Thời "không đèn": từ nhà máy đến kho hàng

HẠ LAM 15/07/2025 14:47 GMT+7

TTCT - Trong cuộc đua tốc độ, năng suất và lợi thế cạnh tranh, từ cửa hàng đến nhà máy, từ New York đến Bắc Kinh, một xu hướng đang hiện rõ: thương mại và sản xuất không biến mất, nhưng đang âm thầm thay da đổi thịt, lùi khỏi tầm mắt con người.

robot làm việc - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng “tắt đèn”. Ảnh: magestore.com

Trong khi Trung Quốc tự hào với các "nhà máy không đèn" (dark factory), nơi robot làm việc ngày đêm không cần ánh sáng, các nhà bán lẻ Mỹ cũng thử nghiệm mô hình "cửa hàng tắt đèn" (dark store) để vận hành nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo báo USA Today ngày 27-6, cửa hàng "tắt đèn" đầu tiên của gã khổng lồ bán lẻ Walmart được đặt tại Dallas (Texas), hoạt động âm thầm như một nhà kho thu nhỏ nằm giữa thành phố - không biển hiệu, không khách ra vào, không giỏ hàng lăn bánh giữa các kệ. Một điểm tương tự cũng đang được chuẩn bị tại Bentonville (Arkansas), nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn.

Các cửa hàng đặc biệt này được thiết kế gần giống siêu thị truyền thống, nhưng loại bỏ hoàn toàn yếu tố tiếp xúc với khách hàng. Bên trong vẫn có đủ các mặt hàng quen thuộc, chủ yếu là các sản phẩm được đặt mua nhiều nhất qua kênh online, nhằm rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng và đẩy nhanh tốc độ giao. Thay vì người tiêu dùng, đối tượng thường xuyên ra vào những cửa hàng này là nhân viên đóng gói và đội ngũ giao hàng trên xe đạp điện.

Walmart không phải là cái tên duy nhất theo đuổi mô hình này tại Mỹ. Theo tạp chí Wired, các chuỗi siêu thị như Whole Foods đã từng bước chuyển một số cửa hàng sang phục vụ duy nhất các đơn online. 

Các startup đến từ châu Âu như Gorillas, Getir, Jokr, Buyk hay GoPuff cũng đang đồng loạt tràn vào thị trường Mỹ, mở hàng trăm dark store chỉ trong vài năm ngắn ngủi. 

Riêng tại New York, hơn 110 địa điểm như vậy đã đi vào hoạt động, phân bố khắp 5 quận. Trong số này, không ít nằm trên các trục phố lớn, nơi từng là mặt bằng của tiệm giặt ủi, cửa hàng bách hóa, phòng tập gym hay tiệm bánh quen thuộc của cả khu phố.

Trào lưu cửa hàng "tắt đèn" hay những mô hình gần giống vậy đang lan ra toàn cầu như lẽ tất yếu trong quá trình chuyển mình của thương mại điện tử. 

Tại Nigeria, quốc gia có hạ tầng giao thông phức tạp và chi phí vận chuyển chặng cuối chiếm đến 40% tổng quá trình logistics, các doanh nghiệp đang ồ ạt thiết lập kho hàng nhỏ gọn, đặt ngay trong đô thị để rút ngắn thời gian giao từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ; một số tận dụng tầng hầm siêu thị, mặt bằng bỏ trống của trung tâm thương mại hay không gian cửa hàng không còn hoạt động để chuyển đổi thành kho đóng gói tự động. 

Tại Ấn Độ, báo cáo từ Savills ghi nhận làn sóng bùng nổ mặt bằng thuê cho dark store tại các đô thị lớn như Mumbai, Pune, Bengaluru và Chennai kể từ sau đại dịch COVID-19. Các mặt bằng này chủ yếu nằm ở tầng trệt, diện tích từ 300 đến 800 m² - vốn từng là các cửa hàng bán lẻ, văn phòng nhỏ hay nhà hàng. 

Hợp đồng thuê thường kéo dài 2 - 3 năm, đặt cọc linh hoạt, thời gian cam kết ngắn - tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng hoặc rút lui khi cần. Mô hình dark store đang lan dần đến cả các thành phố cấp II và III, nơi thương mại điện tử không chỉ phục vụ người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp địa phương với nhu cầu giao hàng bán buôn (B2B) tức thời.

Mô hình "cửa hàng tắt đèn" mang lại một lời giải rõ ràng cho bài toán chi phí, tốc độ và hạ tầng đô thị đang quá tải, song nó cũng đang âm thầm thay đổi diện mạo của các khu phố. 

Tại New York, ngày càng nhiều mặt tiền từng là nơi tương tác cộng đồng - từ tiệm tạp hóa, hiệu thuốc đến quán cà phê góc phố - dần được thay thế bằng những không gian mờ đục, đóng kín, chỉ còn bảng hiệu gấp gọn bên ngoài kêu gọi tải app. Cộng đồng mất đi nơi gặp gỡ tự nhiên, đường phố trở nên đơn điệu, thiếu nhịp sống vốn có. 

Một số nhà quy hoạch lo ngại nếu các mặt bằng như vậy xuất hiện quá dày đặc, chúng có thể khiến cả dãy phố vắng đi sự kết nối giữa người với người, cũng như ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thực phẩm của những người không dùng smartphone và thẻ tín dụng.

Trong cuộc đua tốc độ, năng suất và lợi thế cạnh tranh, từ cửa hàng đến nhà máy, từ New York đến Bắc Kinh, một xu hướng đang hiện rõ: thương mại và sản xuất không biến mất, nhưng đang âm thầm thay da đổi thịt, lùi khỏi tầm mắt con người. Và đôi khi, sự vắng mặt lại là biểu hiện rõ ràng nhất của sự hiện diện.

Trang news.com.au cho biết tại quận Trường Bình, Bắc Kinh, nhà máy thông minh thế hệ mới của Xiaomi đang vận hành trong bóng tối gần như hoàn toàn (ngoại trừ vài tia lửa lóe lên khi các bộ phận được hàn lại với nhau và ánh sáng le lói từ các thiết bị), không có công nhân, không có ca đêm - chỉ có robot và trí tuệ nhân tạo làm việc không ngừng nghỉ.

Với diện tích hơn 81.000m² và vốn đầu tư 330 triệu USD, nhà máy này có thể xuất xưởng một chiếc điện thoại mỗi giây. Từ khâu nhập nguyên liệu, lắp ráp linh kiện cho đến đóng gói sản phẩm, mọi công đoạn đều do máy móc đảm nhiệm. Không có giờ nghỉ trưa, không có sai sót do con người. Một hệ thống AI tự phát triển sẽ liên tục giám sát quy trình và can thiệp tức thời nếu có lỗi xảy ra.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận