TTCT - Chuyện chính trị hiện diện ở Eurovision không có gì mới. Ngay cả tranh cãi xoay quanh Israel như mùa thi năm nay còn chẳng phải lần đầu. Khẩu hiệu “Đoàn kết bằng âm nhạc” quen thuộc của Eurovision xuất hiện trên sân khấu mùa 2024. Ảnh: AFPEurovision - cuộc thi âm nhạc có quy mô lớn nhất châu Âu, thu hút hàng trăm triệu người theo dõi qua truyền hình mỗi năm - luôn tuyên bố là sân chơi không dính dáng tới chính trị và có quy định cấm "lời bài hát, phát ngôn, cử chỉ có tính chất chính trị", nhưng thực tế lúc nào cũng đi ngược lại tuyên bố này.Eurovision 2024 khép lại ngày 12-5, với chiến thắng thuộc về thí sinh "phi nhị giới" (non-binary) người Thụy Sĩ Nemo và ca khúc The Code. Cuộc thi ồn ào bị phủ bóng chính trị cuối cùng đã kết thúc, và đấy không phải là lần đầu tiên trong lịch sử 68 lần tổ chức. Hầu như không có năm nào mà Eurovision không bị chỉ trích, đa phần là vì lý do chính trị.Bom bổ ở Gaza, chấn động ở EurovisionCách đây hai năm, khi Eurovision 2022 chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra, tờ Sydney Morning Herald đăng bài viết có tựa đề "Khi nhạc pop gặp chính trị: Tại sao Eurovision năm nay lại gây tranh cãi nhất tới giờ này".Nguyên nhân là do ban tổ chức năm đó cấm thí sinh người Nga tham dự trước áp lực phản đối chiến tranh ở Ukraine. Belarus cũng bị cấm phát sóng do lo ngại đài truyền hình quốc gia của nước này không đủ độc lập.Những lệnh cấm trên đã phơi bày yếu tố chính trị bên trong một cỗ máy luôn tự vỗ ngực xưng tên là phi chính trị. Sydney Morning Herald có vẻ đã khôn ngoan khi thòng thêm trong tựa cụm "tới giờ này", tuồng như hiểu rõ cái ngôi "gây tranh cãi nhất" kiểu gì cũng bị soán sớm.Quả vậy, tới năm nay, Euronews giật tít cho bản tin kết quả chung cuộc Eurovision 2024: "Nemo của Thụy Điển chiến thắng mùa tranh cãi nhất của cuộc thi ca hát".Đi theo vết xe cũ, Eurovision 2024 lẽ ra phải mang không khí tưng bừng của một ngày hội nhưng lại trở nên đầy căng thẳng và bị lu mờ bởi tranh cãi chính trị - lần này là vì cho phép Israel tham gia giữa bối cảnh xung đột tại Dải Gaza.Tại sao cuộc thi hát của châu Âu mà lại mất vui vì vấn đề ở Trung Đông? Theo trang Big Issue, để tham gia Eurovision, một quốc gia không cần nằm ở châu Âu về mặt địa lý, mà chỉ cần có mặt trong Liên minh Phát thanh Truyền hình châu Âu (EBU) - đơn vị tổ chức cuộc thi. Liên minh này trải dài từ giữa Đại Tây Dương đến kinh tuyến 40° Đông và từ vĩ tuyến 30° Bắc lên hết khu vực Bắc Âu, cùng với vùng Kavkaz nhô ra ở phía đông nam. Điều này có nghĩa là một loạt quốc gia ở Bắc Phi hoặc Trung Đông đều có thể tham gia Eurovision.Cuộc thi hát diễn ra cách xa Gaza hàng ngàn dặm - ở Malmo, Thụy Điển - nhưng cơn giận dữ về chiến tranh vẫn hiện rõ ở thành phố nhỏ vùng Scandinavi, nơi bỗng chốc đông đúc người hâm mộ Eurovision lẫn người biểu tình phản đối Israel.Đại diện Israel, Eden Golan, tại Eurovision 2024. Ảnh: ReutersTheo The Guardian, hơn 1.000 nghệ sĩ nước chủ nhà đã ký một lá thư kêu gọi loại Israel, quốc gia đã 4 lần vô địch kể từ khi tham gia cuộc thi năm 1973, vì "cuộc chiến tàn bạo ở Gaza". Những nhóm ủng hộ Palestine cũng vận động các đài truyền hình quốc gia không phát sóng sự kiện này và kêu gọi nghệ sĩ từ chối tham gia.Như hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngôi sao nhạc pop Thụy Điển Eric Saade, tuy vẫn tham gia với tư cách khách mời, nhưng quấn khăn keffiyeh truyền thống - tượng trưng cho sự phản kháng trước những cuộc tấn công của Israel vào Gaza - quanh cổ tay trong phần biểu diễn của mình.Phía ban tổ chức, một mặt ra thông cáo lấy làm tiếc vì hành động trên của Saade, mặt khác vẫn giữ nguyên suất của thí sinh Israel - Eden Golan. EBU chỉ yêu cầu Israel đổi bài hát đăng ký ban đầu có tên là October Rain (Mưa tháng 10). Bài hát được cho là ám chỉ cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas vào miền nam Israel, với những lời như "Chẳng còn không khí để thở / Chẳng còn nơi nào để về" và "Chúng đều là trẻ ngoan, từng em bé một". Vụ tấn công khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và dẫn đến vụ bắt cóc khoảng 240 người, trong đó hàng chục người vẫn bị giữ làm con tin.Israel ban đầu từ chối thay đổi và dọa rút khỏi cuộc thi, nhưng cuối cùng cũng xuôi, chọn bài hát mới là một bản ballad lãng mạn mang tên Hurricane (Bão nhiệt đới).Phi tranh cãi bất thành EurovisionTrao đổi với kênh podcast "Today, Explained" của trang Vox, Tess Megginson, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử châu Âu tại Đại học Bắc Carolina-Chapel Hill, một lần nữa khẳng định chuyện chính trị hiện diện ở Eurovision không có gì mới. Ngay cả tranh cãi xoay quanh Israel còn chẳng phải lần đầu.Năm 1978, Jordan dù không tham gia cuộc thi nhưng không phát sóng phần trình diễn của Israel. Khi Israel thắng giải, Jordan cắt ngắn thời lượng phát sóng và công bố Bỉ là nhà vô địch - một trò giả dối trắng trợn nhưng dễ thực hiện trong thời chưa có Internet.Megginson cho rằng cuộc thi vốn đã biến tướng thành sân khấu chính trị không lâu sau khi ra đời năm 1956. Phong trào tẩy chay chương trình cũng lâu đời như chính bản thân nó. Đầu tiên là Hy Lạp quay lưng với Eurovision 1975 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Síp. Năm sau, tới lượt Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay vì Hy Lạp đăng ký dự thi với một bài hát mang tính chất phản chiến và đề cập rõ ràng đến sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Síp.Ell và Nikki (Azerbaijan) ăn mừng chiến thắng Eurovision 2011.Gần đây hơn, người xem kêu gọi tẩy chay Azerbaijan khi nước này đăng cai cuộc thi năm 2012. Lý do là vì Azerbaijan đã di dời rất nhiều người sống trong một cộng đồng ở Baku để xây sân vận động tổ chức Eurovision.Dù đã là chuyện chẳng lạ gì, đến mức người dẫn chương trình Sean Rameswaram của "Today, Explained" ví von "không có tranh cãi và tẩy chay thì còn gì là Eurovision", Megginson không đánh giá cao cách EBU giải quyết chúng.Những gì liên minh này làm là dùng công nghệ để chống tiếng la ó của khán giả tại trường quay - như trường hợp đám đông la ó thí sinh Nga năm 2015 - và phạt đài truyền hình Iceland một khoản rất lớn vì để những người biểu diễn giơ cờ Palestine năm 2019.Với đà này, mức độ lấn chiếm của chính trị vào một sự kiện vốn nhằm thúc đẩy sự hòa hợp toàn cầu như Eurovision không những sẽ không thay đổi mà còn ngày càng nghiêm trọng."Người ta thường liên tưởng tới Eurovision như một nỗ lực nhằm thống nhất châu Âu sau chiến tranh, nhưng đó thật ra chỉ là một sản phẩm phụ, chưa bao giờ là mục tiêu ban cốt lõi ban đầu. Giống như bất kỳ sự kiện quốc tế nào, dù là Thế vận hội hay World Cup, chính trị đều có mặt trong đó" - chuyên gia văn hóa đại chúng Paul Jordan nói với Sydney Morning Herald. Trong thập niên 1990, Eurovision cũng đậm màu sắc chính trị, song theo hướng tích cực, khi các quốc gia Đông Âu bắt đầu tham gia Eurovision. Năm 1990 đánh dấu lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức ở Đông Âu, tại thành phố Zagreb (Croatia). Ý giành chiến thắng với ca khúc Insieme: 1992. Insieme có nghĩa là "Cùng nhau", và ở thời điểm đó, 1992 là năm Liên minh châu Âu dự kiến bắt đầu hoạt động (thực tế là 1993). Nhờ hòa chung tinh thần kêu gọi đoàn kết toàn khối, bài hát được đón nhận nồng nhiệt sau cuộc thi. Nhưng rồi khoảng thời gian đẹp đẽ đó mau chóng kết thúc. Chiến tranh Nam Tư nổ ra, và Nam Tư bị cấm tham gia cuộc thi ngay sau mùa 1992. Đây cũng là lần đầu tiên EBU cấm một nước tham gia. Tags: EurovisionÂm nhạcChính trịChâu âuIsrael
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.