TTCT - Những bức ký họa kháng chiến giờ đây vẫn tiếp tục mở ra những góc nhìn và chứng minh giá trị lịch sử vô giá trong chiều dài mỹ thuật của đất nước sau 50 năm. Những bức ký họa kích thước nhỏ, đôi khi chỉ to hơn bàn tay, có khi được vẽ ở hai mặt giấy, có khi với bất kỳ chất liệu nào: chì, màu nước, than củi… giờ đây vẫn tiếp tục mở ra những góc nhìn và chứng minh giá trị lịch sử vô giá trong chiều dài mỹ thuật của đất nước sau 50 năm.Họa sĩ Lê Lam trong căn cứ cách mạng Tây Ninh năm 1965. Ảnh: sách Mekong Diaries1. Ngay trong những trang đầu tiên của cuốn sách Mekong Diaries (Viet Cong Drawings & Stories 1964 - 1975, The University of Chicago Press xuất bản) của tác giả Sherry Buchanan là bức màu nước của Thanh Ngọc - một họa sĩ tốt nghiệp khóa cuối cùng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh vẽ theo phong cách cổ điển Pháp vào ngày 17-8-1964, thời điểm Việt Nam bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, thể hiện một du kích quân đầu túm khăn, đang ngồi bệt để sắn gấu quần, khẩu súng tựa vào vai. Đó có thể là phút giây tạm nghỉ sau những trận đánh.Nhiều bức ký họa ghi lại hình ảnh sống, chiến đấu dưới làn bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ đã may mắn tồn tại đến giờ, sau 50 năm đất nước thống nhất. Nhưng cũng có rất nhiều bức đã vĩnh viễn biến mất, thậm chí không ai biết chúng từng tồn tại trên đời dưới bom đạn và điều kiện khắc nghiệt của thời gian.Những năm tháng ấy, đã có một lứa họa sĩ - chiến sĩ, sau khi được học các khóa học rất ngắn, có thể chỉ vài tháng, ở chiến khu miền Nam, đã nhận nhiệm vụ ghi lại chiến tranh bằng nhật ký hội họa, phác thảo khung cảnh thiên nhiên, sự kiện, con người Việt Nam trong cuộc chiến. "Lớp học vẽ được tổ chức ở ngoài rừng cho đến khi nơi học tập đó bị đánh bom, thế thì lớp lại được tổ chức dưới hầm. Thầy và trò cùng chung một chiến hào, cùng chiến đấu và vẽ để ghi lại những hình ảnh tức thì và thực tế của cuộc chiến và đời sống trong rừng. Họ chỉ có 15 phút để tốc họa, vừa đi, ngồi xuống, vẽ và chạy ngày để kịp hành quân cùng tiểu đoàn của mình… Mỗi người đeo khoảng 10kg, gồm võng, màn chống muỗi, bộ quần áo, khẩu AK-47, tổng cộng là 5kg, rồi đạn, ít nhất 200 viên, rồi gạo ăn trong 15 ngày, hoặc lương khô" - đó là đời sống của người nghệ sĩ, chiến sĩ trong chiến trường theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Toàn Thi trong Mekong Diaries.Những bức ký họa thể hiện sự tàn khốc của đạn bom, chết chóc và phá hủy, nhưng cùng lúc đó thể hiện tình yêu, cảm xúc với cuộc sống, hòa bình, đất nước, con người trào dâng trong trái tim họa sĩ.Tranh của họa sĩ Thanh Ngọc vẽ năm 1964.2. Trong chuỗi triển lãm dài diễn ra từ tháng 3-2025 và kéo dài nhiều tháng, trưng bày 700 tác phẩm được chọn lọc từ hơn 3.000 tác phẩm có tên gọi Hành trình Huỳnh Phương Đông do gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925 - 2015) và SANN - The House of Art (Ngôi nhà nghệ thuật) tổ chức, một bức phướn kích thước lớn ghi lại cảm xúc của họa sĩ: "Tôi vẽ chân dung hàng trăm bạn bè và đồng chí. Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ".Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật là Huỳnh Công Nhãn, ông dùng tên con trai mình làm bút danh) được phân công đi ghi chép các trận đánh chống càn, cũng như các họa sĩ B11 (Phòng hội họa Giải phóng). Họ cũng tham gia củng cố bảo vệ cơ sở đóng quân, như đào hầm, chăn nuôi, trồng rau, thời gian còn lại dành để ghi chép cuộc sống trong chiến khu, trên đường đi... bằng tranh vẽ. Ông vẽ chân dung của rất nhiều người ông gặp trên đường: một chiến sĩ đang cầm súng ngắm bắn, hay "Đồng chí Trung - thư ký Đồng chí Sáu Dân, Võ Văn Kiệt" (vẽ năm 1974), hay Nguyễn Hiền (vẽ năm 1971), lão công nhân Huỳnh Văn Diệm (người đã dày công dựng xưởng, vẽ năm 1970). Cuộc chiến quá khốc liệt, "ngày nào cũng có thể là ngày tận thế" - như tự sự của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Nhưng chính bởi trong sự khốc liệt ấy, càng mất mát, đau thương, họ càng hiểu sứ mệnh của lịch sử và trọng trách của mình, họ phải ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác hình ảnh các chiến sĩ, những con người phục vụ kháng chiến ở hậu phương, những sự kiện lịch sử và phong cảnh, thiên nhiên vùng đất Nam Bộ. Trong chiến khu, họ cũng tổ chức triển lãm tranh, "treo vội ký họa lên dây, giữ bằng kẹp phơi quần áo trên những sợi dây buộc từ cây này qua cây khác. Khi nghe thấy tiếng súng thì gỡ vội xuống, bỏ lại vào túi! Triển lãm chỉ diễn ra trong hai phút!" - như lời kể của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông.Cậu bé trong vùng kháng chiến, Mekong Delta, năm 1964. Tranh của họa sĩ Thái Hà. Ảnh: sách Mekong Diaries"Ký họa kháng chiến là một hình thái mỹ thuật phục vụ nhanh, cấp thời trong kháng chiến để ghi lại nhiệt tình cách mạng, nhiệt huyết của quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ" - Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, tác giả khoảng 20 đầu sách nghiên cứu mỹ thuật, nhận định.Một bộ sưu tập quan trọng của ký họa kháng chiến miền Nam với hơn 3.000 bức đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. "Đó là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và chiến tranh" như lời giới thiệu trên website bảo tàng."Những nghệ sĩ này còn là chứng nhân của thời đại" - họa sĩ Uyên Huy cho rằng tạo ra các tác phẩm chính là cách mà các họa sĩ chiến đấu. "Vì yêu cầu cách mạng, các họa sĩ dùng bút ký phục vụ kháng chiến có tính cấp thời, mang tính thời đại, tính lịch sử, để kích thích tinh thần hăng say chiến đấu của quân dân miền Nam" - ông nói thêm. Trong giờ phút sinh tử trên chiến trường, người chiến sĩ - họa sĩ không thể đưa vào những hình ảnh ẩn dụ, hàm ý trong các bức ký họa của mình giống như khi có tư liệu, thời gian suy ngẫm, hay các điều kiện sáng tác đầy đủ hơn. Nhưng "Đó là vẫn là một phần của biên niên sử, tài sản quý giá của người Việt Nam".Bông sen Đồng Tháp - tranh Huỳnh Phương Đông3. Ở Hà Nội tháng 3-2024, một không gian riêng được dành để trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Lê Lam - một phần quan trọng trong bộ sưu tập gia đình của nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ và bà Thạch Lê Anh (bộ sưu tập A&V).Ông Hàn Ngọc Vũ đã có chiến lược sưu tập từ sớm các tác phẩm của 22 hoạ sĩ trong Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa Kháng chiến, thế hệ thứ hai, sau thế hệ các nghệ sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Vũ kể, năm 2018 khi ông bắt đầu tìm kiếm các tác phẩm của họa sĩ Lê Lam, thông tin trên Internet không nhiều, chủ yếu về giai đoạn mà họa sĩ Lê Lam sáng tác trong chiến trường miền Nam. Lúc đó, các tác phẩm của Lê Lam cũng chỉ được thấy trong một số bảo tàng, không có ở các nhà đấu giá hay các gallery. Cần nhiều cơ duyên sau đó ông mới được gặp trực tiếp họa sĩ Lê Lam, người khi đó không có ý định chia tay với các tác phẩm mà ông còn giữ, thế nên cũng không có nhu cầu gặp gỡ những người muốn mua tranh của mình.Trong các cuộc trò chuyện tại gia đình họa sĩ Lê Lam, ông Hàn Ngọc Vũ hiểu lý do họa sĩ chẳng muốn gặp ai tìm đến mua tranh, vì ông không còn giữ nhiều nữa, và những gì ông giữ chủ yếu đều gắn liền với quãng thời gian sáng tác có ý nghĩa nhất của cuộc đời ông: giai đoạn ông làm việc trong chiến trường miền Nam, hoặc sáng tác từ các ký họa trong giai đoạn đó."Tôi cảm nhận được sự phân vân, lưỡng lự của ông, một người rất biết cuối cùng rồi cũng phải chia tay với những 'đứa con' của mình, nhưng không bao giờ thấy thời điểm phải chia tay là đúng lúc, hay nhà