Giải mã hiện tượng Uzbekistan

HUY ĐĂNG 21/04/2025 09:29 GMT+7

TTCT - Ở vùng Trung Á, Uzbekistan đang nổi lên như một cường quốc thể thao mới, với một chương trình quốc gia về thể thao gây nhiều tranh cãi.

Quốc gia của những tay đấm, của những đô vật, của sức mạnh và hình thể…, giờ đây sắp lập được kỳ công ở cả bóng đá, với tấm vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử đã rất gần.

Bùng nổ mọi lĩnh vực

Nếu không có bất ngờ chấn động, Uzbekistan sẽ giành vé dự World Cup 2026, kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử của họ. Tại bảng A, đội tuyển Trung Á đã có 17 điểm, chỉ kém đội đầu bảng Iran 3 điểm, hơn đội hạng 3 là UAE đến 4 điểm, khi chỉ còn lại 2 vòng đấu.

World Cup 2026 - Ảnh 1.

Ở môi trường bóng đá khắc nghiệt của Anh, Khusanov chẳng có vẻ gì là thua sút. Ảnh: REUTERS

Giành vé dự World Cup thật ra không phải là chiến tích quá bất ngờ với bóng đá Uzbekistan lúc này. Họ được truyền thông đánh giá là nền bóng đá châu Á phát triển nhanh nhất trong một thập niên trở lại đây, với nền tảng là bóng đá trẻ hừng hực.

Ở cấp độ U23, Uzbekistan là thế lực hàng đầu châu Á. Năm 2018, họ đánh bại Việt Nam ở chung kết để lần đầu vô địch một danh hiệu tầm cỡ châu lục. Trong 3 giải đấu tiếp theo đó, Uzbekistan giữ vị trí á quân đến 2 lần. Còn ở cấp độ U20, Uzbekistan đã vô địch châu Á năm 2023.

Một thước đo khác là giá trị của các ngôi sao. Chỉ trong khoảng 5 năm gần đây, Uzbekistan gia nhập hàng ngũ Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran trong việc sản sinh các ngôi sao chơi bóng ở châu Âu.

Shomurodov, tiền đạo hiện đang khoác áo AS Roma, là cái tên đầu tiên trong thế hệ vàng của bóng đá Uzbekistan. Năm 2015, anh rực sáng ở World Cup U20, trước khi chuyển sang Nga chơi bóng, rồi lần lượt gia nhập các CLB ở Serie A. 

Tiếp sau anh là những Urunov, Ashurmatov, Aliqulov, thế hệ đăng quang ở U23 châu Á năm 2018. Nhưng chính thế hệ mới nhất mới khiến thế giới thực sự nhìn Uzbekistan bằng con mắt khác, thế hệ của những Khusanov và Fayzullaev.

3 tháng trước, Man City chi ra 40 triệu euro để mua đứt Khusanov từ CLB Lens của Pháp. Đó không hề là một bản hợp đồng thương mại, HLV Pep Guardiola thậm chí cho anh đá chính chỉ 3 ngày sau khi đến đội, trong trận gặp Chelsea ở Premier League. 

Chiếm được một suất đá chính tại Man City, Khusanov nghiễm nhiên được xếp ngang với Kim Min Jae hay Hiroki Ito, những trung vệ xuất sắc nhất Hàn Quốc và Nhật Bản, đang khoác áo các đội bóng hàng đầu châu Âu.

Nhưng không chỉ có bóng đá, thể thao Uzbekistan đang bùng nổ toàn diện. Khi tham dự kỳ Olympic đầu tiên kể từ khi tách khỏi Liên Xô, Atlanta 1996, Uzbekistan không giành nổi tấm HCV nào. 

Đến tận London 2012, họ vẫn chỉ là một nền thể thao làng nhàng, không có VĐV ở đẳng cấp thế giới trong hầu hết các môn, trước khi bứt phá từ Rio de Janeiro 2016. Để rồi đến Paris 2024, Uzbekistan vươn lên hạng 13 thế giới với 8 HCV, xếp trên nhiều nền thể thao hùng mạnh.

Với một quốc gia 37 triệu dân, xếp hạng 43 thế giới, và GDP chỉ vào khoảng hạng 64 thế giới, có thể cạnh tranh top 10 thế giới ở thể thao quả là kỳ tích. Người Uzbekistan nổi tiếng với hình thể to khỏe, có thế mạnh rõ rệt ở các môn võ. Trong 8 HCV họ giành được ở Olympic 2024, 5 HCV là ở boxing, và 3 HCV còn lại đến từ judo, taekwondo và vật.

Nhưng từ chỗ to khỏe đến tấm HCV Olympic là một hành trình không hề đơn giản.

Giải mã hiện tượng Uzbekistan - Ảnh 2.

