TTCT - Sau khi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ năm 2018, tôm đã vượt qua và bỏ xa chuối, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ecuador. Ảnh nhỏ: Một người nuôi tôm Ecuador (hatcheryfm.com)Diện tích nhỏ hơn khoảng 12 lần (256.370 km2 so với 3,28 triệu km2), đường bờ biển cũng kém xa (2.237km so với 7.000km), nhưng Ecuador đã đường hoàng tranh nhau vị trí quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới với Ấn Độ mấy năm qua. Vì sao đất nước Nam Mỹ nhỏ bé, vốn nổi tiếng với xuất khẩu chuối, có thể làm nên kỳ tích đó?"Nguồn cung tôm nuôi tăng đã giúp Ecuador giữ vị trí dẫn đầu về thương mại tôm toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9-2022. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng đầu với nguồn cung lớn từ Ecuador..." - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) viết trong bản tin ngày 9-3. Một lần vượt mặt Ấn Độ khác của Ecuador là vào năm 2020, khi sản lượng trong nước tăng thêm đến 100 ngàn tấn, giúp nước này có lợi thế về giá trên thị trường thế giới, cũng theo FAO.Quốc gia của chuối và tômNgành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm ở Ecuador đã bắt đầu từ hơn 55 năm trước, khi các ngư dân ven biển phát hiện một bí mật kỳ lạ của thiên nhiên. Họ nhận thấy khi thủy triều lên cao, một số lượng lớn tôm cá dạt vào những vùng đất nhiễm mặn ở gần các khu rừng ngập mặn có đầm phá bao quanh. Ở đây, lũ tôm cá giống như bị mắc kẹt trong "cái bẫy tự nhiên" và điều kinh ngạc nhất với các ngư dân là chúng có thể lớn tới một kích thước bất ngờ, to hơn hẳn so với những con tôm họ vẫn thấy. Phát hiện này là khởi đầu cho sự ra đời của ngành nuôi trồng tôm ở Ecuador, ít nhất từ năm 1968, theo thông tin trên trang web chuyên về hợp tác phát triển tôm bền vững của nước này.Sau khi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ năm 2018, tôm đã vượt qua và bỏ xa chuối, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ecuador, trở thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao thứ hai, chỉ sau dầu mỏ, của họ. Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Ecuador, từ tháng 1 đến tháng 10-2022, tổng giá trị xuất khẩu tôm của Ecuador là hơn 6,2 tỉ USD (tăng gần gấp đôi so với năm 2018), trong khi xuất khẩu chuối chỉ đạt 2,7 tỉ USD.Cũng theo những số liệu chính thức của 5 năm gần nhất, trong năm 2022, tôm tiếp tục củng cố vị trí là hàng hóa (không phải dầu mỏ) mang lại thu nhập lớn nhất cho Ecuador khi quy mô sản xuất tăng trưởng tương ứng với lượng hàng xuất khẩu và giá bán, năm sau tăng hơn năm trước. Ngành công nghiệp nuôi tôm cũng tạo ra số công ăn việc làm thuộc loại nhiều nhất trên toàn quốc. Theo Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador, ngành này đã tạo ra 130.000 công việc trực tiếp và 140.000 công việc gián tiếp, theo số liệu cập nhật đầu năm nay của trang Infobae (Argentina).Tôm Ecuador đã xuất đi hơn 40 nước, với các nước nhập khẩu nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ và Tây Ban Nha. Chỉ trong tháng 11-2022, Trung Quốc đã mua hơn 105 triệu tấn tôm Ecuador.Một cánh đồng tôm ở Ecuado (Xavier Romero Martínez/@xrfotografia).Không ngừng vượt khóTháng 9 năm ngoái, trong phần trình bày rất chi tiết tại Diễn đàn tôm toàn cầu, ông Gabriel Luna - giám đốc Công ty Glunashrimp, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường tôm có trụ sở tại Ecuador - cho rằng phía sau kỳ tích của ngành tôm Ecuador trong thập kỷ qua, ngoài những chiến lược chủ động phát triển bài bản của họ, còn có các nhân tố khách quan. Ông Luna nhắc tới sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico năm 2010 đã đẩy giá tôm tăng cao, hay sự bùng phát dịch bệnh Hội chứng tôm chết sớm (EMS) tại châu Á năm 2012 đã mở đường cho tôm Ecuador vào thị trường Trung Quốc, giúp tăng vọt doanh số xuất khẩu tôm của họ trong giai đoạn 2012-2016. Ở đây cũng phải nhắc thêm tới tác động của đại dịch COVID-19 khi dịch bệnh khiến các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gửi hàng đường biển, và Ecuador đã lấp vào khoảng trống này tại thị trường Mỹ nhờ lợi thế địa lý.Ông Luna còn chỉ ra yếu tố "trong nguy có cơ" khác là khi hoạt động sản xuất tôm của hầu hết các nước hồi phục vào năm 2018 khiến giá tôm giảm, phần lớn các nông dân nuôi tôm của Ecuador đã bị lỗ nặng trong một khoảng thời gian kéo dài ít nhất 5 tuần, buộc họ phải tìm giải pháp đổi mới sáng tạo để vượt khó. Vị chuyên gia tư vấn ngành tôm nhớ lại: "Chỉ trong 5 tuần bị mất tiền đó chúng ta mới sáng tạo và tìm ra những cách để tăng sản lượng và giảm chi phí".Theo đó những người nuôi tôm đã chọn cách tăng mật độ nuôi trồng từ 8 lên 15 con tôm trên mỗi mét vuông nuôi, nhưng không tăng hơn nữa để đảm bảo môi trường sống tốt cho tôm. Bởi thế kể từ năm 2010 trở đi, họ tính tới việc cải thiện các phương diện khác trong sản xuất, cụ thể là thức ăn cho tôm.Nhà máy chế biến tôm ở Ecuador. Ảnh: J.Enrique Molina/AlamySự ra đời của một loạt nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm vào những năm 2010 đã giúp nông dân Ecuador cải thiện tỉ lệ tăng trưởng của tôm từ 1,1g lên 2,5g mỗi tuần. Ngoài ra là các cải tiến khác như áp dụng cách quản lý vùng nuôi tốt hơn, kết hợp hệ thống cho ăn tự động và thiết bị sục khí. "Đầu tiên chúng tôi thử nghiệm các máy cho ăn tự động, chúng rất tuyệt vời, giúp tăng tỉ lệ tăng trưởng và giảm tỉ lệ chết của tôm, nhưng khi đem kết nối với với hệ thống sục khí, chúng tôi đã phát hiện những cấp độ mới" - ông Gabriel Luna chia sẻ kinh nghiệm.Kết quả là với tổng cộng 220.000 ha diện tích nuôi trồng tôm, Ecuador sản xuất được trung bình 4,5 tấn tôm/ha mỗi năm. Dù vậy ông Luna tin rằng năng suất đó vẫn còn có thể cao hơn. "Trong ba hay bốn năm tới, đây là những gì bạn sẽ chứng kiến - thêm một ít máy sục khí, một ít máy cho ăn, một ít máy móc trong các ao đầm để đạt tới mức tăng trưởng tuy không phải là cái ta cần hướng tới mà là cái phải làm, để việc nuôi tôm hiệu quả hơn và giảm bớt chi phí sản xuất" - ông giải thích. Diện tích nuôi trồng theo mô hình trang trại lớn như vậy cũng đã giúp Ecuador có thể xuất khẩu tôm với "giá rẻ nhất ra thế giới", như một báo cáo đánh giá năm 2020 của Ấn Độ - quốc gia đối thủ về tôm của họ.Khi chi phí thức ăn, vận chuyển, đóng gói tăng lên, cộng thêm lạm phát, ông Luna tin rằng quá trình cải tiến để tăng năng suất đó là rất cần thiết. Ngoài ra, với công đoạn sau sản xuất, nhu cầu về các sản phẩm giá trị gia tăng (chẳng hạn tôm không đầu) ngày càng tăng, đặc biệt ở Mỹ, cũng là một thách thức khác đang đặt ra với Ecuador. Các hệ thống chế biến hiệu quả sẽ cần được xây dựng để giúp Ecuador tăng tính cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, quốc gia đang có giá lao động rẻ hơn. Một cuộc đua đến đáy đang gia tăng của ngành công nghiệp nuôi tôm đang gây hại cho con tôm và cho môi trường. Nó cũng hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng và khả năng mua được những con tôm nuôi an toàn và bền vữngPamela Nath, giám đốc SSP (nguồn: IBM.com)Lợi thế từ sự minh bạch thông tinMột điểm đáng kể nữa thuộc về chiến lược phát triển ngành tôm của Ecuador mà chính đối thủ Ấn Độ cũng đã phải thừa nhận, đó là họ có một thị trường có tính thống nhất rất cao và có một bộ phận quản lý chung điều hành các trang trại nuôi tôm lớn, thay vì phân mảnh trong cấu trúc ngành này như tại Ấn Độ với gần 100.000 nông dân nuôi tôm đang hoạt động, báo Economic Times (Ấn Độ) đánh giá trong bài viết hồi tháng 3, phân tích vì sao Ấn Độ từng mất ngôi đầu vào tay Ecuador trên thị trường xuất khẩu tôm.Cũng trong tháng đó, Tổ chức Hợp tác tôm bền vững Ecuardor (SSP) kỷ niệm cột mốc 5 năm thành lập. Đây là tổ chức gồm các công ty, tập đoàn chuyên nuôi tôm tại Ecuador, được ca ngợi rất nhiều vì có đóng góp lớn trong việc giúp ngành công nghiệp nuôi tôm của quốc gia Nam Mỹ phát triển bền vững và ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu.Giới thiệu công nghệ truy xuất nguồn gốc tôm của SSP (Ecuador)Bà Pamela Nath, giám đốc SSP, chia sẻ với trang Fishsite.com về lý do ra đời của tổ chức: "Sau khi nhận thấy [tôm] không an toàn được bày bán ngoài thị trường, việc sử dụng kháng sinh tràn lan cũng như hoạt động nuôi gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, các thành viên sáng lập của SSP nhìn nhận có sự thiếu thông tin minh bạch về các quy trình sản xuất, và quyết định là SSP sẽ thực hiện việc nuôi tôm theo những tiêu chuẩn có mức độ trách nhiệm cao nhất".Theo SSP, trong số những dấu mốc quan trọng ở 5 năm đầu tiên của họ phải kể tới "việc tạo ra một trong những bộ nguyên tắc nghiêm ngặt nhất với việc sản xuất tôm". Bộ nguyên tắc này được SSP phát triển với sự hướng dẫn của ban cố vấn gồm các thành viên đến từ Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), cũng như có sự đồng hành với Viện Tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng nhận Colombia (ICONTEC).Để đạt tiêu chuẩn của SSP, hay nói cách khác, để trở thành thành viên của tổ chức này, trang trại nuôi tôm ở Ecuador phải thỏa mãn các điều kiện của ASC và được tổ chức này cấp chứng chỉ công nhận. Các trại nuôi tôm SSP thường xuyên được kiểm tra trong từng chu kỳ sản xuất để đảm bảo không dùng thuốc kháng sinh, không gây tác động xấu tới nguồn nước và phải truy xuất nguồn gốc với sản phẩm làm ra.Một trong những dự án tiên phong của SSP là triển khai sử dụng công nghệ blockchain của IBM Food Trust để phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm dành riêng cho người tiêu dùng, cho phép họ biết thông tin về sản phẩm cũng như hành trình "từ nông trại tới bàn ăn" chỉ bằng thao tác quét mã QR. Theo bà Vanessa Barbery, giám đốc phát triển thương mại của nền tảng IBM Food Trust, người dùng không cần phải biết về công nghệ blockchain để sử dụng nền tảng này. Mọi dữ liệu về sản phẩm, thông tin về chuỗi cung ứng đều đã được tích hợp vào nền tảng, ai cũng có thể truy cập để biết được hành trình đầy đủ của con tôm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chẳng hạn nó đã được lưu kho tại cơ sở X, được đơn vị Y phân phối hay được bán lẻ tại công ty Z, cũng như thức ăn của nó là gì, từ đâu…Việc có thể truy xuất nguồn gốc của tôm đã mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Ecuador so với đối thủ của họ khi "việc áp dụng công nghệ vào ngành tôm vẫn còn gặp nhiều trở ngại tại Ấn Độ", như chia sẻ của ông Rajamanohar Somasundaram, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Aquaconnect chuyên về nền tảng công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Ấn Độ, với tờ Economic Times. Cách tiếp cận phi kháng sinh của EcuadorVào những năm 1990, khi bệnh đốm trắng ở tôm do virus gây ra tàn phá các trang trại tôm ở châu Á, để phòng trừ bệnh này, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bơm kháng sinh vào nước nuôi tôm. Nhưng Ecuador đã chọn cách xử lý khác."Chúng tôi giúp tôm phát triển khả năng tự kháng bệnh của chúng - ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch Phòng nuôi trồng thủy sản của Ecuador, nói với trang Ibm.com - Nhiều thập kỷ sau, sức đề kháng của tôm Ecuador là tự nhiên và là kết quả từ khả năng kháng bệnh có trong chính bộ gene của chúng. Một phần của điều đó là từ nguồn thức ăn cho tôm, đây là cái rất thiết yếu để giúp hệ miễn dịch của chúng khỏe mạnh".Dư lượng kháng sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm từ động vật từ lâu đã là vấn đề lo ngại với các nhà khoa học. Giới nghiên cứu đã chỉ ra ngay cả những hàm lượng kháng sinh còn dư ở mức thấp trong thực phẩm vẫn có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở người. Tags: Nuôi tômXuất khẩu tômNuôi trồng thủy sảnEcuadorTôm
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.