TTCT - Estrogen là nội tiết tố (hormone) sinh dục nữ. Estrogen đóng vai trò phát triển đặc tính thể hình phái nữ như vai hẹp, mông nở, eo thon, rồi vòng 1, vòng 2… Ngoại hình là chuyện nhỏ, estrogen ảnh hưởng đến sinh dục, sinh sản mới là chuyện lớn. Ảnh: Phương QuyênEstrogen hàng thiệtEstrogen thuộc nhóm steroid. Các steroid là nhóm chất béo có một phần cấu trúc hóa học giống nhau, nhưng đặc tính thì khác nhau xa. Hầu hết các hormone trong cơ thể đều là steroid, mỡ máu cholesterol cũng là steroid.Có ba loại estrogen: E1 (Estrone) là loại estrogen tương đối yếu. E2 (Estradiol) - loại estrogen có nhiều nhất và cũng hoạt động mạnh nhất. Và E3 (Estriol) - estrogen yếu nhất.E1, E2 và E3 chủ yếu do buồng trứng sản xuất, tiết ra theo nhu cầu từng thời điểm của cơ thể và cũng có thể chuyển hóa qua lại, nhưng ra tới E3 rồi thì hoạt động coi như xong, chỉ còn nước thải ra ngoài. Nội tiết tố estrogen giảm đáng kể ở thời kỳ mãn kinh, gây ra những cơn "bốc hỏa", đổ mồ hôi ban đêm và nhiều thứ khó chịu khác. Lúc này mấy bà âm thầm níu kéo tuổi xuân bằng đủ loại thuốc có bà con họ hàng với estrogen.Estrogen chính hiệu có hai loại: loại estrogen tự nhiên có nguồn gốc động vật; và loại estrogen tổng hợp. Hiện nay mới chỉ tổng hợp được estrone và estriol, là hai loại estrogen yếu nhất. Estrogen tổng hợp có thể được phối hợp với vài hoạt chất khác, được gọi là liệu pháp nội tiết thay thế.Estrogen chính hiệu có cấu trúc hóa học y hệt như estrogen của người, nên tác dụng nhanh, nhưng lại có nhiều tác dụng phụ. Việc sử dụng liệu pháp nội tiết thay thế thuộc lĩnh vực y học, do bác sĩ điều trị quyết định, ngoài phạm vi an toàn thực phẩm.Estrogen hàng nháiPhytoestrogen là những chất có trong thực vật, có hoạt tính gần giống estrogen thứ thiệt, nên gọi chung là estrogen thực vật (phyto = thực vật). Estrogen hàng nhái thì nhiều, có hầu như trong các loại thực vật, rau quả đậu hạt. Một số loại nấm mốc cũng "nhái" được estrogen. Khoa học không xem nấm mốc là thực vật, nên gọi chung các loại estrogen có trong nấm mốc là mycoestrogen.Khoa học cũng đặt tên cúng cơm cho từng estrogen hàng nhái. Nhưng tên "cúng cơm" không làm ra tiền, nên mấy ông bà marketing gọi chúng là estrogen thảo dược, hay estrogen thảo mộc.Estrogen "thứ thiệt" do cơ thể tiết ra theo máu đến các tế bào mục tiêu. Tế bào mục tiêu mà estrogen tìm đến có thể là tuyến vú, tử cung, tim, gan, xương, não... Điều đó cho thấy estrogen có tầm ảnh hưởng khá rộng. Tuy nhiên, estrogen chỉ có thể hoạt động được khi nó gắn vào các thụ thể (receptor) có trong tế bào chất, tương tự chìa khóa (estrogen) gắn vào ổ khóa (thụ thể). Sau đó estrogen mới đi vào nhân tế bào và hoạt động.Các estrogen hàng nhái chẳng biết loay hoay thế nào lại có thể gắn được vào thụ thể như estrogene thứ thiệt, rồi kích hoạt. Điều này cũng giống như dùng chìa khóa nhà mình đi mở ổ khóa nhà người khác. Vào được nhà người ta (tế bào) rồi thì hoạt động lung tung, có khi được việc (có lợi), nhưng cũng có lúc làm rách việc (có hại). Mức độ lợi hại nhiều ít thế nào tùy thuộc "trình độ" của hàng nhái.Estrogen hàng nhái loại thực vật (phytoestrogen) thì có nhiều, và được chia làm 4 nhóm: isoflavones, lignans (có trong lúa mì, hạt vừng, hạt lanh...), coumestans (trong củ cải đường), và stilbenes. Trong 4 nhóm này, nhóm isoflavones có đẳng cấp "nhái" hàng thiệt cao nhất, nên được giới khoa học nghiên cứu nhiều nhất. Trong bài này, nói về estrogen thực vật là nói về isoflavones.Isoflavones đậu nành: Lợi hay hại?Số lượng bài báo nghiên cứu về isoflavons đậu nành rất nhiều, nhưng kết quả lại xuôi ngược, thiếu nhất quán. Trong khi đó, giới marketing lại rất lạc quan với những thông tin hỗ trợ cho kinh doanh của họ. Tóm tắt dưới đây dựa trên những đánh giá về đậu nành của Trung tâm y học (ĐH Maryland), Viện Linus Pauling (ĐH Oregon State) và Mayo Clinic, một trung tâm nghiên cứu y học phi lợi nhuận ở Mỹ. Những đánh giá này dựa trên nhiều công trình nghiên cứu trước đó, thận trọng và cũng gần giống nhau.Hầu hết giới khoa học đều cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định về lợi - hại của đậu nành và các viên isoflavones. Dù vậy, họ cũng ít nhiều nghiêng về một vài khía cạnh lợi ích sức khỏe của isoflavones đậu nành:- Giảm mỡ máu: tiêu thụ 25g protein đậu nành (thực phẩm), cùng với giảm thịt mỡ thì làm hạ đáng kể cho cholesterol máu toàn phần, cholesterol xấu (LDL-C) và triglyceride, nhưng không làm tăng cholesterol tốt (HDL-C). Lưu ý: chỉ tiêu thụ đậu nành mà không giảm bớt ăn chất béo khác sẽ không đưa tới hiệu quả này.- Ung thư vú: các nghiên cứu dịch tễ học ở các nước Đông Á tiêu thụ nhiều đậu nành cho thấy có rủi ro ung thư vú thấp hơn. Tuy nhiên, phải ăn đậu nành từ hồi nhỏ, chứ lớn rồi mới ăn thì rủi ro như nhau. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên hệ giữa tiêu thụ các viên bổ sung isoflavones và tăng nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ mà có người thân trong nhà bị ung thư vú hoặc có vấn đề với tuyến giáp.- Giảm bốc hỏa ở giai đoạn mãn kinh, đậu nành có vẻ không tác dụng nhiều lắm. Đậu nành làm giảm triệu chứng bốc hỏa 45%, so với giả dược là 30%, và liệu pháp hormone thay thế là 70%.- Giảm loãng xương,: hiệu quả làm giảm loãng xương của đậu nành hoặc các viên bổ sung isoflavones thì chứng cứ còn yếu.Isoflavones là gì?Isoflavones là các hợp chất polyphenols, có cấu trúc phân tử khá giống với estrogen hàng thiệt. Đó là lý do vì sao các isoflavones nhái như… thiệt, thậm chí chỉ nhái estradiol, là loại estrogen mạnh nhất, mặc dù tác động hàng nhái yếu hơn. Gần giống cấu trúc phân tử nhưng về bản chất thì khác xa, isoflavones thuộc nhóm flavonoids, có tính chống oxid hóa khá mạnh. Còn estrogen hàng thiệt là steroid (chất béo).Isoflavones có nhiều trong các loại legume gồm trái cây, các loại hạt và đậu, nhiều nhất là trong đậu nành. Do đó, nói tới estrogen thảo mộc, hay isoflavones, người ta thường nghĩ tới isoflavones của đậu nành.Trong nhóm isoflavones của đậu nành có hai hàng nhái có hoạt tính khá ổn là genistin và daidzin. Hai chất này khi vào tới hệ tiêu hóa sẽ được các vi khuẩn trong ruột chuyển hóa thành dạng tự do (aglycone). Đây mới là lúc isoflavones hoạt động. Hiệu quả còn tùy vào loại mô mà nó nhắm tới, tình