Chính phủ mới ở Nga: Đến lượt những nhà kỹ trị

TƯỜNG ANH 18/02/2020 21:02 GMT+7

TTCT - Ngày 7-2, truyền thông Nga đã công khai thu nhập của tân Thủ tướng Mikhail Mishustin trước khi ông gia nhập chính phủ, một động thái được bình luận như “tiêm văcxin phòng dịch”.

Ông Mishustin (trái) và ông Medvedev. Ảnh: AP
Ông Mishustin (trái) và ông Medvedev. Ảnh: AP

Bức thư công bố thu nhập do Công ty đầu tư UFG, nơi ông Mishustin làm việc giai đoạn 2008-2010, gửi đi theo yêu cầu của báo chí, đã được hầu hết các báo Nga đăng lại. 

Cụ thể, trước khi trở thành người đứng đầu Cục Thuế liên bang (FNS), ông là một trong những lãnh đạo then chốt của UFG, nắm 25% cổ phiếu của quỹ. Số cổ phiếu này thuộc quỹ ủy thác đầu tư gia đình do Mishustin lập nên, mà những người thụ hưởng là ông cùng các thành viên gia đình ông.

Thủ tướng công khai thu nhập

Đối với các quỹ đầu tư, đây là một thông lệ. Chỉ trong năm 2009, lương thưởng của UFG cho Mishustin là 2,5 triệu USD. Mùa xuân năm 2010, khi ông rời UFG để làm việc ở FNS, các khoản đầu tư ở UFG được chuyển cho bà Vladena - vợ ông, người chỉ trong vài năm tiếp đó đã nhận được 11 triệu USD từ UFG.

Năm 2013, khi luật tài sản công chức được thông qua, cấm vợ của các công chức nhà nước kinh doanh, mẹ và chị gái Mishustin trở thành người thụ hưởng. Những người sau này đã bán cổ phần của họ ở UFG, mà giá trị hợp đồng vẫn chưa được công bố, theo rbc.ru.

Tổng thu nhập của ông Mishustin và vợ trong 9 năm qua, do đó lên tới hàng tỉ USD. Ngoài tiền đầu tư, gia đình Mishustin còn sở hữu bất động sản với trị giá thị trường gần 3 tỉ USD.

Việc công khai của UFG diễn ra do sau khi ông Mishustin được bổ nhiệm làm thủ tướng, nhà hoạt động đối lập Aleksei Navalnyi bắt đầu úp mở “thủ tướng và người thân của ông sở hữu khối bất động sản khổng lồ”.

Ngày 19-1 trên tờ Kommersant xuất hiện bài báo giải thích thu nhập của gia đình Mishustin. Phân tích tờ khai thu nhập, bài báo cho rằng Mishustin theo đuổi “chiến lược bảo thủ đầu tư vào tiền gửi”, thu nhập từ đó lên tới hàng chục triệu rúp mỗi năm. (Nhiều nhà quan sát bóng gió rằng bài báo có lẽ đã được “đích thân thủ tướng phê chuẩn”).

Phát biểu trên sóng của Đài Tiếng vọng Moskva, chủ tịch Quỹ “Chính trị Petersburg” Mikhail Vinogradov cho rằng việc UFG tiết lộ thu nhập của tân thủ tướng là một chiến lược được chọn lựa để tiếp tục duy trì uy tín cá nhân, dù có thể gây phản cảm với hình ảnh thủ tướng quá giàu của một nước Nga còn nhiều người nghèo; nhưng trên nền một sự nghiệp vừa cất cánh, nó “cũng giống như tiêm văcxin phòng dịch”.

Ngoài ra, đến nay những điểm chính liên quan đến ông Mishustin như sau: 54 tuổi, tiến sĩ kinh tế (đề tài luận văn của ông là “Chiến lược hình thành thuế tài sản Liên bang Nga”), từ năm 1992 làm việc ở Câu lạc bộ Máy tính quốc tế (tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu thu hút các công nghệ thông tin tiên tiến vào Nga), trở thành chủ tịch hội đồng quản trị câu lạc bộ này những năm 1996-1998.

Từ 1998 là trợ lý, rồi làm phó cho cho người đứng đầu FNS. Từ đó, ông trải qua nhiều chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế cho đến khi tham gia Quỹ đầu tư UFG. Từ tháng 4-2010, Mishustin là người đứng đầu FNS.

Dưới sự lãnh đạo của Mishustin, với phương châm cơ chế tương tác của công dân phải “thoải mái nhất có thể”, từ năm 2012, FNS ra mắt hệ thống “tài khoản cá nhân” cho phép cá nhân có thể nộp thuế và trả các khoản nợ qua Internet mà không cần qua trung gian bất cứ phòng ban nào của nhà nước.

Theo kết quả hoạt động của FNS năm 2010, 7,7 nghìn tỉ rúp (khoảng 120 tỉ USD) tiền thuế chảy vào ngân sách nhà nước. Tới 2018, con số này tăng lên gần gấp ba lần, tương đương 21,3 nghìn tỉ rúp. Riêng FNS, chỉ trong 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông, đã biến thành cơ quan nhà nước được công nghệ hóa tốt nhất.

Tháng 11-2019, trong Ngày các nhân viên ngành thuế, Mishustin thông báo trong 5 năm, các khoản thuế thu được đã tăng 1,4 lần, còn tỉ lệ thu thuế trong GDP tăng hơn 4%. Ông gọi thành tích này là “hiệu quả của việc bạch hóa nền kinh tế”. Từ 2011-2018, Mishustin còn là thành viên hội đồng tổng thống về phát triển thị trường tài chính Nga.

Những thành tích của ông phần nào giải thích chọn lựa của Tổng thống Vladimir Putin, nhất là trên nền hoạt động có phần “hụt hơi” của thủ tướng tiền nhiệm Dmitry Medvedev. Chuyên gia kinh tế - nhà báo Nga Alexander Khaldey giải thích với Aurora: “Lần đầu tiên kể từ năm 2007, chính phủ Medvedev đã không thực hiện được kế hoạch chi ngân sách lớn nhất - tới 5,8%, tương đương 1,1 nghìn tỉ rúp.

Do chính phủ Medvedev đã vật lộn với khủng hoảng thông qua việc tăng thuế, thu gom tất cả các khoản tiết kiệm ngân sách, kể cả hệ thống lương hưu, kết quả là giờ đây ngân sách cạn kiệt, dự trữ suy giảm và kinh tế suy thoái, kinh doanh bị bóp nghẹt một nửa. Nội các mới của ông Mishustin có nhiệm vụ kéo lại những dự án quốc gia đã bị bỏ qua do thiếu hụt tài chính và khởi động tăng trưởng kinh tế trong nước”.

“Không được một phút ngơi tay”

Đó là chỉ thị mà Tổng thống Putin giao cho êkip mới, khi nói “Chính phủ mới không được phút nào ngơi tay để thực hiện những dự án quốc gia” trong một cuộc làm việc hôm 4-2. Những dự án này có mục tiêu gì?

Trong cuộc họp đầu tiên của ông Putin với nội các mới hôm 21-1, tân Thủ tướng Mishustin nêu rõ đó là “tất cả những gì liên quan đến việc nâng cao mức sống người dân, mà cụ thể là vấn đề sụt giảm dân số, giúp đỡ các gia đình có con nhỏ, tăng thu nhập, quan tâm đến những ai cần sự hỗ trợ của nhà nước, nền y tế và giáo dục chất lượng”.

Ông Mishustin nêu con số 4 nghìn tỉ rúp trong bốn năm để hoàn thành các nhiệm vụ mà thông điệp liên bang của tổng thống Nga nêu ra.

Ông Putin đã gọi êkip mới hiện nay là “tối ưu” vì có kế thừa thành phần cũ lẫn bổ sung những nhân tố mới. Chính phủ mới của Nga có 21 bộ trưởng, trong đó có 12 vị cũ. Cụ thể, các bộ trưởng kỳ cựu về đối ngoại và trong khối sức mạnh, kinh tế và năng lượng được giữ lại. Trong 9 bộ trưởng mới, có 7 vị không đảng phái. Thay mới chủ yếu trong khối xã hội.

Các bộ Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Lao động xã hội, Thể thao, Khoa học và giáo dục cũng có người đứng đầu mới. Trong 9 phó thủ tướng, vị trí phó thủ tướng thứ nhất sẽ thuộc về Andrei Belousov, người sáu năm qua là trợ lý kinh tế của tổng thống. Ông được gọi là nhà tư tưởng chính của các dự án quốc gia.

Sự xuất hiện của Belousov trong chính phủ rõ ràng là để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án này. Theo Viện thống kê Nga A.Kudrin, nội các Mishustin trẻ hơn êkip tiền nhiệm 2,5 tuổi nhưng không hề kém kinh nghiệm hơn.

Tân thủ tướng Mishustin, theo Forbes, là “một nhà kỹ trị có tầm nhìn và cứng rắn” dù không kém cởi mở và bay bướm với việc sáng tác nhạc, chơi khúc côn cầu và hâm mộ Steve Jobs. Việc thay đổi nhanh cơ quan thuế liên bang chẳng khác nào “dời những ngọn núi”, lại biến được nó thành một “tập đoàn kỹ thuật số” hiệu quả khiến có hi vọng ông Mishustin sẽ tạo được những cách tiếp cận hiệu quả trong việc hiện thực hóa những kế hoạch quốc gia Nga.■

Nữ bộ trưởng “không thích váy dài”

Bên cạnh những thắc mắc về vị thủ tướng giàu có vừa được đích thân ông Mishustin hóa giải, đến nay trong tất cả các tân bộ trưởng, nữ Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova, 39 tuổi, là người gây phản ứng nhiều nhất.

Bắt đầu từ một nhà báo, phóng viên truyền hình, dần trở thành người dẫn chương trình, biên tập viên, nhà biên kịch và nhà sản xuất từng thực hiện vài chục bộ phim về Chính thống giáo, tác giả nhiều kịch bản cho các phim tài liệu lịch sử, và cho đến khi nhận chức bộ trưởng, bà là cục trưởng Cục Điện ảnh trong bộ này.

Bà Lyubimova được đánh giá là người quản lý lẫn người sáng tạo giỏi. Tuy nhiên, lý lịch của một người tự đi lên lại không gây ấn tượng nhiều bằng một tấm ảnh cũ chụp bà trong chiếc áo thun in những chữ “khó coi” (trên LiveJournal 10 năm trước mà cư dân mạng đã “đào” lên được), và một blog mang tên “Tuyên ngôn của Lyubimova” năm 2010 luận bàn về xã hội dân sự.

Blog đó viết: “Đây là điều làm tôi sợ: tôi không hiểu xã hội dân sự là gì. Những người đó là ai? Xã hội dân sự trông như thế nào? Mông tôi cảm nhận được tình hình đang nóng lên. Đây, các bạn bè tôi đi biểu tình.

Thời tôi còn nhỏ, những người say rượu và làm biếng mới đi biểu tình, ở đó họ uống vodka. Sau đó, những người bất hạnh, tuyệt vọng mới đi biểu tình. Tôi cũng có bạn bè. Bất hạnh và bị đẩy đến tuyệt vọng. Nhưng họ không đi biểu tình vì hiểu chúng vô nghĩa”.

Trong một bài viết khác, blogger Lyubimova tuyên bố mình “chẳng phải người có văn hóa chết tiệt gì” vì “không thích opera, balê, nhạc cổ điển, sân khấu và bảo tàng…”. Tuy mới đây tân bộ trưởng đã tháo hết những “tuyên ngôn” này xuống, tờ Sự thật Komsomol vẫn kịp trích đăng 10 phát biểu “nông nổi tuổi 20” của bà.

Trong đó có những tuyên bố kiểu như “tôi căm ghét váy dài bởi đã phải mặc chúng từ lớp 5 đến lớp 7” hoặc “cho đến lớp 7 thì trường dòng Chính thống giáo đối với tôi là doanh trại Al Qaeda”…

Dĩ nhiên, đánh giá hoạt động thật sự của nữ bộ trưởng văn hóa nói riêng, và toàn bộ êkip Chính phủ Nga mới nói chung, vẫn còn ở phía trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận