Quảng cáo dược phẩm trên truyền hình: Biết tai hại nhưng khó cấm

PHẠM HẰNG 01/04/2025 08:54 GMT+7

TTCT - Mong muốn cấm quảng cáo thuốc trên tivi mà tân Bộ trưởng y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr theo đuổi khó có thể đạt được, không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nước khác.

dược phẩm - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng phải có đơn thuốc và không được quảng cáo. Thuốc không kê đơn khi sử dụng không cần đơn thuốc, song cần có sự giám sát của thầy thuốc. 

Trong khi đó, thuốc và thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng) được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình vào các khung giờ vàng, với hình ảnh sinh động, lời giới thiệu bắt tai và nhắm vào nỗi lo sợ bệnh tật như đột quỵ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… thu hút lượng lớn người xem. 

Các quảng cáo này thiếu thông tin về thành phần, thổi phồng về hiệu quả và tần suất lặp đi lặp lại, khiến người xem lầm tưởng là thuốc điều trị bệnh.

Khoa tim mạch - thần kinh nơi người viết làm việc đã tiếp nhận và xử trí nhiều bệnh nhân có biểu hiện huyết áp tăng cao nguy hiểm như đau đầu, choáng váng, hồi hộp trống ngực. Thay vì đến bệnh viện, người bệnh tự mua sản phẩm quảng cáo để dùng tại nhà. Và nhiều trường hợp đã gặp biến chứng nặng như xuất huyết não, suy tim cấp… do không được điều trị kịp thời.

"Muốn" uống thuốc vì quảng cáo

Quảng cáo thuốc xuất hiện khắp nơi trên truyền hình kể từ cuối những năm 1990 và trở nên phổ biến trên Internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Tới nay, Mỹ và New Zealand là hai quốc gia có thu nhập cao cho phép quảng cáo thuốc trực tiếp đến người tiêu dùng.

Tại Mỹ, người xem truyền hình phải chịu một khối lượng quảng cáo thuốc ngày càng tăng. Theo dữ liệu của công ty theo dõi quảng cáo truyền hình iSpot.tv, các nhãn hiệu thuốc theo đơn chiếm 30,7% thời lượng quảng cáo trong các chương trình tin tức buổi tối, trên các kênh truyền hình lớn năm 2024.

Quảng cáo thuốc trên truyền hình có một số mặt tích cực như cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về bệnh; giới thiệu các phương pháp điều trị mới, loại thuốc mới và khuyến khích trao đổi bệnh với bác sĩ. Quảng cáo giúp các công ty dược phẩm tạo ra doanh thu cần thiết để tiến hành nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, quảng cáo thuốc được thiết kế hình ảnh sinh động nhưng thông tin ngắn gọn, không đầy đủ hoặc thông qua người nổi tiếng, nhằm thuyết phục và thúc đẩy người xem mong muốn, thậm chí yêu cầu bác sĩ được dùng loại thuốc mà họ xem quảng cáo. Từ đây phát sinh nhiều tác hại.

dược phẩm - Ảnh 2.

Quảng cáo thuốc Neulasta, được dùng để hỗ trợ sự phát triển của tế bào bạch cầu sau khi hóa trị.

Chẳng hạn, người bệnh tăng nhu cầu sử dụng thuốc có thương hiệu đắt tiền, thường xuất hiện trong quảng cáo thay vì thuốc gốc, mà hiệu quả mang lại không tương xứng. Một nghiên cứu đánh giá giá trị điều trị của các thuốc được quảng cáo trực tiếp nhiều nhất đến người tiêu dùng tại Mỹ từ năm 2015 - 2021, với tiêu chí: điều trị cao đồng nghĩa loại thuốc này ít nhất có thể cải thiện kết quả lâm sàng vừa phải so với các liệu pháp có sẵn. 

Theo kết quả đăng trên JAMANetwork tháng 1-2023, trong số 81 loại thuốc được quảng cáo nhiều nhất có 26 loại (32,1%) là thuốc điều hòa miễn dịch; 13 loại (16%) thuốc đường tiêu hóa và chuyển hóa; 11 loại (13,6%) là thuốc thần kinh. Điều đáng nói, chỉ có khoảng ¼ loại thuốc này có giá trị điều trị cao. Nghĩa là các nhà sản xuất thuốc đã chi gần 16 tỉ USD trong 6 năm để quảng cáo các thuốc có giá trị điều trị thấp.

Neeraj Patel, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích thêm: "Nhiều người tiêu dùng có thể cho rằng các loại thuốc mà họ thấy trên tivi mọi lúc là các liệu pháp tiên tiến, là những tiến bộ đột phá so với các lựa chọn điều trị khác trên thị trường. 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng giả định đó thường là sai: Các loại thuốc được quảng cáo rầm rộ thường không nhất thiết mang lại lợi ích điều trị có ý nghĩa so với các lựa chọn điều trị khác".

Hại đơn hại kép

Việc người bệnh yêu cầu bác sĩ kê đơn loại thuốc mà họ thấy trong quảng cáo có thể không phù hợp với tình trạng bệnh và làm suy giảm niềm tin giữa bác sĩ và bệnh nhân. 

Một nghiên cứu tổng hợp gần nhất đăng trên trang Viện Y tế quốc gia Mỹ hồi tháng 9-2020 đã đánh giá tác động của quảng cáo thuốc trực tiếp đến người tiêu dùng ảnh hưởng đến việc kê đơn thuốc của bác sĩ lâm sàng, điển hình là thuốc ức chế cyclooxygenase-2 (COX-2) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) truyền thống, để điều trị tình trạng viêm khớp mạn tính.

Khảo sát hơn 1.300 bệnh nhân tham gia cho thấy những bệnh nhân nhìn thấy hoặc nghe thấy quảng cáo COX-2 và hỏi bác sĩ về loại thuốc được quảng cáo, có khả năng được kê đơn COX-2 cao hơn đáng kể so với NSAID (theo khuyến nghị của các hướng dẫn dựa trên bằng chứng) so với các bệnh nhân khác. Khi phân tích về tính phù hợp với lâm sàng thì phát hiện số đơn thuốc phù hợp chỉ tăng gấp 4 lần, trong khi số đơn thuốc không phù hợp tăng 7 lần.

Kết quả trên cho thấy quảng cáo thuốc không cung cấp đủ thông tin cho bệnh nhân về các liệu pháp thay thế, hiệu quả hay các tác dụng phụ tiềm ẩn; cũng như nguyện vọng của người bệnh cùng với sự hạn chế về thời gian của bác sĩ, có thể dẫn đến việc kê đơn không phù hợp.

"Điều tôi lo lắng là khi quảng cáo thuốc, người tiêu dùng hoặc bệnh nhân không thực sự được cung cấp tất cả thông tin cần biết để biết liệu loại thuốc đó có phù hợp với họ hay không" - Amy McGuire, giám đốc Trung tâm đạo đức y khoa và chính sách y tế tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, nhận định.

Việc quảng cáo thuốc đặc biệt nhắm vào những người mắc chứng lo lắng về bệnh tật mà ít quan tâm đến các phương pháp điều trị không dùng thuốc như thay đổi lối sống hay hành vi lành mạnh. 

Quảng cáo khai thác nỗi sợ bị bệnh, thúc đẩy người bệnh dùng nhiều đơn thuốc hơn, dẫn đến gặp nhiều tác dụng phụ. Lúc này, người bệnh phải dùng thêm loại thuốc khác để khắc phục, tạo ra một vòng luẩn quẩn gây tốn kém cả về mặt tài chính và tinh thần.

Cấm hẳn hay cải cách?

Những phân tích trên cho thấy quảng cáo thuốc trực tiếp đến người dùng nếu không được quản lý tốt có thể khiến người bệnh tổn hại về sức khỏe, tốn kém về tiền bạc và suy giảm niềm tin giữa người bệnh và thầy thuốc. 

Giải pháp cấm hẳn, như bộ trưởng y tế Mỹ đưa ra hồi tháng 5-2024, có thể khó đạt được vì lợi nhuận mà quảng cáo mang lại khiến các công ty dược phẩm lớn phản đối và tìm cách ngăn cản.

Big Pharma đã chi tổng cộng 294 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang vào năm 2024 về các vấn đề như quảng cáo thuốc. Nhóm những ông lớn ngành dược này đã lên tiếng ủng hộ quảng cáo thuốc trực tiếp đến người tiêu dùng và công bố các hướng dẫn quảng cáo để các nhà sản xuất thuốc tuân theo. Mặt khác, các đài truyền hình và phát thanh cũng có thể sẽ phản đối lệnh cấm, vì Big Pharma là một thế lực ngành dược chi tiêu nhiều nhất cho quảng cáo.

Quảng cáo dược phẩm trên truyền hình: Biết tai hại nhưng khó cấm - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình quảng cáo thuốc Enbrel, được dùng để điều trị một số dạng viêm khớp.

Ở chiều ngược lại, cấm quảng cáo thuốc trên kênh chính thống có thể đẩy người tiêu dùng đến các nguồn thông tin y tế kém tin cậy hơn như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến không được quản lý như Reddit hoặc TikTok, thậm chí các kênh thuốc chợ đen. Do vậy, cần có giải pháp "mềm mỏng" hơn mà vẫn cân bằng được lợi ích của các bên tham gia.

Cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về tính minh bạch và độ chính xác trong thiết kế, sáng tạo quảng cáo dược phẩm, hướng tới các tiêu chuẩn bảo vệ nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất và giải quyết các khiếu nại gây hiểu lầm khi quảng cáo thuốc.

Tháng 11-2024, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phác thảo các quy tắc mới cho quảng cáo thuốc trên truyền hình để sử dụng ngôn ngữ đơn giản hơn, rõ ràng hơn mà không gây mất tập trung hình ảnh hoặc hiệu ứng âm thanh. 

Ví dụ, các công ty dược phẩm được yêu cầu hiển thị văn bản trên màn hình về các tác dụng phụ của thuốc, đồng thời sử dụng giọng điệu trung lập khi trình bày các thông tin thực tế và dựa trên khoa học về lợi ích của thuốc.

Đặc biệt, trong một xã hội mà thông tin sức khỏe đến từ nhiều nguồn, người bệnh cần tìm hiểu kỹ các sản phẩm và tiếp cận nguồn thông tin chính xác, khách quan, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đưa ra quyết định sáng suốt hơn hoặc tìm ra giải pháp phù hợp với bản thân mình.

Chi phí quảng cáo thuốc ngày càng tăng cao. Báo cáo của Business Group on Health tháng 2-2025 cho biết các công ty dược phẩm đã chi 550 triệu USD cho quảng cáo thuốc vào năm 1996 và tăng hơn 10 lần vào năm 2020, đạt 6,58 tỉ USD mỗi năm.

Điển hình như tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk (Đan Mạch) đã chi gần 300 triệu USD cho quảng cáo thuốc giảm cân Wegovy (chất tương tự GLP-1) vào năm ngoái. Mặc dù chi phí cao nhưng lợi nhuận thu lại khổng lồ, khi Wegovy mang về khoảng 2,8 tỉ USD chỉ trong 3 tháng cuối năm 2024.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận