TTCT - Trên những chiếc xe máy cọc cạch, họ có mặt ở khắp các hẻm hóc Sài Gòn để chuyển hàng từ siêu thị, cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hàng nội thất... đến tận tay khách hàng. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, chỉ cần khách gọi điện thoại là những xế thồ di động ấy lại tất tả phóng đi. Phóng to Giao hàng đúng giờ, hàng hóa không bị hư hỏng luôn là một thách thức - Ảnh: T.T.D. Đang thiu thiu giấc ngủ trưa trên chiếc Future Neo Trung Quốc cũ mèm, nghe chuông điện thoại reo là ông Phạm Đình Lợi bật dậy, nhìn vào màn hình với nụ cười rạng rỡ: “Có cơm ăn rồi!”. “Cơm” ở đây là một mối chở hàng quen. Cả buổi sáng ngồi hết ngáp dài lại ngó nghiêng chẳng có ai đoái hoài, khi nghe gọi chở hàng ông lật đật gạt chân chống, đạp máy phành phạch rồi lao vút về phía trước. Từ hàng nội thất, điện máy... Ông Lợi vốn ở Quảng Ngãi đưa cả gia đình vào TP.HCM mưu sinh hơn chục năm nay. Lúc mới vào ông làm đủ nghề, từ khi mua được chiếc xe máy ông chuyển qua làm xe ôm, nhận chở hàng để kiếm thêm. Nhà ở quận 12, nhưng ông hoạt động ở khu vực đường Cộng Hòa và một số đường ở quận Tân Bình vì có nhiều mối quen ở đây. “Thường những đồ khó chở, cồng kềnh hoặc quá nặng người ta mới thuê mình. Nhiều khi phải còng lưng ra mà sắp hàng, nhưng vẫn phải chạy chứ không là chết đói” - ông Lợi chia sẻ. Mối quen của ông là những cửa hàng bán đồ nội thất, điện máy, gia dụng quanh khu vực đường Cộng Hòa, mỗi lần có khách là cửa hàng gọi điện. “Làm nghề gì cũng phải tạo được niềm tin, họ có tin mới giao hàng, giao tiền cho mình chứ không phải đụng đâu thuê đó. Bởi vậy dù nhiều lúc đang mệt, đang ngủ hay đang ăn, hễ có người gọi là phải vứt đó mà chạy chứ không mất mối”. Khác với ông Lợi, anh Đào Văn Thể chỉ chuyên chở hàng. Từ Bắc Giang vào TP.HCM với hai bàn tay trắng, anh làm đủ nghề để sống, chắt góp mãi mới mua được chiếc xe cà tàng để đầu quân cho công ty thực phẩm với chức vụ là... người giao hàng. Hơn một năm nay, cuộc sống của anh gắn liền với những tờ hóa đơn và con số, từ số điện thoại đến số nhà, số hẻm cho đến số hàng. Đồng hồ đeo tay và điện thoại là hai vật bất ly thân của anh, chúng có nhiệm vụ đo thời gian và vận tốc trên mỗi chuyến giao hàng. Đây không phải là một công việc khó, nhưng yêu cầu rất khắt khe về thời gian và phải là một người thật sự rành đường mới đảm nhận được. Làm nghề giao hàng rất cực, những ngày đầu không rành đường sá nên anh mất cả tiếng đồng hồ cho đoạn đường có vài kilômet. “Nhiều hôm khách giận đòi trả lại hàng mình phải đứng năn nỉ cả buổi. Rồi những hôm trời mưa đi giữa đường xe thủng bánh, vừa đẩy xe vừa giữ thùng hàng khỏi bị rơi, mặc cho mưa táp rát mặt. Những lúc đó chỉ muốn khóc” - anh Thể kể. Đi giao hàng mà gặp khách Tây hoặc khách sộp thì có thêm tiền bo. “Ngày nào gặp may kiếm được thêm 50.000-70.000 đồng, khi đó mọi mệt mỏi đều tan biến”. Phóng to Anh Thái Liên Trung chuẩn bị cho một chuyến giao hàng - Ảnh: Mỹ Thương Đến đua với thời gian và cả... tắc đường Trời đang hửng nắng bỗng nhiên mây đen kéo tới. Nhìn chiếc áo mưa sũng nước vừa mới phơi trên xe, chú Trần Ngọc Báu, nhà ở đường Phú Thuận, quận 7, không khỏi lo lắng: “Trời Sài Gòn mấy bữa nay lạ thiệt, mới đầu mùa mà mưa dễ sợ”. Khuấy ly cà phê đá đang tan dần, chú tâm sự: “Làm nghề này cực lắm, cả ngày ngồi ngoài đường với gió bụi, khi có khách gọi thì mưa nắng gì cũng phải chạy. Vậy mà tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ăn”. Gần sáu năm nay, từ 7g sáng đến 8g tối chú Báu vừa làm xe ôm vừa giao kiếng cho các cửa hàng xung quanh khu vực ngã tư Lê Thánh Tôn - Trương Định, quận 1. Mỗi lần đi giao hàng như thế, gần thì chú được trả 20.000 đồng, xa như chợ Thủ Đức hoặc qua bến xe miền Tây thì từ 60.000-70.000 đồng. Những lúc xui rủi chạy xe dọc đường làm rơi kiếng phải bồi thường cho khách. Chủ tốt còn giảm cho đôi chút chứ nhiều người bắt đền cái kiếng cả nửa triệu đồng thì người giao hàng cũng phải chịu. Đối với Nguyễn Hữu Mỹ, sinh viên năm 3 Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nghề giao hàng là nguồn thu nhập chính. Mỹ chọn làm nhân viên giao hàng cho hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria. “Giao hàng là nghề đua: đua với thời gian, vận tốc, những tai nạn nghề nghiệp và nhất là phải đua với... tắc đường” - Mỹ giải thích. Hơn tám tháng làm cho Lotteria, Mỹ phải chạy đua từng ngày, nhà hàng mở cửa từ 8g sáng đến 10g đêm nên cứ đến ca là phải sẵn sàng chạy bất cứ lúc nào khách gọi điện, kể cả lúc mưa bão. Nói đến bão, Mỹ vẫn còn xanh mặt nhớ lại ngày chủ nhật 1-4 vừa qua khi cơn bão số 1 chuyển thành áp thấp nhiệt đới “quá bộ” vào TP.HCM. Đứng trong nhà hàng chỉ thấy trời mưa nên dù khách đặt hàng đã sau 9g tối, Mỹ vẫn nhận lời. Khi xe đang chạy ngang qua công viên Hoàng Văn Thụ, bất ngờ một cây lớn đổ ụp xuống ngay phía sau bánh xe. “Nếu không chạy nhanh thì chắc tiêu rồi” - Mỹ kể. Phóng to Địa chỉ đây rồi, hàng hóa đủ nhé! - Ảnh: T.T.D. Làm nghề giao hàng phải biết chính xác nơi đến và phải đúng giờ, trước khi đi phải ước lượng được khoảng thời gian di chuyển. Nhiều người mới vào nghề quên tính thêm những yếu tố ngoại cảnh khác như kẹt xe, hư xe, lạc đường... nên thường giao chậm, khi đến nơi bị khách hàng cằn nhằn, kêu ca. Đền hàng là một trong những tai nạn khủng khiếp nhất đối với người giao hàng. Với bất cứ lý do nào cũng vậy, một khi đã nhận chở hàng cho khách thì người giao hàng quý hàng hơn cả bản thân mình vì chỉ cần va quẹt làm đổ vỡ, trầy xước hàng là hứng đủ. Trong nhiều năm làm nghề, giờ ngồi cà phê ông Lợi có dịp tuôn ra bao nhiêu là kỷ niệm từ những chuyến hàng xa, từ những con hẻm cụt cho tới cả việc... né công an, trong đó chuyến đi nhớ đời nhất là chở chiếc bàn dài 2m từ TP.HCM lên tới Bù Đốp (Bình Phước). Ông Lợi kể: “Nghĩ đến số tiền 400.000 đồng mà khách hàng đưa ra, tui gật đầu cái rụp. Gật đầu xong mới biết gian nan vì cái bàn quá dài và cồng kềnh nên phải trốn công an, thay vì đi đường chính thì phải lủi hết từ hẻm này qua đường khác. Nhưng đến đoạn không còn đường nào để trốn, chẳng biết làm sao nữa tui đành phải xuống xe dắt bộ tới công an “thú tội” một cách thật lòng. May mà anh công an thương tình, sau khi kiểm tra giấy tờ xong cũng xí xóa cho đi vì trót đi được hơn nửa đường rồi”. Làm nghề gì cũng có cái khó, cái hay và những niềm vui riêng. Đó là những chuyến giao hàng thành công, đó là nụ cười và một lời cảm ơn chân thành của khách hàng và sự tin tưởng của các cửa hàng. Với người giao hàng, niềm vui đơn giản chỉ có thế. Năm nhân viên cho cả trăm đơn hàng Anh Liêm Trúc Lâm, quản lý bán hàng của siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết từ khi thành lập năm 2001 đến nay, siêu thị đã triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách hàng. Trong những năm gần đây, dịch vụ này phát triển mạnh do nhu cầu ngày một nhiều hơn với hầu hết mặt hàng. Mỗi ngày từ 9g sáng, anh trưởng nhóm Thái Liên Trung tập hợp bốn anh em còn lại trước cửa siêu thị để bắt đầu một ngày làm việc. Người có thâm niên ít nhất là hai năm, lâu nhất là năm năm. “Trung bình mỗi ngày mỗi người bọn tui có từ 10-20 chuyến giao hàng, ngày cao điểm có thể lên tới 30 chuyến” - anh Trung nhẩm tính. Cả siêu thị chỉ có năm nhân viên giao hàng, nhưng mỗi ngày có hơn trăm đơn hàng nên họ phải liên tục chuyển hàng gần như không có thời gian ngưng nghỉ. Tags: Sài GònGiao hàngPhản ứng nhanhXế thồ di động
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.