Võ sĩ quyền anh Abdumalik Khalokov của Uzbekistan ăn mừng sau khi giành HCV Olympic London 2024. Ảnh: Reuters

Chương trình gây tranh cãi

Sau khi Liên Xô tan rã, những nền thể thao như Uzbekistan không được đánh giá cao về đào tạo VĐV. Họ từng được xem là mảnh đất vàng chuyên sản sinh VĐV theo đuổi những môn thể thao trọng hình thể. Nhưng khi không còn được hậu thuẫn bởi các phòng nghiên cứu Liên Xô, người Uzbek dù nổi tiếng dũng mãnh vẫn đành chịu trận khi bước ra đấu trường Olympic.

Chiến dịch "truy tìm gene tốt" được phát động vào năm 2013 của Uzbekistan là bước ngoặt. Rustam Mukhamedov, nhà khoa học tại Viện Hóa học hữu cơ sinh học Uzbekistan, đã nghiên cứu gene các VĐV vô địch Uzbekistan trong hai năm. Kết quả, nhóm của ông gần như xác định được một bộ 50 gene dự đoán ai sẽ trở thành VĐV Olympic tương lai. 

Từ đó, ngành thể thao Uzbekistan xét nghiệm ADN của trẻ em từ 10 tuổi mang những đặc điểm của các bộ gene này, rồi đưa ra lời khuyên cho phụ huynh về môn thể thao phù hợp với con em họ.

Cách làm này dễ hiểu lập tức gây ra tranh luận dữ dội, và không phải ngẫu nhiên mà Uzbekistan là quốc gia đầu tiên sử dụng phương pháp này. Mãi đến năm 2018, Trung Quốc mới là quốc gia tiếp theo làm điều tương tự vì mục đích sản sinh những nhà vô địch Olympic. 

Về mức độ hiệu quả của chương trình, không có thông tin chính thức nào từ phía Chính phủ Uzbekistan và những phòng nghiên cứu của họ. Nhưng Timothy Caulfield, giáo sư y khoa Đại học Alberta (Canada), cho rằng có thể đây là một "đòn tâm lý".

"Có một phương pháp trong huấn luyện gọi là giả dược, tức giống như cho bệnh nhân uống thuốc không có giá trị dược lý, nhưng tạo hiệu ứng tinh thần, niềm tin cho bệnh nhân rằng thuốc này hiệu quả. Từ đó họ sẽ tích cực hơn", ông Caufield nói. 

Theo đó, phương pháp sàng lọc gene của Uzbekistan cũng vậy, nó không thực sự hiệu quả, nhưng lại tạo ra hiệu ứng niềm tin cho các phụ huynh rằng con cái họ thực sự là "ưu tú", để rồi ra sức đầu tư.

Đó cũng chỉ là một giả thuyết. Nhìn chung, khoa học ngày nay nói chung chưa có kết luận cuối cùng về chuyện "gene ưu tú" có tính tổng quát trong thể thao (và đề tài này cũng hết sức nhạy cảm về mặt chính trị). 

Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ xác định được các gene có thể giúp quá trình tập luyện và phục hồi chấn thương hiệu quả hơn. Ví dụ, đột biến gene COL1A1, hỗ trợ sản xuất collagen, dường như làm giảm nguy cơ đứt dây chằng chéo trước ở VĐV. 

Gen ACTN3 thì được xác định khá chắc chắn là ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện thể thao và thường xuất hiện ở các VĐV cấp độ Olympic những nội dung đòi hỏi nhiều sức mạnh, như chạy nước rút.

Hơn 10 năm sau khi Uzbekistan áp dụng công nghệ sàng lọc gene cho thể thao, họ không công bố kết quả cụ thể. Nhưng kết quả thực tế thì khá rõ ràng. Quá nửa những nhà vô địch Olympic của nước này nằm trong độ tuổi 23-26, tức phù hợp với đối tượng nghiên cứu của ông Mukhamedov từ năm 2013 (trẻ em trên 10 tuổi). ■

Các nước Tây phương tuy không có chủ trương sàng lọc gene từ phía chính phủ, nhưng lại tạo điều kiện cho các công ty khai thác nguồn lợi nhuận khổng lồ của lĩnh vực này. Chỉ riêng tại Mỹ, có ít nhất 5 công ty bán xét nghiệm di truyền về hiệu suất thể thao trực tiếp cho người tiêu dùng.

Nhiều công ty đã hợp tác với các đội thể thao chuyên nghiệp, như một cách để chứng thực về hiệu quả. Ví dụ, công ty xét nghiệm ADN Orig3n có các xét nghiệm ADN về hiệu suất tại các sự kiện thể thao chuyên nghiệp, thông qua quan hệ đối tác với các đội thể thao lớn như đội bóng bầu dục San Francisco 49ers.

Hiệp hội Bóng đá Ai Cập thì thuê công ty xét nghiệm DNAFit để giúp cải thiện hiệu suất cầu thủ. Tương tự, các cầu thủ bóng đá Barcelona xét nghiệm ADN để xác định cầu thủ nào có khả năng bị thương cao và thiết kế chương trình tập luyện phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận