TTCT - Đại biểu 28 nước thành viên và 26 quốc gia đối tác, bên cạnh các đại diện Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và NATO đã có mặt tại Warsaw (Ba Lan) cuối tuần qua (8 và 9-7-2016) để chuẩn bị cho hoạt động phòng thủ quy mô chưa từng có từ sau chiến tranh lạnh. Hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra ngay tại Warsaw, nơi từng thành lập khối Warsaw của Liên Xô và các nước Đông Âu trước kia, cho thấy cục diện địa chính trị ở châu Âu đã thay đổi mạnh mẽ ra sao từ chiến tranh lạnh -todayonline.com Bước ngoặt Hoạt động phòng thủ quy mô này được phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow gọi tên là “Cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với nước Nga”, cụ thể NATO sẽ tiến hành “một quá trình chuyển đổi mới” đối lập với những gì liên minh từng thực hiện sau chiến tranh lạnh, tức sẽ củng cố kiểm soát biên giới ở phía đông. Đặc biệt, cuộc làm việc của các nguyên thủ quốc gia đã diễn ra ở chính nơi mà năm 1955 các nước đã ký kết Hiệp ước Warsaw, liên kết các nước xã hội chủ nghĩa vào một khối chống NATO kéo dài đến năm 1991! Trong thông cáo chung của NATO đưa ra cuối cuộc làm việc, người ta được biết số thành viên chính thức của NATO từ sau ngày 9-7 đã là 29, với nước mới nhất vừa được kết nạp là Montenegro. Đặc biệt, trong số các hiểm họa mà NATO hiện phải đối mặt, tổ chức này đã nêu mối đe dọa đầu tiên là nước Nga. NATO khẳng định việc xuất hiện “vòng cung bất ổn và mất an ninh dọc vùng đệm của các nước NATO và bên ngoài NATO”, cụ thể thông cáo nêu đích danh đó là “những hoạt động gây hấn của Nga, kể cả các hoạt động khiêu khích quân sự ở vùng đệm của NATO, đã làm tổn hại an ninh châu Âu - Đại Tây Dương và đe dọa mục tiêu lâu dài về một châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình”. Để đối phó hiểm họa này, thông cáo dẫn điều 5 của Hiệp ước Washington về phòng vệ tập thể, khi việc tấn công vào một nước thuộc khối NATO sẽ được NATO đáp trả. Tiếp đó, thông cáo mới nêu hiểm họa tiếp theo là chủ nghĩa khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Đặc biệt, hai điều khoản 9 và 10 dành để “kể tội” Nga. Theo đó, quan hệ đối tác Nga - NATO trong hai thập niên qua được xây dựng theo cơ chế Hội đồng Nga - NATO. Thế nhưng trong khi “NATO vẫn bảo đảm các cam kết của mình thì Nga đã phá vỡ các nguyên tắc, cam kết được nêu trong Văn kiện cơ bản quan hệ đối tác Nga - NATO 1997”. Cụ thể, thông cáo liệt kê đó là việc Nga sáp nhập Crimea, gây bất ổn ở đông Ukraine, tập trận quy mô lớn đi ngược với Công ước Vienna, hoạt động khiêu khích ở biên giới NATO, bao gồm ở các vùng Baltic và biển Đen... Thêm vào đó là việc Nga hiện diện quân sự và hỗ trợ chế độ Syria. Trong số rất nhiều biện pháp đối phó với tất cả hiểm họa này, có thể kể quyết định thành lập lực lượng tình báo an ninh riêng của NATO, việc triển khai ở mỗi nước Baltic (Latvia, Litva, Estonia) và ở Ba Lan một lực lượng đồn trú quốc tế (cơ số có thể từ 800 đến 1.000 lính mỗi nước), kéo dài sứ mệnh an ninh của NATO ở Afghanistan thêm một năm đến 2017, thành lập Lực lượng cơ động cực nhanh (VJTF) có thể triển khai đến bất cứ quốc gia thành viên nào chỉ trong hai đến ba ngày, tăng cường tập trận... Lần lượt trong 139 điều khoản của thông cáo chung, NATO điểm thêm những hiểm họa khác không chỉ các thành viên NATO, mà nhân loại đang phải đối mặt: nguy cơ chiến tranh không gian điều khiển, chiến tranh hóa học, tham nhũng, quản trị kém. Quan hệ NATO - Ukraine được nhắc tới trong điều 117, nhưng cũng chỉ là “ủng hộ Ukraine thực hiện chương trình cải cách trong khuôn khổ quan hệ đối tác với NATO”. Có thể thấy điểm chính của Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này ở Warsaw là điều chỉnh mối quan hệ NATO với Nga, và các bước đi cụ thể cho sự điều chỉnh này mà các quan chức NATO tuyên bố là bước ngoặt. Vòng tròn luẩn quẩn Về phần mình, người Nga nói gì trước những động thái mới của NATO? Bình luận về các quyết định của NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng “NATO tập trung nỗ lực để “kiềm chế” những nguy cơ không tồn tại từ phía đông”. Chuyên gia khoa chính trị quốc tế của Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva (MGU) Aleksei Fenenko cho rằng hội nghị này là một “trò chơi chính trị với Văn kiện cơ bản quan hệ Nga - NATO ký kết năm 1997”, theo đó NATO từng tuyên bố “không có tham vọng triển khai các đơn vị quân đội cơ số lớn cùng các vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các nước thành viên mới”. Thế nhưng với hội nghị thượng đỉnh mà các quan chức NATO khẳng định là “bước ngoặt” này, NATO đã nghiễm nhiên trao cho mình quyền triển khai quân đội ở các nước họ gọi là “vùng đệm” nhưng lại nằm sát vách Nga. Từ một phía khác, giáo sư Farhang Jahanpour đã kêu gọi lùi lại xa hơn để nhìn vào toàn cảnh vấn đề. Trong loạt bài về “Chiến tranh lạnh mới” trên trang web của Transnational Foundation for Peace and Research (Quỹ chuyển đổi cho hòa bình và nghiên cứu, hay TFF), ông nhắc lại thay vì thành lập một tổ chức bảo đảm nền hòa bình lâu dài sau Thế chiến thứ hai, các nước phương Tây đã thành lập Tổ chức hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến theo sau nó là Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và trợ giúp đa phương (Hiệp ước Warsaw) của các nước Đông Âu ra đời nhằm đối phó việc Tây Đức tham gia NATO. Và mặc dù khối Warsaw đã giải thể sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, NATO vẫn tiếp tục hiện diện và từ đó đến nay ngày càng gia tăng sức mạnh. Giáo sư Farhang Jahanpour viết: “Thêm vào câu chuyện hiếu chiến về sự cần thiết phải đối đầu với Nga, cuộc chống đối nay đã chuyển từ lời nói sang hành động. Gần đây, Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD, mỉa mai thay, ở một cơ sở quân sự từng là của Liên Xô, tại Romania... Đúng hay sai, nhiều người Nga tin rằng Nga rất dễ tổn thương trước một cuộc tấn công phủ đầu của phương Tây có thể hủy diệt phần lớn các địa điểm hạt nhân Nga...”. Ông nhận định sự nguy hiểm của tình hình hiện nay là sự thiếu cân bằng sức mạnh của hai bên. “Không như trong chiến tranh lạnh trước đây, khi có một hình thức cân bằng nào đó giữa hai bên và không bên nào đẩy đến đối đầu công khai, còn ngày nay khối Warsaw không còn tồn tại và chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng 8% mức chi tiêu của NATO”. Cũng trong mục đích cung cấp góc nhìn toàn cảnh, nhà báo Anh Jonathan Power trong bài “Cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và Nga” cũng trên TFF nhắc lại: George Kennan, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Matxcơva, đã nhắc tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton về việc tiếp tục mở rộng NATO sau khi kết thúc chiến tranh lạnh là “vi phạm lời hứa với tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và đó là sai lầm tồi tệ nhất”. Vậy mà giờ đây NATO đã mở rộng thành viên tới sát các biên giới Nga và quân đội NATO đã triển khai gần với Nga hơn nhiều so với thỏa thuận cùng ông Gorbachev. Ông Power nhắc: “Chúng ta đã quên rằng Nga từng hỗ trợ Mỹ tại Afghanistan và để các vật liệu chiến tranh được chuyên chở trên các tuyến đường sắt của họ. Chúng ta quên rằng ông V. Putin là người đầu tiên đã gọi cho ông G. Bush sau cuộc tấn công 11-9. Chúng ta quên rằng ông V. Putin từng nghiêm túc cân nhắc yêu cầu tư cách thành viên với NATO. Chúng ta quên rằng cả ông M. Gorbachev và ông V. Putin từng có thời hình dung Nga là một phần của EU. Chúng ta quên những tiến bộ dưới thời Gorbachev, Yeltsin, Medvedev và Putin giảm kho vũ khí hạt nhân...”. Nhật báo Kommersant (Nga) đã chọn hình thức biểu đồ để giới thiệu lại câu chuyện trong một trình tự dễ hiểu. Theo đó, từ năm 1991 (tức từ khi Liên Xô tan rã), NATO đã mở rộng lãnh thổ tới 33,2%. Chi tiêu quân sự của NATO nhiều hơn Nga gấp 13 lần, tương quan quân đội hai phía: quân đội Nga có 798.000 người với ngân sách là 66,4 tỉ USD, trong khi cơ số quân NATO lên tới 3,405 triệu và ngân sách 870,7 tỉ USD. Về hoạt động huấn luyện, NATO tập trận nhiều hơn Liên bang Nga gấp 1,5 lần... Liệu những nhắc nhở, những con số này có làm đảo chiều mối quan hệ NATO - Nga đang ngày càng xấu đi? Câu trả lời có vẻ bi quan. Bởi chính quan hệ Nga - Ukraine đã là cái cớ để NATO thực hiện bước ngoặt hiện nay. Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tình hình xung quanh Ukraine đã dẫn đến việc “thay đổi luật lệ trò chơi”. Những luật lệ mới này hiển nhiên có lợi cho NATO, vốn sau khi kết thúc chiến tranh lạnh và sự tan rã Liên Xô đã mất đi ý nghĩa tồn tại của nó: đối đầu với hiểm họa Liên Xô. Nhưng “nhờ” có Nga, giờ đây với vấn đề Crimea và Ukraine, tổ chức này có cớ để trở về với các truyền thống lịch sử của mình. Ấn bản mạng của Gazeta.ru kể: các chuyên gia quân sự cho rằng việc kiềm chế nước Nga đã trở thành đề tài chính trong những cuộc thảo luận của các đại diện NATO ở Warsaw. “Cảm ơn ông Putin vì đã trả lại ý nghĩa của NATO” - một cựu nhân viên ngoại giao Ba Lan theo dõi quá trình thảo luận đã mỉa mai nói thế với Gazeta.ru. Một tuần trước đó, ngày 1-7, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người từng khẳng định việc ủng hộ cấm vận Nga không có nghĩa là khước từ đối thoại với Nga, đã chủ động mời ông V. Putin đến Phần Lan để trao đổi về những vấn đề quan tâm. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Niinisto đã nói về vòng tròn luẩn quẩn hiện nay khi châu Âu không tin tưởng Nga, các nước Baltic e ngại Nga và ngược lại, Nga lại thấy mối đe dọa nhắm vào mình từ phía NATO. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, trả lời câu hỏi một nữ nhà báo Phần Lan về việc “vì sao Nga “gí” Phần Lan vào NATO?”, Tổng thống Putin nói ông không hiểu nỗi lo đó của người Phần Lan, rằng Nga đã chẳng làm gì để nhận được phản ứng thế này và kể: “Diễn giải lại lời một người bạn Phần Lan của tôi, tôi có thể nói thế này rằng tổ chức NATO có lẽ sẽ vui mừng chiến đấu với Nga đến người lính Phần Lan cuối cùng. Các bạn có cần điều đó hay không? Chúng tôi thì không. Chúng tôi không muốn. Nhưng chính các bạn là người quyết định điều đó”.■ Tags: NgaPutinNATO
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.