Lộ trình cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014-2015 vẫn đang ở phía trước. Việc CPH hóa này không chỉ gặp thách thức về tiến độ, đạt hiệu quả cao trong thu hồi vốn nhà nước mà còn là làm sao để CPH có chất lượng, thay đổi được quản trị các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Rất nhiều ý kiến cho rằng cần giảm bớt vốn nhà nước trong Petrolimex, tăng sự hiện diện của tư nhân để doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn - Ành: THUẬN THẮNG Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, trong kế hoạch năm 2015, số DN cần phải hoàn thành CPH là 289 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tổng công ty lớn, các DN thuộc các tập đoàn kinh tế. Trong tổng số 432 DN phải CPH trong hai năm 2014-2015, chỉ có 143 DN đã CPH trong năm 2014. Vẫn còn hàng loạt khó khăn cản trở quá trình CPH... BÁN ÍT, TƯ NHÂN THAM GIA... CHO VUI Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh, bản chất CPH là để thay đổi cơ cấu, thay đổi hệ thống quản trị, mà muốn thay đổi thì điều quan trọng nhất là tỉ lệ tư nhân tham gia phải lớn hơn của Nhà nước. “Chứ CPH mà vẫn giữ 95% vốn nhà nước thì không thay đổi gì, tư nhân có tham gia cũng cho vui chứ không thể có bất cứ tiếng nói nào trong hội đồng quản trị” - ông Vinh nói. Theo ông Đặng Quyết Tiến - cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính, để đảm bảo tiến độ thực hiện CPH và sắp xếp DNNN, Bộ Tài chính cho biết thay vì phải mất nhiều thời gian xử lý, tính giá trị DN, theo quy định hiện hành, DN nào xác định được giá trị thì phải công bố ngay. Trường hợp chưa xác định được đủ giá trị, DN vẫn phải công bố phần đã xác định được và tiếp tục xử lý tài chính. Khi cáo bạch, DN phải nói là đang vướng ở đâu để nhà đầu tư biết. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng việc bán với tỉ lệ ít làm mất thời gian, không hiệu quả. Theo ông, “nên bán trên 51% hoặc 100% với những đơn vị trong lĩnh vực Nhà nước không cần nắm cổ phần”. Đồng quan điểm này, ông Đặng Quyết Tiến, cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, cho rằng chính vì chúng ta đặt mục tiêu CPH là nhằm thay đổi về chất, vì mục tiêu DN hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn nên phần vốn nhà nước sẽ giảm tối đa, thậm chí bán 100% vốn trong những ngành nghề, lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn. Còn đối với những ngành nghề quan trọng, tỉ lệ Nhà nước nắm tối đa cũng là vì mục đích này. Nhưng ông Tiến cũng cho rằng: “Quan điểm của chúng ta khi CPH là không phải bán DN bằng mọi giá, không phải vì chúng ta thiếu vốn. Như trường hợp Vietnam Airlines chuyển sang hoạt động công ty cổ phần và bán thận trọng là để DN này tìm cổ đông chiến lược - những người muốn đầu tư thật sự vào DN. Điều quan trọng nhất khi Vietnam Airlines chuyển sang công ty cổ phần là để sau này bán cổ phần dễ hơn. Sau khi CPH bán được 5% và khi tìm được nhà đầu tư chiến lược, chỉ cần hội đồng quản trị và đại hội cổ đông quyết định...”. Ông Phạm Đình Soạn, chuyên gia tài chính DN, đồng tình với việc tùy theo ngành nghề mà quyết định Nhà nước nắm giữ tỉ lệ bao nhiêu sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. “Nhưng nếu đa sở hữu mà Nhà nước vẫn nắm giữ tới 95% vốn thì việc thay đổi chất của DN là rất khó mạnh mẽ, nhất là ban lãnh đạo điều hành DN vẫn là những con người cũ. Cổ đông là người lao động, tổ chức công đoàn và các cổ đông khác lên đến vài trăm người nhưng cổ phần chỉ nắm giữ một vài phần trăm thì tiếng nói không có ảnh hưởng gì đến những quyết định của cổ đông lớn cả...” - ông Soạn thẳng thắn. Ông Nguyễn Đức Tặng, chuyên gia CPH, cho rằng: “Quan điểm của tôi là những DN nào mà Nhà nước nắm giữ dưới 50%, thậm chí 60% cổ phần thì cũng cần phải bán hết. Rất đơn giản là DN này không cần vốn của Nhà nước ở đây nữa, tư nhân đã làm tốt rồi”. Ông Tặng lấy ví dụ trường hợp Tổng công ty Công nghiệp ôtô VN vừa có thông tin bán 100% vốn nhà nước đã có một DN tư nhân đặt mua toàn bộ cổ phần. Có lập luận cho rằng chuyển sang mô hình công ty cổ phần là để thận trọng tìm nhà đầu tư chiến lược. Theo ông Soạn, cách nói này cũng đúng, nhưng ở góc độ thị trường, nhà đầu tư sẽ dè dặt bỏ vốn vào khi DN chưa minh bạch thông tin, khi vẫn chưa xác định xong giá trị DN. KÉM MỚI BÁN, AI MUA? Trao đổi với TTCT, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng bên cạnh quan điểm chỉ bán một phần nhỏ, hiện cũng đang tồn tại quan điểm DN kém mới bán đi vì lãnh đạo DN ngại sự thay đổi. “Nếu làm như vậy mục tiêu CPH để tái cơ cấu không đạt được vì không thay đổi được quản trị, vẫn bộ máy ấy, con người ấy, cách làm cũ... Hiệu quả sẽ tăng không tương xứng tiềm năng” - ông Thiên nói. Ông Thiên phân tích thêm rằng bán ít nhà đầu tư ít mua vì lo rủi ro DN thua lỗ, vì vậy nguồn lực nhà nước thu lại ít hơn. DN không đổi mới đủ mạnh sau CPH, lợi nhuận sẽ khó cao, thu ngân sách vì thế cũng chẳng bao nhiêu. Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2010 cả nước có 1.309 DNNN. Sau ba năm thực hiện CPH và sắp xếp, đến hết năm 2013 còn 949 DN. Trong hai năm 2014-2015, Chính phủ đặt ra mục tiêu sắp xếp và CPH 432 DN. Kết quả thực hiện trong năm 2014 đã sắp xếp và CPH được 143 DN, số còn lại là 289 DN sẽ phải tiếp tục thực hiện trong năm nay. Đến năm 2020 tiếp tục giảm, tinh gọn DNNN, chủ trương đặt ra là vốn nhà nước chỉ còn nắm giữ chính ở khoảng 200 DN. Vì vậy, theo ông Thiên, nên có cách làm, cách tư duy mới. Những ngành nào không cần Nhà nước chi phối nên bán mạnh. Đặc biệt, theo ông Thiên, với DN thua lỗ, nếu cứ thế bán đi có thể giảm hiệu quả. Nên tính đến việc nâng cấp lên để DN hoạt động tốt rồi bán (như cách làm của Mỹ khi hỗ trợ các DN, ngân hàng khó khăn, nguy cơ phá sản - PV). Cụ thể, như có DNNN thua lỗ, nợ nần nên tính toán từng trường hợp, nếu DN chỉ khó khăn tạm thời do nợ thì cần nghiên cứu rót vốn hỗ trợ giúp hoạt động hiệu quả hơn, tái cơ cấu rồi mới bán. Điều này sẽ giúp DN được định giá cao hơn, nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng mua hơn. “Đừng cứng nhắc việc bỏ tiền tái cơ cấu là lấy tiền ngân sách bù lỗ cho DN. DN phải bị trừng phạt vì làm ăn thua lỗ, nhưng phải rõ ràng trách nhiệm người làm thua lỗ với việc tái cơ cấu DN” - ông Thiên nói. Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng cơ chế, chính sách để CPH hiện nay cơ bản đã đủ, có thể vận dụng được để CPH mạnh. Vấn đề là thực hiện như thế nào vì “hiện chỉ mới thấy Bộ Giao thông vận tải thật sự nhiệt tình”. Để thúc đẩy CPH, ông Hải cho rằng cơ chế chính sách liên quan phải rõ ràng. Theo ông Phạm Lê Thanh - tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), EVN đã lập ban chỉ đạo CPH một tổng công ty phát điện, hiện nay vẫn đang xác định giá trị DN, nhưng đến tháng 12 mới trình được phương án CPH tổng công ty này. “Một tổng công ty phát điện có vốn rất lớn, quy mô vốn chủ sở hữu lên tới 20.000 tỉ đồng, chỉ có thể nhà đầu tư nước ngoài mới mua được”- ông Thanh nhận định. Ông Hải cho rằng không lo chuyện tư nhân không thể mua cổ phần trong DN có vốn lớn, quan trọng là chính sách, nguyên tắc giá phải rõ ràng... Bởi khi CPH các nhà máy điện, nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đã bị lỗ khi giá điện tăng nhưng giá cho các nhà máy điện đã CPH không tăng tương ứng. “Cần lộ trình và phương pháp tính giá rõ ràng” - ông Hải nói. NGÂN HÀNG NÊN CHO VAY ĐỂ ĐẤU GIÁ MUA CỔ PHẦN NHÀ NƯỚC Quý 1-2014, thoái vốn qua thị trường chứng khoán tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay có phương thức bán trọn lô (bán một lô toàn bộ), hình thức này rất quan trọng vì nó giúp thay đổi quản trị, nhà đầu tư bỏ tiền ra thì khi vào điều hành DN sẽ thay đổi cách thức sản xuất. Các bộ nên cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Làm sao để có đấu giá giữa các cổ đông chiến lược. Lịch CPH, đấu giá cần rõ ràng hơn nữa để nhà đầu tư chủ động lựa chọn. Công bố thông tin sớm hơn sẽ thu hút vốn tốt hơn. Hiện nay có tình trạng đấu giá cổ phần xong nhưng mãi mới đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư đọng vốn, không kinh doanh được. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho vay tham gia đấu giá CPH. Doanh nghiệp CPH xong không đưa vào giao dịch cần có biện pháp chế tài. Ông VŨ BẰNG (chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước) Tags: Cổ phần hóa
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.