TTCT - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt (1937-2025) tới Việt Nam năm 1967. Nhiếp ảnh gia chiến trường THOMAS BILLHARDT Nhà báo, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt (1937-2025) tới Việt Nam năm 1967. Những phóng sự ảnh của ông đã góp phần quan trọng cho thế giới thấy rõ sự khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965-1975, nhưng đồng thời, góc nhìn trung thực và nhân ái trong từng tấm hình của ông đã làm rung động thế giới với những cảnh sống bình dị đáng yêu của con người Việt Nam, những mát mát đau thương họ chịu đựng do chiến tranh. Ông được công nhận là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu nổi bật nhất của Đức. Năm 2020, ông được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái hạng mục "Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội" với tập sách ảnh Hà Nội 1967-1975 và triển lãm cùng tên tại Hà Nội năm 2020. Ông mất ngày 23-1-2025, 88 tuổi, khi vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch trở về Việt Nam. Cuộc trò chuyện này với ông diễn ra tháng 4-2023. Mẹ của ông là phóng viên nhiếp ảnh, ông có ảnh hưởng nào từ mẹ của mình?Mẹ tôi - bà Maria Schmid-Billhardt - mở một tiệm nhiếp ảnh từ năm 1927 và là một trong những người phụ nữ có tài năng nhiếp ảnh thời đó. Mẹ tôi thường chụp ảnh các thế hệ gia đình, đám cưới, lễ nghi, chụp ảnh trẻ em, chụp ảnh chân dung… Tôi đã học được ở mẹ nhiều kinh nghiệm. Các bức hình của mẹ tôi chụp trẻ em đều có nét riêng, bà đặc biệt nhấn vào khuôn mặt, nhất là đôi mắt ngây thơ to tròn hoặc đang biểu đạt gì đó của trẻ. Dường như nhờ thế mà bức ảnh có chiều sâu tâm hồn của những đứa bé.Tàu điện trên đường phố Hà Nội năm 1975Cô giáo dẫn học sinh mẫu giáo tham quan vườn hoa Diên Hồng năm 1975Tôi thích trở thành một họa sĩ hơn. Nhưng mẹ tôi khá nghiêm khắc, bà bảo: "Con phải có một nghề nghiệp cố định, chắc chắn, đảm bảo cho tương lai của con". Từ năm 14 tuổi, tôi đã được mẹ và các đồng nghiệp của mẹ đào tạo một cách bài bản về nhiếp ảnh. Khi học xong, mọi người muốn tôi học cao lên, nhưng tôi nghĩ, đủ rồi, tuổi trẻ cần phải trải nghiệm nhiều thứ. Tôi muốn vận dụng kiến thức mình đã học vào các cuộc trải nghiệm phiêu lưu mới. Tôi rất biết ơn mẹ.Điều gì là bước ngoặt về nghề nghiệp của ông?Những ngày đầu cầm máy, tôi nếm trải khá nhiều mặt tối của cuộc sống, nhất là khi tìm hiểu, tiếp xúc với tầng lớp lao động. Tôi đã chứng kiến vụ tai nạn hầm mỏ than nâu lộ thiên tại Großkayna, nạn nhân là những công nhân bị thương, những cái chết của họ khiến tôi ám ảnh và suy nghĩ rất nhiều.Chuyến đi làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi là lần tới Cuba năm 1961, khi đó tôi 24 tuổi, là một nhiếp ảnh gia tự do. Sau đó, tôi vào làm việc tại cơ quan thông tấn Đức và UNICEF. Năm 1961, Cuba như một miền đất lạ, tôi không thể thờ ơ với sự cuốn hút của phong trào cách mạng ở Cuba và đã thực hiện nhiều phóng sự ảnh tại đó. Tôi trở về Đức khi bức tường Berlin được xây dựng. Lúc đó ở Đức không có nhiều phóng viên ảnh, ít người được ra nước ngoài để chụp ảnh tác nghiệp, nhân duyên đã đưa tôi đến làm phóng viên chiến trường Việt Nam. Từ năm 1962 - 1985, tôi đã tới Liên Xô 50 lần, đến Ý 20 lần, nhưng bước ngoặt ấn tượng tiếp theo của cuộc đời chính là lần đầu tới Việt Nam năm 1967 cùng đoàn làm phim của CHDC Đức.Là một phóng viên chiến trường, quan điểm chụp ảnh của ông là gì?Tôi đến Việt Nam và chứng kiến cuộc chiến tàn khốc với tiếng còi báo động liên hồi. Hà Nội lúc đó đang hứng chịu cuộc không kích từ máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Đó là chiến tranh. Có người muốn tôi chụp những bức ảnh về chiến thắng - chiến đấu - cười - không đau khổ - không đau đớn - không khóc… Cứ giơ cao súng và mỉm cười… Nhưng tôi đã thuyết phục được những người bạn đồng hành về sứ mệnh nhân đạo của mình. Tôi giải thích với họ, không có tình yêu thì không có nỗi đau. Tình yêu quê hương và nỗi đau trước sự tàn phá tàn bạo mọi sự sống ở Việt Nam. Những hình ảnh của tôi về cuộc đấu tranh phòng thủ anh dũng của nhân dân Việt Nam đã đi khắp thế giới. Không có bức ảnh tuyên truyền nào có thể chạm tới lòng người ngoài sự thật. Tất cả những gì bạn xem trong tác phẩm của tôi là sự thật như tôi đã thấy.Hiện thực luôn thôi thúc tôi cố gắng chụp thật nhiều. Có lúc, không còn một tấm phim nào, tôi bất lực nhìn khoảnh khắc quan trọng trôi qua. Mỗi cuộn phim chỉ có 12 tấm ảnh, tôi mang theo hàng trăm cuộn nhưng chụp không xuể. Phim và máy ảnh là những vật bất ly thân, quý giá hơn cả bản thân tôi. Thời đó phim rất đắt đỏ và không thể mua một cách dễ dàng, nên chụp ai, chụp cái gì, tôi phải rất cân nhắc để tiết kiệm phim.Khi ông ở Việt Nam, hình ảnh làm ông nhớ nhất cho tới giờ là gì?Lúc đó chiến tranh đang diễn ra. Chứng kiến những tội ác, những cái chết, chiến tranh, con người, đất nước, tất cả đều khiến tôi sốc, cho tới bây giờ. Chiến tranh để lại nỗi đau sâu lắm, con người khó có thể quên đi được. Những người lính đều rất trẻ, những người lẽ ra phải được ngồi ở các trường đại học, lấy vợ, làm ăn, tương lai ở phía trước, nhưng lại phải cầm súng để chiến đấu. Khi tôi nói về nỗi sợ máy bay chiến đấu tới thả bom, họ đáp "Chúng tôi không sợ, nếu máy bay tới, chúng tôi sẽ bắn rơi chúng". Thực sự tôi không hiểu tại sao họ tự tin, họ dường như gạt được nỗi sợ hãi, họ đón nhận mọi thứ bình tĩnh, tôi ngạc nhiên vô cùng. Nhưng có lẽ chính vì có niềm tin và khát vọng tự do, nên người dân Việt Nam có thể chiến đấu một cách tự tin như vậy chăng.Đôi khi tôi vẫn nhớ như in trong đầu những hố bom mới sập, những cánh cửa sổ vỡ vụn vì bom đạn, hàng loạt hầm trú ẩm chật kín phụ nữ và trẻ em… Quá nhiều khổ sở, đau đớn. Trong những tháng ngày thực hiện các phóng sự ảnh ở Việt Nam thời đó, nhiều khi tôi phải cần tới nửa chai Lúa Mới trước khi đi ngủ mới bình tĩnh lại được.Ông đã gặp lại rất nhiều nhân vật của mình chụp từ thời chiến tranh tới hòa bình, ông đã có những cảm xúc thế nào?Khi chụp ảnh trẻ em, tôi luôn muốn diễn tả chiều sâu tâm hồn của các em. Tôi ghi lại, sửa, in và gửi những bức ảnh đó ra thế giới với thông điệp "Sự sống rất đáng quý, đặc biệt là tuổi thơ của các em, những mầm non tuổi xanh đáng trân trọng". Tôi muốn mọi người cảm nhận được điều đó, giống như tôi cảm nhận từ các em.Tôi gặp lại em bé Đoan Trang mà tôi đã chụp sau 30 năm, khi triển lãm ảnh của tôi được tổ chức ở TPHCM. Tôi đã rất xúc động. Đoan Trang nói rằng bức ảnh tôi chụp cô ấy khi còn nhỏ đã được nhiều người trên thế giới biết đến, họ gửi cho cô những dòng chia sẻ, tâm sự. Bức ảnh ấy đã kết nối con người với con người. Là một phóng viên chiến trường, tôi mong những bức ảnh ấy giúp thế giới hiểu và giúp đỡ các em, để các em được tới trường, có cơm ăn và áo mặc, được sống tự do trong tuổi thơ của mình.Năm 1999, 2003, 2020 tôi đã có các cuộc triển lãm với chủ đề "Chiến tranh Việt Nam", chủ đề "Hà Nội 1967-1975" tại Việt Nam. Tôi trở về Việt Nam để nhìn ngắm lại đất nước chiến tranh khi xưa trong ký ức và hòa bình phát triển trong hiện tại. Tôi tìm đến những nhân vật trong ảnh của mình để xem họ sống như thế nào trong thời bình. Khi các bức ảnh được trưng bày tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên hồ Gươm, Hà Nội, hàng ngàn người dân đi qua được ngắm các bức ảnh chưa bao giờ được công bố, họ xem và nhận ra những người họ quen. Tôi đã tìm lại được nhiều nhân vật của mình, trao tặng họ bức ảnh tôi chụp ngày xưa.Tôi còn nhớ một người đàn ông với gương mặt rưng rưng xúc động, ông là cha của cậu bé 5 tuổi đã chết trong vụ đánh bom Hà Nội năm 1972. Khi tới nhà ông, tôi mới biết, bức ảnh tôi chụp cậu bé và bà của cậu nằm cấp cứu trong bệnh viện chính là ảnh thờ con ông, và đó là bức hình duy nhất của con trai ông. Thật là ngậm ngùi.Bức ảnh nữ chiến sĩ miền Bắc Việt Nam giương cao súng, áp giải một tù binh Mỹ, ông chụp lúc nào? Ông có gặp lại những nhân vật trong ảnh?Đó là tháng 7-1967. Năm 1998, tức 31 năm sau, ông Dewey Waddell (người lính Mỹ bị bắt hồi đó) và tôi gặp lại nhau. Ông Deway nói, bức ảnh tác động lớn đến cuộc đời ông ấy, giúp gia đình và nước Mỹ biết Dewey vẫn còn sống và có cơ hội được trở về quê hương. Bây giờ thế giới đã thay đổi, kẻ thù đã thành bạn bè. Đó là một cảm giác tuyệt vời để gặp lại Dewey một lần nữa.Ông đã làm bộ phim ngắn Iced Lemonade for Hong Ly kể vể hành trình tìm lại nữ thanh niên xung phong Hồng Lý.Năm 1968, tôi đã chụp một bức chân dung cô thanh niên xung phong có tên là Hồng Lý từ Hà Nội vào Quảng Bình. Năm ấy, cô mới 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất xuân thì. Cô đang cùng đồng đội sửa chữa những cây cầu và đường phố mới bị phá hủy bởi bom đạn. Hồng Lý ở cùng đội 18 cô gái, họ làm việc gian khổ để hồi sinh những con đường.Tôi hỏi cô ấy: "Nếu hòa bình, nguyện vọng của cô là gì?". Hồng Lý cười nói rằng: "Tôi chỉ muốn ra Hà Nội và uống một cốc nước chanh đá". Câu nói của người thiếu nữ ấy ở trong tâm trí tôi mãi. Cô ấy chỉ mơ có một cốc nước chanh thôi. Hồng Lý là người con gái đáng yêu, xinh đẹp nhất mà tôi từng chụp. Tôi đã quay lại tìm Hồng Lý nhiều lần, nhờ nhiều cơ quan chức năng và người dân địa phương giúp đỡ tìm cô. Tôi ghi lại hành trình tìm cô và dựng thành bộ phim Iced Lemonade for Hong Ly. Và tôi đã tìm thấy Hồng Lý. Cô ấy thật khác xưa, nhưng tôi vẫn nhận ra ngay.Ông nhớ điều gì nhất về Việt Nam?Đối với tôi, Việt Nam là đất nước của những con người cần cù, một đất nước có nền văn hóa đặc sắc. Con người có sự tôn trọng lẫn nhau, có nền âm nhạc tuyệt vời và có những người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Trẻ con Việt Nam là những đứa trẻ duyên dáng không kém. Tôi đã thấy Việt Nam bị tàn phá như thế nào và nó đã vươn lên nhanh chóng như thế nào để trở thành một quốc gia cực kỳ hiện đại, hướng tới tương lai. Tôi kính trọng Việt Nam.Khi về Việt Nam vào tháng 3-2023, ông thấy gì ở một Việt Nam lúc ấy?Những bức ảnh của tôi về Việt Nam đăng trên nhiều tạp chí của CHDC Đức, các phóng sự truyền hình có ảnh chiến tranh của tôi, cũng như nhiều triển lãm ảnh đoàn kết về cuộc sống và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhiều áp phích đoàn kết có ảnh của tôi đã đưa những người Đức đến gần hơn với Việt Nam. Nhiều người Đức đã đi cùng tôi đến tìm hiểu Việt Nam, điều mà hồi xưa không thể thực hiện được. Tôi đã tổ chức 4 chuyến đưa người Đức tới du lịch, khám phá và tìm hiểu Việt Nam. Tôi đặc biệt tự hào về điều đó. Bức ảnh đăng trên tạp chí “Welt” của Đức Tags: Chiến tranh Việt NamThomas BillhardtNhiếp ảnh giaPhóng viên chiến trườngNhiếp ảnh chiến trường
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Huỳnh Mạnh Phương nói về bài phát biểu của mình tại đại lễ 30-4 BÌNH MINH 30/04/2025 Huỳnh Mạnh Phương, nữ thủ lĩnh thanh niên 9X tại TP.HCM, thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cô chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online trong sự kiện đặc biệt này.
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.