TTCT - Quyết tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân thay đổi về chất đã được thể hiện và khẳng định rõ ràng về mặt đường lối ở cấp lãnh đạo cao nhất đất nước, bây giờ là lúc triển khai điều đó trên thực tế. Trong nhà máy của THACO Trường Hải. Ảnh: Tấn LựcNăm 1996, tòa nhà cao nhất ở miền Trung là Nha Trang Lodge, 14 tầng, ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa. Nha Trang Lodge, ngoài số tầng đạt chuẩn tòa nhà chọc trời, còn một ngạc nhiên khác - đó là một công trình hoàn toàn của tư nhân, một Việt kiều, ông Jonathan Hạnh Nguyễn (*).Những đột phá thời kỳ đầuHơn 10 năm trước đó, vị doanh nhân này được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu làm một việc, thời điểm đó, khó có tổ chức sở ngành nào làm được trong bối cảnh cấm vận: mở đường bay sang một nước thân Mỹ ở châu Á, bằng cách trực tiếp đến văn phòng gặp tận mặt Tổng thống Philippines Marcos Cha, lúc đó là vai dượng bên đằng vợ của ông - để xin giấy phép.Chuyến bay đầu tiên từ sân bay Manila về TP.HCM - theo ông kể - chở đầy thuốc tây, chủ yếu là thuốc chống sốt xuất huyết - chứng bệnh lúc đó hàng chục nghìn trẻ em miền Nam mắc mỗi năm mà không có thuốc. Khi bay qua lại, để máy bay không thì uổng, ông chở cua đựng trong cần xé để tính bán cho nước bạn. Khi hạ cánh, cua cắn dây chuối, bò lổm ngổm đầy sân bay, thương vụ xuất khẩu cua đầu tiên của Việt Nam thất bại.Đường bay TP.HCM - Manila do vị doanh nhân này khai thác là cửa ngõ đầu tiên để Việt Nam mở cửa ra với thế giới những năm 1990. Cũng vị doanh nhân này là người đã đưa sân bay Cam Ranh vào khai thác chỉ sau 18 tháng nâng cấp và trở thành sân bay có lượng khách đông thứ tư Việt Nam và là sân bay duy nhất ở Việt Nam đón khách quốc tế nhiều hơn khách nội địa. Đế chế cửa hàng miễn thuế và trung tâm mua sắm hàng hiệu của ông ở các sân bay và khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Việt Nam với tham vọng thu hút 5 triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm với doanh thu ước lượng 5 tỉ USD, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu của một Việt Nam vươn ra thế giới.Cũng khoảng thời gian giữa những năm 1980, một vị doanh nhân khác, vẫn đang ở Paris, vốn từng là trợ lý kinh tế của của tổng thống Việt Nam cộng hòa, một doanh gia địa ốc thành công ở châu Âu, được Phó thủ tướng Phạm Hùng cử người tìm đến để tham khảo ý kiến về con đường đổi mới kinh tế ở Việt Nam.Ông Bùi Kiến Thành, người cho đến giờ cho rằng đóng góp đáng kể nhất của mình là lấy lại được quyền tự do kinh doanh cho người dân, tạo ra những bước đi đầu cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thông qua các góp ý cho nghị quyết Đại hội 6: "Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, vì mục đích dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh…" và trở thành nội dung được công bố chính thức, phần nói về đổi mới kinh tế.Vị doanh nhân bạn học của Warrant Buffet gần trăm tuổi này (sinh 1931) bây giờ vẫn ấp ủ về một thung lũng Silicon ở Di Linh, Lâm Đồng, một khu kinh tế mở ở vịnh Vân Phong, một trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM. Những doanh nhân tầm cỡ như họ, để có được thành công và danh tiếng như bây giờ, ngoài tài năng và tầm nhìn kinh doanh, tất nhiên còn cả sự dũng cảm và… may mắn.Họ phải có được biệt nhãn và mắt xanh của các lãnh đạo cấp cao mới có cơ hội đóng góp và thi triển tài năng. Cơ hội được sử dụng rồi trọng dụng với những người cùng thế hệ với họ, rất hiếm, dù những người tài trong thế hệ đó không phải là ít.Thế hệ doanh nhân thành đạt Việt Nam những năm sau đó đều có cùng một đặc điểm như thế ở thời kỳ khởi nghiệp, một sự may mắn, một mối quan hệ… để có được ngày hôm nay.Chờ đợi cú hích mớiMột chút điểm qua lịch sử để có thể thấy doanh nhân Việt và kinh tế tư nhân - vượt lên những thành công nhỏ và vừa, có cả những tay chơi tầm cỡ, hướng đến một sân chơi lớn hơn quy mô của một quốc gia. Kể cả khi điều kiện, môi trường cho họ vùng vẫy - 30-40 năm trước đây - là vô cùng khắc nghiệt do chính sách và cơ chế. Nếu những thứ mà họ cần có, muốn có để phát triển, thì số lượng những doanh nghiệp Việt Nam có tên tuổi và quy mô đủ lớn xét ở tầm mức khu vực và quốc tế, sẽ tăng tiến như thế nào? Họ có thể trở thành những đế chế, những dòng họ thương gia ra sao?Quá trình vươn lên, thất bại, thành công của nhiều doanh nhân tham vọng ở Việt Nam trong 30 năm qua, như một đoạn đường trường tích lũy nội lực, thử sai và có khi là dọ đá tìm đường nếu áp dụng một điều luật nào đó không theo quy tắc suy luận vô tội, hoặc tầm nhìn không đủ xa của bộ ngành chủ quản thì trở thành phạm pháp. Như trường hợp vẫn còn gây tranh cãi của vụ án Epco Minh Phụng, hay sự phá sản đau đớn của thương hiệu Vinaxuki.Dẫu đang đóng góp đến 50% GDP, sử dụng hơn 80% tổng số lao động, kinh tế tư nhân quả thật vẫn chưa được chăm lo đầy đủ, dù vẫn là nơi được cậy nhờ nhất, không chỉ về đóng góp ngân sách, mà còn cả các chính sách phúc lợi xã hội lớn, khi Nhà nước cần. Ngay cả phần lớn lớp trẻ, nếu được lựa chọn, thì không làm FDI, công ty đa quốc gia, họ sẽ làm nhà nước, vẫn đỡ hơn "đi làm ngoài". Tất cả những điều đó khiến hầu hết doanh nghiệp tư nhân quốc nội không lớn được và không muốn lớn, bởi họ không có đủ sự yên tâm để đầu tư lớn, chứ chưa nói là được khuyến khích. Vòng luẩn quẩn này có lẽ đã kéo dài mấy chục năm rồi. Nó cần phải được giải quyết không chỉ bằng những cải tiến, thay đổi lề lối, mà là một cú hích đủ lớn, từ trên, từ trong. Như sự thay đổi mà nghị quyết 68 kỳ vọng sẽ đem lại. Có những điểm của nghị quyết này, có thể coi như là những "tu chính án", giải quyết được một số vướng mắc do lịch sử về tổ chức luật pháp, như mục 2.2 của nghị quyết về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, và điều 3.1 về tăng cường cơ hội quyền tiếp cận đất đai.Khác với khởi thủy của Đổi mới năm 1986, khi áp lực buộc phải thay đổi của thực tế cuộc sống từ địa phương, cơ sở của khoán chui ở Đoàn Xá Hải Phòng, phá rào mua gạo của bà Ba Thi, vay ngoại tệ mua nguyên vật liệu của Dệt Phước Long, Sài Gòn... giúp các lãnh đạo cấp cao tự phá vỡ bức tường tư duy cũ để dẫn đến sự ra đời nghị quyết Đại hội 6 lịch sử, đột phá của nghị quyết 68 lần này là sự bứt phá tư duy từ trên xuống.Trên dưới sẽ đồng lòngCảm nhận của người viết là những chuyển động mạnh mẽ một năm gần đây, phần lớn đến từ sự xoay xở, cầm tay chỉ việc của các cấp lãnh đạo cao nhất, như việc tăng tốc sân bay Long Thành, đưa vào vận hành đường dây 500 KV nhánh 3 hay cả giải tỏa, chống dột cho nhà ga số 3 Tân Sơn Nhất. Chỉ có điều, những việc đó đáng lẽ chỉ là sự vụ của ông bộ trưởng hay ngài chủ tịch tỉnh. Thực tế đó sẽ là chỉ dấu cho những thách thức trong tương lai: các cấp ban hành chính sách cụ thể và dưới đấy, hệ thống vận hành và triển khai chính sách, có cùng ước vọng và vận tốc như nhau?Động lực nào để các vị bộ trưởng, giám đốc sở tài chính, cục trưởng cục thuế..., rồi các vị trưởng phòng, chuyên viên các phòng ban ưu tiên cho việc suy nghĩ làm thế nào để giải quyết, vận dụng hợp lý các hành lang pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hoạt động thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, thay vì vắt óc suy nghĩ giải trình rất logic với cấp cao hơn lý do vì sao không làm được và "xin ý kiến chỉ đạo" như bấy lâu nay.Để những định hướng chiến lược làm nức lòng doanh giới của nghị quyết 68 và tâm huyết của người đứng đầu Đảng đi được vào thực tế cuộc sống, hệ thống công vụ buộc phải thay đổi nhận thức. Họ cần coi việc làm cho doanh nghiệp trong địa giới hành chính của mình phụ trách hoạt động suôn sẻ là trách nhiệm phải làm, tương ứng với mức trả công và đãi ngộ của Nhà nước, là đóng góp của mình cho sự phát triển của xã hội, và cao hơn là niềm tự hào, sự công nhận của xã hội, cộng đồng với tinh thần phụng sự của mình.Cuộc cách mạng tinh giản và tái sắp xếp địa giới hành chính có thể sẽ giải quyết được vế thứ nhất. Vế thứ hai và ba, nó phải đến từ nỗ lực của các nhân viên công vụ. Nhìn lại lịch sử và văn hóa công vụ, dường như nó lại chưa bao giờ là mong muốn của đa số những người "làm nhà nước". Đó có lẽ là thách thức lớn nhất với nghị quyết 68.■(*) Thông tin về ông Hạnh Nguyễn và Bùi Kiến Thành là từ các cuộc phỏng vấn của VNExpress trong loạt phỏng vấn nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và Vietcetera của Thùy Minh, có trên YouTube. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nghị quyết 68 Tiếp theo Tags: Nghị quyết 68Kinh tế tư nhânBùi Kiến ThànhÔng Jonathan Hạnh NguyễnDoanh nhân
Thủ tướng: Sẽ phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu THÀNH CHUNG 18/05/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đã chỉ đạo chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Lũ quét ở Bắc Kạn: Thôn tan hoang, ngập tràn bùn đất sau lũ quét CHÍ TUỆ 18/05/2025 Lũ quét ập về thôn Tẩn Lượt (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) khiến 2 người chết, ít nhất 3 ngôi nhà bị thiệt hại, bùn đất, cây cối tràn ngập thôn.
Làm thủ tục ở sân bay tiếc gì nụ cười, lời chào thân thiện? NHẤT NGUYÊN 18/05/2025 Một nụ cười, một lời chào, một sự thân thiện đâu có quá khó. Hà cớ gì phải 'tiết kiệm' với khách?
Tàu hải quân Mexico đâm vào cây cầu hơn trăm tuổi, biểu tượng của New York DUY LINH 18/05/2025 Một tàu buồm huấn luyện của hải quân Mexico đã đâm vào cầu Brooklyn ở thành phố New York (Mỹ) khiến hàng chục người bị thương.