TTCT - Tuần qua, Quốc hội EU đưa ra thảo luận một điều luật được gọi là “Quyền được quên”, cho phép các công dân trong khối được phép xóa bỏ vĩnh viễn những thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng mà họ không muốn lưu giữ vì một lý do nào đó. “Quyền được quên” là điều 17 trong “Quy chế bảo vệ dữ liệu” do văn phòng của Ủy viên Tư pháp khối EU, Viviane Reding, soạn thảo từ đầu năm 2012. Điều khoản này nhằm đáp ứng những khiếu nại ngày càng gia tăng về cách thức mà các phương tiện truyền thông mạng và các mạng xã hội như Facebook lưu trữ và xử lý thông tin. Tại Pháp, số vụ khiếu nại liên quan tới vấn đề này trong năm 2012 đã tăng 42% so với năm trước. Năm ngoái, một số nghị sĩ trong Quốc hội Pháp cũng đã đưa “Quyền được quên” ra thảo luận nhưng chưa được thông qua. Muốn được quên? Không phải dễ! Những mạng xã hội như Facebook, Twitter… được nhiều người ưa chuộng vì đã đáp ứng nhu cầu được chia sẻ hoặc có cảm giác được chia sẻ. Tuy nhiên rất dễ xảy ra những chuyện đại loại như viết một cảm nhận khi đang bức xúc hay tức giận, hay lúc hứng khởi đưa lên mạng một vài hình ảnh có vẻ vô hại nhưng lại có thể bị xem là nhạy cảm vào một thời điểm khác. Điều nguy hiểm là những dữ liệu này cho dù sau đó người đưa lên có xóa đi thì cũng vẫn tồn tại trên mạng, đó là chưa nói tới khả năng được lan truyền rộng rãi trên mạng trong tích tắc. Thế nên nhiều chuyện tưởng chừng như đơn giản hay đùa vui vẫn có thể ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp hay tương lai của một người. Trong cuộc sống hầu như ai cũng có những điều muốn quên và cần được quên đi. Trí nhớ của con người thì có hạn nhưng sức chứa của mạng lại mênh mông, đơn cử như trường hợp một sinh viên người Áo là Max Schrems. Năm 2011 sau nhiều tháng đòi Facebook gửi cho mình tất cả những dữ liệu của anh được lưu trữ trên Facebook, Max Schrems đã nhận được tới hơn 1.200 trang dữ liệu mà anh đã xóa bỏ! Những người ủng hộ tin rằng điều luật này sẽ tạo điều kiện cho mọi người kiểm soát các dữ liệu của bản thân và là phương cách để bảo vệ sự riêng tư của người dân một cách hữu hiệu hơn, cho dù việc áp dụng sẽ không đơn giản. Thí dụ như điều 17 cho phép một người gỡ bỏ những hình ảnh nhạy cảm của mình đã lỡ đưa lên mạng, chẳng hạn như Facebook, trước đó. Trong trường hợp những hình ảnh đó đã tới tay một bên thứ ba thì Facebook, với tư cách là trang web đầu tiên lưu trữ những hình ảnh này, phải liên hệ với các trang web có kết nối với Facebook và thông báo cho họ về yêu cầu xóa thông tin. Tự bảo vệ là chính Nhiều người cho rằng việc áp dụng “Quyền được quên” trên thực tế sẽ rất khó khăn và sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như bọn tội phạm có thể xóa sạch những thông tin về chúng trên mạng. Người ta cũng đặt vấn đề liệu một người có thể xóa đi những dữ liệu liên quan tới mình nhưng lại do người khác đưa lên mạng hay không, vì điều này mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận. Khi Facebook loại bỏ những bình luận mang tính xúc phạm trên mạng xã hội này thì đã bị lên án là vi phạm quyền tự do cá nhân và tự do ngôn luận. Do vậy, nhiều người lo ngại rằng “Quyền được quên” có thể trở thành một hình thức kiểm duyệt. Bản thân bà Reding, cũng là một phó chủ tịch của Ủy ban châu Âu, cũng nhấn mạnh “Quyền được quên” sẽ “không thể là tuyệt đối” và sẽ được xem xét trong mối tương quan với các quyền khác của người dân và các đạo luật khác, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, lưu giữ các hồ sơ y tế hoặc những dữ liệu cần thiết cho công tác thuế vụ. Theo nhật báo Berlingske Tidende (Đan Mạch) ngày 18-8, thăm dò của Viện Gallup Đan Mạch cho thấy một nửa số người được hỏi cho rằng “Quyền được quên” không thật sự cần thiết để bảo vệ sự riêng tư của người dân. Tuy nhiên họ đều có suy nghĩ chung là những người sử dụng các mạng xã hội cần có ý thức tự bảo vệ. Trí nhớ kỹ thuật số không biết quên! “Não của chúng ta được cấu tạo để đánh giá quá khứ bằng những giá trị hiện tại. Hãy xem lại cuốn nhật ký bạn viết 15 năm trước, bạn sẽ thấy các giá trị đã thay đổi như thế nào... Bộ não được cấu tạo để có thể xóa đi một số thứ, nhưng trí nhớ kỹ thuật số thì không như thế. Đó là điều rất nguy hiểm - Viktor Mayer-Schonberger, giáo sư về quản trị Internet của Đại học Oxford (Anh), bình luận - Kiến thức là dựa trên khả năng có thể quên đi. Nếu chúng ta muốn tổng quát và hình tượng hóa, chúng ta cần theo dõi cả quá trình và quên đi những tiểu tiết để thấy rừng chứ không chỉ thấy cây. Còn trí nhớ kỹ thuật số là chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Giáo sư Mayer-Schonberger cũng trích dẫn một cuộc thăm dò gần đây của Đại học Berkeley (Mỹ) cho thấy “chắc chắn có nhiều người muốn quyền được quên được Quốc hội Mỹ pháp điển hóa”. Theo đó, 84% những người được hỏi, tuổi từ 18-24, muốn mình có thể biến mất trên Internet. H.M. Tags: FacebookMạng xã hộiInternetQuyền được quênTwitter
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.