TTCT - Rừng, động vật của Việt Nam sao phải để các tổ chức nước ngoài tài trợ bảo tồn? Sao người Việt không làm điều đó? Những câu hỏi ấy đã thôi thúc một nhóm thanh niên và câu chuyện duyên nợ với voọc Sơn Trà của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) bắt đầu. Căn nhà hai tầng chật chội ở đường Thành Vinh 1, nằm sát chân núi Sơn Trà, là nơi làm việc của hơn 10 người thuộc GreenViet đã hơn năm năm nay. Từ ngoài ngõ đến các vách tường, cầu thang, trên máy tính... hình ảnh của gia đình voọc chà vá chân nâu rất dễ thương hiện hữu khắp nơi. Loài vật xinh đẹp trong Sách đỏ này, còn gọi là voọc ngũ sắc hay “nữ hoàng linh trưởng” ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đang là đề tài “nóng” trong những ngày gần đây. Hành trình gian nan Anh Bùi Văn Tuấn, 31 tuổi, trưởng phòng nghiên cứu GreenViet, cho biết văn phòng của trung tâm đang hoạt động chính là căn nhà của hai vợ chồng anh. Mọi thứ đã bắt đầu chật chội khi gần đây trung tâm có rất nhiều hoạt động từ nghiên cứu phát triển, quan hệ cộng đồng đến việc giáo dục, triển lãm cho trẻ em tìm hiểu về loài voọc. “Chúng tôi là những người làm khoa học, nói lên tiếng nói của mình, tất cả là vì cái chung, vì một thành phố đáng sống và sống bền vững trong tương lai” - anh Tuấn nói. Những người thành lập GreenViet, dù quyết định chọn voọc chà vá chân nâu làm biểu tượng, là nhân vật chủ đạo cho việc bảo tồn bán đảo này, vẫn hướng đến một câu chuyện lớn hơn: bảo vệ cả một quần thể, một hệ sinh thái độc đáo đan xen. Theo khảo sát của trung tâm, Sơn Trà đang sở hữu đến 985 loài thực vật, 287 loài có vú và 115 loài chim, chưa kể hệ sinh thái biển dưới nước. Có thể nói, vùng đất này đang có một quần thể sinh thái nhiệt đới đa dạng và độc đáo hàng đầu Việt Nam. Cuối năm 2012, GreenViet (thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật TP Đà Nẵng) chính thức ra đời, với năm thành viên đầu tiên, đứng đầu là ThS sinh thái học Trần Hữu Vỹ - nay là giám đốc trung tâm, TS Hà Thăng Long - trưởng đại diện Hội động vật học Frankfurt Zoological Society (FZS), Nguyễn Thị Tịnh, Bùi Văn Tuấn và Đinh Thị Hương. “Tất cả chúng tôi đều tự nguyện làm vì tình yêu động vật và tự trả lương. Có khi anh em phải đi dạy kèm, đi làm việc ở những nơi khác kiếm tiền để chi trả cho những hoạt động của trung tâm khi chưa có tài trợ” - anh Vỹ kể. Những gì họ làm được cho đến hôm nay là một thành công ngoài mong đợi: “Chúng tôi đặt mục tiêu là năm 2020, người dân Đà Nẵng sẽ biết đến voọc chà vá chân nâu có trên Sơn Trà. Nhưng chỉ sau năm năm, nhiều người dân Đà Nẵng đã biết đến điều đó và chung tay bảo vệ”. Cả nhóm nghiên cứu từng mang balô vào rừng sáu tháng liền, ăn ngủ trên núi, mắc võng dưới những vòm cây để theo sát chân đàn voọc. “Thấy chúng tôi mang balô vào tìm phân voọc, chụp ảnh voọc, nhiều người sống xung quanh bán đảo còn tròn mắt hỏi: “Ở đây có voọc à?”. Có người bảo bọn này rảnh, suốt ngày đi tìm khỉ” - anh Vỹ cười, kể lại. Để hình ảnh voọc đến với công chúng, cả nhóm mang ảnh chú voọc trên núi Sơn Trà đi “tiếp thị” ở các khách sạn, quán cà phê. “Có chủ khách sạn thẳng tay đuổi vì ông bảo hình ảnh con khỉ là mang theo xui xẻo. Chúng tôi không trách họ, mình làm khoa học, có căn cứ, có số liệu, có hiểu biết về đa dạng sinh học và môi trường nhưng không mang những hiểu biết ấy phổ biến đến cộng đồng thì lỗi ở nhà khoa học” - anh nói. Mất năm năm nỗ lực, hình ảnh của đàn voọc ở Sơn Trà đã được người dân, chính quyền đoàn thể biết đến khá nhiều. Hình ảnh voọc chà vá chân nâu trở thành biểu tượng cho các hoạt động, các sự kiện lớn của Đà Nẵng, xuất hiện ở 25 điểm nhà chờ xe buýt, riêng dịp tết còn xuất hiện trên 100.000 bao lì xì và cả trên thiệp chúc tết của thành phố. Hình ảnh voọc chà vá chân nâu cũng được chọn làm quà tặng cho vận động viên tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 và sắp đến là Hội nghị thượng đỉnh APEC. Bùi Văn Tuấn Bỏ du học, nhặt phân voọc Bùi Văn Tuấn được biết đến với tên Tuấn GreenViet, qua nhiều hình ảnh, bài viết tâm huyết về voọc ở Sơn Trà trên Facebook. Hẹn gặp Tuấn trong những ngày gần đây thật khó, vì anh đang ôn thi để du học ở Đức, theo đuổi nghiên cứu về âm thanh các loài vật. Đây là chuyến du học thứ 2 sau lần đầu anh quyết định từ bỏ một học bổng du học ở Đức để nghiên cứu về ADN của voọc nhận được hồi tháng 2-2016, khi ở Sơn Trà xảy ra vụ việc người dân tự ý chặt cây phá rừng. Vốn coi Sơn Trà là nhà, khi thấy khu rừng bị phá hàng chục hecta, anh Tuấn cùng các đồng nghiệp lặn lội vào tận lán trại quay phim, chụp ảnh, mô tả toàn bộ hiện trạng khu vực này. Những thông tin và chứng cứ xác thực mà họ cung cấp đã mang lại hiệu quả: các cấp chính quyền nhập cuộc xử lý, cách chức hạt trưởng, hạt phó Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và luân chuyển toàn bộ kiểm lâm viên đang công tác tại đây. Thành công nào cũng có giá của nó, sau khi phanh phui chuyện phá rừng ở Sơn Trà, điện thoại của anh Tuấn liên tục nhận những tin nhắn khủng bố tinh thần. Để hiểu được sâu xa sự tồn tại, những nguy cơ của loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, anh Tuấn cùng các tình nguyện viên lặn lội hàng tháng trời để nhặt phân voọc. Họ theo dấu đàn voọc đi ăn, nhặt từng cục phân voọc bỏ vào thùng đá, sau đó cấp đông phân ở -190C rồi đóng gói chuyển qua Mỹ để phân tích những vi sinh vật từ phân. “Có những chú voọc rất nghịch ngợm. Thấy mình ngồi, chúng ị phân và tè lên đầu rồi bỏ chạy” - anh Tuấn kể trong nụ cười. Nhặt phân voọc đã gian nan, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý rừng còn là một thử thách không nhỏ. Nhóm được yêu cầu làm thủ tục chi tiết cho 116 mẫu phân voọc trước khi gửi đi Mỹ phân tích, ghi đủ các thông số như địa điểm, tọa độ nhặt, của con đực hay cái... “Không biết bao nhiêu là giấy tờ từ các cơ quan chức năng để gửi được mẫu phân voọc qua Mỹ, mất nhiều tháng trời, còn khó hơn việc chuyển cả một con voọc qua bên ấy, nhưng tôi vẫn nhẫn nại làm mọi chuyện” - anh Tuấn nói. Sau tất cả nhọc nhằn, nhóm tác giả ở GreenViet đã được đăng một bài báo trên một tạp chí khoa học ở Mỹ có chỉ số ISSN 9.24. Mơ ước của anh Tuấn là phân tích được nguồn gen của voọc ở Sơn Trà để tìm điểm khác hoặc tương đồng với các quần thể voọc khác đang ở Bạch Mã hay Bà Nà - Núi Chúa, từ đó tìm ra các nhược điểm, các nguy cơ để lên kế hoạch bảo tồn, xác định không gian sống cần thiết cho voọc Sơn Trà. Và còn rất nhiều việc họ muốn làm để kêu gọi sự chú ý, quan tâm của các tổ chức bảo tồn quốc tế, chính phủ, thành phố và liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật đối với sự đa dạng sinh học quý hiếm ở đây. Bùi Văn Tuấn Đưa Voọc vào trường học Lê Trang, cô gái giữ vai trò trưởng phòng giáo dục bảo tồn thiên nhiên ở GreenViet, là một kỹ sư chuyên ngành xử lý nước thải của Đại học Bách khoa Đà Nẵng vừa ra trường. Cô quyết định về đây làm tình nguyện cũng vì tình yêu lạ lùng với công việc này và loài voọc, như một duyên nợ. Tầng 2, nơi làm việc của Trang cũng là một phòng chiếu phim tư liệu về voọc. Cô giúp các nhóm học sinh, người dân muốn tìm hiểu về Sơn Trà tìm hiểu về voọc qua phim tư liệu trước khi đi thực tế. Đôi khi, vì “không thể chở một lúc 40 học sinh lên núi để tìm voọc, phòng chiếu này sẽ đảm nhiệm việc đó để giúp các học sinh biết về các nhóm voọc, các tầng tán cây nơi voọc trú ngụ, di chuyển, ăn ở...” - Trang nói. Công việc của Trang vừa được Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ủng hộ và giúp đỡ để chuyển vào trường học. Cô đang chuẩn bị tài liệu, phim để mang vào chiếu tại các trường học ở địa bàn thành phố, trong niềm hi vọng các học sinh ở đây sẽ thật sự hiểu về thiên nhiên gần gũi bên mình. Hạnh phúc nhất của những người như Tuấn, Vỹ, Trang... là việc họ được nhiều doanh nhân, trí thức ủng hộ đề án bảo vệ Sơn Trà, bởi cái nhìn về một cách làm du lịch bền vững đã bắt đầu lan tỏa. Mong các bên cùng ngồi lại “Những ghi chép về voọc ở Sơn Trà đã được tìm thấy trong những tài liệu thuộc giai đoạn 1968 - 1971 trong các chuyến khảo sát của quân đội Mỹ. Nhưng còn lịch sử dài phía trước hàng ngàn năm nữa. Muốn hiểu thêm về những quần thể sinh học này, chỉ có thể nhờ vào các phân tích trình tự ADN của voọc và các cơ sở dữ liệu khác về sự biến đổi địa chất trong quá khứ vài ngàn năm trước”. Bùi Văn Tuấn “Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện muôn đời nay. Để có giải pháp tối ưu, các bên cần ngồi lại. Không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư, vì họ làm dự án với sự cho phép của chính quyền địa phương. Mà đúng - sai của chính quyền còn tùy thuộc vào việc họ có sự tư vấn tốt của các nhà khoa học, các tổ chức và sự đồng thuận của cộng đồng cư dân bản địa hay không - anh Vỹ nhận định - Chúng ta có bốn nhóm: nhà đầu tư, chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương và các nhà khoa học. Nếu bốn nhóm cùng ngồi lại, phân tích và đồng thuận thì sẽ cho ra một kết quả bền vững hơn”. Bản quy hoạch Sơn Trà từ năm 2025 - 2030 lấy 200m từ núi trở xuống đến mặt biển làm kinh tế, với góc nhìn bảo tồn, sẽ làm Sơn Trà bị tổn hại cực lớn. Bởi Sơn Trà chính là một hệ sinh thái kéo dài từ rừng xuống biển. “Cắt một đoạn giữa tức đã phá hủy nó. Với hơn 4.300 ha hiện tại, quy hoạch chỉ còn lại 2.500 ha vùng lõi, điều này tổn hại vô cùng đến động vật hoang dã vì những gia đình động vật không có địa giới hành chính. Chưa nói đến các ô nhiễm khác như điện sáng, tiếng ồn, tập tính tự nhiên của các loài sẽ thay đổi” - anh Vỹ cho biết. Họ nhìn về bài học bảo tồn ở đảo Cù Lao Chàm và cách làm du lịch bền vững trên hòn đảo đó để tìm so sánh. Tiền vé mỗi năm mang về cho Cù Lao Chàm nhiều chục tỉ đồng và ngày càng tăng, như một cách mang lại lợi ích cho những cộng đồng dân cư địa phương. Giữa một bên là các nhà hàng, resort mang lại lợi nhuận tức thì, một bên là cách thức bền vững và hợp lý cho cả lợi ích của những cộng đồng dân cư địa phương với những cánh rừng mà họ gìn giữ tự ngàn đời, là điều các nhà quản lý cần suy nghĩ. “Nếu những gì đã nghiên cứu được chuyển tải đến các nhà lãnh đạo chính quyền, các nhà đầu tư và cộng đồng một cách đầy đủ, và mọi người hiểu được bản chất của bảo tồn, bản chất của việc gìn giữ Sơn Trà, tôi nghĩ họ sẽ có một quyết định đúng đắn cho Sơn Trà” - anh Vỹ hi vọng. ■ Tags: Sơn TràVoọc Sơn tràĐắm đuối vì voọc
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.