TTCT - El Nino, nếu xảy ra, sẽ mang đến cho nhân loại một "bản xem trước" không ai muốn - phiên bản Trái đất với nhiệt độ trung bình cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp 1,5 độ C. Ảnh: Brook Mitchell/Getty ImagesEl Nino và La Nina là hai pha đối lập, bên cạnh pha trung tính, của chu kỳ Dao động phương Nam El Nino (ENSO) xảy ra trên vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương. Khi nhiệt độ bề mặt vùng biển này ấm lên sẽ xảy ra El Nino, và khi nhiệt độ giảm sẽ có La Nina.Khi nào El Nino?Trong bản tin cập nhật đầu tháng 3, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết đợt La Nina kéo dài từ tháng 9-2020 đã kết thúc, đồng thời cảnh báo El Nino sẽ thế chỗ trong vài tháng tới. Cụ thể, trước khi El Nino trở lại (từ lần gần nhất là 2016, năm có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức trung bình thế kỷ 20 0,94oC), có 90% xác suất ENSO có thể sẽ dao động về pha trung gian trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, và có thể kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7.Tuy nhiên, thời điểm chính xác bắt đầu có El Nino vẫn khó dự đoán và gây tranh cãi. Nandini Ramesh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung, cho rằng chưa thể nói gì chắc chắn lúc này. Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng tình hình sẽ rõ ràng hơn từ tháng 6.Cơ quan Khí tượng Úc không muốn chờ lâu đến thế. Ngày 14-3, cơ quan này đưa ra hai tuyên bố cùng lúc: La Nina đã kết thúc và nước này bắt đầu theo dõi sát sao tình hình El Nino, với xác suất ENSO chuyển sang pha nóng trong nửa cuối năm nay là 50/50.Các nhà khoa học và chuyên gia khí tượng nhiều nơi cũng cảnh báo El Nino năm nay có thể đến sớm hơn và gây ra hậu quả khó lường hơn, như La Nina trong 2,5 năm qua. "Những chiến lược đối phó với La Nina và El Nino dường như không còn đáng tin cậy như trước nữa" - Jan Null, trợ giáo sư về khí tượng học tại Đại học bang San Jose, nói về chuyện thời tiết ngày càng diễn biến bất thường với The New York Times."Xem trước" thảm họaKhi thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia cam kết "theo đuổi các nỗ lực" nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5oC. Đây là "điểm tới hạn" mà các nhà khoa học cho rằng có nhiều khả năng dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng như sự tan rã của các dải băng ở Greenland, Tây Nam Cực và lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, mực nước biển dâng, nhấn chìm các quốc gia ở vùng trũng thấp.Thế giới đã nóng lên trung bình 1,2oC kể từ khi nhiên liệu hóa thạch bắt đầu được sử dụng rộng rãi do Cách mạng công nghiệp. Hầu hết các ước tính cho biết cột mốc này sẽ không bị vượt qua, ít nhất cho đến đầu những năm 2030. Ảnh: ReutersTuy nhiên, xác suất El Nino đưa nhiệt độ Trái đất đến mức nóng lên 1,5oC trong năm năm tới là 50/50 - Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự đoán dài hạn tại Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, nói với tờ The Guardian hồi tháng trước. Chính vì thế, theo tạp chí phi lợi nhuận Grist, chu kỳ El Nino sắp tới - dù bắt đầu từ năm 2023 hay 2024 - sẽ cho nhân loại "xem trước" cuộc sống khi mục tiêu 1,5oC bị bỏ lỡ sẽ thế nào.Cần lưu ý khái niệm sự nóng lên toàn cầu là để chỉ những thay đổi trong mức trung bình dài hạn, chứ không phải những loại biến động hằng năm mà ENSO gây ra. Những người phủ nhận hoặc coi thường biến đổi khí hậu thường vin vào đây để đưa ra các nhận định kiểu: năm nay lạnh thế này, Trái đất nóng lên hồi nào?Tương tự, không thể dựa vào diễn biến nhiệt độ trong 1-2 năm có El Nino mà nói rằng mục tiêu 1,5oC đã bị bỏ lỡ. Cách đúng để nhìn nhận câu chuyện này là: mốc nóng lên 1,5oC đã đến đủ gần để chúng ta bắt đầu suy nghĩ cụ thể về điều này, theo Adam H. Sobel, giáo sư Đại học Columbia.Viết trên Time, giáo sư Sobel cho rằng với diễn biến khí hậu từ nửa cuối 2023 đến 2024, sự nóng lên toàn cầu đã chuyển từ "mối lo được dự đoán trong tương lai" khi ông (và có lẽ tất cả chúng ta) còn trẻ thành "mối quan ngại thực tế trong hiện tại".Theo nhà khoa học khí hậu này, đợt khí hậu nóng sắp tới là dịp để "thử thách kiến thức giới hạn của chúng ta về khí hậu" và nhân dịp này phải thừa nhận rằng "triển vọng cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để duy trì dưới mục tiêu 1,5oC là rất thấp, dù có El Nino hay không".Josef Ludescher, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), chỉ ra một ý nghĩa khác của việc "xem thử" Trái đất khi hụt mục tiêu 1,5oC: "Con người, hệ sinh thái có thể xoay xở sống sót qua một vài năm nóng, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ luôn cao như thế mãi về sau?". Những gì quan sát được khi nhiệt độ trung bình Trái đất trong năm có El Nino tăng hơn 1,5oC so với thời tiền công nghiệp sẽ giúp ích cho việc chuẩn bị cho một kịch bản tăm tối như vậy.Sông Hawkesbury, tây bắc Sydney, sau đợt lũ lụt do La Nina tháng 3-2021. Ảnh: ReutersTác hại cụ thể là gì?El Nino chắc chắn sẽ làm thời tiết thêm khắc nghiệt - mưa lớn trút xuống California, nắng nóng thiêu đốt châu Âu và hạn hán giết chết mùa màng ở các quốc gia từ Brazil đến Indonesia - song trầm trọng đến đâu vẫn còn là vấn đề tranh luận của các nhà khoa học.Giáo sư Andy Turner (Đại học Reading, Anh) cho rằng nhiều mô hình dự báo El Nino tương đối sẽ bắt đầu vào mùa hè 2023, còn giáo sư Bill McGuire (Đại học College London, Vương quốc Anh) bi quan hơn: "Khi [El Nino đến], thời tiết khắc nghiệt vốn đã hoành hành khắp hành tinh của chúng ta vào năm 2021 và 2022 sẽ trở nên tầm thường".Đợt El Nino năm 2016 đã để lại một số thiệt hại vĩnh viễn, chẳng hạn đợt tẩy trắng san hô tàn khốc nhất trong lịch sử xảy ra ở rạn san hô Great Barrier (Úc). Các nhà khoa học đang lo ngại một đợt tẩy trắng khác sẽ lại xảy ra ngay chính nơi này nếu El Nino quay trở lại, nhất là khi san hô vẫn chết thành đợt trong những năm La Nina vừa qua, theo Tom Di Liberto - nhà khoa học khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).Sự xuất hiện của El Nino cũng có thể là thảm họa đối với rừng nhiệt đới Amazon. Hạn hán và hỏa hoạn do đợt El Nino mạnh gần nhất gây ra đã giết chết khoảng 2,5 tỉ cây cối ở đây, biến một trong những hệ sinh thái thu giữ carbon lớn nhất thế giới thành một nguồn phát thải carbon khổng lồ tạm thời.Ảnh: Getty ImagesNhân nhắc lại quá khứ, cũng chính đợt El Nino 2016 này đã gây hạn hán và cháy rừng khủng khiếp ở Indonesia. Trong thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9 và tháng 10 năm đó, các đám cháy ở Indonesia và các khu vực xung quanh đã giải phóng vào khí quyển mỗi ngày lượng khí carbon có thể nhiều hơn lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch của toàn bộ Liên minh châu Âu trong cùng thời kỳ, theo một ước tính.El Nino cũng có thể là nguyên nhân gây ra đợt tan băng lớn ở Nam Cực vào tháng 1-2016, ảnh hưởng đến một khu vực rộng hơn bang Texas. Các đợt El Nino mạnh hơn sẽ đẩy nhanh quá trình tan chảy của dải băng ở Nam Cực, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc công bố trên tạp chí Nature Climate Change hồi tháng 2-2023.Câu chuyện sẽ không khác lắm nếu El Nino trở lại. Cụ thể, các quốc gia giáp với Tây Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia và Úc, sẽ chịu thời tiết nóng và khô hơn và "sẽ có rất nhiều hạn hán, cháy rừng", chuyên gia Scaife nói với The Guardian. Trung Quốc có thể hứng chịu lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử và một số khu vực khác, chẳng hạn phía đông châu Phi và miền nam Hoa Kỳ, vốn phải chịu hạn hán gần đây, có thể có nhiều mưa và lũ lụt hơn.Theo kết quả của các mô hình dự báo thời tiết công bố hồi tháng 1 của Cơ quan Khí tượng Úc, quốc gia này có thể chuyển từ chỗ có lượng mưa cao hơn trung bình trong ba năm liên tiếp sang thời kỳ El Nino nóng nhất và khô hạn nhất từng được ghi nhận, tăng nguy cơ các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.Ảnh: ReutersTrong một hoặc hai tháng tới, câu hỏi có khả năng xảy ra hiện tượng El Nino trong năm nay hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn. Giới khoa học cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn để xác định xu hướng của các thay đổi dài hạn ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. "Vì những biến động ở Thái Bình Dương sẽ gây ra tác động rộng khắp toàn cầu, câu trả lời [về các thay đổi dài hạn này] là rất quan trọng đối với việc chuẩn bị cho những thập niên sắp tới trên hành tinh đang nóng lên của chúng ta" - Sobel viết trên Time.Theo giáo sư Tim Palmer (Đại học Oxford), một câu hỏi khác đang chờ giới khoa học trả lời là biến đổi khí hậu "ưu ái" El Nino hay La Nina hơn. "Điều này cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia đang tìm kiếm sự thích ứng dài hạn" - ông nói với The Guardian. Để tìm câu trả lời, cần các mô hình khí hậu mạnh mẽ hơn, nghĩa là cần các hệ thống máy tính lớn hơn các hệ thống hiện hữu.Palmer và đồng nghiệp vì thế kêu gọi thành lập một trung tâm mô hình khí hậu với mức đầu tư 1 tỉ USD, giống như Máy gia tốc hạt lớn trong giới vật lý - các nhà khoa học quốc tế chung tay để làm những thứ mà không một quốc gia nào có thể một mình thực hiện. Tags: Biến đổi khí hậuNghiên cứu khoa họcThế kỷ 20Hệ sinh tháiThời tiết khắc nghiệtNhà khoa học ÚcHiện tượng El NinoCơ quan khí tượng
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.