TTCT - Những cái tên thân thương gắn với làng xóm xứ sở không chỉ có của người Kinh, và dứt khoát là không chỉ có tên Hán - Việt. Cầu Á Rặt bắc qua rạch Á Rặt, ấp Mỹ Long, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Tư liệu PHQTôi sống ở xứ Cái Bè, vốn là một trong những địa bàn người Việt đến định cư sớm nhứt ở Nam Bộ, vẫn thấy đây đó nhiều tên sông rạch khó hiểu. Mấy chục năm qua mỗi năm đôi lần đám tiệc tôi đi qua cầu Á Rặt, cầu này bắc qua rạch Á Rặt (ấp Mỹ Long, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ở vàm rạch, nay còn bia tưởng niệm nhạc sĩ Hoàng Việt (tác giả Tiếng còi trong sương đêm, Tình ca) cùng đồng đội đã hy sinh tại đây hồi năm 1967.Tôi hỏi mấy ông lớn tuổi trong vùng đều hỏng biết tên Á Rặt nghĩa là gì. Đến gần đây làm từ điển Địa danh Nam Kỳ, mới thâu thập được ít thông tin, biết được đôi điều.Những tiên dân khai phá đất phương Nam hầu hết đi theo đường thủy, nên cách đặt tên đầu tiên mang chứa nét chung là nhằm định dạng địa điểm theo địa hình sông rạch để dễ thông tin qua lại với cộng đồng khi di chuyển, thí dụ như nơi vàm sông có nhiều cây sao lớn, cây dầu lớn thì gọi Rạch Sao, Rạch Dầu hay Cái Sao, Cái Dầu, còn gần vàm có đình có miễu thì gọi Rạch Đình, Rạch Miễu.Khi đã định cư yên ổn, địa danh nhiều dần và người ta cũng theo cách đặt định dựa vào nét riêng của địa bàn để phân biệt, có mấy dạng phổ biến: (1) Dựa theo hình dạng địa lý (như cù lao Dài, cù lao Ba Mũi, giồng Dài, gò Bàu Tròn…); (2) Dựa theo thực và động vật đặc trưng (như Dầu, Sao, Tre, Mái Dầm, Vàng Nhựa, Nàng Hai, Cá, Cá Trê, Đầu Sấu, Cồng Cộc); (3) Dựa theo tên người tới trước hoặc người có ơn với cộng đồng (Ông Chưởng, Ông Tố, Ông Do, Thầy Cai, Thủ Huấn, Bà Ký, Bà Lụa…); (4) Dựa theo vật thể kiến trúc nổi bật (Đình, Chùa, Miễu, Thủ, Thủ Ngữ/Ngự, Dinh, Đồn...). Đây là 4 nhóm địa danh chánh, và do điều kiện đi lại ngày xưa không rộng, mỗi địa bàn dân cư định danh địa điểm cho cộng đồng nhỏ hẹp của mình, nên dạng địa danh này ở Nam Kỳ trùng tên khá nhiều.Những tiền nhân KhmerNgoài 4 nhóm địa danh do người Việt đặt gọi kể trên, còn lớp địa danh cổ hơn, những tên gọi tiếng Khmer, đã có trước khi lưu dân Việt đến định cư, như Cà Mau, Cổ Chiên, Thâu Râu, Á Rặt, Chà Và, Láng Thé, Mang Thít, Sa Đéc... Địa danh gốc Khmer có thể do chủ thể của đối tượng (người Khmer xưa) đặt gọi, và người Việt gọi theo, cũng có khi người Việt chủ ý đặt gọi, để có sự phân biệt, với thiện ý lưu giữ tên gọi mang chở tập tục văn hóa của người trước.Ở Nam Bộ hiện nay, rất nhiều địa danh gốc Khmer chưa được giải thích nguồn gốc cặn kẽ, đối với số ít địa danh phổ biến thì thường dựa vào vài bảng đối chiếu của ông Trương Vĩnh Ký hoặc người Pháp, hoặc một số ghi chép kế tục của Vương Hồng Sển, Lê Hương, còn đa số người Việt làm nghiên cứu địa danh hiện nay không rành tiếng Khmer (trong đó có tôi).Mặt khác, những địa danh gốc Khmer đa số chỉ được truyền miệng mà ít thấy truyền chữ, nên dựa vào phát âm có thể đã sai lạc để phục dạng chữ Khmer nhằm hiểu nghĩa cũng là một vấn đề rắc rối. Đây là việc phải chờ sự nghiên cứu tiếp tục của cộng đồng, hy vọng rồi đây sẽ có những nhà nghiên cứu người Việt giỏi tiếng Khmer và người Khmer giỏi tiếng Việt ở nhiều địa phương hợp sức cùng nhau giải quyết vấn đề này.Sa Đéc là một cái tên mang dấu vết Khmer không thể nhầm lẫn. Ảnh: tuoitre.vnĐịa danh tên ảnh hưởng tiếng Khmer, cấp tỉnh có Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bà Rịa, Bến Tre. Cấp thành phố, thị xã, huyện có Mỹ Tho, Sa Đéc, Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Lai Vung, Lấp Vò, Ba Tri, Mang Thít, Trà