TTCT - Thư xưa trăm bức phong còn kín, công nghệ ngày nay vội mở xem. Chiếc rương chứa đầy thư không đến tay người nhận hồi thế kỷ 17. Nguồn: Bộ sưu tập Brienne/Bảo tàng Nghe nhìn The HagueVào thế kỷ 17, người nhận thư sẽ phải trả bưu phí và cước vận chuyển. Nhưng nếu người nhận chẳng may qua đời, hoặc không liên lạc được, hay thậm chí không thèm nhận thư, nhà trạm coi như chẳng thu được đồng nào.Các trạm trưởng dịch trạm thường xem đây là “thư chết” và thường hủy đi cho xong. Nhưng đôi vợ chồng Simon và Marie de Brienne, trưởng một dịch trạm ở The Hague (Hà Lan), chọn giữ lại tất cả, ngõ hầu có ai đến nhận và trả bưu phí. Họ bỏ hết số “thư chết” vào một cái hòm, coi như bỏ ống heo.Cái rương đầy những lá thư không đến tay người nhận ấy rồi nổi trôi cùng lịch sử, có lúc bị lãng quên, cho đến khi được trao lại cho Bảo tàng Bưu tín Hà Lan (nay là Bảo tàng Nghe nhìn The Hague) vào năm 1926, được đặt tên là “Bộ sưu tập Brienne”. Đó quả thực là một kho tư liệu khổng lồ với hơn 3.000 lá thư, biên bằng tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Latin đủ cả, được gửi từ khắp châu Âu trong giai đoạn 1680-1706.Có 577 lá trong số đó chưa hề được mở ra, và nội dung của chúng - hoàn toàn không qua kiểm duyệt hay biên tập, chỉnh sửa - chắc chắn sẽ giúp giới sử gia hiểu thêm về đời sống cũng như tình hình văn hóa, kinh tế chính trị của châu Âu trong giai đoạn đó.Nhưng nếu chỉ việc mở từng bức thư ra, ghi chép, biên dịch, rồi số hóa, lưu trữ thì chẳng có gì để nói. Vấn đề là giá trị của chỗ thư quý còn nằm ở cách chúng được bảo mật. Mãi cho đến những năm 1830, nhân loại mới có bì thư được sản xuất hàng loạt. Trước đó, lá thư được gấp lại khéo léo để trở thành phong bao của chính nó. Phương thức này gọi là “letterlocking”. Mấu chốt là gấp sao cho muốn đọc được thư thì chỉ có một cách là xé đâu đó, thành ra nếu có ai cố tình mở ra xem trộm trước khi đến tay người nhận là biết ngay.Cái rương “tiền tiết kiệm” của vợ chồng nhà de Brienne vì thế thành đối tượng nghiên cứu kép cho giới khoa học và sử gia: làm sao để coi dân châu Âu thế kỷ 17 nói gì khi biên thư cho nhau, và họ có bao nhiêu quy tắc, cách thức làm letterlocking?Xé thư ra đọc thì dễ, nhưng như thế cũng là tự tay phá hỏng hiện vật quý giá về letterlocking. Unlocking History (Mở khóa lịch sử), một nhóm gồm 11 nhà khoa học, đã dày công tìm cách giải bài toán khó này, và cuối cùng tìm ra một cách không ngờ: “mở ảo” chỗ thư quý bằng cách kết hợp kỹ thuật chụp X-quang và thuật toán máy tính, từ đó không chỉ đọc được nội dung thư mà còn nắm được luôn cách chúng được gấp. Toàn bộ quá trình mở thư kiểu letterlocking được máy tính mô phỏng lại. Ảnh: Nhóm Unlocking History Research GroupTheo bài báo khoa học công bố trên tập san Nature Communications hôm 2-3, mực thời đó có chứa sắt, thành ra có thể dùng máy quét vi cắt lớp (microtomography scanner) để tách các con chữ ra khỏi nền giấy.Đầu tiên các nhà nghiên cứu dùng tia X để lập mô hình 3D của các bức thư, sau đó dùng thuật toán máy tính để bóc tách từng lớp giấy đã hơn 300 tuổi, nhận dạng từng dòng chữ và cả các nếp gấp, miết, đan cài và xếp. Nhờ kỹ thuật này mà giới khoa học lần đầu tiên có thể đọc được các lá thư được phong kín trong bộ sưu tập Brienne.Trong số này có thư đề ngày 31-7-1697 của Jacques Sennacques gởi người bà con tên Pierre Le Pers, một thương nhân người Pháp ở The Hague, yêu cầu cấp bản sao có xác thực giấy chứng tử của một người họ hàng khác, có lẽ để lo chuyện thừa kế.Những khám phá như thế giúp chúng ta hiểu được đời sống, nhân tình thế thái của những người bình thường trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động ở châu Âu, khi hệ thống thư tín giúp các gia đình, cộng đồng và giới doanh thương giữ liên lạc bất kể khoảng cách.Nhóm nghiên cứu cũng hào hứng vì thuật toán giúp họ giải mật những bức thư phong kín hàng thế kỷ, được ký tên, niêm phong, gửi đi nhưng không bao giờ tới. Các nhà nghiên cứu cũng công khai công nghệ “đọc thư ảo” để có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác, khai phá những kho tư liệu cổ, cũng như những kỹ thuật gấp tương tự letterlocking, như origami chẳng hạn.■ Tags: Công nghệThư tínLetterlockingThư cổ
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.