TTCT - Quốc đảo 25 triệu dân ở Nam Á đang bên bờ vực sụp đổ tài chính khi rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đối mặt sức ép ngày càng lớn đòi ông từ chức từ những cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Cả tháng qua, hàng trăm ngàn người Sri Lanka xuống đường phản đối chính phủ sau khi tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, mất điện thường xuyên xảy ra, cùng mức lạm phát kỷ lục thổi bùng nỗi bức xúc của họ trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia Nam Á giành độc lập năm 1948. Rất nhiều người nói đây là lần đầu tiên họ biểu tình.Trong cuộc tuần hành có số người tham gia lớn nhất hôm 10-4, hàng chục ngàn người đã bao vây dinh tổng thống. Họ mang theo quốc kỳ, hô vang khẩu hiệu “cút đi Gota”, giơ cao các biểu ngữ “đã tới lúc ông biến đi”, “quá đủ rồi”, hay “hãy cứu Sri Lanka khỏi gia tộc Rajapaksa”. Hai anh em ông Mahinda (trái) và Gotabaya Rajapaksa chia nhau làm thủ tướng và tổng thống Sri Lanka. Ảnh: ReutersPhải trả nợ 7 tỉ USD năm nayÔng Mahinda Yapa Abeywardana, chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, hôm 6-4 đã cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dẫn tới nạn đói. Ông cũng nói đây mới là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn nhiều.Ngay cả người đứng đầu giáo hội Thiên Chúa giáo Sri Lanka (với khoảng 7,4% dân số là tín đồ), Hồng y Malcolm Ranjith, cũng đã dẫn đầu một cuộc biểu tình tại thị trấn Negombo, phía bắc thủ đô Colombo, và kêu gọi người dân tiếp tục tuần hành cho tới khi chính quyền Tổng thống Rajapaksa từ chức.Các đảng đối lập đã từ chối đề nghị đàm phán từ tổng thống, họ tập hợp nhau lại kêu gọi ông Rajapaksa rời ghế. Tuy nhiên người đại diện cho tổng thống Sri Lanka cuối tuần qua khẳng định ông Rajapaksa sẽ tiếp tục tại nhiệm.Theo ghi nhận của Hãng tin AFP, áp lực với ông Rajapaksa ngày càng lớn khi cộng đồng doanh nghiệp có thế lực trong nước hôm 9-4 đã tỏ ý không còn ủng hộ tổng thống nữa. “Thế bế tắc về kinh tế và chính trị rõ ràng là không thể tiếp tục thêm nữa, chúng ta cần một nội các và chính phủ lâm thời trong vòng nhiều nhất là một tuần”, ông Rohan Masakorala, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cao su của Sri Lanka, nói. Hiệp hội của ông Masakorala đã cùng 22 tổ chức doanh nghiệp và công nghiệp khác công khai đòi thay đổi chính phủ. Chỉ riêng việc thiếu nhiên liệu hiện nay ở Sri Lanka cũng đã khiến các doanh nghiệp tổn thất khoảng 50 triệu USD mỗi ngày.Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới được bổ nhiệm Nandalal Weerasinghe cho biết một loạt sai lầm trong chính sách tiền tệ đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay, khi ngân khố không còn USD để nhập khẩu. Nhằm vực dậy đồng rupee đang rơi tự do, hôm 8-4, ông Weerasinghe đã phải nâng lãi suất lên mức cao nhất trước nay, tăng thêm 700 điểm cơ bản.Ngày 18-4, phái đoàn của Chính phủ Sri Lanka dự kiến có mặt tại Washington (Mỹ) để bắt đầu đàm phán vay nợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ khẩn cấp. Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cuối tuần qua nói trước Quốc hội ông kỳ vọng khoản tiền vay 3 tỉ USD từ IMF sẽ giúp hỗ trợ cán cân thanh toán của quốc gia trong ba năm tới, và Colombo cũng sẽ phải đàm phán hoãn trả các khoản nợ sắp đáo hạn.Chia sẻ thêm với Hãng tin Reuters, ông Sabry cho biết Sri Lanka cần vay 3 tỉ USD trong 6 tháng tới để khôi phục nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bao gồm năng lượng và thuốc men. “Đó là nhiệm vụ rất nặng nề”, ông nói. Ngân hàng JP Morgan tuần qua ước tính tổng nợ của Sri Lanka trong năm nay sẽ là 7 tỉ USD. Người biểu tình hô to các câu khẩu hiệu phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại Colombo, Sri Lanka ngày 9-4-2022. -Ảnh: ReutersLỗi ở tổng thống?Việc thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu đủ các mặt hàng thiết yếu. Đại dịch COVID-19 lại làm “tê liệt” nguồn thu trọng yếu của quốc gia này từ du lịch và kiều hối.Hãng tin AFP dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Rajapaksa, 72 tuổi, là người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng hiện nay, không chỉ vì lạm dụng quyền lực để xây dựng một “đế chế” gia đình trị, mà còn bởi những quyết sách kinh tế sai lầm kể từ khi lên nắm quyền năm 2019.Gần một năm sau khi đắc cử, khi đảng của ông Rajapaksa giành được thế đa số, kiểm soát 2/3 số ghế Quốc hội, ông đã bổ nhiệm anh trai Mahinda Rajapaksa làm thủ tướng và sửa hiến pháp để kéo dài quyền lực. Sau đó ông tiếp tục bổ nhiệm ba thành viên khác trong gia đình nắm giữ các ghế bộ trưởng tài chính, nông nghiệp và thể thao.Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng khủng hoảng càng nghiêm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều năm vay nợ chồng chất và những đợt cắt giảm thuế thiếu khôn ngoan. Tổng thống Rajapaksa đã cắt giảm thuế ngay khi lên nắm quyền, vay thêm nhiều khoản nợ lớn đầu tư vào các dự án hạ tầng mà phe đối lập cho là không cần thiết. Cùng lúc, chính phủ in ra một lượng tiền lớn, khiến lạm phát gia tăng và làm khánh kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của đất nước. Theo số liệu của BBC, vào cuối năm 2019, Sri Lanka còn 7,6 tỉ USD dự trữ ngoại hối, nhưng tới tháng 3-2020, số tiền để dành đó chỉ còn 2,3 tỉ USD.Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2021, chính phủ của ông Rajapaksa cấm nhập khẩu phân bón hóa học để ngăn dòng ngoại tệ đổ ra ngoài. Nông dân được yêu cầu dùng phân bón hữu cơ thay thế. Quyết định này dẫn tới mất mùa diện rộng và giá lương thực tăng mạnh. Hiện quốc đảo màu mỡ này thậm chí phải nhập khẩu lương thực, điều càng khiến nguồn ngoại tệ dự trữ quý giá tiếp tục đổ ra nước ngoài.Trong số những người biểu tình, nhiều người công khai bày tỏ sự giận dữ với tổng thống đương nhiệm. Bà Nelum Leanage, 69 tuổi, nói bà muốn ông Rajapaksa “trả lại tất cả số tiền đã cướp của chúng tôi, rồi từ chức và cuốn gói khỏi nước này”. “Ông ấy không thuộc về nơi này, nhưng đã lấy cắp hàng tỉ từ chúng tôi, ông ấy có cuộc sống xa hoa trong khi chúng tôi không có gì cả”, bà Nelum Leanage nói. Tổng thống Rajapaksa là người có hai quốc tịch Sri Lanka và Mỹ.Vết thương nội chiến chưa lànhNgoài những vấn đề bức thiết tức thời, còn có một nguyên do sâu xa hơn khiến Sri Lanka luôn là một “thùng thuốc súng” sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào: sự chia rẽ giữa hai sắc dân chính Sinhalese và Tamil.Dù cuộc nội chiến với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (Tamil Tigers) kéo dài 1/4 thế kỷ đã kết thúc được 13 năm, sự hòa hợp dân tộc tại Sri Lanka vẫn hết sức mong manh. Sự chia rẽ thể hiện chính trong nhìn nhận của sắc dân chiếm đa số Sinhalese và sắc dân thiểu số Tamil về tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa. Trong khi người Sinhalese coi tổng thống là một anh hùng, người Tamil cáo buộc ông Gotabaya Rajapaksa đã gây nhiều tội ác chiến tranh.Để hiểu về nguồn gốc những xung đột tại Sri Lanka, cần quay ngược quá khứ, trở về giai đoạn đất nước này còn là thuộc địa của Anh. Khi hòn đảo lúc bấy giờ còn có tên Ceylon độc lập năm 1948, sắc dân Sinhalese (theo Phật giáo) lên nắm quyền. Sắc dân Tamil (theo Ấn giáo và Thiên Chúa giáo) bị cáo buộc “nối giáo cho giặc”: có quan hệ gần gũi với chế độ thực dân Anh, nên bị gạt ra bên lề xã hội.Năm 1972, Ceylon đổi tên thành Sri Lanka và Phật giáo trở thành quốc giáo. Nhưng tại vùng đông bắc đất nước, những phần tử ly khai người Tamil bắt đầu tự tổ chức phong trào kháng chiến, dần dần hình thành phong trào Tamil Tigers với yêu sách thành lập một quốc gia độc lập cho người Tamil.Năm 1977, xung đột nổ ra giữa các thanh niên Tamil và lực lượng cảnh sát. Bạo loạn chống Tamil bùng lên trên cả nước khiến hàng trăm người thiệt mạng. Sau đó là các vụ tấn công trả đũa nhắm vào quân đội Sri Lanka. Năm 1983, 13 quân nhân bị sát hại trong một trận phục kích. Để trả thù, những cuộc thảm sát có tổ chức nhắm vào người Tamil diễn ra, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người và mở ra một cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở Sri Lanka.Nội chiến chỉ chính thức kết thúc vào năm 2009 sau khi gần như toàn bộ du kích quân của phong trào Tamil Tigers đã bị tiêu diệt. Ít nhất 100.000 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa trong cuộc chiến. Hầu hết các nạn nhân dân thường là người Tamil.Cuộc nội chiến chính thức đã chấm dứt, nhưng 13 năm qua, hòa hợp dân tộc vẫn là một tiến trình hết sức nhọc nhằn ở Sri Lanka. Tại những nơi từng là chiến địa trước đây, với rất nhiều người trong cuộc, cuộc chiến tìm kiếm sự thật về những gì đã xảy ra vẫn đang tiếp tục. Trong mắt nhiều người Tamil, tổng thống đương nhiệm không chỉ là một nhà cai trị bất tài nhũng lạm, mà còn là kẻ chủ mưu của những tội ác chiến tranh kinh hoàng: Trước khi lên làm tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa là bộ trưởng quốc phòng Sri Lanka suốt 10 năm 2005-2015, bao gồm những năm cuối cùng của cuộc nội chiến đẫm máu."Ông Gota đã làm được gì trong hai năm qua?... Chúng tôi không muốn ông Rajapaksas quản lý đất nước nữa. Ông Rajapaksas phải ra đi."Nhà văn người Sri Lanka Buddadasa Galappaththi, 74 tuổi Tags: Biểu tìnhLạm phátSri LankaColomboTổng thống Sri Lanka
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.