Hướng dẫn đóng BHXH bắt buộc cho chủ hộ kinh doanh
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm cả chủ hộ kinh doanh cá thể. Dưới đây là thông tin chi tiết về mức đóng, phương thức đóng BHXH, cách đăng ký tham gia, những lưu ý quan trọng người dân cần biết.
1. Mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh được tính thế nào?
Theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH 2024, mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh cá thể là 25% tiền lương (gồm 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất).
Về căn cứ đóng, chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó mức thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng (tức 20 x 2,34 triệu đồng = 46,8 triệu đồng). Hiện hành mức tham chiếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng.
Do đó mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất là 25% x 2,34 triệu đồng = 585.000 đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất là 25% x 46,8 triệu = 11,7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó còn có tỉ lệ tham gia BHYT là 4,5%. Tổng tỉ lệ tham gia là 29,5%, tức mức đóng tổng thấp nhất khoảng 690.300 đồng/tháng.
Người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng linh hoạt: hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần tùy điều kiện kinh doanh.
2. Xác định đối tượng đóng BHXH bắt buộc thế nào?
Theo cơ quan BHXH, việc xác định chủ hộ kinh doanh thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc căn cứ vào phương thức kê khai thuế, theo đó:
- Nếu là phương pháp kê khai, chủ hộ kinh doanh sẽ thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc,
- Nếu là hình thức nộp thuế khác thì sẽ tham gia BHXH bắt buộc từ 1-7-2029.
Các cơ quan BHXH sẽ phối hợp với ngành thuế để rà soát danh sách và vận động tham gia đúng đối tượng. Trường hợp chủ hộ đã tham gia BHXH tự nguyện trước đó, phần tiền đóng trùng khi chuyển sang bắt buộc sẽ được hoàn trả.
3. Cách đăng ký tham gia BHXH bắt buộc ra sao?
Hồ sơ đăng ký gồm:
- Trường hợp tự nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH: Tờ khai đăng ký tham gia BHXH của người lao động.
- Trường hợp nộp qua người sử dụng lao động: Tờ khai đăng ký tham gia BHXH của người sử dụng lao động + Danh sách người lao động tham gia BHXH.
Lưu ý: Thực hiện nộp hồ sơ theo quy định cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
4. Không đóng BHXH bắt buộc, chủ hộ kinh doanh bị xử phạt thế nào?
Trường hợp chủ hộ kinh doanh không tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc diện bắt buộc thì có thể bị xử phạt hành chính từ 18% đến 20% trên tổng số tiền phải đóng, tính tại thời điểm bị lập biên bản. Tuy nhiên, mức phạt tối đa không vượt quá 75 triệu đồng nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, mức phạt sẽ nặng hơn, dao động từ 50 đến 75 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm nhưng vẫn chưa đến mức xử lý hình sự.
Ngoài khoản phạt, chủ hộ vi phạm còn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau:
- Nộp đủ số tiền bảo hiểm còn thiếu cho cơ quan BHXH.
- Nộp tiền lãi phạt áp dụng cho phần chậm hoặc trốn đóng (mức tiền lãi phạt bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế).
Nếu không tự nguyện thực hiện, ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước có thể trích trực tiếp từ tài khoản của chủ hộ để thu hồi số tiền nợ, cộng với lãi suất không kỳ hạn cao nhất tại thời điểm xử phạt (trường hợp vi phạm từ 30 ngày trở lên).
Xem thêm: Cha mẹ cho tặng đất đai, nhà cửa cho con cái có phải nộp thuế không?
Xem thêm: Trường hợp công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận