TTCT - Lao động nhập cư ở Ấn Độ được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi lần có phong tỏa toàn quốc vì COVID-19, bởi nó khiến họ mất việc làm và phải vượt hành trình vất vả rời phố về quê. Nhiều người đã trở lại khi tình hình tạm ổn, để rồi phải một lần nữa đối mặt với hiểm nguy mà quay về bản quán. Công nhân nhập cư chen chúc lên tàu trong đợt tháo chạy tháng 3-2020 ở Ấn Độ. Ảnh: ReutersHai cuộc tháo chạyTrong cuộc khủng hoảng COVID-19, lao động nhập cư Ấn Độ đã hai lần vội vã ra đi, rời bỏ các thành phố lớn để quay về làng quê. Đầu tiên là vào tháng 3-2020, khi nước này phong tỏa toàn quốc lần đầu để phòng dịch. Cuộc phong tỏa được xếp vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới khiến hàng triệu việc làm biến mất chỉ sau một đêm. Hàng chục triệu lao động thu nhập thấp khi đó đã cùng gia đình tháo chạy khỏi các thành phố bằng mọi phương tiện có thể - xe lửa, xe khách, xe tải chở hàng, xe đạp và thậm chí đi bộ - để về quê cách xa hàng trăm dặm. Về quê dẫu gì chi phí sống cũng thấp hơn và còn có bà con lối xóm.Đó là một hành trình đầy hiểm nguy. Các tổ chức thiện nguyện ước tính hàng trăm người đã chết vì kiệt sức trên các xa lộ nóng bức, gặp tai nạn trên đường.Khi tình hình dịch được kiểm soát, nhiều công nhân trở lại thành phố. Và chỉ mới đi làm lại sau nhiều tháng thất nghiệp, họ đã phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 2 vào tháng 4-2021. Theo Reuters, giới chức Ấn Độ cho rằng đợt phong tỏa lần này ít nghiêm trọng hơn so với lúc đầu dịch vì các ngành công nghiệp không phải dừng hoạt động hoàn toàn và hệ thống xe lửa vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, làn sóng “di cư ngược” từ phố về quê vẫn diễn ra, vì người lao động lúc này sợ virus hơn là sợ đói.“Tôi đọc mọi thứ về số ca nhiễm, tử vong và cảm thấy lo lắng. Tôi vẫn còn việc làm nhưng không muốn ở lại thành phố” - Sanjit Kumar, 30, nói với Reuters, sau khi bắt xe lửa rời thành phố Surat ở bang miền tây Gujarat về làng ở bang miền đông Bihar, một tuần trước khi chính thức có lệnh phong tỏa. Năm ngoái, Kumar cũng tháo chạy bằng xe tải. Nhiều người cũng chấp nhận bỏ việc về quê sớm như Kumar, vì sợ đến lúc phong tỏa thì chẳng có phương tiện để đi.“Tôi vẫn nhớ chuyện gì đã xảy ra lần trước, tôi cần phải rời khỏi đây” - Kaleem Ansari nói với The New York Times khi đang cùng hàng ngàn người ngồi bên ngoài ga xe lửa trung tâm ở Mumbai đợi chuyến tàu về quê cách đó hơn 1.500km. Nhà máy giày dép của Ansari phải đóng cửa khi Mumbai phong tỏa để ngăn đà lây lan của làn sóng COVID-19 thứ 2. Trong đợt phong tỏa tháng 3-2020, Ansari quyết ở lại Mumbai và sau đó thề sẽ không bao giờ làm thế nữa. Nên lần này anh quyết về quê, dù balô không có gì ngoài chút quần áo cũ và trong túi có vỏn vẹn 200 rupee (60.000 đồng).Cuộc tháo chạy năm ngoái đã cho thấy đường về vô cùng nguy hiểm nhưng sao họ vẫn quyết ra đi? Bởi ở lại thành phố là đối mặt với hệ thống y tế quá tải, bệnh viện hoạt động hết công suất, thiếu oxy, thiết bị và cả nhân viên y tế. “Tôi không muốn mắc bệnh mà chỉ có một mình. Số ca nhiễm [ở thành phố] đang tăng, và vợ tôi nói, chuyện làm ăn không ổn, sao anh không về nhà? Về, ít nhất vợ chồng còn có nhau” - Ajay Kumar, làm nghề bán case điện thoại ở Bangalore, nói.Ahmad Sheikh, làm việc tại một quán cà phê ở Mumbai, nói chỉ có người giàu mới chịu nổi một đợt phong tỏa nữa. Sheikh rời Mumbai từ giữa tháng 4. Anh nói thà chết ở quê còn hơn ở thành phố “đối xử với chúng tôi như đồ dùng xong rồi bỏ”.Đã có kinh nghiệm từ việc người lao động ồ ạt đổ về quê năm 2020, trong sự vụ hồi tháng 4, chính quyền trung ương và các bang, tổng công ty đường sắt Ấn Độ cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã cố gắng trợ giúp để người dân đến nơi an toàn.“Chúng tôi sẽ đưa [người lao động] về quê và giúp họ cách ly. Chúng tôi sẽ không khuyến khích họ ở lại các thành phố nữa” - Liby Johnson, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Gram Vikas, nói.Chính phủ mở lại đường dây nóng giúp đỡ cho công nhân cần đặt vé tàu về quê hoặc các hỗ trợ khác. “Lượng cuộc gọi không nhiều như năm ngoái. Tình hình không hoảng loạn lắm vì các dịch vụ giao thông không bị dừng hoạt động. Chính phủ lần này có chuẩn bị hơn lần trước” - DPS Negi, quan chức Bộ Lao động và việc làm Ấn Độ, khẳng định. Người lao động nhập cư chuẩn bị lên tàu rời Mumbai ngày 14-4-2021. Ảnh: PTILẽ ra đã có thể bảo vệ tốt hơnTrong một bài viết trên The Conversation tháng 6-2021, Malavika Rao, nghiên cứu sinh tiến sĩ luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển Geneva, cho rằng người lao động phải tháo chạy về quê lẽ ra đã có thể được bảo vệ tốt hơn, và Ấn Độ đã có thể tránh được một đợt “di cư ngược” ồ ạt lần 2, vì luật đã sẵn có, chỉ cần được vận dụng linh hoạt hơn.Theo Rao, cũng là rời chỗ đang ở sang nơi khác để an toàn tính mạng nhưng nạn nhân phải di tản vì thiên tai lại được hưởng nhiều hỗ trợ và bảo vệ hơn những người phải tháo chạy vì COVID-19. Tác giả lấy ví dụ đợt sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 từng khiến khoảng 650.000 người ở Ấn Độ mất nhà cửa. “Điểm khác biệt giữa [sự kiện này và COVID-19] là người bỏ chạy để tránh sóng thần được luật pháp bảo vệ bằng các đợt sơ tán và biện pháp khôi phục sau đó, còn người chạy trốn COVID-19 tiếp tục được xem là lao động nhập cư và để mặc cho số phận” - Rao viết.Theo tác giả, Ấn Độ thường xuyên áp dụng Đạo luật quản lý thảm họa năm 2005 để đánh giá rủi ro, di dời người dân và giảm thiểu tác động sau thực tế mỗi khi có thảm họa tự nhiên. Lẽ ra Chính phủ Ấn Độ nên áp dụng đạo luật này ngay từ đợt phong tỏa COVID-19 đầu tiên, nếu hiểu thảm họa theo nghĩa không chỉ có thiên tai mà còn gồm thảm họa sinh học như dịch bệnh và đại dịch. Nếu làm vậy, người lao động nhập cư đã có thể được “di tản” về quê an toàn hơn và nhận được các hỗ trợ cần thiết. Những đợt “di cư ngược” rầm rộ ở Ấn Độ không chỉ đặt chính người lao động nhập cư vào nguy hiểm, mà còn góp phần làm lây lan virus. Theo The New York Times, giới chức ở các địa phương hẻo lánh ở Ấn Độ cho biết số người nhiễm đã tăng sau làn sóng công nhân bỏ phố về quê. Các làng quê đích đến của cuộc hành trình không phải lúc nào cũng sẵn sàng xét nghiệm hay cách ly người trở về.Vì sao nhiều người chưa trở lại?Theo báo The Economic Times của Ấn Độ ngày 21-9 vừa qua, việc người lao động ồ ạt rời thành phố để về làng vì COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động ở cả thành thị lẫn nông thôn: “3 vụ mùa, nửa tá lễ hội và 2 làn sóng COVID-19 khác đã diễn ra từ đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên, nhưng hàng trăm ngàn lao động “di cư ngược” trước đó vẫn chưa quay lại thành phố”.The Economic Times dẫn lời Pravin Agarwala, giám đốc điều hành nền tảng quản lý tuyển dụng lao động Betterplace, cho biết sau đợt tháo chạy, lượng lao động di cư từ quê lên phố để làm việc đã giảm gần 10%. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố: sau hành trình về quê bão táp, nhiều công nhân thích ở với gia đình hơn và tìm việc mới ngay tại địa phương. Ấn Độ cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động có thể kiếm sống gần nhà. Số lượng việc làm cũng không thiếu vì có nhiều công trình hạ tầng nông thôn đang được triển khai. DPS Negi, quan chức Bộ Lao động và việc làm, chỉ ra các nguyên nhân khác: “Nhiều người không muốn quay lại thành phố vì sợ COVID-19. Họ cũng không chắc về tình hình việc làm ở đó”.Chính phủ Ấn đã dành gần 5,5 ngàn tỉ rupee cho nhiều chương trình phúc lợi và dự án phát triển nông thôn khác nhau. Sachchidanand Shukla, kinh tế gia trưởng Tập đoàn Mahindra Group, nhận xét các hỗ trợ này đã giữ chân người lao động ở nông thôn trong khi khối doanh nghiệp đang mong họ sẽ sớm trở lại thành phố.Theo các chuyên gia, việc công nhân chịu rời quê để quay lại thành thị phụ thuộc vào tốc độ phủ vaccine ở các bang chuyên cung ứng lao động như Uttar Pradesh, Andhra Pradesh, Bihar, Jharkhand và Odisha. “Tiến độ tiêm chủng chậm ở các bang này là một cản trở lớn đối với việc người lao động quay trở lại” - Rituparna Chakraborty, phó chủ tịch điều hành trang tuyển dụng TeamLease Services, nhận xét.Vẫn có nhiều triển vọng lạc quan rằng làn sóng di cư sẽ sớm trở lại “đúng chiều”, nghĩa là từ quê lên phố. Niranjan Hiranandani, giám đốc điều hành Tập đoàn phát triển bất động sản Hiranandani Group, nhận xét: “Nỗi sợ COVID và phong tỏa khiến người ta chần chừ trở lại thành phố tìm việc làm. Nhưng khi chuyện làm ăn khôi phục và sự sợ hãi giảm dần, sẽ lại có những làn sóng rời nông thôn Ấn Độ lên phố. Chỉ riêng ngành nông nghiệp sẽ không thể cung cấp việc làm cho nhiều người. Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ không suy giảm trong vài năm tới”. Tags: Đại dịchCOVID-19Phong tỏaTháo chạy
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.