TTCT - Với giá thu mua ớt hơn 30.000 đồng/kg như hiện nay, ớt đang đem lại cuộc sống khấm khá cho nông dân. Đó là thực tế ở các huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Phóng to Niềm vui được mùa và được giá của người dân trồng ớt ở xã Bình Ninh - Ảnh: Mễ Thuận Ở các xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) và Bình Ninh (Chợ Gạo) hiện nay đi đâu cũng thấy những vườn ớt lớn nhỏ mọi độ tuổi. Anh Nguyễn Chí Hiếu (ấp Thành Thới, xã Vĩnh Hựu) trước đây trồng đủ thứ hoa màu trên 1ha ruộng của gia đình. Hết trồng lúa, anh chuyển qua trồng dưa, đậu phộng, đậu bắp, rồi lại quay về trồng lúa. Loay hoay như thế anh vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2008, anh Hiếu quyết định trồng ớt sau một vụ liều trồng thử và trúng lãi. Thế là bốn năm qua, anh cải tạo toàn bộ diện tích 1ha đất ruộng của gia đình chuyển sang trồng ớt. Từ thoát nghèo đến làm giàu Theo tính toán của anh Hiếu, tuy giá ớt mỗi mùa, mỗi năm có trồi sụt nhưng chỉ cần đạt trung bình 15.000-20.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi hơn 100 triệu đồng/năm, cao gấp đôi các loại hoa màu khác. Anh cho ví dụ khi trồng 1ha dưa hấu với mức giá đạt dao động 10.000-11.000 đồng/kg, người trồng dưa chỉ có thể lãi 50 triệu đồng/năm. “Còn mấy bữa nay ớt đang được tiểu thương mua với giá 50.000 đồng/kg thì người trồng ớt trong vụ mùa cuối năm nay có lãi gấp cả chục lần trồng các loại hoa màu khác. Nếu giá ớt cứ giữ như vậy đến hết năm thì bà con chúng tôi có thêm một cái tết khấm khá rồi. Năm ngoái cũng nhờ ớt mà gia đình tôi cất được căn nhà tường mới đó” - anh Hiếu chia sẻ. Thấy việc trồng ớt của nhiều hộ dân có lãi cao, bà Võ Thị Bạch Tuyết (ấp Hòa Phú, xã Bình Ninh) đã gọi hai đứa con đang làm việc trên thành phố về giúp cải tạo chuyển 3 công ruộng lúa sang trồng ớt. Khi chứng kiến cây ớt thật sự mang lại thu nhập cao, các con bà Tuyết thậm chí còn thuê mướn đất ruộng của các hộ dân lân cận để trồng ớt với quyết tâm làm giàu từ cây gia vị này. Hiện diện tích ớt gần 1,3ha của cả gia đình bà Tuyết đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa ớt cận tết này sẽ bội thu. Theo phân tích của người dân trồng ớt, công sức cải tạo từ đất ruộng trồng lúa thành đất ruộng trồng ớt khá gọn nhẹ. Chỉ cần thực hiện một lần là có thể sử dụng đến 5-6 năm. Các mùa vụ tiếp theo chỉ cần bồi thêm lớp bùn, phân hữu cơ lên các luống đất đã cải tạo. Theo kinh nghiệm của mình, bà Tuyết cho rằng khâu quan trọng nhất là phải xuống giống đúng mùa vụ sao cho tránh được mùa bão lúc cây còn non, tránh mù sương lúc cây trổ hoa. Anh Nguyễn Minh Quân (ấp Mỹ Hòa, xã Bình Ninh) bắt tay vào nghề trồng ớt mới được hai năm nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp địa phương nên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho riêng mình. Anh cho biết cây ớt thường mắc một số bệnh khá phức tạp như thúi cây, héo lá xanh, gỉ sắt, sán thư, nổ trái… Với các bệnh này hiện đều có thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, chỉ cần người trồng chịu khó theo dõi, xử lý và phun thuốc điều trị kịp thời là cây ớt phát triển cho năng suất ổn định. Với riêng anh Quân, cây ớt đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Đất ruộng gia đình chỉ có 1,3 công (1.300m2), nhiều năm qua vợ chồng anh chỉ trồng lúa trên diện tích này nên sinh kế gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng anh phải làm thuê làm mướn đủ thứ việc. “Thế nhưng từ hai năm nay, sau khi chuyển sang trồng cây ớt trên toàn diện tích này, thu nhập của gia đình tôi mỗi năm có khi đạt đến 50 triệu đồng. Cũng từ đó đến nay vợ chồng tôi không còn phải đi làm mướn như trước, chỉ lo chăm sóc ruộng ớt mà vẫn đủ tiền nuôi hai con đang học lớp 6 và lớp 3 ăn học đàng hoàng” - anh Quân phấn khởi cho biết. Phóng to Nhờ chuyển qua trồng ớt trên diện tích 1,3 công ruộng, gia đình anh Nguyễn Minh Quân (xã Bình Ninh, Chợ Gạo) đã thoát cảnh nghèo - Ảnh: Mễ Thuận Hướng đến chuyên canh Theo số liệu từ phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn của hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây, tổng diện tích đất trồng ớt ở hai địa phương này lên đến hơn 900ha, chủ yếu tập trung ở hai xã Bình Ninh (Chợ Gạo) và Vĩnh Hựu (Gò Công Tây). Tuy đánh giá cao giá trị của cây ớt mang lại, nhưng chính quyền địa phương hai huyện này chủ trương không phát triển diện tích ớt theo chiều rộng mà tập trung nâng cao năng suất, bởi cây ớt chỉ phù hợp với vùng đất cao, pha cát. Năm 2010-2011, huyện Gò Công Tây đã tổ chức hai lớp dạy nghề trồng ớt cho nông dân xã Vĩnh Hựu. Nhiều người đã nắm được kỹ thuật trồng ớt từ khâu làm đất, chọn giống, gieo hạt, trồng cây con, chăm sóc và thu hoạch. “Sau khóa học, tôi thấy mình học được cái quan trọng nhất là biết cách bón phân cân đối, tiết kiệm chi phí sản xuất và biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả…” - anh Hiếu nói. Theo ông Trần Văn Hòa, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, hiện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đang phối hợp triển khai mô hình “Ứng dụng vi sinh vật có ích để sản xuất cây ớt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP” tại xã Bình Ninh. Mô hình này nhằm giúp người trồng ớt tại vùng sản xuất ớt tập trung giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất. Bên cạnh đó, công tác thủy lợi nội đồng cũng được địa phương thực hiện tốt nên dù đã bước vào mùa khô mà nguồn nước phục vụ mùa vụ ớt vẫn đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, nhận định: “Từ hiệu quả thực tế của nghề trồng ớt bước đầu còn mang tính tự phát trong dân, chúng tôi khuyến khích người dân hình thành vùng luân canh cây ớt xen cây lúa và các hoa màu khác nhằm hạn chế rủi ro cho người dân một khi giá ớt trồi sụt thất thường... Các giống ớt như ớt tên lửa, ớt Chánh Phong vẫn sẽ là những giống ớt thế mạnh vì phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Có thể nói cây ớt đang là một trong những cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo hiệu quả nhất”. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thế - chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), với năng suất đạt 10-12 tấn/ha/vụ và mức giá ớt đang đạt 48.000-50.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng ớt có thể thu được 500-600 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mức lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ (một năm canh tác hai vụ). Tuy nhiên, giá ớt hiện nay chủ yếu phụ thuộc thị trường xuất khẩu qua các nước Thái Lan, Campuchia chứ tiêu thụ trong nước không đáng kể nên không có tính ổn định cao. Vì vậy người dân cần phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư trồng mới. Tags: Phóng sựLàm giàuThoát nghèoCây ớtChuyên canh
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới NGỌC ĐỨC 24/01/2025 Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.
Đã giải tỏa kẹt xe kéo dài từ 3h sáng trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết kẹt xe kéo dài. CSGT đã điều tiết một phần phương tiện sang quốc lộ 1 để giải tỏa, đến 6h sáng nay xe cộ đã có thể lưu thông bình thường.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, ùn ứ chiều tối tới nửa đêm mới giải tỏa LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM trong ngày không kịp xử lý.