TTCT- Hemingway đã từng viết “Paris là một buổi vũ hội”, thế nhưng tôi thực sự nghĩ “Paris là một kho tàng”, với muôn vàn báu vật chôn giấu nơi những hẻm sâu. Ở mỗi nơi bước chân tôi qua, Paris đều có thể kể cho tôi nghe về những điều kỳ lạ. Khách sạn Ritz Khách sạn huyền thoại và bản thảo bị bỏ quên Quảng trường Vendôme - quận 1, tập trung rất nhiều cửa hiệu thời trang và kim hoàn sang trọng của thế giới. Hoàng tử Louis-Napoléon Bonaparte, tức Napoléon III, từng sống ở dinh thự Rhin, số 4 và 6 quảng trường này. Cách đó không xa, tại số 12, có căn hộ của Chopin, nơi đây ông đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1849. Ở số 15 là khách sạn huyền thoại Ritz. Tại sao lại gọi là khách sạn “huyền thoại”? Bởi nơi đây ghi dấu nhiều cột mốc quan trọng của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Coco Chanel sống hơn 30 năm trong khách sạn này. Công nương Diana đã trải qua kỳ nghỉ ngắn hạn ở đây, trước khi qua đời trong tai nạn giao thông ngay sau đó ở đường hầm cầu Alma. Cũng ở khách sạn này, năm 1956, Hemingway được nhân viên khách sạn trả lại cho ông hai thùng đồ mà ông đã để quên 29 năm trước đó. Bạn thử tưởng tượng làm sao họ có thể giữ gìn đồ vật bỏ quên của khách hàng trong từng ấy năm. Và điều đặc biệt hơn nữa, đó là trong hai thùng đồ để quên ấy, Hemingway đã tìm lại được rất nhiều ghi chú, sổ sách, kỳ lạ nhất là bản thảo viết tay của một cuốn sách sau này sẽ là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của cuộc đời ông, cuốn Paris là một buổi vũ hội. Đại sảnh Galerie Vivienne Đại sảnh Galerie Vivienne và đường hầm bí ẩn Đại sảnh Galerie Vivienne là lối đi dạo đặc biệt yêu thích của người dân Paris. Bên trong đại sảnh, các bức tường được sơn màu vàng óng và được trang trí bằng rất nhiều hình ảnh trong thần thoại. Có rất nhiều cửa hiệu buôn bán nhỏ đặt trong đại sảnh và không gì tuyệt vời hơn là thả bộ ở nơi đây mỗi buổi chiều. Thế nhưng, ít ai biết rằng nơi đây cũng là dinh thự của trưởng thám François Vidocq thời Napoleon 1. Vị trưởng thám này là một người cực kỳ uyên bác trong việc quản lý mạng lưới các thông tin và được hoàng đế đặc biệt tin dùng. Dưới sự giúp đỡ của ông, hoàng đế đã xây dựng được một mạng lưới cung cấp thông tin rất có giá trị nhằm ổn định đế chế và ngăn chặn các cuộc tấn công. Vidocq nghỉ việc vào năm 1832, 17 năm sau sự sụp đổ của đế chế! Nhưng ông ta biến mất một cách đột ngột cùng khối tài sản khổng lồ của mình. Người ta vẫn đồn đoán rằng hẳn phải có một đường hầm bí mật, dưới lòng đất, nối liền căn hộ Vivienne của ông và cung điện hoàng gia nên ông mới có thể biến mất một cách bí ẩn như vậy. Đường Mouffetard quận 5 Phố Mouffetard - Người thừa kế bất hạnh Ai sống ở Paris đều biết đến khu phố Latin và con đường Mouffetard vốn là một trong những trục chính của khu phố. Con đường đặc kín các quán cà phê, nhà hàng và các cửa hàng buôn bán nhỏ dọc hai bên. Tại nhà số 53 trên con đường này, vào năm 1936, trong lúc phá hủy tòa nhà cũ, một công nhân gốc Ý đã cuốc phải một bọc giấy chứa đầy những đồng tiền vàng mang hình vua Louis XV. Có khoảng 3.351 đồng, tất cả trị giá gần 16 triệu franc (tương đương 3 triệu euro). Tài sản này là của Louis Nivelle, cố vấn và thư ký riêng của nhà vua, ông qua đời đột ngột vì một cơn trụy tim vào năm 1757. Trên một miếng vải tìm thấy trong bọc tiền, ông muốn để lại tài sản này cho con gái mình là Anne-Louise Nivelle. Điều đặc biệt là con gái ông, người được thừa kế, đã chết trong nghèo khó và không hề biết đến sự tồn tại của cha mình. Từ đó, câu chuyện về người đàn ông muôn mặt dần dần được hé lộ. Ngài Louis Nivelle, một mặt có một cuộc sống xa hoa trưởng giả với người vợ chính thức của mình trên phố Coutellerie, nằm trong khu sang trọng bậc nhất Des Halles. Mặt khác, ông sùng đạo, tham gia các hoạt động truyền giáo và có một người thê thiếp sống cùng trong một căn hộ bí mật trên phố Mouffetard. Khối tài sản trên được ông cất giấu cho con gái của ông với người phụ nữ này. Điều đáng buồn là người ta chỉ tìm thấy nó sau hơn hai thế kỷ. Tài sản khổng lồ này sau đó được chia đều cho những người thừa kế hợp pháp trong gia phả, một phần chia cho người tìm ra kho báu và phần còn lại nộp vào kho bạc nhà nước... Quán rượu Lapin Agile Lapin Agile - Quán rượu lừng danh Nếu bạn ghé ngang quận 18, hãy dừng chân ở số 4 đường Rue des Saules, có một quán rượu rất nổi tiếng, quán “Le Lapin Agile”. Riêng tên gọi của quán cũng đã là một câu chuyện vô cùng thú vị. Tòa nhà của “Lapin Agile” được xây dựng vào năm 1795. Đến năm 1860, nơi đây trở thành một quán trọ mang tên “Au Rendez-vous des voleurs” (Nơi gặp gỡ của những tên trộm). Từ năm 1869, do những bức tranh miêu tả các cảnh ám sát treo trên tường, tên quán được đổi thành “Quán của những kẻ sát nhân” (Cabaret des Assassins). Trong khoảng thời gian từ năm 1879 tới 1880, người chủ quán thời kỳ này đã nhờ họa sĩ André Gill, một khách hàng quen thuộc, trang trí lại biển hiệu. André Gill vẽ một con thỏ đeo chiếc khăn màu đỏ nhảy ra khỏi nồi. Từ đó quán bắt đầu được biết đến tới cái tên “Lapin à Gill” (tức “Con thỏ của Gill”), rồi sau đó thành “Lapin Agile”. “Lapin Agile” là nơi tụ họp, thu hút những tên tuổi lớn của nghệ thuật đầu thế kỷ 20, như Max Jacob, Pablo Picasso, Apollinaire... Picasso đã từng vẽ một bức họa nổi tiếng mang tên “Au Lapin Agile”, nằm trong danh sách những họa phẩm đắt nhất thế giới. Có lần Picasso đã trả một bữa ăn tại đây bằng bức “Arlequin” của mình (bức tranh này về sau được một bảo tàng lớn của Mỹ mua lại với giá 40 triệu euro). Một số ngôi sao điện ảnh như Vivien Leigh hay Charlie Chaplin cũng lui tới “Lapin Agile” khi họ ghé Paris. Nghia trang Pere de la Chaise Nghĩa trang Père-laChaise - Nàng công chúa khốn khổ Với 44ha, là nghĩa trang lớn nhất của thành phố và là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới, nghĩa trang Père-Lachaise là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Paris. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt người đến đây để được thăm viếng những ngôi mộ nổi tiếng đã có từ 200 năm qua. Nghĩa trang Père-Lachaise thực sự là một bảo tàng các tác phẩm điêu khắc thế kỷ 19 của các tác giả nổi tiếng như Hector Guimard, Charles Garnier, Louis Visconti hay Barris. Nơi đây có những ngôi mộ của những nhân vật lịch sử như Jean de La Fontaine (1621-1695), thi sĩ, tác giả của ngụ ngôn “La Fontaine”. Mộ của La Fontaine khá đơn giản so với các ngôi mộ khác và được đặt cạnh ngôi mộ của Molière (1622-1673), nhà soạn kịch lừng lẫy cùng thời. Di hài của hai người được chuyển về nghĩa trang Père-Lachaise cùng một đợt và là hai trong số những ngôi mộ đầu tiên tại nghĩa trang này. Nhà văn Honoré de Balzac (1799-1850), cùng nữ bá tước Ewelina Hanska, người tình lâu năm của Balzac, cũng được chôn cất ở đây. Hai người cưới nhau chỉ năm tháng trước khi Balzac qua đời. Frédéric Chopin (1810-1849), nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan, được chôn cất