TTCT - Không còn đơn thuần là đối chứng trong các thử nghiệm lâm sàng, giả dược ngày càng cho thấy tác dụng điều trị trong một số bệnh lý như đau mãn tính, sức khỏe tâm thần và các tình trạng thần kinh. Ảnh: Adobe StockGiả dược nhãn mở (open-label) - tức những loại thuốc công khai ngay từ đầu là giả dược cho bệnh nhân biết rõ - được kỳ vọng là một phương pháp điều trị kết hợp, bên cạnh việc dùng thuốc thông thường.Lịch sử giả dượcVào đầu thế kỷ 19, giả dược - một chất không có thành phần thuốc hoạt tính - được dùng dưới dạng viên hoặc nước đường để làm giảm các triệu chứng, nhằm xoa dịu người bệnh. Đặc biệt, trong chiến tranh Thế giới thứ II, khi chứng kiến những người lính bị thương mà thiếu hụt nghiêm trọng thuốc giảm đau morphin, tiến sĩ - bác sĩ gây mê người Mỹ Henry Beecher đã dùng các mũi tiêm chứa dung dịch NaCl 0,9%, và nói dối rằng đã tiêm morphine cho họ. Thật đáng ngạc nhiên, người lính sau đó không cảm thấy đau đớn và ông đã thực hiện được ca phẫu thuật.Từ những quan sát này, ông đã nghiên cứu và cho xuất bản bài báo "The powerful placebo" trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ vào năm 1955, được coi là kinh điển và đề cập đến hiệu ứng giả dược - xảy ra khi sức khỏe thể chất hoặc tinh thần được cải thiện sau khi thực hiện phương pháp điều trị mà lợi ích không rõ ràng (tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề đạo đức khi nói dối người bệnh).Hiện nay, giả dược thường được sử dụng làm nhóm đối chứng trong các thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là các thử nghiệm về thuốc. Trong đó, một nhóm đối tượng được dùng thuốc thử nghiệm và một nhóm được dùng giả dược mà không biết (giả dược mù). Nếu cả hai nhóm đều có đáp ứng như nhau thì thuốc thử nghiệm được coi là không có tác dụng.Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả khi người tham gia thử nghiệm được thông báo dùng giả dược vẫn có hiệu quả không kém thuốc điều trị. Thậm chí, các kết quả nghiên cứu mới cho thấy giả dược còn "hiệu quả hơn" khi thông tin được công khai với người bệnh.Ảnh: Thư viện Y khoa Quốc gia và Quân đội Hoa KỳHiệu quả thậtMột thử nghiệm khi tiêm giả dược nhãn mở cho những người bị chứng đau lưng mãn tính, không mắc chứng loạn thần hoặc rối loạn nhân cách, có hình ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) thần kinh đi kèm, được công bố trên trang JAMA Network hồi tháng 9-2024. 101 người tham gia được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên: một nhóm được được điều trị thông thường, nhóm còn lại được dùng giả dược nhãn mở - người bệnh biết rõ họ được tiêm dung dịch nước muối vào dưới da vùng thắt lưng một lần, kèm thông tin về hiệu quả của giả dược trong việc giảm đau. Quá trình theo dõi trong một năm.Kết quả cho thấy nhóm được tiêm giả dược (nước muối) đã cải thiện đáng kể cường độ đau, tâm trạng (trầm cảm, lo lắng, tức giận), giấc ngủ sau một tháng điều trị và lợi ích kéo dài ít nhất một năm sau đó so với nhóm điều trị thông thường. Mặt khác, hình ảnh thần kinh cho thấy chúng cũng tác động vào các con đường thần kinh liên quan đến việc điều hòa cơn đau.Gần đây nhất, tháng 3-2025, tập san BMJ Evidence-Based Medicine công bố một nghiên cứu về tác dụng của giả dược nhãn mở ở những phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS, gây ra thay đổi tâm trạng, chán nản, trầm cảm, rối loạn ăn uống và đau nửa đầu). 150 phụ nữ tham gia thử nghiệm, chia thành 3 nhóm ngẫu nhiên gồm nhóm điều trị thông thường dùng thuốc nội tiết tố, thuốc chống trầm cảm; nhóm dùng giả dược mà không được thông báo; và nhóm được dùng giả dược dưới dạng viên uống kèm theo lời giải thích về bản chất của chúng và lý do thuốc có khả năng làm giảm các triệu chứng PMS.Những người được phân ngẫu nhiên vào nhóm dùng giả dược được uống thuốc 2 lần/ngày trong 6 tuần. Tất cả được theo dõi các triệu chứng trong ba chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả cho thấy nhóm dùng giả dược kèm theo lời giải thích rõ ràng đã giúp giảm 79,3% cường độ triệu chứng và giảm 82,5% mức độ các triệu chứng đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ so với mức 50,4% và 50,3% ở những người dùng giả dược mà không có lời giải thích và mức 33% và 45,7% ở những người điều trị theo cách thông thường.Những kết quả trên cho thấy giả dược có thể tác động tích cực lên bệnh lý. Nhưng cụ thể thế nào?Những gì diễn ra trong nãoGiả dược tác động lên não bộ khá phức tạp, song có hai con đường đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, bao gồm phản ứng thần kinh sinh học và hoạt động mạnh lên ở một số vùng não.Theo bài báo về cơ chế thần kinh do hiệu ứng giả dược gây ra, đăng trên trang MDPI hồi tháng 11-2024, hiệu ứng giả dược có thể gây ra các phản ứng thần kinh hữu hình về mặt sinh lý hoặc lâm sàng mặc dù người tham gia không nhận được bất kỳ thành phần thuốc hoạt tính nào. Thay vào đó, các phản ứng này dựa trên nhận thức của người bệnh.Ví dụ, phản ứng giả dược được nghiên cứu rộng rãi nhất là giả dược giảm đau. Quá trình này liên quan đến việc giải phóng endorphin - một hormone giảm đau nội sinh, giúp làm giảm nhận thức về cơn đau. Khi một người mong đợi một kết quả tích cực từ phương pháp điều trị, ngay cả khi dùng giả dược thì kỳ vọng này vẫn có thể kích hoạt phản ứng sinh học trên. Các tín hiệu bằng lời nói và sự trấn an từ bác sĩ có thể "khuếch đại" kỳ vọng của bệnh nhân, từ đó tăng cường hiệu quả của giả dược, giáo sư Luana Colloca của Đại học Maryland (Mỹ) nói với Medscape.Theo kết quả thí nghiệm trên chuột, đăng trên Current Biology tháng 9-2024, giảm đau chịu tác động lớn từ hiệu ứng giả dược môi trường, bối cảnh xung quanh; thậm chí vượt trội so với morphin trong cùng một mô hình.Ảnh: Pexels/Polina TankilevitchTuy nhiên, không phải tất cả những người tham gia dùng thuốc giảm đau giả dược đều có đáp ứng như nhau và không có cách nào để chuẩn hóa phản ứng này cho bất kỳ một loại hoặc một nhóm thuốc nào, vì nó là sự kết hợp của các kinh nghiệm trong quá khứ, ảnh hưởng xã hội và nhận thức, ý chí của từng cá nhân."Giả dược không làm khối u nhỏ lại hay hạ cholesterol. Chúng cũng không chữa được cảm lạnh thông thường, song chúng giúp giảm các triệu chứng như đau mãn tính, mệt mỏi do ung thư, đau do thoái hóa khớp" - giáo sư Ted Kaptchuk của Trường Y Harvard, nói với The Washington Post. Giả dược không chữa khỏi bệnh khớp, nhưng có thể làm hết đau vì cảm giác đau được não bộ kiểm soát.Hiệu ứng giả dược có thể dẫn đến những thay đổi có thể đo lường được trong não, đặc biệt thông qua các hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não chức năng (fMRI). Ví dụ, một phân tích tổng hợp hệ thống về hình ảnh fMRI sau dùng thuốc giảm đau giả dược đăng trên Nature hồi tháng 3-2021 với hơn 600 người tham gia cho thấy điều trị giả dược ảnh hưởng đến hoạt động liên quan đến điều chỉnh cơn đau ở một số vùng não như đồi thị, nhân trung gian… Ngoài ra, hiệu ứng giả dược còn thúc đẩy một số vùng nhất định của não tiết ra endorphin - chất dẫn truyền thần kinh làm giảm đau, căng thẳng và nâng cao tâm trạng.Ứng dụng và thách thứcCác nhà nghiên cứu về giả dược cho rằng phương pháp điều trị bằng giả dược có thể đóng vai trò quan trọng trong thực hành y khoa. Một cách làm, theo The Washington Post, là kết hợp giả dược với liệu pháp hiện tại của bệnh nhân - bệnh nhân vẫn dùng thuốc thông thường nhưng thêm vào một giả dược, quá trình này được gọi là "giả dược kéo dài liều".Nếu ứng dụng thành công, phương pháp điều trị dùng giả dược có thể làm giảm liều lượng thuốc thường dùng, thậm chí cai thuốc hoàn toàn cho bệnh nhân. Từ đó, giảm được tác dụng phụ của thuốc, thời gian sử dụng lẫn nguy cơ phụ thuộc vào thuốc.Với người mắc bệnh mãn tính, còn gì mong mỏi hơn. Tuy nhiên, một vài thách thức được đặt ra: hiệu ứng giả dược có thể dẫn đến việc cho rằng các phương pháp điều trị là không hiệu quả, gây khó khăn cho các nhà thử nghiệm; đạo đức trong y học và nghiên cứu đặc biệt là liên quan đến sự đồng ý có hiểu biết và nhận thức tiềm ẩn về sự lừa dối của người bệnh.Hiệu ứng giả dược cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, thay đổi ở từng cá nhân, từng hoàn cảnh và từng nhóm bệnh, hiệu quả chủ yếu ở nhóm bệnh chịu sự tác động của não bộ như đau mãn tính, sức khỏe tâm thần và các tình trạng thần kinh."Các nghiên cứu đầy rẫy những câu trả lời trái ngược nhau. Không phải giới tính, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và không có tính cách nào chỉ ra ai sẽ phản ứng hay không… Đây là lý do tại sao giả dược lại bí ẩn và khó khăn đến vậy" - giáo sư Kaptchuk nói. The Washington Post dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh rằng giả dược chỉ có vẻ phát huy tác dụng khi nằm trong mối quan hệ tin cậy và hỗ trợ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Đây là yếu tố then chốt khiến bệnh nhân cảm thấy khá hơn."Đó là sự đồng cảm, sự chú ý, hỗ trợ về mặt cảm xúc, sự ân cần, những hành động tử tế, động tác đặt tay lên người bệnh - tất cả những gì diễn ra giữa bệnh nhân và bác sĩ. Không thể chỉ uống một viên Tic Tac hay viên đường mà trông chờ hiệu quả. Giả dược không có tác dụng nếu thiếu vai trò của bác sĩ" - giáo sư Kaptchuk nói. Tags: Giả dượcSức khỏeY khoaHiệu ứng giả dược
Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng ÁNH HỒNG 14/05/2025 23h đêm 14-5, giá vàng thế giới bất ngờ bốc hơi gần 69 USD/ounce, rơi về mức 3.182 USD/ounce.
Ông Phạm Nhật Vượng cùng ai góp vốn vào công ty vừa đăng ký làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam? BÌNH KHÁNH 14/05/2025 Ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỉ đồng vào VinSpeed, sở hữu 51% cổ phần. Hai con trai ông, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh mỗi người góp 30 tỉ đồng.
Đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, bỏ tư duy biên chế suốt đời TIẾN LONG 14/05/2025 Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức công khai, minh bạch, chính xác theo kết quả định lượng theo vị trí việc làm và đảm bảo nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời.
CLB Công An Hà Nội xin lỗi, hứa hoàn tiền khán giả có vé nhưng không thể vào sân HOÀNG TÙNG 14/05/2025 CLB Công An Hà Nội thông báo sẽ hoàn tiền cho những khán giả đã mua vé nhưng không thể vào xem trận đấu với Buriram United.