Ôn, Tiểu Cần, Trà Cú, Tri Tôn, Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Kế Sách, Cù Lao Dung, Giá Rai...Cấp xã có Trà Côn (ở Vĩnh Long), Hỏa Lựu, Xà Phiên (đều Hậu Giang), Ba Trinh, Tham Đôn (đều Sóc Trắng), Linh Huỳnh, Mông Thọ (đều Kiên Giang)...Tên ấp thì còn nhiều nữa, có thể kể tiêu biểu như Ô Chít, Trà Mẹt, Ô Tưng, Ô Rồm, đều thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.Thời Minh Mạng, để thuận tiện trong việc quản lý hành chánh và đất đai, đã ký âm tất cả địa danh các sóc người bản địa Khmer (chữ Khmer) thành tên Hán Việt (chữ Hán), bằng cách phiên âm, như Kế Sách (Khsah/cát), Tham Đôn (Kampong Daung/bến dừa). Hoặc chuyển nghĩa như Mông Phụ (nghĩa Gò Xoài/Giồng Xoài, từ một tên gốc chỉ nơi có nhiều xoài/Soai), Từ Ô (tên chữ dành chỉ chim quạ, từ một tên gốc có nghĩa chỉ chim quạ/Kaet). Kể trên là hai trường hợp chuyển đổi, một là ký âm (không tải nghĩa), và hai là chuyển nghĩa (không ký âm). Cả hai đều gây khó khăn trong việc giải thích từ nguyên địa danh và là đề tài mà nay đang ngày càng nhiều người lưu tâm tìm hiểu. Nhưng khi đã định danh thì kinh qua thời gian tự nhiên thành quen thuộc, vẫn được gọi đến nay, dẫu có khi không hiểu tên gọi ấy mang nghĩa gì.Á RặtĐịa danh Á Rặt được lược thuật dưới đây là một trường hợp tiêu biểu cho vấn đề nêu trên, bước đầu chỉ mang tính tổng hợp tư liệu, chưa phải là nghiên cứu thấu đáo.Á Rặt, ký âm từ tên tiếng Khmer "Arak" (Neat Ta Arak), do là tên ký âm nên có nhiều cách viết, như À-rắch, Arat, Á Rặc. Ông Lê Hương nói: "Trong gia đình có thờ ông Tà gọi là Arak (người Việt quen gọi là ông Tà Á Rặt)" (Người Việt gốc Miên 1969, tr. 76). Còn ông Vương Hồng Sển thì có kể chuyện về tay người Pháp coi Sở đèn ở Sa Đéc hồi năm 1932: "Nhà va chứa lủ khủ đá ông Tà đủ cỡ, ông mất đầu, ông gãy tay chân, nhưng thảy đều lấy vải đỏ bịt làm khăn trông rất có vẻ ông tà á rặc" (Bên lề sách cũ 2013, tr. 204).Ông Vương Hồng Sển cũng nói sơ về tục thờ cúng trong nhà của người Khmer ở Sóc Trăng hồi những năm 1945-46 đã bớt mê tín, không còn "xây Á Rặc" tức không cầu ông Tà nhập đồng chữa bịnh: "Những trang thờ ông tà đã dẹp đi gần hết. Đau đi bác sĩ chớ không xây Á Rặc nữa" (Hậu Giang Ba Thắc 2012, tr. 105); và còn cho biết một di tích ở Vàm Tấn (Đại Ngãi) liên quan đến tên gọi Á Rặc: "Vàm Tấn nay còn di tích phật đá gãy đầu rải rác nhiều nơi, dân bản xứ gom lại đặt vào miếu thờ gọi là ông tà á-rặc" (Hậu Giang Ba Thắc 2012, tr. 158).Theo Thạch Voi - Hoàng Túc trong Phong tục lễ nghi của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long thì Arak là vị thần bảo hộ của người Khmer, có 2 dạng thần: một là xác định được nguồn gốc, tức người nổi bật trong dòng họ, khi chết hiển linh (người Việt gọi là nhơn thần); và một là không xác định được nguồn gốc, tức thần trong thế giới tự nhiên như sấm sét, núi đồi, sông hồ, rừng rú, cây, đá… (nhiên thần).Tín ngưỡng thờ Neak Tà nói chung và Arak nói riêng thuộc tín ngưỡng dân gian, là tín ngưỡng cổ xưa nhứt trong văn hóa Khmer, có trước khi đạo Bà La Môn và đạo Phật được biết đến (Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, 1988). Sách Địa lý học: Tự nhiên, Kinh tế & Lịch sử Nam kỳ (GPEHC) của Hội Nghiên cứu Đông Dương, phần về tỉnh "Sốc Trăng" (1904), mục về phong tục người Khmer thì xếp thần Á Rặt thuộc dạng ông Ác, đối lập với Neak Tà (ông Thiện). Cách phân định này có vẻ gượng ép do tìm hiểu chưa thấu đáo, khác với khảo cứu sau này của những tác giả người gốc Khmer như Thạch Voi.Tổng hợp các ghi chép về tín ngưỡng thờ thần Arak của người Khmer, thấy rằng có lẽ ngoài hình thức thờ thần trên trang thờ ở nhà riêng, còn có miếu thờ thuộc không gian cộng đồng như hình thức miếu ông Tà. Qua địa danh lưu lại trên bản đồ và thực địa, có thể suy đoán rằng miếu ông Tà Arak có thể nằm đâu đó ven đường, nơi bìa rừng, nơi giồng đất, nơi vàm rạch hay bưng bàu, bởi có những ngôi miếu như vậy thì người ta mới lấy làm chỉ dấu để định danh cho khu vực nó tọa lạc.Ban thờ Ông Tà tại gia đình người Khmer. Ảnh: btgcp.gov.vnĐịa danh Arak như vậy thuộc lớp địa danh tối cổ ở Nam Kỳ, tương tự rạch Chà Và hay rạch Cà Mau, còn lưu dấu ở nhiều địa phương, do người Việt vẫn gọi theo tên đã có trước khi họ di cư đến. Về đặc tính địa danh thì "rạch Arak" hay "rạch Ông Tà" cũng giống "rạch Chùa", "rạch Miễu" trong cách gọi của người Việt, là chỉ dấu địa lý giúp xác định và nghiên cứu địa bàn và niên đại của một hình thái tín ngưỡng dân gian cổ xưa.Những địa danh gắn liền với truyền thuyết hoặc mang hơi sắc cỏ cây muông thú cùng sông núi bàng bạc trong những nơi tôi từng qua như vậy, có lúc khiến chợt nhớ câu đề dẫn mà giáo sư Đinh Gia Khánh đặt trong sách Thần thoại Trung Quốc, ngay chương đầu nói về thần Bàn Cổ: "Chống màn trời, Bàn Cổ làm trụ. Hóa thân thành sông núi cỏ cây". Phải chăng, Bàn Cổ hay những đấng khai thiên lập địa theo cách nói của từng dân tộc đã hòa cùng thiên nhiên vạn vật, rồi sông núi cỏ cây ấy lại như một cuộc tái hóa thân, sống tiếp qua những địa danh mà ta đang gọi. ■ Theo ghi chép và bản đồ của người Pháp và bản đồ Việt Nam cộng hòa trước đây, cùng các ghi chép điền dã sau này, thấy địa danh Á Rặt có điểm đặc biệt là gắn với nhiều hình thái địa lý. Xóm Arat ở tổng Long Tuy Trung (nay xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM); miếu ông Tà Á Rặc ở Vàm Tấn (Sóc Trăng); Rạch À răch ở tổng Phong Hòa (nay xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, Tiền Giang); rạch A Rặt đổ vào rạch Mù U, thuộc lưu vực rạch Chà Và, gần Ba Càng, thuộc địa bàn xã Song Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long); rạch Á Rặt, nhánh của rạch Á Lài ở ấp Hòa Định, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp); Bàu Á Răch ở tổng Hòa Ninh (nay xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh) và bàu Á Rặt ở quận Hiếu Thiện (nay xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh); Giồng Á Rặc ở Đức Huệ (nay xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An).Liên quan tới khảo cổ học, theo ghi chép của L. Malleret 1963, có di chỉ ao A Rắc ở xã Tân Phú Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay Tân Phú, Đức Hòa, Long An), nơi đây là hồ nước cổ khoảng 50 x 20m cạnh một gò đất, có tìm thấy nhiều mảnh tượng đá vỡ thuộc thời kỳ Angkor. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Sáp nhập tỉnh thành, phường xã Tiếp theo Tags: Nhà nghiên cứuĐịa danhNgười ViệtKhmerTên xứ sở
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 04/05/2025 Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình'.
Những lưu ý khi trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 04/05/2025 Theo Cục Thuế, 5-5 là hạn cuối cùng để người nộp thuế trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024.
Vì sao thực hiện chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh khi sáp nhập tỉnh? THÀNH CHUNG 04/05/2025 Cơ chế chỉ định nhân sự tại các đơn vị sau sáp nhập là nội dung đã được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận, quyết định.
Người dân đội mưa trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ HỒNG QUANG 04/05/2025 Chiều 4-5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đông đảo người dân quay trở lại Hà Nội sau 5 ngày nghỉ.