Xả rác bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu

BÌNH MINH 15/07/2025 14:52 GMT+7

TTCT - PAYT là chính sách buộc người dân phải trả phí dựa trên lượng rác họ vứt đi, vì thế còn được gọi bằng các tên khác như "giá biến đổi theo lượng rác" hay "trả tiền theo mức độ lãng phí".

Xả rác - Ảnh 1.

Vứt rác theo túi PAYT tại Plympton. Ảnh: Sở Bảo vệ môi trường Massachusetts

"Xả rác bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu" (Pay As You Throw, PAYT) được đánh giá là một trong những công cụ hiệu quả nhất của chính quyền địa phương để giảm lượng rác thải, kiểm soát chi phí xử lý chất thải và tạo động lực cho cư dân tham gia các chương trình tái chế, có thói quen tiêu dùng bền vững. Nhưng có dễ nhân rộng mô hình?

Trang Grist ngày 23-6 kể chuyện thị trấn nhỏ Plympton (bang Massachusetts, Mỹ) cắt giảm được 305 tấn rác thải mỗi năm bằng cách buộc mọi người phải trả tiền cho những gì họ vứt bỏ. 

Chỉ mới vài năm trước, rác nhiều tới mức trạm trung chuyển của Plympton không thể tiếp tục hoạt động. Những thay đổi tích cực này đã mang lại nhiều bài học lý thú cho cả lãnh đạo lẫn người dân thị trấn, và có lẽ là nhiều nơi khác nữa.

Người dân và chính quyền đều tiết kiệm hơn

Theo Grist, với cách làm cũ, cư dân phải mua một chiếc tem dán (sticker) với giá 240 USD và dán lên xe hơi, như một "vé vào cổng" để dùng bãi rác suốt cả năm, vứt bao nhiêu rác tùy thích. Nhưng lượng rác khổng lồ, cộng với chi phí chôn lấp tăng cao, đã khiến dịch vụ này tiêu tốn của chính quyền địa phương gần gấp đôi số tiền thu vào.

Một giải pháp là tăng gấp đôi giá tem sử dụng bãi rác, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người dân có thu nhập thấp ở Plympton và không công bằng với những hộ gia đình nhỏ - như người cao tuổi - vốn thải ra rất ít rác. Vì vậy, thị trấn với khoảng 3.000 cư dân này đã quyết định thử một điều mà họ thấy vài nơi khác đã làm: thu phí theo túi rác.

"Cách này gần như giúp cắt giảm một nửa lượng rác thải" - Rob Firlotte, giám đốc Sở giao thông công chánh Plympton, nói về kết quả đạt được. Năm 2022, trước khi áp dụng hệ thống mới, thị trấn đã thải ra 640 tấn rác. Năm ngoái, con số đó chỉ còn 335 tấn. "Người dân chuyển sang tái chế nhiều hơn, vì như vậy họ tiết kiệm được tiền"- Firlotte nói.

Viết trên The Conversation, Lily Baum Pollans, phó giáo sư chính sách đô thị và quy hoạch Đại học Hunter College (Mỹ), cho biết PAYT là chính sách buộc người dân phải trả phí dựa trên lượng rác họ vứt đi, vì thế còn được gọi bằng các tên khác như "giá biến đổi theo lượng rác" hay "trả tiền theo mức độ lãng phí". Theo Pollans, tính đến tháng 1-2022 có hơn 7.000 thành phố và thị trấn ở Mỹ áp dụng chính sách này, cùng với nhiều đô thị trên toàn thế giới.

Tại các thành phố lớn, cư dân được yêu cầu mua túi rác đặc biệt hoặc tem dán riêng cho mỗi túi rác, để họ phải trả phí riêng cho từng túi. Ở một số nơi khác, người dân cần đăng ký một mức dịch vụ thu gom cố định, và không được để vượt quá lượng rác đã đăng ký ngoài lề đường.

Xả rác - Ảnh 2.

Tất cả rác thải được đưa ra để thu gom ở thành phố Waterville, Maine phải được đựng trong túi PAYT (57 lít, 1,63 USD) màu tím này.

Khi phải trả tiền trực tiếp cho dịch vụ rác, các hộ gia đình có xu hướng nhanh chóng giảm lượng rác thải ra. Muốn vậy họ buộc phải cắt giảm tiêu dùng, thay đổi thói quen mua sắm sang hướng bền vững hơn, hoặc tái chế và ủ phân nhiều hơn. Lợi đủ đường - túi tiền của dân, ngân sách địa phương và cả môi trường.

Trở lại thị trấn Plympton, sticker sử dụng bãi rác giảm giá còn 65 USD/cái, nhưng người dân phải mua túi rác có đánh dấu đặc biệt, được định giá theo kích thước: 1,25 USD cho túi khoảng 57 lít, 2,50 USD cho túi khoảng 125 lít. Nghĩa là hộ gia đình chỉ thải ra một túi rác nhỏ mỗi tuần sẽ chỉ phải trả 130 USD mỗi năm, ít hơn 350 USD so với việc Plympton tăng gấp đôi giá tem bãi rác. 

Thị trấn cho biết họ đã cắt giảm hóa đơn xử lý rác khoảng một nửa, tiết kiệm được khoảng 65.000 USD mỗi năm. "Chúng tôi đã đi từ thâm hụt đến mức hòa vốn" - Firlotte cho biết.

Plympton không phải là trường hợp thành công duy nhất. Theo Sở Bảo vệ môi trường Massachusetts, gần một nửa trong số 351 thành phố và thị trấn của bang này đã áp dụng một hình thức của mô hình "trả tiền theo lượng rác thải". Năm 2023, những nơi áp dụng PAYT đã thu gom ít rác hơn khoảng 1/3, tương đương gần 233kg mỗi hộ gia đình.

Một nghiên cứu năm 2018 ở bang New Hampshire cho thấy sự khác biệt rõ rệt tương tự. "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu xử lý rác thải phản ứng rất mạnh với giá cả. Nếu tăng giá xử lý rác, người dân sẽ tìm mọi cách giảm lượng rác" - John Halstead, tác giả nghiên cứu và là giáo sư kinh tế môi trường đã nghỉ hưu tại Đại học New Hampshire, cho biết.

Mức độ chấp nhận của công chúng

Có ba cách chính để tạo ra ít rác hơn - giảm rác từ đầu, chuyển hướng sang tái chế hoặc ủ phân thay vì chôn lấp. Trả tiền theo túi rác khuyến khích tất cả các lựa chọn này, đồng thời giúp tiếp cận những người nằm ngoài nhóm "tâm huyết" - tức những người vốn đã quen với việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Một trong những yếu tố then chốt để áp dụng PAYT thành công là phải bảo đảm các lựa chọn thay thế cho bãi rác - như tái chế và ủ phân - hoạt động thật hiệu quả. "Cần phải thực sự giúp các hộ gia đình giảm lượng rác của họ một cách dễ dàng" - Linda Breggin, luật sư cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Environmental Law Institute (Viện Luật môi trường), nói. 

Ngoài việc tiết kiệm tiền, bà cũng lưu ý rằng giảm lượng rác thải còn giúp giảm phát thải khí nhà kính từ bãi chôn lấp hoặc lò đốt, đồng thời tăng nguồn cung nguyên liệu tái chế, từ đó giảm việc khai thác nguyên liệu thô. "Ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích phụ" - Breggin nói.

Tuy vậy, thay đổi thường vấp phải phản đối. Các công ty thu gom rác thường thích sự đơn giản của hình thức thu gom rác số lượng lớn, dù phải dừng xe hàng trăm lần trước cửa các gia đình. 

Nhiều công ty trong số này cũng sở hữu các bãi chôn lấp thu phí theo tấn. Còn đối với cư dân, một khoản phí xử lý rác từng được gộp trong thuế giờ đột ngột trở thành khoản chi phí hiển hiện rõ ràng.

Xả rác - Ảnh 3.

Tháng 6-2025, một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp và Đức đăng trên tạp chí Journal of Environmental Management nhấn mạnh việc triển khai các chương trình PAYT có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm lượng rác thải ở cấp độ đô thị. Yếu tố then chốt để triển khai chương trình PAYT là sự chấp nhận của công chúng.

Nhóm thực hiện nghiên cứu tại một khu đô thị cỡ trung ở Pháp, trong bối cảnh đang có các cuộc thảo luận công khai về việc chuyển đổi từ mô hình thu phí cố định sang mô hình PAYT. Họ phát hiện các hình thức truyền thông giúp lý giải cho sự chuyển đổi từ mô hình thu phí cố định sang mô hình PAYT sẽ làm tăng mức độ chấp nhận của công chúng.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng khi nhấn mạnh việc các hộ gia đình phải chịu trách nhiệm tài chính đối với lượng rác mà họ tạo ra, điều đó lại đặc biệt hiệu quả để làm tăng mức độ ưa thích chương trình PAYT. Trong khi đó, việc kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường không cho thấy bất kỳ tác động đáng kể nào, trừ nhóm người tham gia có trình độ học vấn cao.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra tác động của các hình thức kêu gọi thay đổi theo các đặc điểm nhân khẩu học - xã hội. Hình thức kêu gọi trách nhiệm tài chính đặc biệt hiệu quả đối với nhóm người trẻ, giàu có và có trình độ học vấn cao. Kết quả liên quan đến độ tuổi khá bất ngờ vì các nghiên cứu trước đây về quản lý rác thải cho thấy người lớn tuổi có xu hướng quản lý rác hiệu quả hơn.

Một lập luận thường thấy từ phía những người nghi ngờ PAYT là cách này có thể dẫn đến hành vi xả rác bất hợp pháp. Nhưng theo Lisa Skumatz, chủ tịch công ty chuyên về năng lượng, tái chế và phát triển bền vững Skumatz Economic Research Associates, trong khoảng 1.000 thị trấn công ty khảo sát, chỉ 1/4 ghi nhận sự gia tăng tình trạng này nhưng chỉ kéo dài khoảng ba tháng. Sau sáu tháng, người dân thực sự thích PAYT hơn hệ thống cũ. "Nhưng thật sự rất khó để nhiều cộng đồng vượt qua giai đoạn đầu" - bà thừa nhận.

Tại Plympton, ngay từ đầu, chính quyền đã cẩn trọng trong việc ngăn chặn tình trạng xả rác trái phép hoặc làm bẩn hệ thống tái chế, nên tình trạng gian lận hầu như không xảy ra. Theo Firlotte, người dân Plympton cũng có chút phàn nàn ban đầu nhưng không nhiều, vì nếu không thì giá tem sẽ phải tăng gấp đôi.

Người cao tuổi đặc biệt hào hứng với cách tiếp cận mới này, bởi họ thường tạo ra rất ít rác. Theo The Conversation, nhiều cộng đồng cũng cung cấp túi rác miễn phí hoặc giảm giá cho người cao tuổi và người có thu nhập thấp, và hầu hết đều giữ mức phí tái chế thấp hơn so với phí xử lý rác thải thông thường.

Dù hiện không có dữ liệu quốc gia mới nhất về PAYT, Skumatz Economic Research Associates ước tính khoảng 1/4 dân số Mỹ hiện có quyền tiếp cận với một hình thức thu phí theo lượng rác thải nào đó, không chỉ mô hình dùng túi có nhãn dán như ở Plympton, mà còn các chương trình định giá theo kích cỡ thùng rác như ở Denver và Seattle. Tất cả các cộng đồng ở bang Oregon đều có thể tiếp cận một dạng của PAYT, và Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) có một dự luật mẫu mà những nơi khác có thể dùng nếu muốn áp dụng thử.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận