TTCT - Thông qua các hoạt động đọc sách kết hợp vui chơi và vận động, nhiều đứa trẻ tiến bộ trông thấy về đọc hiểu, bắt đầu biết phân tích, so sánh, phản biện và trình bày suy nghĩ mạch lạc. “Đó là cách thuyết phục phụ huynh tốt nhất” - TS Nguyễn Thụy Anh, người đang phụ trách Câu lạc bộ Đọc sách cùng con ở Hà Nội, chia sẻ với TTCT. TS Nguyễn Thụy Anh giao lưu với học sinh THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội về chủ đề "Đọc sách là tự học". Ảnh: Trà MyMột số đơn vị tư nhân bắt đầu tổ chức các hoạt động đọc sách cho trẻ em theo nhóm, chị nhìn nhận sao về những hoạt động này?- Điều này tuyệt vời! Trong thời công nghệ và văn hóa nghe nhìn lên ngôi như bây giờ, đọc sách không thể “cô đơn” nữa. Cần những “cộng đồng đọc” nho nhỏ để cổ vũ nhau, hỗ trợ nhau, cùng giữ niềm vui đọc. Đây cũng là cách thiết thực khiến việc đọc sách không trở thành phong trào bề nổi, hô hào, tuyên ngôn mà mỗi một đứa trẻ - một người đọc tiềm năng - thật sự được quan tâm, chăm sóc, giúp nuôi dưỡng bền bỉ tình yêu đối với sách và thế giới văn chương. CLB Đọc sách cùng con của chúng tôi 9 năm nay cũng làm việc này với mô hình từng nhóm đọc nho nhỏ, kiên nhẫn.Phụ huynh có đang chú ý hơn về việc tạo thói quen cho con đọc sách, theo quan sát của chị?- Có, tôi thấy điều này từ cách đây 10 năm. Các bố mẹ hiện đại ngày càng quan tâm hơn đến việc chăm cho con đọc. Đương nhiên, trong đó vẫn có nhiều bố mẹ lo lắng đối mặt với những nguy hiểm tiềm ẩn của các thiết bị công nghệ, mạng xã hội nên tìm cách hướng con đọc sách chứ chưa thực sự chia sẻ được với con hoạt động này.Riêng ở CLB Đọc sách cùng con, tôi vui mừng thấy có rất nhiều phụ huynh đến tham dự các buổi đọc sách với các con, thường xuyên lựa chọn sách theo giới thiệu của CLB, tìm hiểu các phương pháp khuyến khích và trau dồi kỹ năng đọc của cả gia đình để việc đọc dần trở thành nhu cầu tự thân của mỗi thành viên trong gia đình.Những người tìm đến hoạt động đọc sách nhóm có nhiều không? Đối tượng tham gia là ai?- Riêng trong quan sát của tôi, có hai nhóm lứa tuổi tích cực đến với hoạt động đọc nhóm: các bạn nhỏ từ 4-5 tuổi đến 10 tuổi; và các bạn trẻ 15-18 tuổi. Đó là những nhóm tuổi có thể chia sẻ với nhau nhiều niềm vui, mối quan tâm chung, nhiều đam mê, chưa bị những câu chuyện cơm áo gạo tiền cuốn đi. Đối với lứa tuổi nhỏ thì cần có người hỗ trợ, hướng dẫn. Các bạn trẻ thì có thể chủ động tạo nhóm, CLB cùng nhau như một hoạt động giao lưu xã hội.Những đề xuất của chị đến phụ huynh để việc đọc của các bé được ưu tiên ngang các “kỹ năng” khác?- Đề xuất đầu tiên giản dị là các phụ huynh, các thầy cô, những người lớn hãy cho trẻ thời gian đọc sách, đừng để bài vở thi cử chiếm trọn thời gian sống của trẻ. Ngoài giờ học, trẻ cần được vận động và... đọc.Hãy có ý thức hỗ trợ việc đọc của trẻ bằng cách tạo không gian thoải mái, dễ chịu cho trẻ khi đọc, xây dựng chăm sóc tủ sách, cùng giúp trẻ lên kế hoạch đọc về danh mục sách và thời gian đọc, và cuối cùng là quan tâm chi tiết tới nội dung đọc thông qua việc cùng đọc diễn cảm, đố vui về nhân vật, đặt câu hỏi phản biện, chia sẻ tâm tình, khơi gợi kết nối thông tin từ sách đến cuộc sống...Kỹ năng đọc, khai thác hiệu quả nội dung sách là kỹ năng quan trọng. Nó không chỉ giúp việc đọc có hiệu quả mà còn làm sắc sảo thêm các thao tác tư duy của trẻ, tạo phông cảm xúc tích cực và phông tri thức cho mỗi người. Có câu chuyện nào thú vị từ việc đọc sách trong câu lạc bộ mà chị muốn chia sẻ?Ở CLB Đọc sách cùng con, chúng tôi lựa chọn cách đọc trích đoạn và tạo các trò chơi, nhiệm vụ với những trích đoạn ấy. Thậm chí, chúng tôi không hạn chế ở các tác phẩm chỉ dành cho thiếu nhi mà các tác phẩm kinh điển, các tác phẩm được cho là dành cho người lớn đều được lựa chọn những đoạn có thể tạo cảm giác, ấn tượng cho độc giả nhỏ tuổi ở nhiều nhóm tuổi, đặc biệt là tuổi mới lớn.Và thậm chí, cả các tác phẩm thơ. Việc đọc thơ là một thách thức, đặc biệt là những bài thơ kinh điển. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm nhấn, tìm ra nó là cả bài thơ được tiếp nhận nồng nhiệt không ngờ. Tôi đọc “Bông hoa nhỏ” của A. Pushkin cho bọn trẻ bằng cách kể câu chuyện Pushkin nhặt được bông hoa giữa trang sách và trong đầu nảy ra rất nhiều câu hỏi. Các bạn trẻ thi nhau đặt câu hỏi và tưởng tượng về bông hoa. Cuối cùng, khi bài thơ vang lên, chúng nghe chăm chú, mắt long lanh, và... vỗ tay nhiệt tình cho một tác phẩm trữ tình của một nhà thơ ở nước Nga xa xôi. Nhiều ánh mắt đã mơ màng hơn. Nhiều gương mặt có vẻ suy tư hơn. Có nhiều em sau giờ học còn tìm trên mạng bản dịch khác của bài thơ, hôm sau đề nghị tôi đọc để so sánh...Cũng như vậy với những tác phẩm khác, chúng tôi cũng phải tìm điểm nhấn, chủ đề chìa khoá để đố vui, trò chuyện, chuẩn bị một phông cảm xúc và tâm thế tiếp nhận tốt nhất cho trẻ. Bằng cách đó, chúng tôi giới thiệu với các em dù chỉ những cái tên, một vài câu văn, một vài ý tưởng… để có thể rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn và độc giả, đáp ứng nhu cầu tương tác trực diện của trẻ.Chị thường làm cách nào để các phụ huynh hiểu được vai trò của đọc sách?- Cách làm hiệu quả nhất là những thao tác đọc mà chúng tôi cùng các cô giáo CLB Đọc sách cùng con thực hiện với các bạn nhỏ ở các lứa tuổi. Không lý thuyết suông mà đưa ra các hoạt động, trò chơi, bài tập để các bạn cùng rèn luyện kỹ năng đọc cũng là tự học. Những tiến bộ của các con trong việc đọc hiểu, nắm bắt vấn đề nhanh, phân tích thú vị, biết so sánh, phản biện, có thể nói ra suy nghĩ của mình mạch lạc, cuối cùng là viết, diễn đạt ý mình linh hoạt - đó là cách thuyết phục phụ huynh tốt nhất.Chúng tôi may mắn có một “cộng đồng” phụ huynh thấu hiểu điều này, không nề hà vất vả xa xôi, hằng tuần đưa con đến câu lạc bộ, hằng tháng hằng quý sẵn sàng cho con tham gia hoạt động trải nghiệm cuộc sống qua các chuyến đi gần và xa, các buổi giao lưu nhân vật, gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, dịch giả, các diễn viên các loại hình văn hóa nghệ thuật. Những biến chuyển tích cực trong cảm xúc và kỹ năng học (kể cả động lực học cũng được nâng cao) khiến các bố mẹ đều tin tưởng phương án này: “đọc để học cách học”!Cảm ơn chị.■ Tags: Đọc sách cùng conTrẻ em đọc sáchTrí tưởng tượngCâu lạc bộ đọc sáchNuôi dưỡng tâm hồn
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.