trạng thụ thể và mức estrogen nội sinh.Tóm lại, isoflavones trong đậu nành là hàng nhái estrogen có "tay nghề" nhất. Chúng hoạt động như những chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disruptors), lợi và hại lẫn lộn, nên tác động của nó lên con người vẫn còn nhiều bí ẩn. Khoa học đang giải mã dần.Dùng cái gì cho hay ho?Giới khoa học đánh giá đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, nhất là loại lên men là an toàn, có lợi cho sức khỏe. Tiêu thụ đậu nành là tiêu thụ lượng isoflavones ít ỏi trong môi trường tràn ngập dưỡng chất như protein, chất xơ, khoáng, vitamin… Người bị ung thư vú vẫn có thể tiêu thụ đậu nành vừa phải, nay đậu nành, mai đậu khác. Chưa có khuyến cáo nào về tiêu thụ đậu nành là có hại với người bị ung thư vú.Với các viên bổ sung isoflavones đậu nành hay mầm đậu nành tinh chế lại khác. Đó là isoflavones liều cao trong môi trường… tá dược, dù chúng được thải ra ngoài nếu xài dư thừa.Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng phụ nếu sử dụng dài hạn các viên bổ sung isoflavones. Hiện nay các viên bổ sung isoflavones ngoài thị trường rất đa dạng, thêm hoạt chất này, hoạt chất khác để cải thiện tính năng. Dù gì chúng vẫn là thực phẩm chức năng, được cơ quan chức năng kiểm soát theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chứ không phải theo tiêu chuẩn dược phẩm.Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem bất cứ loại thuốc mới nào cũng đều không an toàn, cho đến khi nhà bào chế đưa ra bằng chứng qua nghiên cứu lâm sàng trên những người tình nguyện. Thuốc chưa an toàn, chưa được phép bán. Không những phải đưa ra bằng chứng an toàn, mà còn phải đưa thêm bằng chứng hiệu quả của thuốc, bao gồm trong những điều kiện nào thì thuốc có hiệu quả, các phản ứng phụ, chống chỉ định sử dụng thuốc trong trường hợp nào, tương tác không an toàn với các loại thuốc khác…Còn thực phẩm chức năng thì khác, cứ việc chế biến, lưu hành thoải mái miễn là tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, chẳng hạn không sử dụng chất cấm, không có vi sinh gây bệnh, dùng phụ gia không vượt mức giới hạn… FDA xem thực phẩm chức năng đương nhiên là an toàn cho đến khi chúng được chứng minh là không an toàn. Từ "an toàn" trong trường hợp này phải hiểu là an toàn của dược phẩm, nghĩa là khỏi cần chứng minh nếu sử dụng quá liều, kể cả ngắn hạn hay dài hạn, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cho người dùng không (có ai lại đi bắt người tiêu dùng không được ăn thực phẩm này nhiều, thực phẩm kia ít đâu!).Nếu cần bổ sung estrogen thì dùng các viên isoflavones cũng là một giải pháp tốt để cải thiện chất lượng sống nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ và theo dõi trong suốt thời gian uống. Đụng tới nội tiết tố không phải là chuyện đùa, nhất là khi tuổi đang mon men về chiều.Estrogen thực vật đúng là hàng nhái. Không hiểu sao estrogen hàng hiệu của quý bà lại dễ bị "nhái" thế? Chả trách đàn ông dễ mắc nạn!■ Tags: EstrogenHormone trong cơ thểNội tiết tốEstrogen thậtHàng thiệt và hàng nháiEstrogen giả
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.