ở đây theo đúng ý nguyện trước khi mất. Trái tim của Chopin sau này đã được chuyển về Ba Lan và được đặt trong nhà thờ Thánh giá ở Warszawa. Félix Faure (1841-1899), tổng thống Cộng hòa Pháp, chết đột ngột khi còn đang trong nhiệm kỳ. Ngôi mộ của Faure được trang trí bằng một bức tượng điêu khắc theo đúng dáng nằm của ông trước khi mất. Ngôi mộ của nhà văn Oscar Wilde (1854-1900), người Ireland, còn in dấu rất nhiều vết môi của những người hâm mộ nhà văn. Tuy nhiên, có một ngôi mộ rất đặc biệt của một công chúa giàu có người Nga - công chúa Stroganoff-Demidov. Trước khi chết vào năm 1818, cô vốn là chủ sở hữu của rất nhiều mỏ vàng, lúc còn sống cô đã hứa sẽ tặng lại tài sản của mình cho bất cứ ai sống hơn một năm trong ngôi mộ của cô. Rất nhiều người đã thử và bỏ cuộc chỉ sau đêm đầu tiên. Tất cả bọn họ đều trở nên điên dại hoặc chết bất đắc kỳ tử. Có điều gì đã xảy ra khiến họ bị ám ảnh hay quá sợ hãi chăng? Không ai biết cả. Chỉ nàng công chúa khốn khổ của chúng ta vẫn mãi giàu có và cô đơn đến cả sau khi chết. Cổng Saint Denis Ngõ nhỏ quận 20 - khi mọi hận thù đều có thể xóa bỏ Rời nghĩa trang, bạn có thể ghé con phố Passage Plantin, gần biệt thự Castel, nơi nối liền phố Transvaal và phố Rue Henri Chevreau. Chỉ những ai thích lang thang mới cảm thấy lòng mình xao xuyến khi đi qua con phố này. Con phố nhỏ nhắn thực ra là một con đường cầu thang hẹp, dài 80m. Dọc hai bên là những ngôi nhà cũ kỹ nép sau những vườn cây và những ngọn đèn đường. Gần đó có một con đường rất đặc biệt, tên là Julien Lacroix, nằm giữa đường Rue de Belleville và đường Rue de Ménilmontant. Bạn biết tại sao con đường ấy trở nên đặc biệt không? Trong một thế giới cuồng nộ, các tôn giáo phe phái thù hằn, chém giết lẫn nhau, thì trên con đường nho nhỏ này có một nhà thờ Thiên Chúa, một giáo đường Do Thái và một nhà thờ Tin Lành nằm bên nhau sát cạnh. Cách nơi ấy không xa là con đường mang tên Thiên Chúa (Rue Dieu) và con đường Quỷ Satan (Impasse Satan). Điểm dừng chân cuối cùng nằm ở giao lộ của đường Pyrénées và đường Rue de Chine, nơi ấy có một con hẻm nhỏ mang tên ngõ “Than thở” (Passage des Soupirs). Một cái tên chỉ vừa nghe thôi đã thấy có rất nhiều nỗi buồn. Không biết có phải vì thế không mà mọi người thường truyền tai nhau rằng ai đứng đúng ở vị trí chính giữa cầu thang, trong con ngõ này, sẽ thấy đồng hồ của mình dừng lại không chạy nữa. Bạn có muốn làm thử điều đó một lần không? Cầu Pont des Arts Còn bao nhiêu câu chuyện như thế ở nơi đây? Cuốn sách “ngàn lẻ một đêm” về Paris mở ra đến bất tận. Như một ngày, tôi đi dọc cây cầu Pont des Arts, hướng về phía quảng trường Concorde, trong góc sâu thân cây cổ thụ thứ sáu bên tay trái, tôi phát hiện một bức phù điêu bí mật của một nghệ sĩ vô danh. Bạn có biết bức phù điêu đó mang hình hài gì không? Bức phù điêu mang dáng hình Paris xinh đẹp. Tôi biết Paris luôn dành cho người yêu thành phố vô vàn những điều bất ngờ, luôn làm rung động trái tim tôi, hôm qua, hôm nay và ngày sau cũng thế. Và tôi biết, cho dù ở chân trời nào, tôi cũng sẽ luôn trở lại nơi đây, như một người tình, như một người bạn, để được lang thang trên những con phố ồn ào hay yên tĩnh, để áp mình vào từng viên gạch nghe những lời thì thầm và để nhận được những niềm vui bất ngờ bé nhỏ nhưng vô cùng thú vị. Như thể giữa chúng tôi đã có lời ước hẹn từ lâu!■ Tags: Cầu Pont des ArtsNghĩa trang Père-laChaiseKhách sạn huyền thoại Ritz
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.