TTCT - Tôi và chú hổ giống Bengal nặng hơn 200kg chỉ cách nhau chừng ba tấc. Một tiếng “khì…” mạnh kèm theo cái mõm nhăn tít há rộng khoe đôi nanh dài gần một tấc của nó khiến tôi bật ngửa. Giữa tôi và nó là một hệ thống cửa, tường rào bằng sắt phi 8 kiên cố, chứ không thì tôi đã không thể viết bài này, hoặc phải thành Võ Tòng thứ hai. Ảnh: Huy Thọ Đó là chuyến thăm đầu tiên vào tận “hậu cung” chuồng hổ, theo chân những người chăm hổ tại Vinpearl Safari Phú Quốc. Ngay sau đó, Trần Duy Phương, tổ trưởng tổ chăm sóc thú dữ, “chiêu đãi” tôi một bữa thưởng lãm màn tập thể thao của hổ: Một hệ thống dây ròng rọc nối từ một cây to được quấn dây thừng (để bảo vệ cây khỏi móng vuốt hổ) trong khu vực an toàn. Một đùi gà góc tư hơn nửa ký được móc vào ròng rọc ở khoảng cách tầm 4m từ mặt đất. Miếng thịt không nằm yên một chỗ mà được nhân viên kéo ra kéo vào cho thêm độ khó.Vút một cái, con hổ phóng lên, vươn mình đớp miếng mồi bằng cú táp xếp hạng 10 thế giới về sức mạnh (74kg/cm2), rồi nhẹ nhàng quay mình nhảy xuống đất.Leo cây, đớp mồi, quay mình trở xuống của con hổ chỉ diễn ra trong vài giây, với những động tác tuyệt đẹp, uyển chuyển của tấm thân hơn 200kg, hấp dẫn bội phần bởi bộ da vàng cam - sọc đen vằn vện. Ảnh: Huy Thọ Ta có thể dễ dàng ngắm một con hổ ở nhiều vườn bách thú trong cả nước, nhưng nhìn ngắm một con hổ trong thiên nhiên rộng lớn thì Safari Phú Quốc (ra đời năm 2015) là nơi đầu tiên thực hiện, với hai khu, một để “người coi hổ”, hai là khu “hổ xem người” vì khách tham quan phải ngồi trên xe buýt vào khu vực hổ tự do đi lại.Tất cả hổ tại Safari Phú Quốc đều là giống Bengal, một loài hổ sinh sống nhiều ở Ấn Độ, Bangladesh… và đã được đưa vào danh sách bảo tồn. Những con hổ Bengal tuyệt đẹp ở nơi này gợi nhớ tới bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Lý An, Cuộc đời của Pi, với những ngày lênh đênh trên biển của một thiếu niên Ấn Độ 16 tuổi tên là “Pi” Patel, sau vụ đắm tàu, trên một xuồng cứu sinh với một con hổ Bengal tên là Richard Parker.Sau hơn nửa năm khai trương, ngày 1-6-2016, Safari Phú Quốc chào đón hai bé hổ đầu tiên được sinh ra tại đây, được đặt tên là Phú và Quốc, với con hổ mẹ có mã C9. Tám ngày sau, một mẹ hổ khác là C8 hạ sinh thêm hai hổ con, được đặt tên Hiếu và Thảo. Hồi C9 và C8 hạ sinh Phú - Quốc - Hiếu - Thảo, nhiều em bé Việt Nam đã có được niềm vui mà ngày trước phải qua tận Thái Lan tham quan safari mới có được, là vuốt ve, ẵm bồng hổ con. Hôm cùng Duy Phương vào khu bán hoang dã, anh chỉ cho tôi thấy một chú hổ oai vệ tiến đến sát xe: “Hiếu đó!”. Hiếu 5 tuổi, nay đã thành một ông ba mươi lừng lững.Con hổ tên Hiếu xưa và nayHiếu ngày nay: Ảnh: Huy Thọ Từ hơn 20 con hổ Bengal nhập về thuở ban đầu, nay tổng đàn đã lên đến gần 90 con. Trong đó, riêng tại Safari Phú Quốc là 52 con, những con còn lại được chuyển “hộ khẩu” ra Vinpearl Hội An và Nha Trang.Bà ba mươi tận tụy với conChuyện đẻ của hổ nghe khá đơn giản. Khi hổ cái có dấu hiệu động dục, nó sẽ cho hổ đực giao phối. Tần suất giao phối khoảng 40 lần/ngày, kéo dài 5 - 7 ngày. Hổ cái mang thai khoảng 100 - 105 ngày thì sinh con. Mỗi lứa có thể sinh 2 con, nhiều nhất là 5, 6 con (mỗi con tầm 1 - 1,5kg).Những con hổ con khi lên 5 tháng tuổi là có thể tách mẹ, hổ mẹ có thể động dục và mang thai tiếp. Nhưng những người chăm hổ ở đây không thể để đàn hổ sinh sản vượt quá sức tải của chuồng trại và khu vực sinh sống nên vẫn để hổ con sống với mẹ. Tôi gặp mẹ hổ có tên là Cái nhỏ và hai con nay đã 8 tháng tuổi, đạt gần 40kg/con, sống quấn quýt bên nhau. Trong khi những ông ba mươi tệ bạc, gần gụi xong thì “quất ngựa truy phong”, thậm chí có thể tấn công luôn cả con thì các bà ba mươi bảo vệ các con vô cùng quyết liệt, cho dù con đã lớn. Hai con 8 tháng tuổi vẫn quấn quýt bên mẹ Cái nhỏ. Ảnh: Huy Thọ “Nuôi hổ như nuôi mèo vậy!” - Trần Duy Phương cười trả lời khi tôi hỏi “Khó nhất trong việc chăm hổ ở đây là gì?”. Bùi Phi Hoàng - một chàng trai Hà Nội sinh năm 1991, học ngành chăm sóc động vật hoang dã bên Úc, nay là sếp tổng quản chăm các loại thú ở Safari Phú Quốc - cũng xác nhận, nuôi hổ rất dễ. “Dễ thế nên vừa rồi ở Nghệ An mới phát hiện vụ tám con hổ nuôi như nuôi lợn đó anh. Nuôi cho hổ đẻ thì không khó, nhưng nuôi sao cho hổ phát triển thật giống với môi trường tự nhiên mới là vấn đề” - anh nói.Phú, Quốc, Hiếu, Thảo - những con hổ sơ sinh được anh Dương Huy Toàn, một trong những nhân viên tham gia nuôi bộ chúng kể: “Tôi ẵm bồng chúng, cho bú sữa, bón từng miếng thịt sống cắt nhỏ cho mấy đứa nó từ bé cho đến lúc trộng trộng, nhưng bây giờ sự khác biệt của tôi với các anh chỉ là nó thấy mà không gầm gừ, chứ bảo lại gần bọn nó là không thể!”. Lũ hổ được nuôi lớn với mục đích giữ được nhiều nhất những đặc tính hoang dã của chúng. Chúng càng hung dữ, gần với thiên nhiên bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu. Vì vậy, Hoàng kể, dẫu có lời đề nghị chuyển giao mấy con hổ bắt được ở Nghệ An cho Phú Quốc, nhưng họ không thể nhận vì chúng đã hoàn toàn mất đi tính hoang dã. Ảnh: Huy Thọ Không được sai sót Các vườn thú phải quản lý thật khoa học để hổ không lâm vào tình trạng cận huyết. Mỗi bé hổ khi chào đời đều được gắn chip để quản lý, làm khai sinh, đăng ký với các cơ quan kiểm lâm, quản lý động vật hoang dã. Mỗi khi tách - nhập đàn đều phải tính toán kỹ lưỡng, xem xét lý lịch, khai sinh cẩn thận.Chăm sóc hổ là một nghề không cho phép bất cứ sai sót nào. Trần Duy Phương cho biết quy trình đi chăm sóc hổ ở đội của anh luôn phải có hai người để kiểm tra chéo cho nhau, người này lỡ có quên một khâu nào đó thì có đồng đội khắc phục ngay. Tất cả cửa ra vào các khu vực chuồng trại, sân chơi cho hổ đều là cửa hai lớp, xài cả khóa từ lẫn khóa cơ, cửa ngoài đóng thì cửa trong mới mở được, và ngược lại.Công việc hằng ngày của đội chăm sóc hổ bắt đầu từ 7h30 sáng. Họ vào khu chuồng trại quan sát xem có con hổ nào có biểu hiện biếng ăn, đổ bệnh, trong đêm có đánh nhau không. Mỗi chuồng đều có cửa thông ra khu chơi - là nơi để du khách nhìn thấy hổ, với hào sâu ngăn sách, dây diện bao quanh cùng tường rào. Nhưng ở khu vực bán hoang dã, chuồng chỉ là nơi để thức ăn cho hổ, bầy hổ tự do thoải mái trong khuôn viên rộng lớn hơn.Khẩu phần mỗi bữa ăn của một con hổ khoảng 4kg/ngày, đều được mang từ đất liền ra, của các công ty có thương hiệu. Bình quân gần nửa tấn thịt mỗi ngày cho gần trăm con hổ, sư tử. Một tuần có ba bữa thịt gà, ba bữa xơi bẹ sườn trâu, xương ống heo và nghỉ ăn một ngày, kèm theo vitamin C, dầu cá… được nhét vào trong đùi gà. Bữa ăn của lũ hổ là vào cuối giờ chiều, được các nhân viên chia phần sẵn trong chuồng. Khi cánh cửa sắt ngăn cách giữa chuồng và khu chơi của hổ được kéo lên, từng đàn kéo vào chuồng, đến đúng nơi đặt khẩu phần của mình nhai rau ráu. Và đó cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc của các nhân viên tại đây. “Tiếc là anh không gặp chúng lúc chúng được ăn xương ống heo, bọn nó nhai như mình nhai kẹo” - Phương nói.■“Ai đi làm thì mục tiêu cũng là để kiếm sống, nhưng ngoài việc kiếm sống, còn phải có tình yêu với công việc. Với chúng tôi, đó là tình yêu động vật” - Trần Duy Phương tâm sự.Anh là dân Rạch Giá, nối nghiệp cha học nghề thú y, cứ nghĩ rồi cũng sẽ chăm heo chăm gà, nào ngờ cơ duyên đến khi Safari Phú Quốc mở ra và anh được tuyển. Vừa tròn 30 tuổi, sau hơn 5 năm làm việc, Phương được giao làm tổ trưởng tổ chăm sóc thú dữ. Anh cho biết 15 thành viên trong tổ của mình đều có chung tình yêu động vật sâu sắc. Họ đều được qua đào tạo tại Thảo cầm viên Sài Gòn.Bùi Phi Hoàng đã học xong năm nhất ngành công nghệ thông tin, nhưng anh thấy mình như lạc lối bởi tình yêu động vật đã ươm mầm từ nhỏ, hối thúc anh chọn lựa khác. Hoàng thuyết phục bố mẹ cho sang Úc du học, theo ngành chăm sóc động vật - một ngành có điểm tuyển đầu vào không kém nghề y là bao. Nhờ vậy mà bây giờ Safari Phú Quốc không còn phải cậy nhờ đến chuyên gia nước ngoài trong việc chăm sóc, quản lý động vật tại đây.Tết này, vào Sở thú kéo co với chúa sơn lâm!Tầm 2 giờ chiều là giờ ăn của hổ ở Sở thú (Thảo cầm viên) TP.HCM. Chuyện ăn của hổ không chỉ diễn ra trong chuồng, mà cả ở sân chơi, vừa để hấp dẫn khách tham quan, vừa để chúa sơn lâm tập thể thao! Màn kéo co với hổ trắng ở Thảo Cầm Viên. Ảnh: Huy Thọ Một ngày giữa tháng 1-2022, tôi may mắn được chứng kiến màn hấp dẫn ấy ở chuồng hổ trắng, với hai chúa sơn lâm giống Bengal mang tên Đực và Cái. Cả hai đều ra đời hồi tháng 8-2015 ngay tại Sở thú này. Trong một ống nhựa phi 12 được đục nhiều lỗ, anh Hùng - một nhân viên chăm hổ - nhét vào đó tầm 2kg thịt bò, những đầu thịt thò ra đầy hấp dẫn. Một miếng thịt nhỏ khác được cột vào một đầu dây thừng, đầu dây còn lại xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách ngăn ra ngoài cho người chơi thử sức.Ông hổ tên Đực chồm lên xơi sạch số thịt trong ống, rồi lao vào miếng thịt cột ở đầu dây. Phía bên ngoài, sáu người lớn ra sức kéo co với Đực. Nhưng Đực chả tốn mấy sức, nó kéo phăng, xơi gọn miếng thịt và nhả đầu dây ra, cả sáu người đầu dây bên kia ngã sóng soài! Ảnh: Huy Thọ Tám con hổ ở đây (7 con giống Bengal, 5 vàng, 2 trắng; và 1 con hổ Đông Dương - tên Thảo, cũng chào đời tại Sở thú vào năm 2014) sống trong khuôn viên tuy đã được nới rộng song vẫn khá nhỏ: ngoài chuồng và sân chơi đang nuôi hai hổ trắng mới được xây dựng sau này có diện tích tầm 800m2 (20mx40m), hệ thống chuồng và sân chơi có từ xưa chỉ bằng khoảng 1/2.Sở thú Sài Gòn ra đời từ cách đây 157 năm, ngân sách nhà nước chả thấm vào đâu, đến độ hai năm nay, khi dịch bệnh khiến nguồn thu từ khách tham quan mất hẳn, nơi đây phải kêu gọi cộng đồng cùng cứu thú. Tags: Hổ Thảo Cầm ViênÔng ba mươiNuôi hổ
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.