sưu tập có phải là người phù hợp để lưu giữ các tác phẩm của mình hay không" - ông Vũ nói thêm.Giao liên chờ khách - Tranh của họa sĩ Bảy TràTrên bức tường màu xanh cạnh phòng khách lớn của gia đình ông Vũ, những bức tranh được chính ông tuyển chọn, sắp xếp, treo lên, chuẩn bị vựng tập, in ấn, dán chú thích… giống như ở các bảo tàng chuyên nghiệp. Là một nhà quản trị cấp cao của một ngân hàng lớn, ông Vũ cũng là một nhà sưu tập rất chỉn chu, ông tự nghiên cứu, ghi chép, sắp xếp các tác phẩm trong bộ sưu tập của mình.Trong số 51 tác phẩm màu nước mà họa sĩ Lê Lam vẽ trong chiến trường miền Nam và Campuchia từ năm 1966 - 1973 mà gia đình ông mong muốn được sưu tập nhất và đã sưu tập được, ông chọn trưng bày các tác phẩm ông Lê Lam sáng tác trong 9 năm ở chiến trường miền Nam."Họa sĩ Lê Lam đã dồn tâm trí vào 9 năm sáng tác ở miền Nam rất nhiều. Khi triển lãm ở TP.HCM và gặp lại những nhân vật của mình, mấy chục năm sau, ông ấy đã khóc như một đứa trẻ. Với bao nhiêu khó khăn kinh tế, tài sản không có gì ngoài tranh, nhưng dứt khoát ông ấy không bán, chỉ đến khi cuối đời, khi ông ấy đã yếu đi và vợ con thuyết phục" - ông Vũ kể.Trong khoảng 1.000 bức ký họa của Lê Lam, đã có 80 bức được David Thomas, họa sĩ và kỹ sư trong quân đội Mỹ tham chiến tại Pleiku, Việt Nam trong thời gian 1968 - 1969, người thành lập Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương (IAP) và tổ chức hoạt động, thúc đẩy giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chọn để triển lãm ở Mỹ. 40 bức đã ở lại Mỹ, và 40 bức được mang về lại Việt Nam. Ông Vũ đã sưu tập được một số bức trong số 40 bức đó.Với ông Vũ, Lê Lam là họa sĩ có lòng nhân ái đặc biệt, bởi trong tranh của ông có súng, có đạn, có nước mắt, thậm chí có cả máu, nhưng "bao giờ tôi cũng cảm nhận được tình yêu thương mà ông dành cho con người và phong cảnh nơi đó. Ngay cả lời lẽ thông qua bút tích mà ông còn để lại trên tác phẩm về những người lính ở phía bên kia, tôi vẫn thấy ở ông tiếng nói của sự cảm thông và kêu gọi, hơn là sự căm thù và nhục mạ". Lê Lam tìm thấy góc yên bình trong môi trường khốc liệt, tìm thấy vẻ đẹp của người phụ nữ trong mọi chiến trường ông tới. Những người nghệ sĩ - chiến sĩ "gần cái chết, cái xấu xa của chiến tranh" trong một thời gian dài vẫn thể hiện được chất thơ, vẻ yên bình của dòng sông, miệt vườn đượm màu xanh, hay sự ngây thơ của các em bé và nét đẹp của những người phụ nữ.Suốt 50 năm qua, ký họa kháng chiến đã được trưng bày nhiều, nhưng vẫn là chưa đủ. Bên cạnh các hoạt động sưu tập, giới thiệu các tác phẩm do các cơ quan nhà nước thực hiện, sự tham gia của các tổ chức, các nhà sưu tập tư nhân là những bước đi tiếp theo, quan trọng và ý nghĩa để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm vốn ít được trưng bày. Lịch sử chiến tranh nên được kể lại một cách đa dạng, dưới nhiều chiều kích, nhiều hình thái, nhiều chủ thể để những con người hiện tại hiểu hơn và thấm thía hơn giá trị của hòa bình. Tags: Ký họa kháng chiếnKháng chiếnKý họaMỹ thuật
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Tối nay 30-4, người dân TP.HCM xem 30 điểm bắn pháo hoa, chương trình đặc sắc ở đâu, gửi xe chỗ nào? THU DUNG 30/04/2025 Sau lễ diễu binh, nhiều người dân TP.HCM mong chờ chương trình bắn pháo hoa vào tối nay 30-4. Dự kiến TP.HCM sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm dịp đại lễ.
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Huỳnh Mạnh Phương nói về bài phát biểu của mình tại đại lễ 30-4 BÌNH MINH 30/04/2025 Huỳnh Mạnh Phương, nữ thủ lĩnh thanh niên 9X tại TP.HCM, thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cô chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online trong sự kiện đặc biệt này.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.