử này”. Nhắc đến vấn đề này, hiệu trưởng một trường THCS tại vùng ngoại thành ở TP.HCM kể cách đây ba năm, trường tôi đón nhận một giáo viên nam mới ra trường về giảng dạy. Thầy chơi thân với một nhóm nam sinh lớp 8, đá bóng chung và thầy có nhiều biểu hiện bông đùa rất thân mật với nam sinh. Về chuyên môn thì không có gì đáng để chê trách thầy nhưng về mối quan hệ giữa thầy với học sinh làm cho ban giám hiệu đứng ngồi không yên. “Tôi bàn với chủ tịch công đoàn nhà trường đề nghị biên soạn những nội quy về cách ứng xử giữa thầy và trò trong nhà trường. Trong đó, phải quy định rõ: thầy và trò được thân mật đến mức nào, giáo viên không được thường xuyên gặp gỡ riêng tư với học trò ngoài nhà trường, không được đụng chạm thân thể học trò... Nhưng thầy chủ tịch công đoàn phản ứng ngay rằng làm như thế là xúc phạm giáo viên. Cuối cùng, trường không thể thực hiện được bản nội quy ấy vì nhiều giáo viên phản ứng” - vị hiệu trưởng kể. Theo vị hiệu trưởng này, nếu cấp quản lý cao hơn xây dựng được bộ quy tắc chung áp dụng cho giáo viên cả nước thì rất tốt. Các trường sẽ không gặp khó khăn trong công tác quản lý giáo viên. “Nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu khi bộ quy tắc ứng xử giữa thầy - trò ra đời. Tuy nhiên, với tốc độ du nhập lối sống phô diễn thân thể, cùng quan niệm tình dục thoải mái từ phương Tây trên Internet thiếu kiểm soát như hiện nay, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề, một bộ quy tắc ứng xử là cần thiết. Có thể áp dụng từ bậc tiểu học đến THCS, THPT” - vị hiệu trưởng nhận định. ■ Tags: Quy tắc ứng xửNgười lớn sai gìCấp thiết lắm rồi
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.